Ký ức đô thị qua cách đặt tên phường, xã mới

Ký ức đô thị qua cách đặt tên phường, xã mới
một ngày trướcBài gốc
- PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ:
Sài Gòn - một cái tên rất đẹp, rất thân thương
Theo tôi, việc đặt tên “Sài Gòn” cho một vùng đất ở trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh là rất đúng, rất nên, có giá trị đặc biệt về văn hóa và lịch sử, có tính gắn kết bền chặt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Tên gọi Sài Gòn đã có từ rất lâu, đến hàng trăm năm, “từ thuở mang gươm đi mở cõi” của các bậc tiền hiền, qua bao thác ghềnh của lịch sử, để có các tên gọi được lớp lớp trầm tích văn hóa bồi đắp nên “đất Sài Gòn”, “người Sài Gòn”, “sông Sài Gòn”, “văn hóa Sài Gòn”, “cô gái Sài Gòn”, “món ngon Sài Gòn”, “nắng Sài Gòn”...
Khu vực chợ Bến Thành dự kiến thuộc phường Sài Gòn. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Nói đến Sài Gòn, ký ức lại dội về với bao tên gọi thân thương khác sau đó: Bưu điện Thành phố, Nhà hát Thành phố, Nhà thờ Đức Bà, bến Nhà Rồng, trụ sở UBND Thành phố... Những địa danh này với người dân thành phố nói riêng, cả nước nói chung đã trở nên quen thuộc và dễ hình dung khi được nhắc đến. Với tên gọi này, phần lớn những người dân Thành phố được hỏi đều bày tỏ mong các cơ quan có thẩm quyền lấy tên “Sài Gòn” đặt tên cho khu hành chính trung tâm.
Tôi nhớ vào tháng 2-1946, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp được lãnh đạo Khu 8 và Tỉnh ủy Bến Tre lựa chọn tham gia vào đoàn vượt biển ra Bắc báo cáo với Trung ương cùng bà Nguyễn Thị Định, giáo sư Ca Văn Thỉnh, ông Nguyễn Văn Khước. Trong một bài báo trên báo Cứu Quốc ra ngày 26-8-1946 tường thuật một bản tin: Nhân ngày kỷ niệm một năm chính quyền cách mạng, phòng Nam bộ trung ương, đường Gia Định đã có một buổi họp mặt thân thiện giữa những người Việt miền Nam.
Trong buổi họp này, bác sĩ Nghiệp nhắc lại tình hình Nam Bộ trong một năm qua; những chiến công oanh liệt của các chiến sĩ đã hy sinh và đang còn sống, chiến đấu, nhưng trên tất cả, bác sĩ kể đến công đức của Hồ Chủ tịch, người chiến sĩ tiên phong của phong trào giải phóng dân tộc, vị đại anh hùng của dân chúng Việt Nam. Để kết luận, sau khi kể một vài thí dụ ở những nước lớn hay lấy tên những vị anh hùng để đặt cho một thành phố lớn, bác sĩ Nghiệp đề nghị, để ghi lấy công đức của Hồ Chủ tịch, thành phố Sài Gòn nên được đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh. Toàn thể mọi người tán thành đề nghị của bác sĩ Nghiệp và đồng ký vào bản quyết nghị thay tên thành phố Sài Gòn gửi lên Chính phủ.
Bản quyết nghị viết: “Xin Quốc hội và Chính phủ Trung ương đổi ngay tên thành phố Sài Gòn lại làm tên Thành phố Hồ Chí Minh, để tượng trưng sự chiến đấu, hy sinh và cương quyết trở về với Tổ quốc của dân Nam Bộ”. 57 người đã ký tên, đứng đầu là bác sĩ Trần Hữu Nghiệp. Đến 2-7-1976, gần trọn 30 năm sau, khi đất nước đã hòa bình, thống nhất, Quốc hội khóa VI đã ra quyết định chính thức để đô thành Sài Gòn mang tên Thành phố Hồ Chí Minh.
Lịch sử vùng đất nào cũng thế, cũng có những bước thăng trầm, có những đổi thay, nhưng những cái tên của vùng đất ấy còn kết tinh trong đó những dấu ấn văn hóa, ký ức đẹp đẽ của quá khứ, ước vọng đối với tương lai và tên Sài Gòn cũng thế. Việc sử dụng lại tên gọi đẹp đẽ ấy với ý nghĩa đây không chỉ là địa danh, mà còn là chứng nhân của những thăng trầm lịch sử, là hồn cốt văn hóa của dân tộc, là ký ức về một thời dựng xây của cha ông, là sự bồi đắp tình yêu và niềm tự hào về vùng đất thân thương mà mình đang sống.
- TS Huỳnh Thanh Điền:
Tên gọi phù hợp có thể trở thành một “mã định danh”
Mới đây, các quận, huyện ở TPHCM đã trình phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có một số địa phương đề xuất đặt tên mang tính biểu tượng, thể hiện rõ tư duy kết hợp giữa hành chính hiện đại với bản sắc đô thị truyền thống. Những cái tên như “Tân Định”, “Sài Gòn” hay “Bến Thành” không chỉ dễ nhận biết, mà còn là những “tọa độ” cảm xúc, khơi gợi quá trình hình thành và phát triển của một đô thị năng động, nơi hội tụ những dòng chảy văn hóa, kinh tế và lịch sử.
Quận 1 đề xuất 4 tên phường mới sau sắp xếp
Tương tự, những tên gọi giàu bản sắc như Chợ Quán, An Đông, Chợ Lớn khắc họa những nét đặc trưng, mang theo câu chuyện về sự hình thành và phát triển của cộng đồng, tạo nên những “điểm chạm” văn hóa sâu sắc. Những tên gọi đó sẽ tạo dấu ấn rõ nét trên bản đồ truyền thông và quảng bá hình ảnh. Đây là lợi thế lớn trong các hoạt động marketing, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, bán lẻ và dịch vụ, khi người tiêu dùng và du khách ngày càng quan tâm đến trải nghiệm mang tính địa phương, đặc trưng và dễ nhận diện.
Tuy nhiên, việc thay đổi tên gọi chắc chắn ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và người dân. Các doanh nghiệp phải cập nhật lại thông tin pháp lý, người dân phải điều chỉnh giấy tờ tùy thân. Lúc này, rất cần sự thấu hiểu và đồng hành của người dân để vượt qua thách thức. Để đạt được điều đó, việc lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người dân về tên gọi mới cần được đặc biệt chú trọng. Sự tham gia chủ động của người dân không chỉ giúp lựa chọn được những tên phù hợp với bản sắc địa phương mà còn tạo sự đồng thuận cao, giảm những phản ứng tiêu cực và qua đó củng cố tính bền vững của quá trình sắp xếp.
Đi đôi với tên gọi mới là một hệ thống hạ tầng quản lý hiện đại và hiệu quả. Khi quy mô dân số và diện tích quản lý của các phường tăng lên sau sắp xếp, nguy cơ “phường lớn, việc chậm” có thể xảy ra nếu không có sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng, công nghệ, quy trình và nguồn nhân lực. Trong bối cảnh đó, việc lựa chọn một tên gọi dễ gọi, dễ nhớ, gắn liền với đặc điểm địa lý thực tế sẽ hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý hành chính, từ tra cứu thông tin, phân luồng hồ sơ đến cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Một tên gọi phù hợp có thể trở thành một “mã định danh” hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu suất quản lý và cải cách hành chính một cách thiết thực.
Hơn thế nữa, việc đặt lại tên còn là cơ hội để xây dựng hệ thống dữ liệu địa lý và đô thị thông minh hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý một đô thị lớn và năng động. Một hệ thống địa danh được quy hoạch bài bản, mang đậm bản sắc và dễ nhận diện sẽ giúp cho công tác quy hoạch, quản lý đất đai, giao thông, phòng cháy chữa cháy và các dịch vụ công thiết yếu khác trở nên hiệu quả hơn. Tên gọi mới không chỉ là danh xưng trên bản đồ, mà còn có thể trở thành công cụ giúp định vị và phát triển không gian đô thị theo hướng hiện đại, gắn kết cộng đồng và hướng đến sự phát triển bền vững. Việc trân trọng và khai thác giá trị văn hóa, lịch sử trong từng tên gọi là một bước đi thông minh, góp phần làm sâu sắc thêm bản sắc và sức sống của một thành phố luôn hướng tới tương lai.
LINH ĐAN ghi
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/ky-uc-do-thi-qua-cach-dat-ten-phuong-xa-moi-post791220.html