Để đảm bảo một kỳ thi an toàn, nghiêm túc và công bằng, Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ GD&ĐT vừa có công văn đề nghị các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ diễn ra từ ngày 25/6 đến 27/6 tại tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, dự kiến có tổng số 1.165.289 thí sinh đăng ký dự thi, tăng gần 82.540 thí sinh so với năm 2024. Điều này đặt ra áp lực lớn về cơ sở vật chất, nhân lực và công tác quản lý. Hơn nữa, kỳ thi năm nay còn diễn ra trong bối cảnh cả nước đang thực hiện sắp xếp, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương hai cấp và thay đổi trong sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra.
Đặc biệt, Kỳ thi năm 2025 sẽ tổ chức cho cả học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là tình trạng sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận trong kỳ thi ngày càng tinh vi, phức tạp.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Để đối phó với những thách thức trên và đảm bảo Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ GDĐT đã đề nghị Ban Thường vụ các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp, các sở, ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức, cá nhân liên quan của địa phương khẩn trương thực hiện một số công việc trọng tâm:
Thứ nhất, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền và ngành Giáo dục. Cụ thể, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức, cơ quan có liên quan cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với ngành Giáo dục của địa phương để chuẩn bị kỹ các điều kiện cần thiết, có phương án dự phòng cho mọi tình huống bất thường. Điều này nhằm đảm bảo không để bất kỳ khâu nào của Kỳ thi mà không có sự quản lý, giám sát chặt chẽ và không có người chịu trách nhiệm.
Thứ hai, nâng cao trách nhiệm và sự sâu sát trong chỉ đạo. Ban chỉ đạo Kỳ thi, các sở, ban, ngành liên quan cần xây dựng kế hoạch cụ thể tại địa phương, đề cao trách nhiệm, sâu sát trong chỉ đạo. Công tác phân công nhiệm vụ phải rõ người, rõ việc, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả. Mọi khâu trong suốt quá trình tổ chức Kỳ thi đều phải có tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm, gắn với lộ trình cả nước thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp chính quyền địa phương 2 cấp. Đồng thời, phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh dự thi, các gia đình và các cơ sở giáo dục.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Thanh tra tỉnh khẩn trương xây dựng phương án thanh tra, kiểm tra ở tất cả các khâu của Kỳ thi, đặc biệt là khâu phân công trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức Kỳ thi. Việc này cần được thực hiện cẩn trọng để không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, đơn vị liên quan trong tổ chức Kỳ thi.
Thứ tư, đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối và ngăn chặn gian lận công nghệ cao. Các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh, xã cần xây dựng kế hoạch, bố trí lực lượng đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho Kỳ thi. Công tác này bao gồm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, không để thí sinh mang các thiết bị, vật dụng trái phép vào phòng thi, nhất là các thiết bị công nghệ cao sử dụng vào mục đích gian lận. Mọi hành vi tiêu cực hoặc tung tin sai sự thật, không chính xác gây hoang mang dư luận cần được xử lý kịp thời để đảm bảo kỷ cương và công bằng trong Kỳ thi.
Thứ năm, tăng cường truyền thông và phổ biến quy chế thi. Các cơ quan báo, đài của địa phương cần phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận tăng cường công tác truyền thông để phổ biến quy chế thi và các quy định của pháp luật có liên quan. Mục tiêu là ngăn chặn kịp thời và tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, gian lận trong Kỳ thi.
Đỗ Vi