Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025: Đổi mới cần đồng bộ và có lộ trình

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025: Đổi mới cần đồng bộ và có lộ trình
6 giờ trướcBài gốc
“Lệch chuẩn” đề thi, gánh nặng đang đè lên vai thí sinh
Đây là năm đầu tiên đề thi được thiết kế theo định hướng đánh giá năng lực thay vì kiểm tra kiến thức thuần túy. Theo Chương trình GDPT 2018, sách giáo khoa là công cụ cụ thể hóa các “yêu cầu cần đạt” - tức kiến thức, kỹ năng tối thiểu học sinh cần nắm sau mỗi giai đoạn học tập.
Khoảng cách giữa nội dung học và nội dung thi khá xa, gây lo lắng cho cả thí sinh và phụ huynh
Về nguyên tắc, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) phải bám sát yêu cầu này để bảo đảm tính đồng bộ giữa dạy - học - thi. Tuy nhiên, đề thi năm 2025 - đặc biệt ở ba môn toán, ngữ văn và tiếng Anh - có nhiều câu hỏi vượt xa phạm vi sách giáo khoa. Ngữ liệu lạ, cách hỏi phức tạp, yêu cầu vận dụng cao khiến học sinh, dù học bài bản theo sách giáo khoa, vẫn khó định hướng làm bài. Sự "lệch chuẩn" này cho thấy khoảng cách giữa nội dung học và nội dung thi chưa được thu hẹp, gây lo lắng cho cả thí sinh và phụ huynh.
TS. Lê Viết Khuyến - Phó chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT), nhận định rằng kỳ thi năm nay tuy thể hiện đúng tinh thần cải cách khi chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực - một xu hướng giáo dục quốc tế - nhưng quá trình chuyển đổi này diễn ra quá nhanh, trong khi nền tảng chưa được đảm bảo.
Một trong những hệ lụy rõ ràng là sự chệch choạc trong dạy và học. Nhiều giáo viên vẫn chưa thực sự hiểu rõ khái niệm "tiếp cận năng lực", học sinh thì lúng túng trong chọn tổ hợp từ lớp 10 đến 12, dẫn tới bị động trong ôn tập và thi cử. "Chuyển chương trình thì đã làm, nhưng con người, phương pháp và điều kiện chưa chuyển kịp", TS. Khuyến khẳng định.
Theo ông, các quốc gia phát triển phải mất hàng chục năm để chuyển tiếp triết lý giáo dục, nên việc Việt Nam thực hiện quá gấp gáp sẽ tất yếu dẫn đến va vấp. Nhưng ông cũng nhấn mạnh: "Không nên vì khó khăn ban đầu mà quay lại lối mòn cũ. Cần tổng kết ngay sau kỳ thi, đánh giá cả chương trình, sách giáo khoa, đội ngũ giáo viên và đặc biệt là năng lực tiếp nhận của học sinh".
Một điểm nữa cần lưu ý trong kỳ thi này là quy trình ra đề vẫn mang tính truyền thống, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của tổ chuyên gia, thiếu hỗ trợ của ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa. Việc không có dữ liệu định chuẩn về độ khó, độ phân biệt của từng câu hỏi dẫn đến sự thiếu nhất quán giữa các môn và nguy cơ cảm tính trong cấu trúc đề.
"Em thấy đề thi năm nay rất khác với đề luyện ở trường. Môn tiếng Anh có nhiều câu khó, ngữ liệu lạ khiến em bị mất phương hướng dù em học chắc sách giáo khoa. Em đồng tình với việc đổi mới để đánh giá năng lực thật, nhưng cách ra đề cần rõ ràng hơn, không nên thay đổi đột ngột như vậy. Nếu việc dạy học chưa thay đổi nhiều mà đề thi đã thay đổi quá nhanh, thì học sinh tụi em rất dễ bị hẫng...". Phạm Huy, học sinh lớp 12, thi khối A01.
"Chuyển đổi là cần thiết, nhưng nếu chỉ đổi chương trình mà không đổi cách dạy, không thay đổi cách thi và cả cách xét tuyển, thì học sinh vẫn là người gánh chịu thiệt thòi" - TS. Lê Viết Khuyến.
Đổi mới cần đồng bộ, không nóng vội
Kỳ thi năm nay cũng khiến phụ huynh lo lắng về cơ chế xét tuyển đại học. - “Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương đổi mới, vì học sinh cần được đánh giá năng lực thật, chứ không chỉ học thuộc. Nhưng đổi mới phải đi kèm công bằng. Nếu đề thi mỗi khối có độ khó khác nhau mà điểm chuẩn lại tính chung, thì rõ ràng các em đang thi trong một cuộc đua không cùng xuất phát điểm”, Chị Nguyễn Thanh Hằng, phụ huynh học sinh lớp 12 tại Hà Nội.
Nhiều chuyên gia cho rằng nếu đề thi hướng tới đánh giá năng lực, thì cơ chế xét tuyển phải đổi mới cho đồng bộ, tránh tình trạng "thi khác, xét giống", gây thiệt thòi cho một bộ phận thí sinh. Một thầy giáo cho rằng, môn toán để đạt 7 điểm trở lên, thí sinh cần kiến thức và kỹ năng toàn diện, không còn chuyện học thuộc, học mẹo. Phổ điểm dự kiến không cao, nhưng là cơ hội để sàng lọc thí sinh thật sự có năng lực.
Cùng quan điểm, ThS. Võ Ngọc Nhơn (Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng đề thi năm nay khiến điểm chuẩn ở tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) có thể ổn định hoặc nhích nhẹ, trong khi các tổ hợp có môn toán, tiếng Anh nhiều khả năng sẽ giảm. Tuy vậy, ông lưu ý: "Từ năm nay, thí sinh cần chủ động tận dụng các phương thức xét tuyển khác, nhất là khi Bộ đã quy định quy đổi điểm tương đương".
Bên cạnh đó, nhiều thí sinh cho biết dù đã học đúng chương trình và nắm chắc kiến thức cơ bản, nhưng vẫn không dễ dàng vượt qua một số câu hỏi. Điều này gây tâm lý hoang mang và tạo áp lực nặng nề không chỉ trong thi cử mà còn ảnh hưởng đến lựa chọn ngành học, nghề nghiệp sau này.
Trả lời báo chí, GS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Trưởng ban Đề thi (Bộ GD-ĐT) khẳng định: "Đề thi đã có đổi mới, hướng đến đánh giá năng lực. Bộ đã thử nghiệm trên diện rộng, quán triệt không thay đổi đột ngột về độ khó". Tuy nhiên, trước phản ánh từ dư luận về đề toán và Tiếng Anh khó hơn đề minh họa, ông Hà cho biết Bộ "ghi nhận và sẽ làm rõ sau khi chấm thi".
Sự thay đổi không thể vội vã, mà cần chậm rãi, chắc chắn và gắn với năng lực thực tế của hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay
Dù vậy, theo các chuyên gia, điểm mấu chốt không chỉ nằm ở việc ra đề khó hay dễ, mà là hệ thống kiểm tra, đánh giá chưa kịp thích nghi với triết lý giáo dục mới. Nếu chưa có ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa, chưa thử nghiệm rộng rãi trên chính học sinh phổ thông, thì việc đánh giá năng lực sẽ khó đảm bảo khách quan và công bằng.
Có thể khẳng định, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 là dấu mốc quan trọng trong hành trình đổi mới giáo dục. Những “va vấp” trong năm đầu triển khai cho thấy: Nếu không có sự đồng bộ giữa chương trình - dạy học - kiểm tra đánh giá - xét tuyển, thì đổi mới sẽ không thể hiệu quả, thậm chí còn mang lại hệ lụy khôn lường.
Điều mà giáo viên, học sinh và phụ huynh mong đợi lúc này không chỉ là những lời khẳng định mà là hành động cụ thể: rà soát đề thi, xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa, hỗ trợ tập huấn giáo viên, điều chỉnh cơ chế tuyển sinh và quan trọng nhất là lắng nghe từ thực tế lớp học. Bởi đổi mới không thể chỉ nằm ở đề thi. Đổi mới phải bắt đầu từ triết lý giáo dục đến từng tiết học, từng bài giảng - một cách thực chất và có lộ trình. Sự thay đổi không thể vội vã, mà cần chậm rãi, chắc chắn và gắn với năng lực thực tế của hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay.
Thu Hằng/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/ky-thi-tot-nghiep-thpt-2025-doi-moi-can-dong-bo-va-co-lo-trinh-post1211906.vov