Sau lần duyệt binh năm 1975, tôi và một số đồng đội của mình được phân về làm việc tại khoa Ngoại (B3), chúng tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì mình sẽ được phục vụ trong một môi trường có rất nhiều đội ngũ bác sĩ, y sĩ, y tá tầm cỡ quan trọng. Và lo vì khi đó còn ít tuổi mà quá nhiều bệnh nhân nặng chuyển từ chiến trường về, chủ yếu là các vết thương ở ổ bụng. Khi đó, tôi là người ít tuổi nhất khoa. Công việc của tôi là phục vụ. Ngày đó, gọi là công vụ chứ không gọi là điều dưỡng như bây giờ.
Sau chiến tranh, thương binh nặng chuyển về nhiều nên các bác sĩ, y tá, y sĩ khoa B3 khi đó công việc lúc nào cũng tất bật. Các bác sĩ luôn thay phiên nhau đứng trên bàn mổ, có kíp cả nửa ngày. Khi rời phòng mổ, các anh đã tự thưởng cho mình những nụ cười viên mãn giống như đã thành công một ca mổ lớn, trực tiếp mang lại sự sống cho một con người. Chúng tôi vui cùng các anh ấy. Ở khoa, có chú Thanh, Trưởng khoa, lúc nào chú cũng nhẹ nhàng điềm đạm, luôn tươi cười động viên cán bộ, nhân viên trong khoa. Chú cẩn trọng trong mọi trường hợp khám, chữa bệnh, quan tâm đến những thứ nhỏ nhất từ việc vệ sinh cho bệnh nhân. Với các cán bộ, nhân viên nữ của khoa chú cũng rất quan tâm và tạo điều kiện giúp đỡ để chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi đã được lớn lên trong một môi trường thật nhiều nhân văn như thế.
Tác giả (ngoài cùng, bên trái) cùng các đồng chí cán bộ, nhân viên khoa B3 năm 1975. Ảnh do tác giả cung cấp
Sau này vì lý do gia đình mà tôi không còn được làm việc cùng các cô chú, các anh chị trong khoa B3 nữa. Tuy nhiên, với tôi, hơn 4 năm phục vụ ở khoa B3 đó là quãng thời gian mà tôi không bao giờ quên được. Đó là những ngày tháng khoa tuy khó khăn, vất vả nhưng mọi người đều yêu thương nhau, sâu nặng nghĩa tình. Ngày nào cũng có hàng chục bệnh nhân từ chiến trường hoặc từ các bệnh viện tuyến dưới đưa lên. Thế nhưng các anh chị luôn niềm nở, tận tâm, trách nhiệm, coi đó là nghĩa vụ cao cả và thiêng liêng nhất.
Bởi họ biết rằng, bệnh nhân đều là những người đã xả thân trong bom đạn mà không tiếc máu xương để mang lại cuộc sống hòa bình cho toàn dân tộc. Đội ngũ y, bác sĩ của khoa B3 cũng vì thế mà luôn nỗ lực từng ngày để giành lại sự sống dù mỏng manh nhất để mang lại niềm vui cho từng bệnh nhân. Thời đó tôi cảm thấy bệnh nhân và bác sĩ, y tá, công vụ đều gần gũi, thương yêu nhau giống như người thân trong nhà. Tôi luôn trân trọng sự nhiệt tình bằng cả trái tim mà tinh thần các cô, các chú, anh chị khoa B3 đã truyền lại cho mình, đúng như lời dạy của Bác Hồ: "Lương y phải như từ mẫu".
Các thế hệ cán bộ, nhân viên khoa B3-Viện Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội gặp mặt nhân ngày truyền thống của bệnh viện (1-4-2025). Tác giả đứng thứ ba, từ trái sang. Ảnh: LÊ THÚY
Trở lại khoa B3 sau gần nửa thế kỷ tôi thật tự hào khi được chứng kiến sự phát triển lớn mạnh của Viện Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hiện nay. Được biết, Viện Phẫu thuật tiêu hóa hiện có 3 khoa là: Khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa (B3-A), Khoa Phẫu thuật gan mật tụy (B3-B) và Khoa Phẫu thuật hậu môn, trực tràng và sàn chậu (B3-C). Ngoài ra Viện Phẫu thuật tiêu hóa là một cơ sở ghép tạng: Ghép gan, ghép tụy, ghép ruột...
Với hệ thống trang thiết bị đồng bộ và hiện đại bậc nhất quốc gia, trình độ chuyên môn nghiệp vụ sâu, đội ngũ cán bộ y, bác sĩ và điều dưỡng đều có trình độ, được đào tạo bài bản, tận tụy với công việc. Đây là một trong những trung tâm có thâm niên và kinh nghiệm về phẫu thuật tiêu hóa tại Việt Nam có nhiệm vụ cấp cứu, thu dung và điều trị các loại chấn thương, vết thương, các loại bệnh lý thuộc chuyên ngành tiêu hóa: Đường tiêu hóa trên - đường tiêu hóa dưới - gan mật tụy và ghép gan, tụy, ruột cho các đối tượng là bộ đội, chính sách, bảo hiểm y tế và nhân dân. Viện Phẫu thuật tiêu hóa đã và đang thực hiện được các kỹ thuật tiên tiến đạt trình độ các bệnh viện lớn trong nước, khu vực và quốc tế.
Viện Phẫu thuật tiêu hóa cũng là một trong những đơn vị có kinh nghiệm hàng đầu về chuyên ngành phẫu thuật tiêu hóa đã đào tạo chuyển giao nhiều kỹ thuật cho nhiều bệnh viện trong quân đội và nhiều bệnh viện dân sự ở Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khác ở nước ta.
Xin chúc cho khoa B3 ngày ấy-bây giờ là Viện Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108-nơi tôi luôn coi như ngôi nhà thứ hai của mình không ngừng phát triển lớn mạnh, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân.
LÊ THÚY BẮC