Ký ức hào hùng của những chiến sĩ về tiếp quản Thủ đô

Ký ức hào hùng của những chiến sĩ về tiếp quản Thủ đô
3 giờ trướcBài gốc
Vẹn nguyên những ký ức
Ở tuổi 91 nhưng ký ức ngày trở về tiếp quản Thủ đô năm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí Đại tá Dương Niết. 70 năm trước, ông là một trong 214 cán bộ, chiến sĩ đầu tiên về tiếp quản Thủ đô.
Theo lời kể của Đại tá Dương Niết, ngày 19/9/1954, tại Đền Hùng, Bác Hồ giao nhiệm vụ cho Đại đoàn 308 về tiếp quản Thủ đô. Đây là nhiệm vụ rất vinh quang nhưng cũng rất nặng nề. Đại đoàn 308 là đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, được thành lập ngày 28/8/1949, đã trải qua hầu hết các chiến dịch và các trận chiến đấu, giành thắng lợi oanh liệt, được Bác tin tưởng giao cho nhiệm vụ này. Đây là một nhiệm vụ mới đối với Đại đoàn nên Bác căn dặn rất kỹ, những việc cần làm và những việc cần tránh, để hoàn thành tốt nhiêm vụ. Những điều Bác dạy sau này là bài học cho cán bộ, chiến sĩ trước khi vào tiếp quản Thủ đô. Hành quân về Phù Lỗ, tại đây, các chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca được học kỹ 10 điều khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội.
Vì chúng ta với Pháp trao đổi với nhau tại Hội nghị Trung Giã, trước khi Pháp rút, ta phải vào tiếp quản, nhưng Pháp yêu cầu ta không cho bộ đội chủ lực vào, không mang súng trường, không đeo huy hiệu chiến sĩ Điện Biên vì 2 tiếng Điện Biên lúc đó là ác mộng đối với sĩ quan và binh lính của Pháp. Đêm 7/10, Đại đoàn 308 về ngay làng Vân ở đầu cầu Đuống, nhân dân vui mừng, phấn khởi ra đón các chiến sĩ.
Đại tá Dương Niết là 1 trong 214 cán bộ, chiến sĩ đầu tiên về tiếp quản Thủ đô.
Sáng 8/10, Đại đoàn 308 ra đến cầu Đuống. Theo thỏa thuận ở Hội nghị Trung Giã, Pháp sẽ đón đoàn ở cầu Đuống. Sau đó, chúng dẫn đoàn lên xe về thẳng trụ sở Ban Liên hiệp đình chiến, đóng ở Nhà thương Bến Thủy (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108). Tại đây, đoàn được chia làm 35 tổ, mỗi tổ từ 3 - 5 người di chuyển về 35 vị trí có quân Pháp đóng. Đây là những vị trí quan trọng do Pháp đã chiếm giữ ngay từ khi chúng đặt chân đến Hà Nội như: Phủ toàn quyền, Tòa thị chính, Tòa án tối cao, Sở Cảnh sát Bắc Việt, Nhà máy điện, Nhà máy nước, Nhà máy đèn Bờ Hồ, Ga Hàng Cỏ, Nhà tù Hỏa Lò, Bệnh viện Bạch Mai...
Nhớ lại ký ức của Ngày Giải phóng Thủ đô cách đây 70 năm, Đại tá Dương Niết xúc động chia sẻ: “5 giờ sáng ngày 10/10/1954, cả Hà Nội tưng bừng nhộn nhịp cờ hoa đón mừng ngày hội lớn. Rất nhiều khẩu hiệu vải đỏ chữ vàng tràn ngập trên các phố: “Hồ Chủ tịch muôn năm”, “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm”, “Hoan hô đoàn quân chiến thắng trở về”... 15 giờ chiều ngày 10/10/1954, sau 9 năm kháng chiến trường kỳ, lá cờ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức tung bay, còi Nhà hát Thành phố nổi lên, hàng chục vạn quân dân Hà Nội trang nghiêm dự Lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại Sân vận động Cột Cờ. Sau nhiều năm xa cách Thủ đô, các chiến sĩ của Tiểu đoàn Bình Ca được trở về, hòa cùng với nhân dân đón mừng ngày chiến thắng, dưới bầu trời tự do, rực rỡ cờ hoa”.
Ông Lê Văn Tính, hội viên Hội Cựu chiến binh phường Khương Mai, quận Thanh Xuân cũng bồi hồi nhớ lại những ngày lịch sử. Ngày 10/10/1954, khi ấy ông Tính là chiến sĩ liên lạc của Đại đội 238, Trung đoàn Thủ đô (102), Sư đoàn 308. Khi đó, Sư đoàn của ông Tính được Bác Hồ giao nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô. Chấp hành Chỉ thị của Bác về công tác đặc biệt này, Sư đoàn 308 có hơn một tháng để chuẩn bị khẩn trương, nghiêm túc và rất cụ thể.
Sư đoàn có các buổi truyền đạt những nội dung xây dựng quan điểm lập trường phẩm chất đạo đức của người quân nhân cách mạng, những nội dung quy định thực hiện trong vùng mới giải phóng, pháp lệnh quân quản... cả việc hướng dẫn bộ đội những điều cụ thể trong sinh hoạt ở Thành phố...
Các cựu chiến binh trò chuyện cùng nhau bên lề hội nghị gặp mặt, tri ân người có công tham gia giải phóng Thủ đô.
“Chúng tôi được phát trang phục mới. Đợt giáo dục tiến hành chu đáo, chan hòa tình đồng chí, mọi người phấn khởi háo hức mong nhanh đến ngày vào Thủ đô. Ngày 10/10/1954 - Ngày lịch sử đã đến, 5 giờ sáng rời làng Phùng, chúng tôi đội ngũ chỉnh tề theo đường 32 tiến về Hà Nội. Qua Cầu Diễn hiện ra trước mặt là Hà Nội một rừng cờ hoa, biểu ngữ khẩu hiệu, các kiểu chữ rất cầu kỳ, nhiều nhất là “Hồ Chí Minh muôn năm”. Nhân dân đông đảo đứng hai bên đường vẫy cờ hoa đón chào hàng quân chỉnh tề diễu qua, những ánh mắt ướt lệ, những cánh tay chơi vơi, dơ ra như muốn ôm chặt lấy người thân xa lâu ngày gặp lại... Lúc đó, chúng tôi rất xúc động, mắt nhòa lệ…”, ông Tính xúc động nhớ lại.
Theo lời kể của ông Tính, Sư đoàn 308 vào thành theo lối Cửa Đông, khi đoàn quân đi qua các đường phố đến hồ Gươm, về cửa chợ Đồng Xuân, phố phường đang có lệnh giới nghiêm nhưng nhà nào cũng mở cửa, mọi người đứng trong nhà nhìn bộ đội đi qua với nét mặt thân thiện, gần gũi như mong đợi từ lâu. Buổi chiều đoàn quân tập trung ở sân Cột Cờ đội ngũ chỉnh tề, cùng các đơn vị bạn và nhân dân.
15 giờ, còi Nhà hát Thành phố nổi lên một hồi dài. Quốc ca hùng tráng vang lên, cờ Tổ quốc phấp phới bay trên đỉnh cột cờ Hà Nội, Sư đoàn trưởng Vương Thừa Vũ đọc thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô trong không khí thiêng liêng. Lời thư thân mật tha thiết, trong lòng mọi người đều xúc động rưng rưng nước mắt, lời đọc vừa dứt tiếng hô “Hồ Chí Minh muôn năm” vang lên biểu thị tấm lòng kính yêu lãnh tụ của nhân dân Thủ đô.
Cựu chiến binh Lê Văn Tính bồi hồi kể lại ký ức ngày về tiếp quản Thủ đô.
“Tiến hành quân quản trong một thời gian ngắn, phố phường buôn bán ngày càng nhộn nhịp, sinh hoạt trở lại bình thường, những ngày đầu chúng tôi từng tổ ba người vào từng nhà thăm hỏi, nói chuyện, giãi đáp những vướng mắc cho nhân dân, được mọi nhà tiếp đón vui vẽ, ban đêm chúng tôi tổ chức biểu diễn ca múa ở các nơi công cộng, vườn hoa, được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình. Thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ, chúng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Bác giao, đơn vị được khen thưởng, tôi và một số đồng chí trong Trung đoàn được Bác tặng Huy hiệu, một phần thưởng vô cùng quý giá”, ông Tính hồi tưởng.
Tự hào về diện mạo mới của Thủ đô Anh hùng
Kể về ký ức hào hùng trong ngày tiếp quản Thủ đô, Đại tá Bùi Gia Tuệ, nguyên Trưởng phòng Pháp chế (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) không giấu được cảm xúc bồi hồi, bởi đó là phút giây thực sự hạnh phúc, thực sự khó quên khi được trở về với Thủ đô thân yêu, trong tâm thế của người chiến thắng.
Đại tá Bùi Gia Tuệ chụp ảnh lưu niệm cùng vợ tại hội nghị gặp mặt tri ân người có công tham gia giải phóng Thủ đô.
Ngày trở về tiếp quản Thủ đô, xe của Đại tá Bùi Gia Tuệ là xe thứ ba, đi sau xe của Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ và Phó Chủ tịch Trần Duy Hưng. Xe đi từ Hà Đông vào Cửa Nam, qua Hàng Đậu, Hàng Ngang, Hàng Đào, Bờ Hồ và quay về Thành cổ Hoàng Diệu để chào cờ.
"Tôi ngồi ngay đầu xe bên phải, chứng kiến sự hân hoan chào đón của hàng vạn bà con mà xúc động lắm. Các nữ sinh Trưng Vương ùa ra đón, ôm lấy chúc mừng, khiến cả đoàn trào dâng cảm xúc. 70 năm trôi qua, cứ đến ngày này, nhất là khi được xem những hình ảnh tái hiện chặng đường chiến đấu oanh liệt của quân và dân Hà Nội, tôi như được sống lại năm tháng hào hùng đó. Những ngày tiếp quản Thủ đô là những ngày mang đến cho tôi những kỷ niệm đẹp, không thể nào quên. Tôi mong rằng, âm hưởng của bản hùng ca Hà Nội chiến đấu và chiến thắng vẫn luôn vang vọng tới mọi thế hệ, nhất là những thế hệ trẻ. Qua đó, thế hệ trẻ sẽ tiếp nối truyền thống đầy tự hào của cha ông, thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Thành ủy để xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại”, Đại tá Bùi Gia Tuệ nhắn nhủ thế hệ trẻ.
Cựu chiến binh Trần Quốc Hanh cho biết, ông luôn cảm thấy hạnh phúc, tự hào mỗi khi nhớ tới ngày về lịch sử tháng 10/1954.
Cùng chung niềm bồi hồi, xúc động, xen lẫn niềm hạnh phúc, tự hào khi 70 năm trôi qua, kể từ ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954, đến nay Hà Nội đã khoác lên mình một diện mạo mới.
Trong ký ức của cựu chiến binh Trần Quốc Hanh (nguyên cán bộ tuyên giáo Trung đoàn 57, Đại đoàn 304), ngày về tiếp quản Thủ đô đoàn của ông đi từ Hà Đông qua Phùng Khoang, Mễ Trì, Cầu Giấy,… vào Hoàng thành Thăng Long, khi đó hai bên đường hầu như không có nhà cửa, đều là ruộng. Hà Nội lúc đó mới chỉ có vài khu tập thể.
“Khi đó Pháp có âm mưu cho chúng ta vào tiếp quản Thành phố chết, người dân vắng vẻ, không có chợ, không buôn bán, không có phương tiện công cộng,… Nhưng khi vào tiếp quản Thủ đô, người dân từ người già, người trẻ reo hò, chào đón… chúng tôi rất xúc động. Trải qua 70 năm, sự đổi thay của Hà Nội ngày nay hết sức to lớn. Sau 70 năm, Thủ đô đã khoác lên mình một diện mạo mới, một bộ mặt mới trên tất cả các lĩnh vực, trở thành trung tâm chính trị, văn hóa, giáo dục lớn nhất của cả nước. Sự thay đổi đó đã mang lại niềm tự hào, hạnh phúc rất lớn đối với chúng tôi”, ông Trần Quốc Hanh bày tỏ.
N.Hoa - P.Ngân
Nguồn LĐTĐ : https://laodongthudo.vn/ky-uc-hao-hung-cua-nhung-chien-si-ve-tiep-quan-thu-do-178487.html