Kỳ tích của những chú chó giúp Alaska chống dịch bệnh chết người cách đây 100 năm - Kỳ 1

Kỳ tích của những chú chó giúp Alaska chống dịch bệnh chết người cách đây 100 năm - Kỳ 1
5 giờ trướcBài gốc
Kỳ 1: Vận chuyển thuốc bằng chó hay máy bay?
Bệnh viện tại Nome nơi điều trị bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu. Ảnh: Getty Images
Khi bác sĩ Curtis Welch khám cho bệnh nhi ba tuổi có tên Billy Barnett ngày 20/1/1925, ác mộng tồi tệ nhất của ông đã trở thành sự thật. Một lớp màng dày, nhầy nhụa đã xuất hiện trên amidan của bệnh nhi. Cậu bé và có những tổn thương màu đỏ trong miệng. Tình trạng gia tăng các ca viêm amidan ở Nome và dã có trường hợp tử vong nên bác sĩ Welch tỏ ra lo lắng.
Các triệu chứng mới đáng lo ngại của Barnett đã củng cố nghi ngờ của ông. Đó chắc chắn là bệnh bạch hầu, loại vi khuẩn cổ xưa khủng khiếp, làm ngạt thở nạn nhân bằng cách dùng chất ngầy tấn công khí quản. May mắn thay, đã có cách chữa trị.
Vào những năm 1890, nhà khoa học Emil von Behring, người đầu tiên giành giải Nobel Y học, đã phát triển huyết thanh kháng độc tố bạch hầu, bằng cách sử dụng huyết thanh lấy từ động vật có khả năng miễn dịch. Thật không may, bác sĩ Welch chỉ có một vài lọ huyết thanh kháng độc tố bạch hầu đã hết hạn và Nome phần lớn sẽ cô lập với phần còn lại của thế giới cho đến mùa hè, khi băng biển bao quanh thị trấn tan trong vài tháng ngắn ngủi.
Bác sĩ Welch biết rằng ông không thể chờ đợi lâu như vậy. Đến ngày 22/1/1925, khi hội đồng thị trấn “bật đèn xanh”, ông đã gửi bức điện tín khẩn cấp đến Dịch vụ Y tế Công cộng Mỹ tại Washington, D.C. Bác sĩ Welch bày tỏ ngại rằng gần như không thể tránh khỏi dịch bệnh bạch hầu nếu Nome không nhận được một triệu liều huyết thanh kháng độc tố bạch hầu càng sớm càng tốt. Ông cũng gợi ý hình thức vận chuyển là đường bưu điện. Trong khi đó, xe trượt tuyết do chó kéo đã góp phần giúp dịch vụ bưu chính đến Nome thông suốt quanh năm.
Các sự kiện diễn ra trong tháng sau đó đã đưa Nome và tiểu bang Alaska mới được sáp nhập lên trang nhất của hầu hết các tờ báo hàng đầu thế giới.
Quang cảnh một góc ở Nome giai đoạn1900 -1930. Ảnh: Getty Images
Trong khi chờ đợi, bác sĩ Welch và y tá trưởng là xơ Emily Morgan dốc sức xử lý tình trạng gia tăng các ca bệnh bằng cách áp dụng cách ly, các bài thuốc cổ xưa và chỉ dùng nguồn huyết thanh kháng độc tố bạch hầu ít ỏi còn lại trong những trường hợp nghiêm trọng. Cùng thời điểm, nhân viên y tế trên khắp cả nước đã hỗ trợ tìm kiếm nguồn cung cấp huyết thanh kháng độc tố bạch hầu từ kho bệnh viện.
Đáng chú ý, khi đó, các quan chức lại đau đầu tranh luận về cách đưa huyết thanh đến Nome. Ông Mark Summers - một ủy viên hội đồng thị trấn Nome - đã đề xuất kế hoạch đưa huyết thanh kháng độc tố bạch hầu từ Nenana (điểm cuối của tuyến đường sắt) qua 1.085 km đến Nome.
Ông Summers tin rằng đội xe trượt tuyết do chó kéo có thể đảm nhận tuyến vận chuyển này. Ông Summers biết một nhân vật có thể hoàn thành chặng đường đầy nguy hiểm, đó là người điều khiển xe trượt tuyết huyền thoại Na Uy - Leonhard Seppala. Ông và chú chó dẫn dầu đáng tin cậy Togo đã giành chiến thắng trong nhiều cuộc đua và phá một số kỷ lục đường dài.
Trong khi hầu hết mọi người trong hội đồng bỏ phiếu ủng hộ kế hoạch của ông Summers, Thị trưởng George Maynard lại vận động họ cân nhắc phương án thứ hai, vận chuyển bằng máy bay. Mặc dù sẽ nhanh hơn nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, nhưng các thành viên hội đồng lại nghi ngờ về khả năng một chiếc máy bay buồng lái hở có thể hạ cánh tại Nome.
Chuyến bay mùa đông đầu tiên của Alaska chỉ được hoàn thành vào năm trước đó, với khoảng cách ngắn hơn nhiều và trong thời tiết ấm áp hơn. Sau cuộc họp, ông Summers đã đến thăm Seppala để yêu cầu ông chuẩn bị cho chuyến đi. Trong khi đó, Maynard bắt đầu thuyết phục những người có thẩm quyền xem xét một chuyến bay cứu trợ.
Trong bối cảnh đó, bác sĩ trưởng khoa của Bệnh viện Đường sắt Anchorage đã tìm thấy 300.000 liều huyết thanh kháng độc tố bạch hầu tại chính Alaska. Cùng thời điểm, 1,1 triệu liều khác đã được tập hợp lại từ nhiều bệnh viện khác nhau ở Bờ Tây của Mỹ.
Các loại thuốc mà bác sĩ Welch cần đã được tìm thấy. Nhưng tình hình ở Nome ngày một tệ hơn. Đến ngày 24/1/1925, bác sĩ Welch và xơ Morgan đã xác nhận 20 trường hợp được mắc bệnh và 50 trường hợp nghi ngờ khác.
Thị trưởng Maynard nhận được khá nhiều ủng hộ cho ý tưởng sử dụng máy bay vận chuyển huyết thanh. Nghị sĩ Dan Sutherland, đại diện của Alaska tại Quốc hội, đã nỗ lực đưa ngành hàng không đến tiểu bang này trong nhiều năm và cuộc khủng hoảng của Nome được ông coi là cơ hội. Nghị sĩ Sutherland dựa vào William Fentress Thompson, biên tập viên lâu năm của tờ Fairbanks Daily News-Miner, kiêm nhà sáng lập Fairbanks Airplane Corporation, một trong những doanh nghiệp tiên phong của ngành hàng không Alaska.
Việc điều động máy bay không phải là vấn đề đối với ông Thompson. Ông cũng tìm được phi công sẵn lòng tham gia. Tuy nhiên, có một biến cố là thời tiết. Khối khí lục địa áp suất cao đã đẩy nhiệt độ khu vực xuống mức thấp nhất trong 20 năm.
Và người duy nhất có thẩm quyền đưa ra quyết định cuối cùng là Thống đốc Alaska khi đó là Scott C Bone. Bản thân Thống đốc Bone rất tâm huyết với tiềm năng của ngành hàng không trong việc thay đổi vận mệnh của Alaska và ông muốn nói đồng ý với các phi công. Tuy nhiên, ông cũng là người thực tế, hiểu rằng việc vận chuyển an toàn huyết thanh kháng độc tố bạch hầu đến Nome là ưu tiên hàng đầu.
Sau khi cân nhắc tất cả các yếu tố - thời tiết và tình trạng của cả máy bay cùng phi công - ông đã có quyết định cuối cùng. Bone ra sắc lệnh rằng 300.000 liều đầu tiên sẽ được chuyển đến Nome bằng xe trượt tuyết do chó kéo.
Đón đọc kỳ cuối: Hành trình kiên cường và gian truân
Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Aljazeera)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/ho-so/ky-tich-cua-nhung-chu-cho-giup-alaska-chong-dich-benh-chet-nguoi-cach-day-100-nam-ky-1-20250223180245569.htm