Kỹ sư Hào và chị Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Mậu với sản phẩm nấm sạch “made in Phú Mậu”
Biến ấp ủ thành hiện thực
Trong giọng nói, ánh mắt của chị Hà Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Mậu là niềm tự hào về một người trẻ ở địa phương, từ “hai bàn tay trắng” có ý chí, vươn lên trong sản xuất, phát triển kinh tế. Đặc biệt, anh lựa chọn sản xuất sản phẩm hữu cơ, vì sức khỏe của người tiêu dùng và cộng đồng.
Cẩn thận chuẩn bị cho chúng tôi những đôi ủng, bởi đang mưa và đường vào trang trại nấm “Nhà Mít” của Hào ở thôn Lại Ân phải lội bùn. Đang vào đợt thu hoạch nên chàng trai trẻ tất bật hái nấm. Nhà của Hào cũng là một “trại nấm” thứ hai. Trước sân nhà, ngổn ngang những phôi nấm anh vừa đóng bịch, đang chờ hấp để thanh trùng.
Hào chia sẻ, sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học Trường đại học Khoa học - Đại học Huế, anh “Nam tiến”, mang theo giấc mộng lập nghiệp nơi thành phố lớn với nhiều cơ hội phát triển bản thân hơn. Hào đầu quân cho công ty chuyên về nông nghiệp sạch và được giao nhiệm vụ phụ trách chuyển giao công nghệ trồng nấm sạch, thuận tự nhiên cho nông dân.
Những tháng ngày đến An Giang, Lâm Đồng, Vũng Tàu cùng người dân lên phương án, kế hoạch, quy trình để nâng cao năng suất nấm; rồi những khi chăm chút, cần mẫn tạo meo giống các loại nấm, chăm sóc, theo dõi, kiểm tra các quy trình trồng nấm đảm bảo kỹ thuật để sản phẩm đạt chất lượng nhất, công việc dẫu nhiều áp lực, nhưng càng làm càng yêu thích, nhất là hiểu rõ sản phẩm sạch khi đến tay người tiêu dùng sẽ đảm bảo lợi ích về sức khỏe.
“Từ thời sinh viên tôi đã mê trồng nấm và từng đến các trại nấm trong TP. Huế để học phương pháp, kỹ thuật. Xây dựng một trại nấm của riêng mình là mong ước luôn được tôi ấp ủ”. Vậy nên, đầu năm 2024, Hào quyết định trở về quê Phú Mậu, thực hiện ước mơ năm nào, xây dựng trại nấm tại mảnh đất mình được sinh ra, chấm dứt những tháng ngày bôn ba nơi đất khách.
Tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn ở địa phương như rơm rạ vào mùa thu hoạch, hoặc dăm gỗ tràm từ các cơ sở gỗ để làm giá thể nấm. Với số vốn tích lũy được, Hào đầu tư nhà xưởng, mua nồi hấp, lò hơi… Anh chia sẻ, để nấm đạt năng suất, mỗi công đoạn từ lên men, phối trộn, ủ hấp, cấy giống đều quan trọng. Chất lượng nấm còn phụ thuộc vào các quy trình thực hiện. Hiện, trang trại nấm của Hào đang trồng 7 nghìn phôi nấm bào ngư xám, mỗi tháng thu hoạch chia làm 2 đợt, mang lại doanh thu tầm 50 triệu đồng.
Đảm bảo ngon, bổ, rẻ
Kỹ sư trẻ Đinh Văn Hào cho biết, từ nhân giống, tạo meo, phối trộn giá thể đều do anh thực hiện cùng sự trợ giúp của vài lao động phụ việc. Nấm bào ngư xám có thời gian thu hoạch kéo dài 6 tháng. Giá thể trồng nấm bào ngư xám sau đó được anh tận dụng, xử lý để làm giá thể trồng nấm rơm. Hết vòng đời nấm rơm, giá thể được anh ủ làm phân vi sinh bón cho cây trồng, tạo một vòng tròn khép kín.
Lấy lợi ích người tiêu dùng làm mục tiêu, đặt sức khỏe của người dùng lên hàng đầu, từ tờ giấy báo gói nấm sau khi thu hoạch cũng được Hào hấp thanh trùng cẩn thận để không nhiễm khuẩn. Nấm trước khi thu hoạch khoảng ba ngày, Hào sẽ ngừng hẳn việc tưới tiêu. “Việc dừng tưới nước sẽ khiến nấm giảm nhẹ về cân nặng; người sản xuất sẽ bị thiệt thòi về kinh tế, nhưng người tiêu dùng lại được lợi vì nấm không bị trướng nước sẽ lâu bị hư (bị lầy), thời gian cất giữ trong tủ lạnh cũng kéo dài hơn, nấm ăn cũng thơm ngọt hơn nhiều. Gia đình tôi và nhiều người trên địa bàn đã thành “khách quen” của trại nấm, bởi sản phẩm ngon hơn so với nấm ngoài thị trường, đặc biệt là đảm bảo sức khỏe. Trong khi đó, giá cả cũng khá mềm, khoảng 50 nghìn đồng/1kg nấm tại trại” - chị Trần Thu Toàn, chị Nguyễn Thị Nhàn và nhiều người dân địa phương chia sẻ.
Mong muốn đem lại những sản phẩm giá trị và an toàn, người tiêu dùng an tâm sử dụng mà không phải lo ngại về sức khỏe, Hào chọn con đường nông nghiệp hữu cơ. Trại nấm của anh được nuôi trồng hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng bất kỳ hóa chất nào, không dùng phân bón, thuốc tăng trưởng hay chất kích thích... Nhờ vậy, nấm có độ giòn dai và vị thơm ngọt, mùi thơm nhẹ thoang thoảng như hương nấm mối mùa đông. Nhớ nụ cười thật “ngọt” của người thanh niên trẻ, khi Hào nói rằng, vậy là mong ước sản xuất ra sản phẩm đảm bảo ngon, bổ, rẻ, phục vụ người tiêu dùng đã bước đầu cho kết quả. Hào cũng bảo, sẽ kiên trì bước tiếp, bền vững trên con đường nông nghiệp hữu cơ.
Ưu thế của một người trẻ, tiếp cận được xu hướng mới trong sản xuất và kinh doanh, Hào đã đăng ký mã QR và in trên bao bì. Nhờ thế, người tiêu dùng sẽ dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua việc quét mã trên điện thoại di động.
Chị Hà Thị Thanh Thủy thông tin, Hào là hội viên trẻ nhất của Hội Nông dân xã Phú Mậu. Không chỉ năng động trong công tác hội, anh còn rất nhiệt huyết với các phong trào của địa phương và say mê lao động. Hiện trang trại nấm “Nhà Mít” của Hào là mô hình kinh tế mới ở địa phương, hứa hẹn đem lại nhiều tiềm năng về kinh tế. “Địa phương cũng rất quan tâm, tạo điều kiện để Hào có thêm nhiều cơ hội thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất, nhằm khuyến khích thanh niên địa phương mạnh dạn lập nghiệp, dám nghĩ, dám làm giàu trên mảnh đất quê hương” - chị Thủy cho hay.
Lê Hà - Quỳnh Anh