Tòa thị chính thành phố Tel Aviv.
Chính phủ đã đẩy mạnh thu hút người nhập cư có trình độ cao (đặc biệt từ Liên Xô cũ), triển khai cải cách tài chính, và quan trọng nhất - tạo dựng một nền tảng mạnh cho nghiên cứu và phát triển (R&D).
Năm 1992, chương trình Yozma ra đời, đánh dấu bước ngoặt lớn khi chính phủ đầu tư cùng khu vực tư nhân vào các quỹ đầu tư mạo hiểm. Với mô hình “góp vốn - chia sẻ rủi ro - thoái vốn có lợi”, Israel nhanh chóng xây dựng được một hệ sinh thái đầu tư mạo hiểm sôi động, thu hút cả dòng vốn toàn cầu lẫn giới khởi nghiệp bản địa.
Chương trình Yozma không chỉ mang lại dòng vốn ban đầu cho các startup non trẻ, mà còn đặt nền móng cho một tư duy chính sách hoàn toàn mới: chính phủ không can thiệp sâu, mà tạo điều kiện để thị trường tự phát triển. Với sự hiện diện của các quỹ mạo hiểm quốc tế, doanh nhân Israel lần đầu tiên được tiếp cận cả tài chính, mạng lưới cố vấn toàn cầu, và kỹ năng gọi vốn theo chuẩn Thung lũng Silicon. Nhiều quỹ đầu tư ngày nay như Pitango, Vertex, Jerusalem Venture Partners… đều là hậu duệ trực tiếp hoặc gián tiếp của Yozma.
Sự thành công của mô hình này đã biến Israel trở thành quốc gia có mật độ quỹ đầu tư mạo hiểm và startup cao nhất thế giới tính theo đầu người. Vào cuối thập niên 1990, làn sóng startup trong lĩnh vực viễn thông, chip, phần mềm nhúng và bảo mật bắt đầu nở rộ, tạo ra làn sóng IPO đầu tiên trên NASDAQ. Kể từ đó, kinh tế Israel dần thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào nông nghiệp và công nghiệp nhẹ để chuyển dịch sang một nền kinh tế tri thức - trong đó công nghệ cao trở thành trụ cột chính.
Tư duy toàn cầu
Do dân số nhỏ và thị trường nội địa hạn chế, các công ty công nghệ Israel buộc phải hướng ra toàn cầu ngay từ đầu – từ thiết kế sản phẩm đến mở rộng thị trường. Chính tư duy toàn cầu này giúp các startup Israel phát triển nhanh, linh hoạt và có tầm nhìn vượt biên giới quốc gia.
Hiện ngành công nghệ cao đóng góp hơn 20% GDP và hơn một nửa giá trị xuất khẩu của Israel, với hơn 9.200 công ty và gần 400.000 lao động trong nước, cùng khoảng 440.000 người làm việc ở nước ngoài. Bất chấp xung đột với Hamas từ tháng 10/2023 và chiến tranh 12 ngày với Iran (6/2025), ngành công nghệ Israel vẫn giữ được đà tăng trưởng mạnh. Trong nửa đầu năm 2025, các startup nước này huy động hơn 9,3 tỷ USD, riêng tháng 6 đạt 1,6 tỷ USD qua 18 thương vụ.
Ngân hàng Trung ương Israel dự báo chi phí kinh tế do chiến tranh 2023–2025 lên tới 55,6 tỷ USD (khoảng 10% GDP), thậm chí có thể lên tới 400 tỷ USD trong 10 năm tới. Tuy vậy, chỉ số chứng khoán Israel vẫn tăng 80% kể từ tháng 10/2023 – phản ánh niềm tin của thị trường vào triển vọng kinh tế (tăng trưởng 4%/năm). Các startup không chỉ sống sót, mà đang vươn lên mạnh mẽ – đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao và quốc phòng.
Chiến lược quốc gia đúng đắn
Không để thị trường tự xoay sở, Chính phủ Israel từ sớm xác định khoa học – công nghệ là trụ cột phát triển quốc gia. Thay vì can thiệp hành chính, chính phủ đóng vai trò "kiến trúc sư hệ sinh thái đổi mới", với chính sách đồng bộ, dài hạn và thích ứng theo thời cuộc.
Ngay từ thập niên 1990, Cơ quan Đổi mới Israel (IIA) được thành lập để điều phối ngân sách cho nghiên cứu, startup, công nghệ mũi nhọn và hợp tác quốc tế. Chi tiêu cho R&D dân sự luôn ở mức cao nhất thế giới – khoảng 6% GDP, trong đó 90% đến từ khu vực tư nhân. Chính phủ không làm thay mà tạo điều kiện để doanh nghiệp, viện nghiên cứu và nhà đầu tư phối hợp thành một mạng lưới sáng tạo hiệu quả.
Israel cũng hỗ trợ tài chính không hoàn lại cho startup, ưu đãi thuế lớn cho trung tâm R&D của hơn 400 tập đoàn toàn cầu như Intel, Google, Apple. Hệ thống giáo dục STEM được chú trọng từ phổ thông đến đại học, kết nối chặt chẽ với thị trường và công nghiệp. Gần đây, Israel thúc đẩy đổi mới xanh qua các chương trình về climate tech (công nghệ khí hậu), năng lượng sạch và y tế số.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu từng nhấn mạnh: “Israel là một quốc gia nhỏ với những bộ óc lớn. Sáng tạo nằm trong ADN của chúng tôi và tương lai của đất nước phụ thuộc vào điều đó”.
Từ "Quốc gia khởi nghiệp" đến "Quốc gia đổi mới toàn diện"
Israel ngày nay không chỉ là “quốc gia khởi nghiệp” mà đang chuyển mình thành “quốc gia đổi mới toàn diện” – nơi đổi mới sáng tạo không chỉ phục vụ thương mại mà còn hướng đến giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, chăm sóc sức khỏe và năng lượng tái tạo.
Các trung tâm công nghệ tại Tel Aviv, Haifa, Beer Sheva đã vươn xa khỏi lĩnh vực tiêu dùng, trở thành đầu tàu trong xử lý nước, nông nghiệp chính xác, pin thế hệ mới, thiết bị y tế thông minh - những công nghệ có tiềm năng tạo chuyển biến bền vững cho nhân loại.
Sự chuyển mình này là kết quả của một hệ sinh thái trưởng thành, nơi doanh nghiệp, chính phủ, viện nghiên cứu và nhà đầu tư phối hợp để giải quyết các bài toán liên ngành. Ngày càng nhiều startup chọn phát triển dài hạn thay vì bán nhanh hay IPO ngắn hạn. Quỹ đầu tư và chính sách công cũng dần chuyển hướng: hỗ trợ các công ty deep tech (công nghệ chuyên sâu), climate tech, hoặc các dự án công nghệ phục vụ cộng đồng.
Xung đột và bất ổn địa chính trị, trong nhiều trường hợp vô hình trung là chất xúc tác tạo nên thế hệ doanh nhân mới - táo bạo, trách nhiệm và giàu sứ mệnh xã hội. Israel đang đi từ khởi nghiệp vì tăng trưởng sang đổi mới vì tương lai – một bước chuyển không chỉ về mặt công nghệ, mà còn về tư duy và bản sắc quốc gia. Trong kỷ nguyên hậu xung đột và biến đổi khí hậu, đất nước nhỏ bé này tiếp tục đóng vai trò như một phòng thí nghiệm của tương lai, nơi mà công nghệ không chỉ tạo ra lợi nhuận, mà còn kiến tạo hy vọng. Như Tổng thống Isaac Herzog từng khẳng định: “Thành tựu khoa học và hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động là niềm tự hào và là trụ cột cho sự thịnh vượng trong tương lai của đất nước”.
Như vậy có thể thấy rõ dù không giàu tài nguyên, không có thị trường nội địa lớn và trong môi trường xung đột, nhưng Israel thành một cường quốc công nghệ. Câu chuyện Israel là một minh chứng sống động rằng để khởi nghiệp thành công, điều kiện vật chất không quan trọng bằng tư duy, văn hóa và tầm nhìn quốc gia.
Thanh Bình (Phóng viên TTXVN tại Israel)