Lễ tri ân thầy Hộ của học trò cũ
Thời học sinh chúng tôi từ thập niên 70 và 80 thế kỷ trước, những ai đã học ở Trường Phan Bội Châu (Phan Thiết) và Lý Thường Kiệt (La Gi) mỗi lần gặp nhau tự nhận mình là học trò của thầy Lê Văn Hộ đều vui vẻ bắt tay như đã từng là bạn thân của nhau một thời xa vắng. Tháng trước, tình cờ gặp hai người bạn Lê Trần Hiềng và Nguyễn Thị Liên Tâm đại diện lớp 10B3 Trường Phan Bội Châu (1973-1974) tại nhà riêng anh Lê Văn Vệ (em kế thầy Hộ) ở Phan Thiết. Tiến sĩ Liên Tâm dù chỉ mới gặp lần đầu nhưng khi nhận ra nhau là học trò thầy Hộ, chúng tôi vui vẻ tay bắt mặt mừng. Anh Hiềng 70 tuổi, là TS kinh tế, Đại tá Công an Bình Thuận đã nghỉ hưu, còn chị Liên Tâm là TS Ngữ văn. Tiệc tàn, anh Hiềng trân trọng mời tôi về Phan Thiết vào ngày 20 tháng 10 để thắp nén nhang tưởng niệm ngày thầy của chúng tôi trở về với đất. Là người lính cầm viết, được trải nghiệm nhiều nơi, được phỏng vấn hàng trăm nhân vật minh chứng cho bài viết, nhưng khi gặp những người bạn già tóc bạc có học vị mời về quê thắp nén nhang cho thầy cũ làm tôi ngỡ ngàng xúc động. Sau buổi gặp gỡ ấy, hình ảnh thầy Hộ một thời xa vắng cứ mồn một hiện về trong tâm thức.
• THẦY CHÚNG TÔI MỘT THỜI ĐỂ NHỚ
Ở miền duyên hải cực Nam Trung Bộ này, những ai theo học cấp III từ đầu thập niên 70 đến đầu thập niên 90 của thế kỷ trước đều ngưỡng mộ thầy dạy Sử Địa Lê Văn Hộ, có bạn xem thầy như thần tượng đời mình. Thầy Hộ mẫu người vui tính, tận tâm với nghề, là người hình thành nhân cách và kỹ năng sinh tồn cho học trò thông qua bài học. Tiết dạy của thầy là giờ vàng của những đôi mắt trẻ long lanh của chúng tôi hau háu tìm về cha ông, một thời chân trần mang gươm đi mở đất. Vì Sử Địa là đất đai, biên cương, núi rừng, biển cả là hồn cốt của một dân tộc có thăng, có trầm. Mỗi lần thầy Hộ đứng lớp gần như không vắng bạn nào, có khi lớp kế bên trống giờ cũng chen vào ngồi tìm kiếm kiến thức nhớ về hồn thiêng sông núi.
Lối giảng bài của thầy hấp dẫn mới lạ mở rộng, bởi theo thầy học sử để nhớ về cha ông, hồn nước. Trong giờ dạy, thầy vừa nói vừa cầm viên phấn phác thảo ngay vị trí địa lý, sông ngòi, núi non… bất kỳ một quốc gia nào đó trên thế giới một cách sống động. Ngày ấy, chúng tôi tưởng tượng quả đất này nằm hết trong bộ não của thầy. Qua mỗi tiết học, chúng tôi biết thêm những câu hò vùng, miền đầy thi vị, những huyền sử ly kỳ.
Thầy Hộ mất ở tuổi 49 trong chuyến đi phiên dịch cho bộ đội biên phòng gần cửa biển La Gi đúng vào lúc cơn bão số 10 ập vào ngày 23 tháng 10 năm 1994, người Việt mình thường nói tuổi 49 là năm của vận hạn. Thầy sinh năm đói Ất Dậu 1945, quê thầy ở Phong Nẫm vùng ven Phan Thiết, mồ côi cha, nhà nghèo nhưng thầy học giỏi, đậu tú tài hạng bình ban toán. Năm 1968, theo Khoa Sử, Đại học Sư phạm Sài Gòn, rồi tiếp tục ghi danh Đại học Văn khoa để lấy bằng cử nhân - thạc sĩ. Mười tám năm trên bục giảng với nghề, thầy đã gieo mầm vào bộ não thế hệ trẻ thời ấy về bút pháp lạ về kiến thức làm người trong một đất nước có chủ quyền. Trong sự nghiệp dạy học của đời mình, thầy đã thành công trong “Bách niên chi kế, mạc như thụ nhân" (kế hoạch trăm năm trồng người) của nhà tư tưởng Quản Trọng thời Xuân Thu - Trung Quốc.
• NÉN TÂM NHANG DÀNH CHO NGƯỜI THẦY LIỆT SĨ
Những ngày cuối tháng 10 năm nay, qua lời mời của TS Hiềng, các học sinh ngày xưa của thầy ở nhiều nơi tập trung về từ đường của nhà thầy ở Phong Nẫm. Vào lúc lên đèn dâng hương buỗi lễ tri ân, chương trình bị xáo trộn khi hàng chục khách không mời tự tìm đến. Đó là các bạn học sinh ở La Gi niên khóa 1983-1985 do em Trần Quang Dũng là thầy giáo trưởng nhóm. Khi được hỏi về cuộc hành hương tự nguyện, Dũng trải lòng: “Nghe tin lớp đàn anh ra Phan Thiết dự lễ tri ân thầy Hộ, chúng em hẹn nhau cùng đến để tỏ lòng nhớ ơn, vì đó người thầy mà chúng em kính trọng một thời nên muốn tỏ lòng tri ân. Tuy nhiên đến gặp các anh chị là tiến sĩ, thạc sĩ, nhà văn, nhà báo rồi đại tá, trung tá quân đội ở độ tuổi 70, những trí thức từng trải với mái đầu bạc theo sương gió nên tụi em thấy mình nhỏ bé yên lặng không dám nói gì, mặc dù chúng em đã trên 50 tuổi đầu, còn bé bỏng nữa...”.
Trước bàn thờ từ đường quê nhà, anh Lê Văn Vệ, 72 tuổi, em kế của thầy thay mặt gia đình cám ơn sự hiện diện 60 em học trò tóc bạc có học thức của anh Hai mình năm xưa. Anh tâm sự trong nước mắt: “Đây là lần đầu tiên sau 30 năm, ngày anh Hai mình mất, các học trò của thầy về đây tưởng niệm thắp tâm nhang tưởng nhớ. Đó là nghĩa cử cao cả đậm nét tinh thần tôn sư trọng đạo từ ngày xưa cho đến bây giờ. Điều đó nói lên sự hưng thịnh của một quốc gia có chủ quyền, vì theo quy luật một đất nước còn tôn sư thì hồn nước không bao giờ mất. Năm 1993, trong lễ khai giảng, thầy Hộ của các em xin dạy thêm 1 năm nữa nhưng không làm được vì chuyến đi phiên dịch gặp bão lớn phải nằm lại giữa lòng biển cả. Tôi còn nhớ lúc đưa thầy về nghĩa trang Tân An - La Gi trong cơn bão số 10 gió thổi rát mặt nhưng đoàn người tiễn đưa dài gần 3 cây số trong mưa gió bão bùng. Sau khi hạ huyệt, mọi người thả nấm đất biệt ly cuối cùng xuống quan tài, có một nữ sinh lớp 12 mặc áo dài ướt đẫm lấm lê đất cát quỳ trước huyệt anh trai tôi gào khóc trong vật vã: “Thầy ơi! Thầy nói tuần sau, thầy mua cho em chiếc cặp mới thay cho chiếc cặp cũ của em nhưng bây giờ thầy bỏ chúng em đi rồi, thầy ơi...!”. Là em ruột thầy Hộ, mình đỡ em đứng dậy trong nước mắt, trong khoảnh khắc ấy cũng có rất nhiều em ôm mặt khóc. Đó là hình ảnh đau buồn đầy trân trọng với người thầy của mình đã làm cho tôi trăn trở nhiều năm. Và giờ đây các em hội tụ về đây với mái đầu đã bạc đã minh chứng tinh thần tôn sư trọng đạo của nước mình là bất diệt...”.
Anh Lê Trần Hiềng, lớp trưởng 10B xưa kiêm trưởng ban tổ chức đọc bài tưởng niệm thầy trong khắc khoải, có lúc anh phải dừng lại lau nước mắt khi 60 học sinh tóc bạc của thầy đệm theo bài "Bụi phấn" trong trầm lắng trật tự. Bài diễn văn tưởng niệm của TS Hiềng khá dài nhưng còn đọng lại đoạn cuối: "Với niềm xúc động sâu xa, xin kính cẩn dâng nén hương thơm tưởng nhớ thầy - Một tấm lòng nhân ái, một tấm gương về giáo dục và đạo đức". Và cũng trong hương khói lúc ấy, anh Trần Đình Tưởng đại diện nhóm bạn La Gi kể lại hình ảnh ấn tượng của thầy vào đầu năm 1976, lúc lớp 12C của 2 Trường Phan Bội Châu và Lý Thường Kiệt tổ chức dã ngoại tại núi Cú - Hàm Thuận Nam. Tại đây thầy đứng trên mõm đá nói về lịch sử hình thành quần thể núi Cú vang vọng giữa rừng núi đại ngàn. Vì thế, mỗi lần có dịp đi ngang qua chân núi anh hình tượng tiếng nói văng vẳng từ trên cao vọng lại của thầy. Sau lễ tri ân là tiệc mừng gặp nhau của các học trò ở tuổi 70, anh Tư Hiềng thông báo 2 món ăn quê hương cũng là món yêu thích của thầy Hộ lúc thiếu thời. Đó là món rau thập toàn quấn bánh tráng với thịt heo luộc chấm mắm nêm và món vịt bầu nấu chua với thân chuối hột con, món ăn lưu giữ hồn quê và nỗi nhớ của người Phan Thiết. Chính món ăn dân dã này đã hình thành chất keo gắn kết tình nghĩa thầy trò và hồn đất, hồn người Bình Thuận.
Ngày rời Phan Thiết trở về Lâm Đồng, trong tâm tưởng tôi vẫn nhớ lời thì thầm của TS Hiềng: “Những bài dạy và các chuyến đi dã ngoại của thầy Hộ với chúng ta đều mang nội hàm hình thành tố chất làm người và kỹ năng sinh tồn theo chương trình trung học của Nhật và Do Thái”. Nhớ lời tự sự của chị Nguyễn Thị Liên Tâm, khi chị đưa tin lễ tri ân thầy Hộ lên facebook, có người hỏi rằng, chị là tiến sĩ đã học qua nhiều người thầy nhưng sao chỉ tổ chức tri ân mỗi thầy Hộ, mình yên lặng không trả lời nhưng trong tâm thức, mình nhớ đến câu ngạn ngữ của Mỹ: "Hãy để sâu thẳm lòng mình lên tiếng".
Ghi chép: TRẦN ĐẠI