Ký ức của học sinh miền Nam trên đất Bắc

Ký ức của học sinh miền Nam trên đất Bắc
2 giờ trướcBài gốc
Đầu năm 1955, chàng trai Lê Lý Trịnh lúc bấy giờ mới 12 tuổi đi tập kết ra Bắc học tập. Những ngày tháng trong vòng tay yêu thương, đùm bọc của thầy cô, người dân, ông Trịnh cũng như bao học sinh miền Nam trên đất Bắc vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân. Gần 70 năm đã qua, nhưng ký ức ngày đầu ra Bắc học tập vẫn hằn in trong tâm trí ông.
Lật giở cuốn album, ký ức của ông Lê Lý Trịnh về những ngày học tập nơi đất Bắc cứ thế ùa về
Lật giở cuốn album cũ, ký ức của ông Trịnh từ những ngày đầu học tập nơi đất Bắc, những lần được gặp Bác Hồ cứ thế ùa về. Ông kể: Những ký ức về ngày tháng học tập trên đất Bắc vẫn in đậm trong tôi, là động lực để tôi phấn đấu trong cuộc sống và tiếp tục cống hiến cho xã hội đến nay. “Chúng tôi vô cùng tự hào là học sinh miền Nam trên đất Bắc. Thời điểm năm 1955 nhiều khó khăn, nhưng cũng tràn đầy niềm tin. Và chúng tôi đã trưởng thành, dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải vươn lên, sống tốt, phục vụ quê hương, đất nước. Tình thương của người dân miền Bắc dành cho con em học sinh miền Nam rất lớn, đúng là Nam - Bắc một nhà” - ông Trịnh trải lòng.
Thời gian học tập ở miền Bắc luôn có ý nghĩa quan trọng với học sinh miền Nam. Họ ghi nhớ sự quan tâm, tận tình nuôi dưỡng của đồng bào miền Bắc dành cho những thế hệ học sinh miền Nam. Hơn 70 năm trôi qua, ký ức của những học sinh miền Nam ra Bắc học tập vẫn còn vẹn nguyên với nhiều người. Các thế hệ học sinh miền Nam luôn ghi nhớ những lời dặn dò của Bác - phải đoàn kết giữa học sinh các vùng miền, đoàn kết với thiếu nhi và đồng bào miền Bắc, phải luôn nỗ lực học tập, rèn luyện để trở thành người tốt, học đi đôi với hành.
Các học sinh miền Nam trên đất Bắc thường xuyên gặp mặt, cùng nhau ôn lại quá khứ không thể nào quên của một thời tuổi trẻ
Trải qua những ngày tháng không quên đó, có những người từ xa lạ trở nên thân thiết. Bà Đặng Thị Ba ở thôn Đắk Lim, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập cho biết: Không có đồng bào miền Bắc đùm bọc, tận tình nuôi dưỡng sẽ không có những thế hệ học sinh miền Nam trưởng thành như hôm nay. Tôi rất vinh dự khi mình là một trong những học sinh miền Nam học ở đất Bắc. Thời điểm đó rất khó khăn, nhưng tình cảm của bà con miền Bắc đối với học sinh miền Nam rất đầm ấm, họ luôn thương yêu, đùm bọc học sinh miền Nam. Chúng tôi luôn trân trọng và khắc ghi điều đó.
Mô hình “Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc” hình thành trong giai đoạn rất quan trọng. Thống kê ở Bình Phước có khoảng hơn 20 học sinh miền Nam từng học tập trên đất Bắc. Theo thời gian, nhiều người tuổi đã cao, sức khỏe yếu nhưng khi hoài niệm về một thời son trẻ, họ vẫn say sưa kể lại những kỷ niệm sâu sắc, những chuyện vui buồn khi chiến trận hay những lúc bình yên; họ nói về sự gắn bó cũng như “mối duyên nợ” với miền Bắc rất nhiều. “Thời điểm chúng tôi đi học ở miền Bắc còn rất nhỏ. Thầy, cô giáo ở miền Bắc chăm sóc, dạy dỗ học sinh miền Nam rất tận tình, chu đáo. Sau khi hoàn thành việc học tập, chúng tôi về lại miền Nam nhưng vẫn luôn nhớ tới các thầy cô ở miền Bắc, rất trân trọng bởi tình cảm người dân miền Bắc dành cho chúng tôi” - bà Nguyễn Thị Minh Hương ở phường Sơn Giang, thị xã Phước Long chia sẻ.
Học sinh miền Nam ở Bình Phước trong dịp kỷ niệm 70 năm Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc - Ảnh: Trương Hiện
Đất nước thống nhất. Các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc cũng hoàn thành sứ mệnh. Những học sinh được “ươm trồng” trên đất Bắc năm xưa trở lại quê hương tiếp tục học tập, công tác, góp phần quan trọng vào việc xây dựng đất nước. Và sự phát triển của địa phương hôm nay cũng chính là niềm vui, niềm tự hào và để nhắc nhở mỗi chúng ta tiếp tục cống hiến, tích cực tham gia các phong trào, xây dựng địa phương ngày càng phát triển.
Anh Ngọc
Nguồn Bình Phước : https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/165574/ky-uc-cua-hoc-sinh-mien-nam-tren-dat-bac