Phóng viên: Xin ông cho biết những điểm mới căn bản, cốt lõi nhất của chương trình?
Ông Tạ Việt Hùng: So với chương trình GDPT 2006, mục tiêu của chương trình GDPT 2018 là chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực và phẩm chất người học; phát triển con người toàn diện, hài hòa đức - trí - thể - mỹ. Một số điểm mới cốt lõi bao gồm:
Chương trình tập trung vào phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, không chỉ dạy kiến thức mà còn giúp các em vận dụng, sáng tạo. Nội dung học được tổ chức theo hướng giảm tải, tập trung vào các kỹ năng thực tiễn. Các môn học được xây dựng với nội dung tinh gọn hơn, phù hợp với khả năng tiếp thu và phát triển của học sinh. Chương trình mới loại bỏ những phần kiến thức nặng nề, trùng lặp, không phù hợp với thực tế cuộc sống và yêu cầu thời đại.
Các đồng chí lãnh đạo Sở GD&ĐT, giáo viên Trường THPT Chuyên Bắc Giang và người thân đón em Giáp Vũ Sơn Hà, học sinh lớp 12 chuyên Hóa giành Huy chương Vàng trở về từ cuộc thi Olympic Hóa học quốc tế.
Chương trình GDPT 2018 là một chương trình mở, cho phép các địa phương, cơ sở giáo dục linh hoạt trong việc triển khai, phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng trường học. Giáo viên cũng có nhiều quyền chủ động hơn trong lựa chọn phương pháp giảng dạy, tài liệu phù hợp với học sinh của mình. Học tích hợp và phân hóa: Cấp tiểu học, THCS giai đoạn đào tạo cơ bản học sinh học đủ các môn, tuy nhiên một số môn tích hợp các môn riêng lẻ trong chương trình GDPT 2006 như môn Khoa học tự nhiên (tích hợp mạch nội dung kiến thức của môn Vật lí, Hóa học, Sinh học), môn Lịch sử và Địa lí (tích hợp mạch nội dung kiến thức của môn Lịch sử và môn Địa lí).
Ở cấp THPT, học sinh được phân hóa theo hướng nghề nghiệp thông qua việc tự chọn môn học phù hợp với định hướng tương lai của mình (học sinh chỉ học một số môn và hoạt động giáo dục bắt buộc như: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Quốc phòng - An ninh, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và nội dung giáo dục địa phương; các môn khác như Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Công nghệ, Tin học học sinh lựa chọn để học theo định hướng nghề nghiệp phù hợp với bản thân).
Chương trình GDPT 2018 có thêm nội dung giáo dục địa phương (cấp THCS và THPT quy định cụ thể 35 tiết/năm/lớp) và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (quy định 105 tiết/năm/lớp). Phương pháp kiểm tra, đánh giá đổi mới theo hướng đánh giá học sinh không chỉ dựa trên kết quả học tập cuối kỳ mà bao gồm quá trình học tập, kỹ năng thực hành và mức độ phát triển năng lực, phẩm chất. Sử dụng đa dạng công cụ đánh giá và coi trọng đánh giá quá trình học tập và rèn luyện của học sinh.
Phóng viên: Nhìn nhận về quá trình thực hiện chương trình GDPT 2018 trên địa bàn tỉnh thời gian qua, xin ông cho biết những kết quả nổi bật của ngành giáo dục toàn tỉnh?
Ông Tạ Việt Hùng: Trong những năm qua, chất lượng giáo dục toàn diện của Bắc Giang ngày càng được nâng cao. Bắc Giang luôn nằm trong tốp 15 toàn quốc. Chất lượng giáo dục mũi nhọn của tỉnh không ngừng được khẳng định toàn diện ở các lĩnh vực như các môn học văn hóa, thi khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia, Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc, Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”… Đặc biệt trong vài năm trở lại đây, Bắc Giang có nhiều tiến bộ vượt bậc, nhiều nội dung giành được thành tích cao nhất từ khi tái lập tỉnh đến nay.
Năm 2024, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT là 99,76%, vượt chỉ tiêu đề ra (năm 2023 là 99,58%); điểm bình quân đạt 6,682 điểm (năm 2023 là 6,664 điểm). Tỷ lệ học sinh phổ thông xếp loại học lực khá, giỏi cao. Chất lượng giáo dục mũi nhọn có nhiều tiến bộ vượt bậc. Năm 2024 có 86/110 thí sinh dự thi đoạt giải (trong đó có 4 giải Nhất, 25 giải Nhì, 38 giải Ba và 19 giải Khuyến khích), tăng 27 giải so với năm 2023, Bắc Giang xếp thứ 7 toàn quốc về số lượng giải và thứ 9 về số lượng giải Nhất. Có 2 học sinh đoạt Huy chương Vàng (HCV) và Huy chương Đồng cuộc thi Olympic Vật lí châu Á. Trong các cuộc thi Olympic quốc tế năm 2024, Bắc Giang tiếp tục có 3 học sinh tham dự và đoạt 3 HCV (2 HCV Olympic Vật lí quốc tế; 1 HCV Olympic Hóa học quốc tế). Bắc Giang đoạt 5/26 huy chương các loại trong kỳ thi học sinh giỏi khu vực và quốc tế năm 2024 (chiếm 19,2%); 4/9 HCV (chiếm 44,4%).
Năm học 2023-2024, Bắc Giang được Bộ GD&ĐT giao đăng cai tổ chức Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, 4 dự án của tỉnh tham gia và cả 4 đều đoạt giải, trong đó có 1 giải Nhì, 2 giải Ba và 1 giải Tư; là 1 trong 2 tỉnh có số giải cao nhất toàn quốc; đoạt giải Ba Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ VI cấp quốc gia dành cho khối học sinh phổ thông. Tham gia Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc khu vực 1 và đoạt 139 huy chương; xếp thứ Nhất toàn đoàn; lần đầu tiên Sở GD&ĐT Bắc Giang có số huy chương và số điểm cao thứ nhì toàn quốc, sau TP Hồ Chí Minh. Tham gia Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X tại Hải Phòng, đoàn Bắc Giang xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố trên bảng tổng sắp huy chương.
Một giờ học của cô và trò Trường THCS thị trấn Tân An (Yên Dũng).
Những kết quả đó thể hiện sự tiến bộ vượt bậc và đồng đều trên tất cả các lĩnh vực của giáo dục Bắc Giang và là những thành tích cao nhất mà một tỉnh, thành phố đã đạt được trong một năm học từ trước đến nay trong cả nước. Những kết quả đó tạo động lực mạnh mẽ cho ngành giáo dục Bắc Giang tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024-2025.
Phóng viên: Những khó khăn, thách thức nào phải giải quyết để đáp ứng mục tiêu của chương trình GDPT mới trong tình hình hiện nay, thưa ông?
Ông Tạ Việt Hùng: Để thực hiện mục tiêu của chương trình GDPT mới trong tình hình hiện nay cần phải mở rộng quy mô trường lớp để đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân (số học sinh trên mỗi lớp đông, đặc biệt với cấp tiểu học và THCS ở khu vực thành phố và địa bàn gần các khu công nghiệp). Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng dạy học để bảo đảm thực hiện hiệu quả chương trình. Phải tổ chức đào tạo bồi dưỡng đội ngũ đáp ứng yêu cầu của chương trình mới (đặc biệt đối với các môn học và hoạt động giáo dục mới, có tính tích hợp như môn Khoa học Tự nhiên; Lịch sử và Địa lý; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp). Với cấp THPT đòi hỏi đáp ứng nguyện vọng học sinh lựa chọn và chuyển đổi môn học, chuyên đề học tập.
Phóng viên: Vốn quen với giáo dục truyền thống nhiều năm qua, nhiều người nhất là các bậc ông bà, cha mẹ học sinh tỏ ra băn khoăn, lo lắng trước những thay đổi trong giáo dục hiện nay. Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?
Ông Tạ Việt Hùng: Việc thực hiện Chương trình GDPT mới với những mục tiêu và yêu cầu mới tất yếu xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức. Vì thế, nhiều người nhất là các bậc ông bà, cha mẹ học sinh vốn quen với giáo dục truyền thống nhiều năm qua tỏ ra băn khoăn, lo lắng trước những thay đổi trong giáo dục hiện nay cũng là điều dễ hiểu. Ngành giáo dục sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác truyền thông (truyền thông những điểm mới của chương trình và cách thức thay đổi thích ứng với sự thay đổi chương trình), thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, tạo niềm tin cho nhân dân (tham mưu đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng và bố trí đội ngũ, tăng cường và đổi mới các hình thức sinh hoạt chuyên môn từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh).
Phóng viên: Bước vào thực hiện đồng bộ chương trình, ngành giáo dục Bắc Giang có những giải pháp gì để đạt được hiệu quả, bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu của chương trình GDPT mới, thưa ông?
Ông Tạ Việt Hùng: Ngành giáo dục Bắc Giang tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp để bảo đảm thực hiện hiệu quả các mục tiêu của chương trình GDPT mới, cụ thể: Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh, học sinh về những điểm mới, tính ưu việt của Chương trình GDPT mới. Tiếp tục làm tốt công tác tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xây dựng cơ chế chính sách đầu tư và phát triển giáo dục (đầu tư cơ sở vật chất, chính sách thi đua khen thưởng, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ, …). Thực hiện hiệu quả các chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Tăng cường các hoạt động sinh hoạt chuyên môn các cấp nhằm đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, khai thác hiệu quả tài liệu dạy học. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong dạy và học.
Hiện tại, Sở GD&ĐT đang triển khai các phần mềm quản lý giáo dục, công cụ hỗ trợ học tập trực tuyến, giúp học sinh tiếp cận nhiều nguồn tài nguyên học tập phong phú, đồng thời hỗ trợ giáo viên trong việc triển khai các phương pháp dạy học mới. Nâng cao hiệu quả công tác phân luồng học sinh. Thường xuyên tổ chức đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện chương trình; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; nhân rộng những cách làm hay và hiệu quả trong việc thực hiện chương trình GDPT mới.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông! .
Kim Hiếu (thực hiện)