Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025): Bản lĩnh, trí tuệ, đưa dân tộc vào kỷ nguyên mơíBài 4: Đảng bộ Thủ đô - những dấu ấn tự hào

Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025): Bản lĩnh, trí tuệ, đưa dân tộc vào kỷ nguyên mơíBài 4: Đảng bộ Thủ đô - những dấu ấn tự hào
5 giờ trướcBài gốc
1. Không lâu sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 17-3-1930, tại nhà số 42 phố Hàng Thiếc, Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ Hà Nội được thành lập, gồm 3 đồng chí: Đỗ Ngọc Du (Bí thư), Nguyễn Ngọc Vũ và Lều Thọ Nam. Sự kiện này đánh dấu thời kỳ đấu tranh mới ở Hà Nội và khu vực Bắc kỳ khi tổ chức của Đảng ngày càng mở rộng và phong trào cách mạng được lãnh đạo bởi đội quân tiên phong của giai cấp công nhân.
Ngay trong 15 năm đầu tiên kể từ khi ra đời, mặc dù tổ chức còn non trẻ, liên tiếp bị đàn áp, nhưng Đảng bộ Hà Nội đã cho thấy tinh thần và bản lĩnh cách mạng kiên cường. Mỗi khi tổ chức bị phá, thì không lâu sau lại được lập lại. Đồng chí này ngã xuống hay bị bắt, thì đồng chí khác lên thay thế. Đảng bộ Hà Nội đã đi từng bước vững chắc, ngày càng lớn mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại. Trong giai đoạn này, Đảng bộ Hà Nội đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống lại sự áp bức của thực dân Pháp; khơi dậy ý thức cách mạng, đấu tranh đòi dân chủ và quyền lợi của người lao động; lên kế hoạch và tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tạo bước ngoặt lịch sử mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc.
Đảng bộ thành phố Hà Nội nỗ lực phấn đấu để đạt được những thành tựu trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước. Ảnh: Nguyễn Quang
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), Hà Nội tiếp tục là ngọn cờ đầu của cách mạng. Với tinh thần "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh", quân dân Hà Nội đã biến mỗi góc phố, ngôi nhà thành chiến lũy giam chân địch 60 ngày, đêm. Tinh thần ấy đã được quân dân cả nước tái hiện, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Gần 9 năm sau ngày nổ phát súng đầu tiên mở màn cuộc kháng chiến, Hà Nội rực rỡ cờ hoa đón đoàn quân chiến thắng trở về ngày 10-10-1954.
Thời kỳ chống đế quốc Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, quân dân Thủ đô vừa tập trung xây dựng xã hội chủ nghĩa, chống chiến tranh phá hoại, vừa chi viện cho miền Nam, bảo đảm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Hà Nội còn là cái nôi của nhiều phong trào thi đua yêu nước vang danh lịch sử như “Ba đảm đang”, “Ba sẵn sàng”, “Chiếc gậy Trường Sơn”... Đặc biệt, Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" mùa Đông năm 1972 của quân dân Hà Nội và miền Bắc là tiền đề quan trọng của Đại thắng mùa Xuân 30-4-1975; là minh chứng cho thấy năng lực lãnh đạo xuất sắc của Đảng bộ Hà Nội, luôn chủ động, linh hoạt và hiệu quả trong mỗi hoàn cảnh.
2. Vai trò cũng như năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ Thủ đô càng được minh chứng rõ nét với những thành tựu sau 50 năm đất nước thống nhất hay gần 40 năm đất nước đổi mới. Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học của cả nước, Hà Nội đã hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước với tinh thần không ngừng tìm tòi, sáng kiến, sáng tạo.
Hà Nội là địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thu hút đầu tư và cải cách hành chính. Các khu công nghiệp, khu công nghệ cao và các khu đô thị hiện đại đã hình thành, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đặc biệt, thành phố đã thành công trong việc xây dựng môi trường đầu tư thân thiện, thu hút nhiều nguồn vốn FDI, phát triển mạnh mẽ ngành dịch vụ, thương mại và du lịch, biến Hà Nội trở thành trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Thu ngân sách nhà nước của thành phố năm 2024 đạt hơn 509.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa - nguồn thu phản ánh “sức mạnh” của nền kinh tế - đứng đầu cả nước. Quy mô nền kinh tế Hà Nội năm 2024 đạt gần 59 tỷ USD, hơn 100 lần năm 1986 khi bắt đầu đổi mới.
Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã cố gắng rất lớn trong việc quy hoạch và phát triển đô thị ngày càng khang trang, hiện đại. Hệ thống hạ tầng ngày càng hoàn thiện, đáp ứng “chuẩn quốc gia” về giáo dục, y tế, văn hóa. Hạ tầng giao thông có bước tiến mạnh mẽ, từ chỗ chỉ có 2-3 cây cầu vượt sông Hồng, đến nay Hà Nội có 8 cầu vượt sông Hồng. Các tuyến đường Vành đai 1, 2, 3 dần khép kín; Vành đai 4 dự kiến hoàn thành đường song hành trong năm 2025. Hà Nội cũng đang có chủ trương đầu tư tiếp đường Vành đai 5 trong nhiệm kỳ tới; triển khai thủ tục để sớm đầu tư thêm một số cây cầu lớn vượt sông Hồng như: Hồng Hà, Mễ Sở, Vân Phúc, Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi... Là trung tâm văn hóa của cả nước, Hà Nội còn đi đầu trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Hiện nay, Hà Nội còn tiên phong phát triển công nghiệp văn hóa, tạo ra động lực phát triển mới cho nền kinh tế.
Một trong những đóng góp lớn nhất của Hà Nội trong thời kỳ đổi mới là luôn đi đầu về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và duy trì một môi trường bình yên, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đây là cơ sở, là hành trang quan trọng bậc nhất để Hà Nội tự tin hướng tới tương lai.
3. Khi mới thành lập, số đảng viên của Đảng bộ Hà Nội chỉ rất ít nhưng đến nay, tổng số đảng viên đã đạt hơn 480.000 đồng chí. Trải qua 17 kỳ đại hội, Hà Nội là đảng bộ có truyền thống đoàn kết, trong sạch, vững mạnh; là ngọn cờ đầu trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tiên phong trong đổi mới phương thức lãnh đạo, nhất là đổi mới ban hành nghị quyết, chỉ thị, đề án, kế hoạch... Mỗi văn bản trước khi ban hành đều được nghiên cứu kỹ vừa chặt chẽ về lý luận, vừa phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi. Nhờ đó, Hà Nội không chỉ gương mẫu, đi đầu trong thực hiện, mà còn thường xuyên là hình mẫu trong triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đơn cử như từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Thành ủy Hà Nội đã gương mẫu, đi đầu trong đổi mới công tác đánh giá cán bộ; đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị; thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chuyển đổi số; phân cấp, ủy quyền... Hà Nội còn là cấp ủy cấp tỉnh đầu tiên ban hành Nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa - một nội dung mới và khó...
Năm 2024, cùng với thực hiện tốt chủ đề “Kỷ cương - Trách nhiệm - Hành động - Sáng tạo - Phát triển”, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã đổi mới mạnh mẽ tư duy, phong cách, phương thức lãnh đạo, tiếp tục là đơn vị gương mẫu đi đầu quán triệt triển khai, thực hiện các chủ trương lớn của Trung ương; đã tổ chức 4 đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, nổi bật là chuyên đề “Nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền tư tưởng chỉ đạo, định hướng lớn của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” trong toàn Đảng bộ, tới từng chi bộ, tới từng đảng viên. Thành phố chủ động đi đầu thực hiện tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, xây dựng phương án và triển khai đổi mới sắp xếp bộ máy theo hướng “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”.
Các cấp ủy tổ chức Đảng thành phố đã chuẩn bị một bước quan trọng công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2025-2030. Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã cho ý kiến về Dự thảo lần 1 Báo cáo chính trị, sớm hơn kế hoạch 3 tháng; đang tiến hành bổ sung, hoàn thiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phù hợp với chỉ đạo của Trung ương và Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nhìn lại 95 năm lịch sử của Đảng bộ thành phố Hà Nội, 40 năm đổi mới hay từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn luôn thấy một sự đồng nhất về những giá trị cốt lõi đã làm nên Đảng bộ Thủ đô. Đó là Đảng bộ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không những là chỗ dựa tin cậy của Trung ương, mà còn là nơi đồng chí, đồng bào cả nước gửi gắm niềm tin yêu và hy vọng. Đây cũng chính là nguồn động lực, là sứ mệnh và trách nhiệm đặt ra cho Đảng bộ thành phố Hà Nội tiếp tục nỗ lực phấn đấu để giành được những thành tích vẻ vang hơn nữa trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.
(Còn nữa)
Minh Nguyệt
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/ky-niem-95-nam-ngay-thanh-lap-dang-cong-san-viet-nam-3-2-1930-3-2-2025-ban-linh-tri-tue-dua-dan-toc-vao-ky-nguyen-moi-bai-4-dang-bo-thu-do-nhung-dau-an-tu-hao-690840.html