Kỹ sư Việt phục dựng nỏ thần bắn vạn tên như truyền thuyết

Kỹ sư Việt phục dựng nỏ thần bắn vạn tên như truyền thuyết
7 ngày trướcBài gốc
Nỏ thần của An Dương Vương – biểu tượng huyền thoại gắn liền với truyền thuyết giữ nước thời Âu Lạc – từ lâu đã là đề tài thu hút sự tò mò và tranh luận của các nhà nghiên cứu lịch sử. Đằng sau câu chuyện về sức mạnh phithường của nỏ thần là những bí ẩn chưa từng được giải mã. Làm sao với công nghệ cách đây 2.300 năm, nỏ thần bắn được cả vạn mũi tên và vạn mũi tên đó giết được vạn tên giặc?
Hình ảnh đồ họa nỏ thần do kỹ sư Vũ Đình Thanh phục dựng có thể bắn cùng lúc vạn mũi tên nhờ nguyên lý: mũi tên không những đặt cạnh nhau mà mũi trước mũi sau, lớp trước lớp sau. Ảnh: NVCC.
Với sự tiến bộ của khoa học công nghệ và sự nỗ lực của các nhà sử học, câu chuyện về nỏ thần tạo nên sức hút mãnh liệt cho hành trình phục dựng nỏ thần. Nó không chỉ khơi dậy niềm tự hào dân tộc mà còn mở ra những góc nhìn mới về thời kỳ lịch sử huy hoàng của dân tộc Việt Nam.
Phát hiện chi tiết quan trọng của nỏ thần trong truyền thuyết
Trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống, kỹ sư Vũ Đình Thanh, chuyên gia kỹ thuật của cơ quan nghiên cứu sản xuất NPO ALMAZ (Trụ sở chính ở Moscow, Nga - nơi sản xuất các hệ thống tên lửa phòng không S300, S500) cho biết, theo truyền thuyết, nỏ thần có khả năng bắn hàng vạn mũi tên, tiêu diệt đội quân Tần xâm lược một cách dễ dàng. Tuy nhiên, câu chuyện này từng bị nhiều người cho rằng chỉ là truyền thuyết, vì dường như không thể thực hiện được bằng công nghệ cổ xưa.
Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ, Anh hùng LLVTND Việt Nam Nguyễn Huy Hiệu (cầm nỏ thần) ; Trung tướng, GS.TS. Nguyễn Đình Chiến, Đại tá, GS.TS, Lê Đình Sỹ; Đại tá, GS.TS Vũ Tang Bồng (đội mũ ngoài cùng bên trái) cùng kỹ sư Vũ Đình Thanh (đầu tiên hàng dưới) bắn nỏ thần phục dựng. Ảnh: NVCC.
Qua nghiên cứu và thực nghiệm hiện đại, kỹ sư Vũ Đình Thanh phát hiện ra một chi tiết rất quan trọng. Đó là trong các lễ hội rước nỏ thần xưa của người dân Cổ Loa từ ngàn năm trước tới Cách mạng tháng 8 có hình ảnh ống tên và các mũi tên đặt vào trong ống.
Từ chi tiết đó, với kinh nghiệm của chuyên gia chế tạo vũ khí của tập đoàn hàng không vũ trụ danh tiếng của châu Âu, kỹ sư Thanh nhận thấy, nguyên lý hoạt động của nỏ thần chắc chắn phải hoàn toàn khác biệt so với các loại cung nỏ thông thường. Rất nhiều mũi tên phải được đặt vào ống tên như nguyên lý đạn chùm hay tên lửa container thời nay.
Khi nhìn thấy hàng vạn mũi tên đồng Cổ Loa mà các nhà khảo cổ tìm được với kích thước chỉ 11cm, kỹ sư Thanh càng chắc chắn với phỏng đoán của mình, là các mũi tên đồng Cổ Loa phải được đặt vào trong ống. Vì vậy, phục dựng nỏ thần thì bắt buộc phải theo hình ảnh ống tên trong lễ hội rước nỏ thần của người dân Cổ Loa xưa chứ không thể khác được .
Giải mã bí mật nỏ thần
Nỏ thần do kỹ sư Vũ Đình Thanh phục dựng theo hình ảnh ống tên từ lễ hội rước nỏ thần của người dân Cổ Loa, có thiết kế đặc biệt. Ống tên của nỏ thần có nhiều hàng mũi tên với nhiều mũi tên đặt cạnh nhau được sắp xếp chặt chẽ. Khi bắn nỏ, toàn bộ các mũi tên trong ống đồng loạt bay ra mà không cần lực đẩy trực tiếp từ dây cung. Đây chính là điều khác biệt và là lời giải cho khả năng “bắn cả vạn mũi tên” mà các ghi chép thời xưa đã mô tả.
Sáng chế "Nỏ thần bắn nhiều tên, lực nỏ tác dụng vào ống tên, ống có nhiều mũi tên nhỏ" của Kỹ sư Vũ Đình Thanh đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp bằng sáng chế độc quyền năm 2022. Ảnh: NVCC.
Như vậy, bí mật của nỏ thần mà kỹ sư Thanh tìm ra không phải là việc nỏ bắn bằng ống, vì hình ảnh loại nỏ bắn tên bằng ống được tái hiện hàng nghìn năm nay trong các lễ hội rước nỏ thần của người dân Cổ Loa xưa.
Theo ông Thanh, hình ảnh loại nỏ bắn bằng ống cũng từng được sách cổ về vũ khí của Trung Quốc ghi lại, các nhà khoa học Trung Quốc có tìm cách phục dựng loại nỏ này nhưng không thành công, chùm tên từ ống bay chỉ có 1m. Bí mật nghìn năm mà kỹ sư Thanh giải mã chính là cách làm sao để hàng loạt mũi tên đồng Cổ Loa cạnh nhau cái trước cái sau trong ống, nhưng khi bắn sẽ đồng loạt thoát ra khỏi nỏ tạo vầng hào quang ánh kim loại mầu đồng rực rỡ mà người xưa đã ghi nhận và gọi là Kim Quang Linh Trảo Thần Nỏ.
Kỹ sư Vũ Đình Thanh đã trình diễn mô hình nỏ thần trước công chúng và giới chuyên môn. Kết quả là nỏ phục dựng có thể bắn cùng lúc hàng chục mũi tên đồng. Với kích thước lớn hơn và số hàng mũi tên nhiều hơn, nỏ thần hoàn toàn có thể đạt được con số hàng nghìn, hàng vạn mũi tên như trong truyền thuyết.
Thực nghiệm của kỹ sư Thanh cho thấy, nỏ thần có thể bắn ra 30 mũi tên đồng một lúc với hai lớp tên, mỗi lớp là 15 mũi tên. Nếu ống tên được thiết kế lớn hơn, với kích thước 0,6m x 2,2m, nó hoàn toàn có thể chứa tới 20 hàng, mỗi hàng 500 mũi tên. Như vậy, việc bắn ra 10.000 mũi tên đồng cùng lúc không còn là điều bất khả thi. Cấu trúc thành Cổ Loa cao như núi Côn Lôn được sử dụng để tăng tầm bắn và quan trọng hơn để tạo năng lượng lớn cho các mũi tên Cổ Loa, cho phép các mũi tên đạt vận tốc cao và xuyên thủng giáp địch khi rơi xuống.
Nguyên lý đặc biệt của nỏ thần
Giải thích về nguyên lý hoạt động của nó thần khiến có thể bắn hàng ngàn, hàng vạn mũi tên như trong truyền thuyết, kỹ sư Vũ Đình Thanh cho biết, điểm đặc biệt nằm ở việc lực tác động không cần trực tiếp lên từng mũi tên. Hiện tượng này gần giống như khi một chiếc xe ô tô đang chạy nhanh rồi phanh gấp: hành khách trên xe ngồi ở nhiều hàng ghế khác nhau, dù không nhận thấy bất cứ lực nào tác động trực tiếp, vẫn bị đẩy về phía trước do quán tính.
Nguyên lý đạn chùm flechette vượt thời đại hàng nghìn năm của Nỏ Thần: các mũi tên rơi nhanh dần đều từ độ cao lớn, quay quanh trục xuyên mọi giáp giặc, đâm vào giặc từ trên cao y hệt như đạn chùm flechette thả từ máy bay trong thế chiến 1. Ảnh: NVCC.
Ngoài ra, kỹ sư Thanh cũng lý giải cách các mũi tên có thể xuyên thủng giáp giặc. Theo đó, khả năng xuyên giáp của mũi tên đồng không đến từ lực bắn thẳng, mà nhờ quỹ đạo bắn lên cao. Khi rơi xuống với sự gia tốc của trọng lực, các mũi tên đồng Cổ Loa nhờ thiết kế đặc biệt sẽ có chuyển động nhanh dần đều, đâm thẳng vào mục tiêu với lực mạnh hơn hẳn. Điều này tương tự cách quân đội Pháp thời Thế chiến thứ nhất sử dụng máy bay thô sơ thả các mũi tên kim loại gọi là flechette, có thiết kế gần giống mũi tên đồng Cổ Loa, để tấn công bộ binh và kỵ binh từ trên cao.
Theo các thông số từ không quân Pháp và theo thực tế chiến đấu thời Thế chiến 1, nếu mũi tên bay flechette y hệt như mũi tên đồng Cổ Loa thả từ độ cao 18m có thể xuyên thủng sọ người, thì ở độ cao 56m, chúng có thể xuyên giáp kẻ thù. Đây chính là cách tổ tiên ta tạo ra loại vũ khí vượt trội, đủ sức đối đầu với đội quân hùng mạnh của Tần Thủy Hoàng.
Cùng với đó, cấu trúc thành Cổ cLoa cao như núi Côn Lôn được sử dụng để tăng tầm bắn và quan trọng hơn để tạo năng lượng lớn cho các mũi tên Cổ Loa, cho phép các mũi tên đạt vận tốc cao và xuyên thủng giáp địch khi rơi xuống.
Thành được xây dựng theo hình con ốc vì người xưa khi xây thành không có cần cẩu , để xây cao cần xây từng tầng , rồi tấp vật liệu để xây tầng tiếp theo , càng lên cao chu vi càng nhỏ, giúp tăng độ bền vững. Độ cao của thành tạo lợi thế chiến thuật, tăng cường sức mạnh của các mũi tên khi rơi xuống từ trên cao. Điều này giải thích tại sao các sử liệu mô tả thành Cổ Loa hình con ốc cao chót vót, và tại sao quân Tần bị tiêu diệt hàng loạt khi tiến sát thành.
“Nỏ thần không bắn trực tiếp mà nhắm vào việc phóng mũi tên lên cao. Khi rơi xuống dưới tác động của trọng lực, các mũi tên đồng Cổ Loa nhờ cấu trúc đặc biệt sẽ có chuyển động nhanh dần đều đạt tốc độ lớn, đủ để xuyên thủng cả giáp sắt”, kỹ sư Thanh lý giải.
Kỹ sư Thanh cho biết, việc phục dựng nỏ thần đã chứng minh tính xác thực của truyền thuyết. Việc nỏ thần bắn ra hàng vạn mũi tên, giết chết quân Tần còn là sự thật được ghi nhận trong sử sách. Nó lý giải tại sao Triệu Đà, sau thất bại ban đầu, phải cầu hòa với Âu Lạc và đưa con trai Trọng Thủy sang làm con tin.
Dù sau này thành Cổ Loa thất thủ do sự chủ quan của An Dương Vương, nhưng nỏ thần đã đóng vai trò quyết định trong việc bảo vệ dân tộc Việt khỏi sự đồng hóa và diệt chủng của nhà Tần.
“Theo công bố khoa học, bộ gen người Việt hiện nay khác biệt hoàn toàn với người Hán, cho thấy chúng ta đã bảo tồn được bản sắc dân tộc qua hàng nghìn năm. Đây cũng là bằng chứng gián tiếp chứng minh hàng vạn quân Tần đã bị nỏ thần bắn chết dưới chân thành Cổ Loa nên đã không đồng hóa được con rồng cháu tiên”, ông Thanh nêu quan điểm.
Sáng chế "Nỏ thần bắn nhiều tên, lực nỏ tác dụng vào ống tên, ống có nhiều mũi tên nhỏ" của Kỹ sư Vũ Đình Thanh đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp bằng sáng chế độc quyền năm 2022.
Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá, điểm đáng chú ý trong sáng chế của kỹ sư Vũ Đình Thanh là đã góp phần khẳng định giá trị lịch sử về loại nỏ bắn đồng loạt cả vạn mũi tên đồng Cổ Loa mà khảo cổ tìm được.
Theo đó, cả mũi tên lẫn khuôn đúc trùng hợp với loại nỏ hình ống mà người dân Cổ Loa tái hiện trong các lễ hội rước nỏ thần trải dài hàng nghìn năm cho đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Sáng chế của kỹ sư Thanh đã tái hiện cách thức rải mũi tên đồng Cổ Loa từ trên cao giống như cách rải mũi tên bay flechette từ máy bay của không quân Anh, Pháp, Đức sử dụng để diệt bộ binh trong Thế chiến 1.
Ở một số nơi, câu chuyện về nỏ thần An Dương Vương được mô tả hoàn toàn không theo bất cứ một cuốn sử sách nào. Họ mô tả hàng loạt chiến binh Âu Lạc cùng lúc bắn nhiều nỏ bắn các mũi tên tre gỗ thay cho việc nỏ thần thật to bắn cùng lúc nhiều mũi tên đồng Cổ Loa như sử sách và truyền thuyết mô tả.
Ông Hiệu cho rằng, lịch sử cần phải được tôn trọng, sử sách ghi thế nào thì chúng ta phải hoàn toàn tôn trọng như vậy.
Mời quý độc giả xem video kỹ sư Vũ Đình Thanh cùng Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ, Anh hùng LLVTND Việt Nam Nguyễn Huy Hiệu; Trung tướng, GS.TS. Nguyễn Đình Chiến; Đại tá, GS.TS, Lê Đình Sỹ; Đại tá, GS.TS Vũ Tang Bồng bắn nỏ thần phục dựng. Nguồn: NVCC.
Mai Loan
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/ky-su-viet-phuc-dung-no-than-ban-van-ten-nhu-truyen-thuyet-2072813.html