Đáng lưu ý, với vai trò dẫn dắt của một đô thị đặc biệt, Thủ đô của cả nước, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Thành ủy Hà Nội đã ban hành và nỗ lực triển khai thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17-3-2021 về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025”. Nhờ đó, lợi thế đô thị đang được tập trung khai thác tối đa, tạo nhiều chuyển biến trong phát triển kinh tế đô thị.
Du khách mua sắm tại không gian đi bộ - văn hóa khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Nguyễn Quang
Những chuyển dịch tích cực
Triển khai Chương trình số 03-CTr/TU, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU) Mạc Đình Minh cho biết, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Đề án phát triển kinh tế đô thị thành phố Hà Nội từ năm 2023. Trên cơ sở đánh giá thực trạng phát triển kinh tế đô thị Hà Nội giai đoạn 2016-2020, Đề án xác định các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế đô thị thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây được coi là “xương sống” cho việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế đô thị Thủ đô theo hướng nhanh, hiệu quả, bền vững; đưa Hà Nội đến năm 2030 trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Trong đó, thực hiện chỉ tiêu “Phát triển, mở rộng 3-5 khu vực thành không gian, tuyến phố đi bộ” theo Chương trình số 03-CTr/TU, đến nay, thành phố đã hoàn thành các không gian, tuyến phố đi bộ tại Khu đô thị Nam đường Vành đai 3 - Bitexco; không gian đi bộ xung quanh Thành cổ Sơn Tây; không gian đi bộ - văn hóa khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận, vườn hoa, đường dạo quanh hồ Thiền Quang...
Về phát triển khu phố ẩm thực đêm, ngày 18-1, quận Đống Đa khai trương tuyến phố ẩm thực Nguyễn Văn Tuyết. Đây là tuyến phố ẩm thực thứ 3 của Thủ đô Hà Nội (bên cạnh phố Tống Duy Tân, quận Hoàn Kiếm và Đảo Ngọc - Ngũ Xã, quận Ba Đình), cũng là tuyến phố ẩm thực đầu tiên của quận Đống Đa áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Triển khai phát triển kinh tế đêm, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Khoa học và Công nghệ đang hoàn thiện Đề án “Phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Ở góc độ địa phương, Hoàn Kiếm là một trong những quận đi đầu với Đề án "Phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm". Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long khẳng định, kinh tế đêm đã và đang mang lại nguồn thu lớn, góp phần nâng cao đời sống người dân trên địa bàn, cũng như nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Bên cạnh đó, thành phố cũng xác định tiếp tục phát triển hiệu quả, đồng bộ thị trường bất động sản là một giải pháp nhằm mang lại hiệu quả kinh tế đô thị. Theo đó, lũy kế từ năm 2021 đến hết 9 tháng của năm 2024, Sở Xây dựng Hà Nội đã xác nhận đủ điều kiện để bán nhà ở hình thành trong tương lai cho 77 dự án, cung cấp cho thị trường 39.332 sản phẩm, tương đương 4.444.693m2 sàn nhà ở. Các phòng, ban chức năng đồng thời thực hiện rà soát, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Sở danh sách các sàn giao dịch bất động sản theo quy định. Sở cũng đã kiểm tra và có văn bản xác nhận về nhà ở tại các dự án đủ điều kiện để đưa vào kinh doanh, đăng tải công khai trên website giúp người dân biết.
Ngoài ra, nhằm tiếp tục triển khai Đề án quản lý và phát triển hoạt động logistics trên địa bàn thành phố đến năm 2025, các đơn vị tiếp tục quản lý, phát huy hiệu quả của 2 trung tâm logistics đang hoạt động là Hateco (Khu công nghiệp Sài Đồng B, quận Long Biên) và Trung tâm khai thác vận chuyển khu vực phía Bắc (tại xã Kim Hoa, huyện Mê Linh). Đồng thời, UBND thành phố cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư 3 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ logistics tại huyện Gia Lâm, Hoài Đức. 9 dự án khác đang được đề xuất chủ trương đầu tư.
Đánh giá hiện trạng phát triển kinh tế đô thị thành phố Hà Nội, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Thị Diễm Hằng nhận định, cơ cấu kinh tế khu vực đô thị ngày càng chuyển dịch theo hướng hiện đại. Ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất, từ 70% đến 90%, thể hiện đầy đủ đặc trưng của đô thị Hà Nội, điển hình là các quận nội đô. Một số quận mới thành lập cũng có tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp. Một số ngành trọng điểm trong kinh tế đô thị cũng được xác lập và phát triển.
Về một số lĩnh vực cụ thể, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng phân tích, thương mại điện tử, bán lẻ hiện đại qua hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi phát triển tốt đã thể hiện rõ vai trò bảo đảm cung cầu hàng hóa, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân Thủ đô, dần thay thế cho loại hình tạp hóa truyền thống. Du lịch tiếp tục được cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung đầu tư cơ sở vật chất và phát triển đa dạng các sản phẩm, nhất là tại các điểm du lịch trọng điểm. Dịch vụ giáo dục, đào tạo và y tế chất lượng cao ngày càng được quan tâm đầu tư, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhân dân Thủ đô. Các dịch vụ tài chính ngân hàng tiếp tục phát triển, đa dạng hóa và hiện đại hóa.
Nhiều không gian phát triển kinh tế đô thị
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đã chỉ ra, tăng trưởng kinh tế đô thị Hà Nội chưa thực sự bền vững, thể hiện ở tốc độ tăng không đều qua các năm. Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành dịch vụ ở nhiều quận còn thấp. Các ngành dịch vụ chất lượng cao chậm phát triển, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển chung theo tiến trình hội nhập quốc tế cũng như chưa phát huy được tiềm năng thế mạnh của khu vực đô thị.
Các mô hình kinh tế đặc trưng của Hà Nội như kinh tế đêm, kinh tế chia sẻ, các mô hình kinh doanh mới phát triển còn mang tính tự phát, tồn tại nhiều bất cập và việc khai thác còn khiêm tốn, hiệu quả chưa cao.
Trong bối cảnh đó, nhìn lại Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, có thể thấy rõ vai trò quan trọng của phát triển đô thị nói chung và kinh tế đô thị nói riêng giai đoạn tới để phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Là một trong hai đô thị đặc biệt của Việt Nam, Hà Nội có trách nhiệm rất lớn trong thực hiện các mục tiêu về phát triển đô thị, phát triển kinh tế đô thị đã đề ra.
“Hà Nội phải là thành phố đạt được ngưỡng cao trong các chỉ tiêu về phát triển kinh tế đô thị, là nơi thực hiện chỉ tiêu “Xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 3-5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế vào năm 2030”. Đến năm 2045, là một trong “5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế. Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện đại, với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỷ trọng lớn”, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng nêu.
Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đặt ra cho Hà Nội nhiều chỉ tiêu phát triển rất cao về tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập người dân, xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại.
Trước những yêu cầu cao và cấp bách trên, kinh tế đô thị Hà Nội trong giai đoạn tới cần có những bước phát triển đột phá theo hướng văn minh, hiện đại, thông minh, mang lại sự thay đổi vượt bậc. Theo các chuyên gia, Hà Nội đã hoàn thiện đồng bộ hệ thống công cụ pháp lý để phát triển Thủ đô theo đúng định hướng. Trong đó, định hướng phát triển không gian tổng thể và mỗi khu vực phát triển đô thị sẽ được cụ thể hóa, góp phần nâng cao chất lượng đô thị, phù hợp với điều kiện hạ tầng, gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, cải thiện chất lượng sống của người dân. Định hướng này cũng sẽ mở ra các không gian phát triển kinh tế đô thị mới cho thành phố.
Bước vào năm 2025, với nỗ lực “về đích” các chỉ tiêu của Chương trình số 03-CTr/TU, đô thị Hà Nội ngày càng được chỉnh trang, sẽ mở ra nhiều không gian phát triển kinh tế đô thị quy mô, đặc sắc, vượt trội, đáp ứng các đòi hỏi từ thực tiễn.
(Còn nữa)
Hồng Anh