Dưới mái trường miền Bắc
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại Cần Thơ, PGS.TS Cao Minh Thì mang trong mình những phẩm chất cao quý từ cha mẹ, trong đó đức tính hiếu học được ông phát huy từ rất sớm. Nhưng rồi chiến tranh ác liệt, 7 anh em trong nhà đều thoát ly đi chiến đấu. Anh hai Cao Minh Lộc hy sinh trong trận đánh Lê Bình, năm 1945. Đón nhận tin anh mất là một cú sốc vô cùng đau đớn.
“Trái tim tôi như thắt lại, nghẹt thở. Tôi trở nên trầm tư, suy nghĩ dứt khoát phải tham gia kháng chiến. Khi vừa đủ 14 tuổi, học hết lớp tiểu học, tôi xung phong đi bộ đội, thuộc biên chế của Trung đoàn Tây Đô”, nhà giáo Cao Minh Thì kể. Chỉ một năm sau, ông tiếp tục đón nhận tin về anh tư Cao Minh Thiện hy sinh trong chiến dịch Sóc Trăng. Tận tay ôm xác của anh về chôn cất, nỗi đau đớn không thể nào diễn tả nổi trong lòng người em trai Cao Minh Thì.
PGS.TS Cao Minh Thì trong lần gặp cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
Khi những mất mát về tình thân vẫn chưa thể nguôi thì năm 1954, gia đình lại đón nhận tin anh ba Cao Minh Tường hy sinh tại Sài Gòn. Chiến tranh quá tàn khốc, chỉ vỏn vẹn mấy năm trời mà 3 người anh của ông trở thành liệt sĩ. Đó là lý do mà cấp trên triệu tập Cao Minh Thì đi nhận nhiệm vụ đặc biệt - ra miền Bắc học tập. Một ngày cuối tháng 11/1954, khi Cao Minh Thì đang ở Sài Gòn thì có giấy báo về khu tập kết. Ba mẹ ông bên ngoài tỏ vẻ vui mừng nhưng trong lòng có chút lo lắng, căn dặn con trai: “Ở ngoài đó lạnh lắm. Ba đã từng ở Hà Nội, con nhớ cầm mấy đôi vớ đeo vào. Con đi 2 năm về, cố gắng học được gì thì học”. Nhưng, không ngờ đó là lời căn dặn cuối cùng của người cha, đứa con ra đi mãi đến hơn 20 năm mới quay trở về và cha không còn nữa.
Tại Cần Thơ, Bộ Tư lệnh Phân khu miền Tây tập trung con em cán bộ khoảng 100 người giao cho Cao Minh Thì phụ trách. Cả đại đội lên tàu thủy từ Chắc Băng ra sông Cần Thơ để lên một con tàu của Pháp chở ra Vũng Tàu, có một chiếc tàu Liên Xô chờ sẵn. “Đó là một con tàu thật lớn, chúng tôi phải leo lên những bậc thang rất cao. Nhiều em nhỏ không leo được, tôi phải cõng lên. Tất cả được bố trí ở dưới hầm tàu. Chúng tôi được phát cơm hằng ngày và lương khô nên việc ăn uống khá đầy đủ. Tuy nhiên, vì say sóng nên ai cũng mệt mỏi, những cơn say hòa vào sóng nước biển khơi”, ông Thì nhớ lại ngày vượt biển ra Bắc.
Tàu cập bến Sầm Sơn (Thanh Hóa). Đoàn học sinh miền Nam được đưa vào trại tiếp đón, mỗi người được phát một chiếc chăn bông và áo ấm. Đây là lần đầu tiên Cao Minh Thì trải nghiệm cái lạnh giá buốt của miền Bắc, một cảm giác thật lạ lẫm nhưng thích thú.
Sau thời gian nghỉ ngơi dưỡng sức, Cao Minh Thì và đoàn học sinh miền Nam được đưa về xã Quảng Đức (Quảng Xương, Thanh Hóa) ở cùng nhân dân và bắt đầu học tập. Cả đại đội được phân ra theo các lớp học tùy theo trình độ và lứa tuổi. Bài học đầu tiên mà cô giáo Nguyễn Thị Định ra đề cho lớp học sinh miền Nam chính là “viết một bức thư về Nam”. Cậu học trò giỏi Cao Minh Thì bỗng reo lên trong lòng. “Không hiểu sao lúc đó tôi có thể viết thật dài và say mê đến vậy, bài viết bộc lộ hết tình cảm nhớ thương đong đầy mà tôi đã kìm nén. Cô Định rất thích bài văn của tôi”, thầy giáo Cao Minh Thì nhớ lại.
Tháng 12/1954, đoàn được đưa về trường học sinh miền Nam số 14 đóng tại La Khê, Hà Đông, Hà Nội. Ngày đầu tiên nhập trường, Cao Minh Thì cảm nhận được tình cảm nồng hậu, chân thành của các thầy, cô giáo. “Buổi đón tiếp trở nên trang trọng và sôi sục hơn khi chúng tôi đồng thanh hát bài Kết đoàn. Trong suốt nhiều tháng trời, các thầy, cô giáo đã phối hợp với chính quyền và nhân dân địa phương hợp sức dựng các phòng học tranh tre, nứa lá, trát vách phòng học bằng bùn ao trộn rơm khô để kịp đón học sinh miền Nam chúng tôi”, TS Cao Minh Thì chia sẻ.
Ký ức về những năm tháng học tập ở trường học sinh miền Nam số 14 với Cao Minh Thì còn là những ngày ra chợ Chồm Hổm xem bà con buôn bán, nghe âm thanh chợ quê mà nén lòng nhớ tiếng nói quê hương. Con sông Đáy đối diện trường như một bầu trời tuổi thơ ùa về, TS. Cao Minh Thì kể: “Với riêng tôi, sông Đáy gợi nhớ về sông Bình Thủy nơi quê nhà. Những lúc rảnh, chúng tôi kéo nhau ra tắm mát ở sông Đáy, tôi được thỏa thích bơi lội, vẫy vùng, ngụp lặn trong dòng chảy của nước, phần nào giúp tôi vơi bớt đi nỗi nhớ về quê mình”.
Học sinh Cao Minh Thì (hàng đứng, thứ 4, từ phải sang) tại Trường học sinh miền Nam số 14.
Tại Trường học sinh miền Nam số 14, Cao Minh Thì được xếp vào học lớp 6 và được phân công làm công tác đoàn, phụ trách công tác thiếu nhi. Một kỷ niệm đáng nhớ nhất trong thời gian này là đoàn thiếu nhi do Cao Minh Thì phụ trách được đến thăm Bác Hồ: “Bác đã đón tiếp chúng tôi rất thân tình và vui vẻ. Bác hỏi thăm, động viên, căn dặn học sinh miền Nam phải cố gắng học tập, sau này quê hương rất cần”, thầy giáo Cao Minh Thì nhớ lại khoảnh khắc được gặp Bác Hồ tròn 70 năm về trước.
Sau một năm học tập tại trường học sinh miền Nam, Cao Minh Thì được chọn vào học Trường Bổ túc văn hóa Công Nông ở Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội. Cấp trên yêu cầu nhà trường trong vòng một năm phải hoàn thành chương trình cấp 3, tức là phải học cấp tốc 4 lớp để chuẩn bị thi đại học. Cao Minh Thì chọn ban A (toán, lý, hóa), nguyện vọng vào Khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Vừa tốt nghiệp Bổ túc Công Nông, chưa kịp thi đại học thì bên không quân đến trường tuyển chọn người đi lái máy bay, chuẩn bị nhân sự cho cuộc chiến với Mỹ, Cao Minh Thì đã trúng tuyển. Khi ông tới Bệnh viện 108 khám sức khỏe thì bất ngờ gặp lại anh trai Cao Minh Dương cũng đang ở đây. Kết quả, cả hai anh em đều đạt tiêu chuẩn làm phi công. Tuy nhiên, ngay sau đó, Cục Cán bộ, Bộ Quốc phòng gọi Cao Minh Thì đến và nói: “Gia đình ta đã có 3 liệt sĩ. Bây giờ để cả hai anh em lái máy bay thì không nên. Một trong hai người phải ở lại, tiếp tục học và đi theo đường dân sự”.
Thế là, Cao Minh Thì quay trở về ôn luyện để tham gia kỳ thi đại học vào mùa hè năm 1957 và xuất sắc thi đậu vào Khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1960, sinh viên Cao Minh Thì tốt nghiệp đại học loại xuất sắc và được giữ lại làm giảng viên của trường. Tại đây, thầy giáo Cao Minh Thì đã bén duyên với cô sinh viên Khoa Vật lý Trần Thị Ngọc. Tình yêu nảy nở, khi cô Ngọc ra trường cũng trở thành giáo viên, họ tổ chức đám cưới vào năm 1963. Mặc dù có công việc và gia đình ổn định ở Hà Nội nhưng thầy giáo Cao Minh Thì vẫn luôn nung nấu trong lòng ý muốn đi B vì nỗi nhớ miền Nam luôn nóng bỏng trong tim. Năm 1964, ông làm đơn gửi Ban Thống nhất Trung ương trình bày nguyện vọng của mình nhưng được trả lời “không đi B, chuẩn bị sang Liên Xô nghiên cứu sinh”.
Năm 1966, Cao Minh Thì từ giã người vợ thân yêu của mình lên tàu sang Liên Xô. Sau 4 năm học tập, nghiên cứu miệt mài, thầy giáo Cao Minh Thì đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ vật lý tại Trường Đại học Tổng hợp Lomonosov với 40/40 phiếu đồng ý công nhận của toàn hội đồng. “Tôi một thanh niên miền Nam sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, nghèo khó đã được đào tạo thành một “kim loại quý”. Nhưng, cái quý nhất mà tôi có được đó là sự trưởng thành thực sự, có khả năng truyền bá kiến thức và đào tạo lại cho thế hệ sau, điều mà cho đến tận bây giờ, tôi vẫn đang tận hiến”, TS. Cao Minh Thì tâm sự.
Trở lại miền Nam
Học tập và làm việc quá sức cũng như dồn tâm lực, trí lực để bảo vệ luận án tiến sĩ đã bào mòn sức khỏe của thầy Cao Minh Thì, ông mắc phải bệnh bazedow (căn bệnh về tuyến giáp) và được chẩn đoán “không trị được”. Tuy nhiên, với ý chí và lòng kiên trì, quyết tâm, TS. Cao Minh Thì đã tự chữa bệnh cho mình và khỏi hẳn sau 4 năm. Tháng 2/1975, ông vẫn đang trong quá trình dưỡng bệnh thì ông Hồ Trúc, Thứ trưởng Bộ Đại học (năm 1990 sáp nhập thành Bộ Giáo dục - Đào tạo) đến thăm và truyền đạt chủ trương: “Chuẩn bị đi Nam, đi được không?”. Mừng quá, ông Thì trả lời ngay: “Bây giờ có phải bò tôi cũng đi”.
Ngày 20/4/1975, đoàn cán bộ đi B tập trung ở Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Trước khi lên đường, Tổng Bí thư Lê Duẩn căn dặn: “Vào Sài Gòn các đồng chí phải đảm bảo các việc như sau: Điện Sài Gòn phải sáng, chợ Sài Gòn phải họp, trường ở Sài Gòn học sinh phải học. Do đó, dù chiến tranh có ác liệt, dịch bệnh có thể xảy ra, có nhiều người phải ngã xuống nhưng các đồng chí ở đây phải đứng lên làm nhiệm vụ...”, TS. Cao Minh Thì khắc cốt ghi tâm lời của Tổng Bí Thư Lê Duẩn trước lúc đi B.
Chuyến vào Nam lần này mang tinh thần là “đi B” chiến đấu, chưa ai nghĩ giải phóng và tiếp quản nhưng ai cũng sẵn sàng và quyết tâm với tinh thần “vượt Trường Sơn cứu nước”. Sau hơn 20 năm xa quê hương, gia đình chia ly đôi ngả, người thân còn hay mất chính là khắc khoải, xao xuyến của người về miền Nam.
Ở tuổi “xưa nay hiếm” và phải ngồi xe lăn nhưng nhà giáo Cao Minh Thì vẫn làm việc và giảng dạy.
Ngày 25/4/1975, đoàn đi B lên máy bay quân sự IL18 để bay vào Đà Nẵng, nơi vừa giải phóng được hơn 30 tiếng. Từ đây, đoàn di chuyển bằng ô tô dọc theo trục Quốc lộ 1A để tiến thẳng Sài Gòn. Ngày giải phóng, Sài Gòn trầm mặc, lòng người bộn bề cảm xúc. Nén lại nỗi nhớ thương, mong mỏi gặp người thân, đoàn cán bộ miền Nam đã bắt tay ngay vào nhiệm vụ tiếp quản. Người của bộ nào sẽ về bộ đó. TS. Cao Minh Thì cùng hơn 10 anh em về Bộ Giáo dục của chế độ cũ ở đường Lê Thánh Tông (quận 1 ngày nay).
Là trưởng đoàn nên TS. Cao Minh Thì đã đứng ra nói chuyện với anh chị em nhân viên cũ, chia sẻ với họ về “Việt Cộng”, về cuộc cách mạng và giải phóng Sài Gòn, thống nhất nước nhà. Khi tinh thần của anh em vẫn còn nặng nề, TS. Cao Minh Thì đã mượn một cây đàn guitar cao hứng hát bản nhạc “Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây” cho họ nghe. “Tôi đàn hát không thật hay nhưng cái tinh thần và cảm xúc mà tôi cố truyền đạt là quá mới mẻ, quá trong sáng, quá nhiệt thành và đầy tính nhân văn nên mọi người đều im lặng ngỡ ngàng”, TS. Cao Minh Thì chia sẻ.
Công việc tiếp quản Sài Gòn đi vào ổn định, TS. Cao Minh Thì được phân công làm Trưởng Ban quân quản Trường Đại học Giáo dục Sài Gòn (sau này là Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh). Năm 1984, ông được phong hàm phó giáo sư, lần lượt giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm TP Hồ Chí Minh và Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TP Hồ Chí Minh.
Suốt cuộc đời làm nhà giáo của mình, ông luôn trăn trở 3 điều: Thiếu trường, thiếu lớp, thiếu thầy. Chính vì những đau đáu ấy mà ông, dù đã đến tuổi nghỉ hưu nhiều năm nhưng chưa bao giờ ông cho phép bản thân thôi cống hiến. Mỗi ngày, ông vẫn ngồi trên chiếc xe lăn đi giảng dạy, hướng dẫn thực tập sinh và miệt mài trong phòng thí nghiệm công nghệ nano (ứng dụng vật chất ở quy mô nguyên tử, phân tử và siêu phân tử cho các mục đích công nghiệp), nơi ông dành cả phần đời còn lại để nghiên cứu và phát triển.
Ngọc Hoa