Sau thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cách mạng Việt Nam bước vào một thời kỳ mới - thời kỳ cả nước độc lập, tự do, thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Tháng 8/1975, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III ban hành Nghị quyết “về nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới”. Cụ thể hóa nghị quyết của Trung ương Đảng, ngày 28/9/1975, Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về việc bỏ đơn vị hành chính cấp khu, hợp nhất một số tỉnh.
Theo đó, tỉnh Nam Hà hợp nhất với tỉnh Ninh Bình thành tỉnh Hà Nam Ninh. Ngày 3/1/1976, Bộ Chính trị ra chỉ thị về lãnh đạo cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung trong cả nước. Thực hiện nhiệm vụ chung của cách mạng nước ta trong thời kỳ mới, Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh khẩn trương nhanh chóng ổn định tổ chức và tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; xây dựng Đảng, củng cố chính quyền và các đoàn thể. Tháng 1/1976 và tháng 4/1977, Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ nhất (vòng I, vòng 2) đã xác định những nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu trong giai đoạn 1977-1980, qua đây tạo tiền đề quan trọng để sau đó đảng bộ, nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm (1981-1985) với những nhiệm vụ trọng tâm: phát triển kinh tế-xã hội, từng bước chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế, chuyển dần sang cơ chế mới; tăng cường công tác an ninh quốc phòng; đẩy mạnh xây dựng Đảng, củng cố chính quyền và các đoàn thể.
Tháng 12/1986, Đại hội Đảng VI đã chính thức xác định đường lối đổi mới toàn diện đất nước với những nội dung hết sức quan trọng về: đổi mới tư duy, đổi mới tổ chức-cán bộ, đổi mới phương pháp và phong cách lãnh đạo; đồng thời đề ra ba chương trình kinh tế lớn (Lương thực-thực phẩm; hàng tiêu dùng; hàng xuất khẩu); kiên quyết xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, xây dựng cơ chế quản lý mới... Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn này, đó là: đổi mới phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh; đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị.
Tiếp đó, giai đoạn 1991 - 1996, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong toàn tỉnh tập trung lãnh đạo xây dựng, củng cố hệ thống chính trị sau khi tái lập tỉnh Nam Hà, tiếp tục sự nghiệp đổi mới của Đảng; lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh nhân dân, giữ vững ổn định chính trị.
Ngày 6/11/1996, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX ban hành nghị quyết chia tách tỉnh Nam Hà thành hai tỉnh Hà Nam, Nam Định. Ngày 22/11/1996, Tỉnh ủy Nam Hà đã họp ban hành nghị quyết về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chia tách địa giới hành chính Hà Nam, Nam Định. Ngày 1/1/1997, các cơ quan tỉnh Hà Nam bắt đầu hoạt động theo đơn vị hành chính mới, Đảng bộ Hà Nam chính thức tái lập đã nhanh chóng ổn định tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm đầu sau khi tái lập; đồng thời tiếp tục tập trung lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Từ ngày tái lập tỉnh 1997 đến nay, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp thuộc Đảng bộ Hà Nam đã tập trung lãnh đạo đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tạo thế và lực mới trên con đường hội nhập và phát triển, trong đó thường xuyên coi trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc; tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị... đạt được những kết quả to lớn, rất quan trọng và toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Từ một tỉnh nghèo, kinh tế thuần nông, Hà Nam vươn lên trở thành một tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá và duy trì nhiều năm liên tục; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ; giảm dần tỷ trọng nông, lâm, thủy sản, đưa Hà Nam bước vào thời kỳ đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập, phát triển với chính sách an sinh xã hội cũng như đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.
Nhìn lại chặng đường hơn chín thập kỷ đã qua càng thấy rõ sự lớn mạnh vượt bậc của các tổ chức đảng ở Đảng bộ tỉnh Hà Nam. Từ chỗ chỉ có hơn 30 đảng viên, 9 chi bộ vào thời điểm thành lập Ban Tỉnh ủy lâm thời Hà Nam (9/1930), đến nay Đảng bộ tỉnh Hà Nam đã có trên 52 nghìn đảng viên, 531 tổ chức cơ sở đảng. Kết thúc năm 2024, trước thềm kỷ niệm 95 năm Thành lập Đảng, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, song Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh. Hoạt động của chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới, dân chủ được mở rộng, khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường. Cấp ủy các cấp đang tập trung chỉ đạo thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Kinh tế-xã hội duy trì ổn định, có bước phát triển. 16/16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; tổng sản phẩm GRDP tăng 10,93% (xếp thứ 2 vùng đồng bằng sông Hồng, thứ 5 toàn quốc). Hoạt động xuất khẩu, du lịch và các ngành thương mại, dịch vụ… đạt kết quả cao. Công tác thu hút đầu tư được quan tâm với việc tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước. Văn hóa-xã hội có nhiều hoạt động sôi nổi. Hà Nam tiếp tục giành “Giải thưởng thành tựu đặc biệt năm 2024", được vinh danh “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu Châu Á” năm 2024. Giáo dục - đào tạo duy trì thành tích cao. Chính sách bảo đảm an sinh xã hội được triển khai kịp thời, thiết thực, đúng đối tượng. Các nhiệm vụ Đề án 06 của Chính phủ được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, đời sống nhân dân ổn định.
Hướng tới kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, nhìn lại những nỗ lực, cố gắng và những thành quả đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Nam càng thêm tin tưởng, tự hào, thêm quyết tâm tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, phát huy tinh thần cách mạng và truyền thống quý báu, nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi nghị quyết đại hội đảng các cấp, đưa Hà Nam trở thành tỉnh phát triển nhanh, bền vững, góp phần xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng.
(Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Nam 1927-1975)
.