Xã Hưng Yên Nam vinh dự đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới.
Chuyện xây dựng nông thôn mới không còn là đề tài mới. Tuy nhiên với xã Hưng Yên Nam lại có phần đặc biệt khi chỉ trong thời gian ngắn, địa phương đã khơi dậy được lòng quảng đại, sự đoàn kết lương - giáo, phát huy nội lực để về đích nông thôn mới. Đây cũng là địa phương cuối cùng của huyện Hưng Nguyên về đích nông thôn mới.
Lấy lại niềm tin từ nhân dân
Có mặt tại xã Hưng Yên Nam những ngày đầu năm, dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh xã, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phan Bùi Hiếu vừa đi vừa khoe với chúng tôi về những con đường bê-tông thẳng tắp, những đường cờ Tổ quốc chạy thẳng vào các giáo xứ với giọng đầy tự hào và phấn khởi.
Để Hưng Yên Nam có được bộ mặt như ngày hôm nay, đó là cả một hành trình gian nan.
Phó Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: Là địa phương khó khăn nhất của huyện Hưng Nguyên, với tỷ lệ giáo dân chiếm gần 80% dân số, có ba giáo xứ, bảy giáo họ, 5/8 xóm có giáo dân toàn tòng. Trước năm 2021, xã không có nhà văn hóa, các sinh hoạt cộng đồng đều mượn nhà dân. Các lớp học mầm non được cô và trò tận dụng những gian nhà kho của Hợp tác xã; trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trạm y tế, hệ thống giao thông đều xuống cấp nghiêm trọng.
Không chỉ thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, mà một bộ phận nhân dân với chính quyền còn thiếu sự đồng thuận, còn hoài nghi khi trong vòng bốn năm xã thay nhiều vị trí chủ chốt, nhiều cán bộ xóm bị kỷ luật... Đây chính là rào cản và cũng là thách thức lớn đối với chính quyền địa phương trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Nhân dân Hưng Yên Nam chung tay xây dựng nông thôn mới.
Sự đột phá bắt đầu từ tháng 6/2021, khi huyện điều động, tăng cường hai cán bộ có kinh nghiệm về đảm nhận cương vị Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã. Từ đây câu chuyện nông thôn mới trên Hưng Yên Nam thật sự mới bắt đầu.
Xin được nói thêm, sau khi hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Hưng Yên Nam đạt chuẩn nông thôn mới, Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Đức Ân được huyện điều về vị trí cũ là Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện. Đến bây giờ, tuy không còn làm Bí thư Đảng ủy xã,nhưng người dân Hưng Yên Nam vẫn gọi Hoàng Đức Ân với cái tên trìu mến là “Cụ Ân”.
Nhớ lại những ngày đầu, ông Hoàng Đức Ân chia sẻ: Khi nhận nhiệm vụ về làm Bí thư Đảng ủy xã trong bối cảnh khó khăn như vậy, điều quan trọng nhất phải làm là lấy lại niềm tin của người dân với cấp ủy, chính quyền địa phương. Dân có niềm tin mới có sự đồng thuận.
Bởi vậy, ngoài xây dựng mối đoàn kết trong nội bộ, mình phải thổi được “luồng gió mới” trong tư duy, cách thức, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức xã. Thời gian đầu mới nhận nhiệm vụ, Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Đức Ân đã gương mẫu bám cơ sở làm việc với tinh thần “tuần không thứ, tháng không ngày”; nơi nào gặp khó khăn, mọi người đều thấy “Cụ Ân” đứng mũi chịu sào để tuyên truyền vận động.
Vai trò đầu tàu gương mẫu của Bí thư Ân đã tác động đến đội ngũ cán bộ công chức xã làm theo. Cùng với đó, Đảng ủy đã phân rõ trách nhiệm cho từng cấp ủy, từng cán bộ, từng vị trí việc làm và rà soát lại toàn bộ công việc để phân công giám sát, tiến độ hoàn thành cụ thể. Nhằm thay đổi độ ỳ của một số cán bộ, cứ đều đặn chiều thứ 7 hằng tuần, tất cả cán bộ, công chức xã đều phải nộp báo cáo việc đã làm trong tuần và kế hoạch cụ thể trong tuần tới,...
Đảng ủy xã đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Trong đó, yêu cầu sự nêu gương trong triển khai thực hiện của cán bộ, đảng viên.
Khi thổi được “luồng gió mới” vào đội ngũ cán bộ xã, một trong những việc tạo nên bước ngoặt cho xã nhà là chính quyền địa phương nhận được sự ủng hộ của Linh mục và Hội đồng mục vụ các giáo xứ.
Ông Hoàng Đức Ân (ở giữa) trao đổi với cán bộ thôn, xóm về tình hình xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Ân, ngay từ đầu Đảng ủy xã đã chủ động làm việc, phối hợp Linh mục và Hội đồng mục vụ các giáo xứ để tập trung tuyên truyền cho người dân hiểu rõ mục đích xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, cùng nhau phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, tốt đời, đẹp đạo; trong đó, người dân phải đóng vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới…
Để có được sự ủng hộ đó, chính quyền địa phương đã làm tốt công tác tôn giáo. Những ngày lễ lớn liên quan đến công giáo như Lễ Giáng sinh, địa phương đã tổ chức chương trình tại Ủy ban nhân dân xã; mời linh mục, hội đồng mục vụ, chức sắc, chức việc, các giáo dân tiêu biểu, ca đoàn cùng tham gia. Qua đó, linh mục, hội đồng mục vụ và bà con giáo dân thấy được sự quan tâm, sự tôn trọng, tôn vinh cộng đoàn giáo dân của chính quyền địa phương.
Khi có được niềm tin “ý Đảng thuận lòng dân”, các cán bộ chủ chốt của xã được cử xuống từng xóm để tập trung vận động sự đóng góp của nhân dân xây dựng một số tuyến đường mẫu, nhà văn hóa mẫu. Cùng với đó, huyện, xã đã ban hành chính sách hỗ trợ, như xây dựng nhà văn hóa xóm với giá trị đầu tư khoảng một tỷ đồng thì địa phương được hỗ trợ 150 triệu đồng…
Nhân dân xã Hưng Yên Nam đồng lòng, quyết tâm cao để đưa Hưng Yên Nam về đích nông thôn mới.
Tận mắt thấy được những công trình ấy mang lại lợi ích, chỉ trong vòng sáu tháng, với sự đóng góp của toàn dân, 8/8 xóm đồng loạt xây dựng nhà văn hóa. Phong trào hiến đất làm đường, xây dựng đường cờ Tổ quốc, đường điện chiếu sáng được thực hiện toàn xã; rồi xây dựng các trường học... Hưng Yên Nam lúc ấy như một đại công trường xây dựng nông thôn mới, ông Ân chia sẻ.
“Khó vạn lần dân liệu cũng xong”
Dẫn chúng tôi đến nhà văn hóa xóm 5, được xây dựng khang trang, sạch đẹp, Xóm trưởng xóm 5 Nguyễn Đình Tùng khoe với chúng tôi: Nhân dân không nghĩ một ngày xóm có được nhà văn hóa đẹp như thế này. Trước đây, khi xóm có việc đều phải mượn nhà dân để họp, từ khi có nhà văn hóa thì từ hội họp, đám cưới đến ngày đại đoàn kết,... nhân dân đều đến nhà văn hóa để sinh hoạt.
Nhà văn hóa xóm 5 được xây dựng khang trang, rộng rãi.
Là xóm giáo toàn tòng, chúng tôi phân vân về cách làm thế nào để nhận được sự đồng lòng của nhân dân, Xóm trưởng xóm 5 chia sẻ: Khi có chủ trương xây dựng nhà văn hóa, cán bộ xã đã xuống từng xóm tổ chức các cuộc họp với người dân, bàn bạc về tổ chức cách làm, các khoản đóng góp cùng với sự đồng hành của Linh mục, Hội đồng mục vụ nên đã tạo được sự thống nhất cao. Để nhân dân đồng lòng, cán bộ xóm là những người tiên phong đóng góp đầu tiên. Theo đề xuất, mỗi hộ đóng một triệu đồng, riêng cán bộ xóm tiên phong đóng hai triệu đồng. Từ đó tạo nên sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư; bà con còn vận động con em xa quê đóng góp hàng chục triệu đồng, có người góp 50 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa. Ngoài ra, xóm còn vận động doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ gạch xây dựng… Chỉ trong một thời gian ngắn, số tiền đóng góp của bà con đã lên đến gần một tỷ đồng.
Ngoài đóng góp tiền, bà con còn đóng góp ngày công xây dựng toàn bộ phần bờ rào bao xung quanh nhà văn hóa xóm. Điều đặc biệt nhất ở xóm 5 khi kêu gọi sự chung tay đóng góp của nhân dân để đầu tư hệ thống đường ống nước sạch từ địa bàn khác về. Bà con còn tự nguyện hiến đất, tường rào, cây cối và đóng góp tiền xây dựng các tuyến đường bê-tông đạt chuẩn cùng hệ thống điện chiếu sáng, các tuyến đường cờ và xây dựng nghĩa trang sinh thái của xóm,... với số tiền khá lớn, ông Tùng phấn khởi chia sẻ.
Người dân Hưng Yên Nam làm đường giao thông nông thôn.
Với nhiều cách làm quyết liệt, cùng chung tay tạo nên sức mạnh đoàn kết lương - giáo, không chỉ xóm 5, mà bảy xóm còn lại của xã đều đồng lòng, cùng nhau đóng góp để đưa Hưng Yên Nam về đích nông thôn mới. Chỉ sau một thời gian, người dân đã tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất để mở rộng các tuyến đường rộng từ 4 đến 7m.
Cùng với đó, trung bình mỗi hộ dân đóng góp từ 10-15 triệu đồng để nâng cấp đường giao thông thôn, xóm. Nhiều hộ dân còn cầm cả sổ đỏ vay tiền ngân hàng để làm đường. Nhiều con em xa quê ủng hộ hàng trăm triệu đồng.
Đặc biệt, địa phương đã kêu gọi ông Đinh Hữu Diệm - con em địa phương làm ăn thành đạt ở miền nam đóng góp đến 14 tỷ đồng trong xây dựng nông thôn mới. Xã huy động máy móc của doanh nghiệp để san lấp mặt bằng cho trụ sở Ủy ban nhân dân xã...
Những tuyến đường được người dân hiến đất, mở rộng từ 4 đến 7 mét.
Thành công trong xây dựng nông thôn mới ở Hưng Yên Nam có sự đóng góp tích cực của linh mục, hội đồng mục vụ và cộng đồng giáo dân. Chủ tịch Hội đồng mục vụ giáo xứ Đông Sơn Đinh Chí Hòa, tâm sự: Khi được vận động xây dựng nông thôn mới, đồng bào giáo dân đều thấu hiểu và đồng lòng ủng hộ; nhất là hiến đất, tường rào, mở rộng đường giao thông hay các khoản đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng...
Trong những năm qua, cộng đoàn giáo xứ của xã đã chung tay đóng góp xây dựng nhà ở cho người nghèo. Riêng năm 2024, cộng đoàn giáo dân đã xây dựng mới được hai ngôi nhà. Trong giáo xứ Đông Sơn có 12 tổ thợ nề thì tất cả các tổ này thay phiên nhau để xây dựng nhà cho người nghèo hoàn toàn miễn phí.
Anh Phạm Hồng Huy bên ngôi nhà mới do cộng đoàn giáo dân giáo xứ Đông Sơn đóng góp xây dựng.
Đầu năm 2021, xã Hưng Yên Nam mới chỉ đạt 11 tiêu chí nông thôn mới, nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của giáo hội cùng sức mạnh của lòng dân, đến năm 2022, các tiêu chí còn thiếu như giao thông, cơ sở vật chất, văn hóa, trường học, y tế,... đều hoàn thành và về đích nông thôn mới.
Khi cơ sở hạ tầng phát triển, xã đã chỉ đạo, tập trung phát triển kinh tế theo mô hình chuyên canh, như vùng đồi chuyên trồng đào cảnh, cây ăn quả, chanh; vùng sâu trũng chuyển sang nuôi ốc bươu, ba ba, ếch… cho thu nhập khá cao; Mảng dịch vụ cũng được địa phương khuyến khích phát triển. Phong trào xuất khẩu lao động được đẩy mạnh khi toàn xã có gần một nghìn người.
Theo Chủ tịch Hội đồng mục vụ giáo xứ Đông Sơn Đinh Chí Hòa, thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo địa phương đã khuyến khích tạo điều kiện cho con em trong giáo xứ đi nước ngoài, từ đó cuộc sống nhân dân ngày càng ấm no. Nhờ vậy mà tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo toàn xã hiện chỉ còn hơn 3,5%...
Xã Hưng Yên Nam đã hình thành vùng trồng chanh cho thu nhập cao.
"Thời gian tới, Hưng Yên Nam tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới và tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2027. Bên cạnh đó, huy động nội lực, lồng ghép các chương trình dự án để hoàn thành nâng cao chất lượng và bền vững các tiêu chí đạt chất lượng cao, phát triển kinh tế, hỗ trợ vốn tín dụng để phát triển sản xuất, tổ chức đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm, với mục tiêu là nhân dân xã Hưng Yên Nam ngày càng giàu mạnh, ấm no, hạnh phúc", Phó Bí thư Đảng ủy xã Bùi Phan Hiếu cho biết thêm.
THÀNH CHÂU - ĐÌNH PHƯỢNG