KỶ NIỆM 95 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930 - 3/2/2025): Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lớn mạnh cùng đất nước

KỶ NIỆM 95 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930 - 3/2/2025): Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lớn mạnh cùng đất nước
4 giờ trướcBài gốc
Thế hệ trẻ là tương lai của đất nước. Ảnh: Chính Thành
NHỮNG DẤU MỐC LỊCH SỬ
Tháng 4/1930, tại buồng số 2, trên gác nhà để xe khách sạn Palace (Đà Lạt), Chi bộ Tân Việt ở Đà Lạt giải thể và thành lập Chi bộ Cộng sản với 3 đảng viên, do đồng chí Trần Diệm làm Bí thư. Đó là chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng. Đến cuối năm 1930, chi bộ kết nạp thêm 5 đảng viên mới và được cấp trên tăng cường thêm 3 đảng viên để chia thành 2 chi bộ: Chi bộ Palace có 5 đảng viên, Chi bộ Cầu Quẹo có 6 đảng viên.
Trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936 - 1939), phong trào đấu tranh ở Lâm Viên, Đồng Nai Thượng diễn ra sôi nổi. Đến cuối tháng 10/1939, thực dân Pháp mở các cuộc đàn áp phong trào, ráo riết truy lùng, bắt giam các cựu chính trị phạm, một số đảng viên bị bắt, Chi bộ Cộng sản ở Đà Lạt tan rã, phong trào cách mạng gặp nhiều khó khăn.
Năm 1943, một số đảng viên từ Nghệ - Tĩnh, Thanh Hóa đến Đà Lạt sinh sống đã bí mật liên lạc với nhau và thành lập chi bộ gồm bốn đảng viên. Tháng 4/1945, chính trị phạm ở nhà lao Buôn Ma Thuột đấu tranh thắng lợi, tổ chức Đảng ở nhà lao phân công đảng viên về Đà Lạt xây dựng cơ sở, chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa.
Đêm ngày 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra mệnh lệnh khởi nghĩa trong cả nước. Từ ngày 22 đến 28/8/1945, Nhân dân các dân tộc hai tỉnh Lâm Viên, Đồng Nai Thượng đã khởi nghĩa thắng lợi, thành lập chính quyền cách mạng từ tỉnh đến cơ sở. Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời và Ủy ban Việt Minh hai tỉnh đã tuyên bố những quyền lợi thiết thực mà giai cấp công nhân và Nhân dân lao động hằng mong ước.
Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc kháng chiến, tháng 4/1949, Ban cán sự Đảng tỉnh Lâm Viên và Ban cán sự Đảng tỉnh Đồng Nai Thượng được thành lập. Tháng 10/1950, hai tỉnh được sáp nhập thành tỉnh Lâm Đồng. Ban cán sự Đảng tỉnh Lâm Đồng đã lãnh đạo Nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp, cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, đi đến ký kết Hiệp định Giơnevơ (7/1954), chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp ở nước ta.
Tháng 8/1961, Khu ủy 6 quyết định thành lập Tỉnh ủy của hai tỉnh Lâm Đồng (cũ) và Tuyên Đức. Đảng bộ hai tỉnh Lâm Đồng, Tuyên Đức tạo ra sức mạnh tổng hợp, đánh bại các chiến lược chiến tranh tàn bạo của đế quốc Mỹ, giải phóng tỉnh Lâm Đồng (4/1975), góp phần cùng quân dân cả nước giành chiến thắng mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc 30 năm chiến tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Tháng 1/1976, hai tỉnh Tuyên Đức và Lâm Đồng (cũ) cùng với TP Đà Lạt được sáp nhập thành tỉnh Lâm Đồng. Tháng 2/1976, Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Lâm Đồng đã kịp thời đề ra chủ trương và những công tác cấp bách trước mắt là: tiếp tục truy quét địch, thiết lập trật tự an ninh; khôi phục kinh tế, ổn định đời sống Nhân dân; đẩy mạnh xây dựng lực lượng chính trị, vũ trang; tăng cường lãnh đạo các cấp, các ngành trong tình hình mới.
Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng là một trong những Đảng bộ có tổ chức Đảng ra đời sớm, trải qua nhiều thử thách, tích lũy được nhiều kinh nghiệm lãnh đạo trong đấu tranh cách mạng. Đây là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để Lâm Đồng vượt qua khó khăn, giành nhiều thắng lợi trong chặng đường cách mạng tiếp theo.
10 năm đầu sau giải phóng (1975 - 1985), thực hiện các nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I và lần thứ II, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, cơ bản giải quyết xong hoạt động ngoài rừng của lực lượng FULRO (1987), Từ đó, khối đoàn kết dân tộc càng được tăng cường, củng cố niềm tin của các tầng lớp Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia xây dựng và phát triển đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội.
Từ ánh sáng cũng như tinh thần đổi mới từ Đại hội VI của Đảng, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đã tìm ra bài toán đổi mới, từng bước đưa tỉnh nhà vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Đây là đại hội đánh dấu sự lãnh đạo của Đảng bộ triển khai thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.
Từ năm 1986 đến nay, Đảng bộ Lâm Đồng đã tiến hành 7 kỳ đại hội. Vận dụng đúng đắn nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Đảng bộ tỉnh đã đề ra các chủ trương, biện pháp đúng đắn, phù hợp và có sáng tạo nhằm khơi dậy và phát huy sức mạnh nội lực, tranh thủ nguồn lực bên ngoài, khai thác có hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của địa phương, đưa Lâm Đồng từng bước phát triển.
50 năm sau ngày giải phóng, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đã lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng, với ý chí tự lập, tự cường, từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh, vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững trật tự xã hội. Đặc biệt sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Lâm Đồng từ một tỉnh miền núi nghèo nàn, lạc hậu đã vươn lên mạnh mẽ, phát triển khá toàn diện, đang trở thành động lực, cực tăng trưởng của cả vùng Tây Nguyên. Đây chính là thời cơ, vận hội chưa từng có của Lâm Đồng khi bước vào chặng đường mới.
BƯỚC VÀO KỶ NGUYÊN MỚI - KỶ NGUYÊN VƯƠN MÌNH
Năm 2025, khi Đảng tròn 95 tuổi cũng là thời điểm tiến hành đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV - dấu mốc khởi điểm lịch sử mới: Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam sau 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới.
Theo đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí Thư Tỉnh ủy: Với phương châm “Nhanh nhạy, năng động; đổi mới, đột phá; tăng tốc, phát triển” và khát vọng vươn lên mạnh mẽ, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng cần đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo, quyết tâm phát huy tinh thần tiến công cách mạng, quyết liệt hành động để phấn đấu hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra và để cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ngoài việc nhìn nhận rõ và nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức đặt ra từ tình hình thế giới, khu vực và sự phát triển của nền kinh tế trong nước, tỉnh Lâm Đồng cần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng những hạn chế, bất cập nội tại của tỉnh vừa qua. Bởi đó là nguyên nhân dẫn đến những thiệt hại, cản trở nặng nề sự phát triển của Lâm Đồng, từ đó nỗ lực nhiều hơn nữa để tự tin, quyết liệt vượt qua thách thức.
Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng cần tập trung: đổi mới cách thức lãnh đạo của Đảng; không buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng, không làm thay công việc của chính quyền. Tập trung làm tốt công tác cán bộ. Đổi mới đột phá về kinh tế - xã hội, về hạ tầng giao thông, nhất là đưa những dự án lớn, trọng điểm như cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, Đà Lạt - Nha Trang vào xây dựng và hoàn thành kịp thời. Triển khai các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Thăm, làm việc, chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Lâm Đồng dịp xuân Ất Tỵ 2025, đồng chí Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng đã nêu rõ những nhiệm vụ cụ thể mà tỉnh Lâm Đồng cần tập trung thực hiện. Đó là cần tập trung chuẩn bị thật tốt cho đại hội Đảng bộ các cấp; khẩn trương kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy; phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đặt ra.
Riêng đối với việc chuẩn bị cho đại hội Đảng bộ các cấp hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đang tập trung thực hiện hai nhiệm vụ trọng tâm gồm việc xây dựng văn kiện và việc chuẩn bị nhân sự cho đại hội.
Văn kiện được xem là ngọn đuốc soi đường dẫn dắt toàn Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Lâm Đồng bước vào kỷ nguyên mới với những định hướng phát triển không chỉ 5 năm mà dài hơn nữa. Bởi vậy văn kiện phải kết tinh trình độ lý luận, tầm cao trí tuệ của toàn Đảng bộ, niềm tin khát vọng của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, gắn bó chặt chẽ với xu thế vận động của thời đại và thực tiễn đất nước. Để đảm bảo chất lượng văn kiện, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thái Học đã yêu cầu tổ biên tập tập trung cao độ, bảo đảm chất lượng và tiến độ thực hiện, đồng thời phải tranh thủ được nhiều ý kiến trong Đảng, trong dân để hình thành sản phẩm mang tính trí tuệ, ưu việt được Nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Nếu văn kiện là ngọn đuốc soi đường cho đại hội thì việc lựa chọn cán bộ chính là chọn người cầm ngọn đuốc để dẫn đường. Các nhiệm vụ xác định trong văn kiện thực hiện thành công hay không chính ở việc chọn đúng người cầm đuốc. Bởi vậy, đối với nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này, người đứng đầu Tỉnh ủy nhấn mạnh: Phải lựa chọn được những cán bộ tốt, ưu tú để giới thiệu bầu vào cấp ủy. Người được bầu vào cương vị lãnh đạo phải có đủ khả năng, năng lực tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ. Những mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra thực hiện thành hay bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Bởi vậy, phải chọn đúng người, giao đúng việc. Cán bộ tốt, có năng lực phải được sử dụng, ngược lại, cán bộ không có năng lực cần phải đào thải.
Năm 2025, thời cơ, vận hội mới đang mở ra cho Lâm Đồng. Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng cần thực hiện các nhiệm vụ để đảm bảo: trong Đảng đoàn kết, quyết tâm, bứt phá vươn lên; trong dân đồng tình, ủng hộ để cùng với Đảng thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra. Để năm 2025, Lâm Đồng mạnh mẽ vươn lên cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
NGỌC NGÀ
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/chinh-tri/202502/ky-niem-95-nam-ngay-thanh-lap-dang-cong-san-viet-nam-321930-322025-dang-bo-tinh-lam-dong-lon-manh-cung-dat-nuoc-8e103fe/