LTS: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 vừa qua không chỉ là cột mốc quan trọng với hàng triệu học sinh, phụ huynh, giáo viên, mà còn là "phép thử" đầu tiên của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 – chương trình kỳ vọng tạo bước chuyển mình căn bản cho nền giáo dục nước nhà. Cùng đổi mới cấu trúc đề thi, nâng cao tính phân hóa, kỳ thi năm nay còn chịu tác động từ Thông tư 29 về siết chặt hoạt động dạy thêm, học thêm.
Những thay đổi đồng bộ này mang lại cả cơ hội lẫn thách thức, đặt ra nhiều câu hỏi về sự sẵn sàng của các chủ thể trong hệ thống giáo dục. Phổ điểm thi, tiếng lòng từ "người trong cuộc" và những trăn trở về định hướng tương lai đang hé lộ một bức tranh đa chiều, cần được nhìn nhận toàn diện, sâu sắc.
Nhằm mang đến cái nhìn khách quan về sự kiện giáo dục quan trọng này, Báo Sức khỏe và Đời sống xin giới thiệu các góc nhìn đa chiều của kỳ thi lần này với chủ đề:"Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025: Bước chuyển mình của giáo dục phổ thông?" . Thông qua loạt bài này chúng tôi sẽ cùng độc giả phân tích những điểm sáng, vấn đề tồn tại, lắng nghe tiếng nói từ nhà quản lý, chuyên gia, giáo viên và đặc biệt là học sinh, phụ huynh - những người trực tiếp trải nghiệm sự thay đổi. Từ đó, tuyến bài sẽ tìm kiếm bài học đắt giá và kiến nghị giải pháp cụ thể, thiết thực cho một nền giáo dục công bằng, chất lượng, hướng tới phát triển con người toàn diện.
Kỳ 1: Phép thử đầu tiên của chương trình giáo dục phổ thông 2018
Theo định hướng của Bộ GD&ĐT, Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới ra đời với tầm nhìn chiến lược: chuyển dịch từ việc truyền thụ kiến thức hàn lâm, ghi nhớ máy móc sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Mục tiêu này nhấn mạnh việc học sinh không chỉ nắm vững "cái gì" mà quan trọng hơn là "để làm gì" và "làm như thế nào".
Các phẩm chất cốt lõi như yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm cùng các năng lực tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo được đặt lên hàng đầu, hướng tới đào tạo công dân toàn diện, đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế.
Với vai trò thước đo đầu ra của quá trình đổi mới này, Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, theo mục tiêu của Bộ GD&ĐT, được kỳ vọng không chỉ đánh giá kiến thức nền tảng mà còn kiểm định khả năng vận dụng, tư duy phản biện, và giải quyết tình huống thực tiễn của học sinh. Đây là một sự chuyển đổi mang tính chiến lược, phản ánh rõ mục tiêu đào tạo của chương trình mới.
Khác biệt từ gốc rễ - Chương trình GDPT 2018 và tầm nhìn dài hạn
GS. TSKH Nguyễn Đình Đức – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) nhận định sau khi theo dõi phổ điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025: "Kỳ thi năm nay đạt nhiều điểm tích cực, từ đề thi đến phổ điểm, qua đó tạo nền tảng tốt cho công tác tuyển sinh đại học và phản ánh đúng chất lượng giáo dục phổ thông các địa phương. Mừng nhất là môn Toán năm nay đã thể hiện đúng vai trò của một môn khoa học tự nhiên, mang tính phân loại rõ ràng, giúp phân định rõ học sinh khá – giỏi – xuất sắc, rất phù hợp với định hướng giáo dục STEM và tuyển sinh khối kỹ thuật".
Công tác chuẩn bị phòng thi được triển khai kỹ lưỡng, sẵn sàng cho "phép thử" đầu tiên của Chương trình GDPT 2018. Ảnh: Tuấn Anh
Điểm mới trong cấu trúc và hình thức thi
Kỳ thi năm nay thí sinh chỉ phải thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn học còn lại ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục Kinh tế & Pháp luật, Tin học, Công nghệ).
Theo cô Trần Việt Hồng – giáo viên Toán Trường THPT Xuân Mai (Hà Nội) cho biết, đề thi được thiết kế để không chỉ kiểm tra kiến thức mà còn đánh giá khả năng vận dụng, tư duy logic, phân tích, tổng hợp và giải quyết vấn đề. Câu hỏi sẽ gắn kết hơn với các tình huống, vấn đề thực tiễn, khuyến khích học sinh suy nghĩ độc lập và sáng tạo.
"Việc giảm số môn thi tốt nghiệp THPT là bước đi quan trọng, cần thiết giúp giảm tải áp lực cho học sinh. Thay vì dàn trải, các em có thể tập trung sâu hơn vào môn học định hướng nghề nghiệp hoặc sở trường. Điều này không chỉ giúp các em học hiệu quả hơn, phát huy năng lực, mà còn giảm gánh nặng tâm lý, tài chính gia đình, đặc biệt khi không còn phải chạy đua học thêm tràn lan. Về lâu dài, thay đổi này định hướng giáo dục phổ thông theo hướng thực chất, linh hoạt, gắn liền với nghề nghiệp", cô Hồng nói.
Tuy nhiên, cô Hồng cũng chỉ ra, áp lực mới là việc chuyển dịch sang việc làm quen với cấu trúc đề thi mới, đòi hỏi tư duy với các bài toán thực tế ở mức độ vận dụng, vận dụng cao, không còn là những bài toán 'khuôn mẫu' như trước. Giáo viên cũng phải thay đổi cách dạy, cách ra đề kiểm tra thường xuyên theo hướng này.
Về hình thức, môn Ngữ văn tiếp tục thi tự luận, khuyến khích khả năng lập luận, cảm thụ và diễn đạt. Các môn còn lại thi trắc nghiệm khách quan, đảm bảo tính công bằng, khách quan trong chấm thi. Đặc biệt, cấu trúc đề thi nhấn mạnh tăng cường các câu hỏi vận dụng, liên hệ thực tiễn, thay vì chỉ kiểm tra kiến thức lý thuyết đơn thuần. Mục tiêu là kiểm tra năng lực tư duy, khả năng giải quyết vấn đề của học sinh, thay vì chỉ đơn thuần khả năng ghi nhớ. Tính phân hóa của đề thi cũng được chú trọng nhằm giúp các trường đại học tuyển chọn thí sinh ưu tú, phù hợp yêu cầu đào tạo chuyên sâu.
PGS.TS Huỳnh Văn Chương – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh sau khi phân tích phổ điểm: "Đề thi tốt nghiệp THPT năm nay đã được xây dựng theo định hướng đánh giá năng lực, có tính phân hóa rất rõ ràng. Điều này giúp các trường đại học, đặc biệt là các ngành học cạnh tranh cao, có cơ sở tốt để tuyển chọn được những thí sinh thực sự xuất sắc, phù hợp với yêu cầu đào tạo chuyên sâu và chất lượng cao, đồng thời cũng phản ánh đúng năng lực của người học theo Chương trình GDPT 2018".
Kỳ vọng và thách thức song hành – Những vấn đề từ thực tiễn
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 đã nhận được rất nhiều kỳ vọng từ xã hội. Liệu đây có phải là bước đột phá giúp "cởi trói" cho học sinh khỏi áp lực học thuộc lòng, khuyến khích sự sáng tạo và tư duy độc lập? Liệu kỳ thi có thực sự phản ánh đúng năng lực và phẩm chất mà Chương trình GDPT 2018 hướng tới, hay vẫn còn đó những "điểm nghẽn" cần tháo gỡ?
Thí sinh rạng rỡ rời khỏi điểm thi sau một trong những môn thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, đánh dấu "phép thử" đầu tiên với Chương trình GDPT 2018.
Những băn khoăn đó không phải là không có cơ sở, bởi bên cạnh các kỳ vọng tích cực, không ít thách thức cũng đang hiện hữu và cần được nhìn nhận một cách thẳng thắn.
Sự thích ứng của giáo viên với việc chuyển đổi từ phương pháp dạy truyền thống sang dạy học phát triển năng lực đòi hỏi họ phải thay đổi rất nhiều từ cách soạn giáo án, truyền đạt kiến thức đến kiểm tra, đánh giá. Mặc dù đã có các đợt tập huấn, nhưng sự chuyển biến đồng đều ở tất cả các địa phương, các trường vẫn là một quá trình.
Với lứa học sinh 2007 là những người tiên phong, các em phải vừa học chương trình mới, vừa làm quen với dạng thức đề thi hoàn toàn khác biệt. Áp lực "lần đầu" có thể khiến một bộ phận học sinh gặp khó khăn trong việc định hình phương pháp học tập và ôn luyện hiệu quả.
Nhiều phụ huynh vẫn giữ tâm lý lo lắng, hoài nghi trước những thay đổi lớn. Sự chưa đồng bộ hoàn toàn giữa chương trình, phương pháp giảng dạy và cấu trúc đề thi có thể khiến họ cảm thấy băn khoăn về hiệu quả của việc học theo hướng mới, đặc biệt khi nhìn vào phổ điểm ban đầu của một số môn.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 không chỉ là một kỳ thi đánh giá thông thường, mà còn là phép thử quan trọng với toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông theo chương trình mới. Kết quả của kỳ thi này chắc chắn sẽ cung cấp dữ liệu quý báu để Bộ GD&ĐT và các nhà trường tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện, hướng tới một nền giáo dục chất lượng, công bằng, phù hợp hơn với yêu cầu xã hội hiện đại. Những bài học rút ra từ kỳ thi đầu tiên này sẽ là nền tảng vững chắc cho các thế hệ học sinh tiếp theo.
Đón đọc kỳ 2: Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025: Phép thử năng lực và bài học cho từng môn
Đỗ Vi