Ký ức huy hoàng mùa Xuân đại thắng qua lời kể của những nhân chứng lịch sử

Ký ức huy hoàng mùa Xuân đại thắng qua lời kể của những nhân chứng lịch sử
3 ngày trướcBài gốc
Ngày 16-4, tại TP.HCM, Báo Quân đội nhân dân đã tổ chức chương trình gặp mặt, giao lưu với 50 đại biểu là Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng LLVT nhân dân, tướng lĩnh, cựu chiến binh, những người trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ.
Với chủ đề "50 năm toàn thắng về ta”, nhiều câu chuyện, khoảnh khắc hào hùng làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã được các tướng lĩnh, Anh hùng LLVT nhân dân chia sẻ đầy xúc động tại hội trường.
Thời khắc húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập
Cựu chiến binh Vũ Đăng Toàn – người chỉ huy xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975 vẫn nhớ rõ từng khoảnh khắc trọng đại của thời khắc lịch sử.
"Khi đó, tôi và anh Bùi Quang Thận lần lượt chỉ huy xe tăng 390 và 843. Xe chúng tôi tiến thẳng tới cổng Dinh Độc Lập với quyết tâm húc tung cánh cổng, nhanh chóng bắt nội các Dương Văn Minh và treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam lên nóc Dinh" - ông kể.
Các nhân chứng là Trưởng xe tăng 390 Vũ Đăng Toàn, lái xe Nguyễn Văn Tập và pháo thủ Ngô Sỹ Nguyên kể lại thời khắc lái xe tăng số hiệu 390 húc cổng Dinh Độc Lập. Ảnh: HỒNG THẮM
Sau khi xe 390 húc đổ cổng, ông Toàn nhanh chóng nhảy xuống, mang theo khẩu AK để yểm trợ cho đồng đội. Họ gặp Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh – người thông báo Tổng thống Dương Văn Minh đang chờ để “làm việc”.
Trong Dinh lúc đó có khoảng 60 người, tất cả đều bàng hoàng và hoảng sợ. Ông Toàn nhớ lại: “Tôi yêu cầu ông Hạnh hỗ trợ đưa anh Thận lên nóc treo cờ, nhưng ông nói mới vào Dinh hai ngày nên chưa biết thang máy ở đâu. May mắn lúc đó có anh Nguyễn Hữu Thái – đại diện Tổng hội Sinh viên Sài Gòn – tình nguyện dẫn đường".
Hoàn thành nhiệm vụ treo cờ, ông Toàn ở lại để quản lý nội các Dương Văn Minh. “Họ không chống cự, không bỏ trốn nên không thể gọi là bị bắt, nhưng chúng tôi phải giám sát chặt chẽ để chờ cấp trên đến. Điều khiến tôi vui nhất là chiến dịch Hồ Chí Minh đã thắng lợi nhanh, toàn diện, chỉ trong vài giờ đồng hồ. Một chiến thắng vang dội, không thể nào quên” - ông Toàn xúc động.
Đại tá tình báo Nguyễn Văn Tàu – bí danh Tư Cang, nguyên Cụm trưởng Cụm Tình báo H63, nguyên Chính ủy Lữ đoàn 316 Đặc công biệt động. Ảnh: HỒNG THẮM
Đại tá tình báo Nguyễn Văn Tàu – bí danh Tư Cang, nguyên Cụm trưởng Cụm Tình báo H63, nguyên Chính ủy Lữ đoàn 316 Đặc công biệt động là một trong những người chỉ huy từ bên trong thành phố, trực tiếp phối hợp với các cánh quân từ ngoài tiến vào.
Ông kể: “Đêm 29-4, Bộ chỉ huy Lữ đoàn di chuyển từ Trung An xuống Hóc Môn, đóng tại đình ấp Thới Tứ. Từ tháng trước, các đội biệt động đã luồn sâu vào nội đô để chuẩn bị đánh chiếm các mục tiêu chiến lược như cầu Rạch Chiếc, kho Cổ Loa, căn cứ pháo binh Gò Vấp...”
Theo ông, cầu Rạch Chiếc là nơi chiến sự khốc liệt nhất. Để giữ được cây cầu này từ ngày 27 đến 29-4, đã có 52 chiến sĩ biệt động anh dũng hy sinh, mở toang cửa ngõ để xe tăng đại quân tiến vào trung tâm thành phố sáng 30-4.
“Khi nghe tin Dương Văn Minh đầu hàng, tôi cùng đồng chí Võ Viết Thanh – sau này là Chủ tịch TP.HCM – lập tức lên xe chạy về trung tâm. Trên đường, chúng tôi thấy địch tháo chạy toán loạn từ hướng Trung tâm huấn luyện Quang Trung” - Đại tá tình báo Nguyễn Văn Tàu nhớ lại.
Lời hứa với bà má miền Nam
Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng vẫn vẹn nguyên cảm xúc khi nhắc lại thời khắc lịch sử 30-4.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, chia sẻ: “Sau trận đánh cầu Vĩnh Bình, giữ lời hứa trước lúc xuất quân, tôi đã chỉ huy ba xe quay lại để cảm ơn bà má miền Nam – người dân địa phương đã âm thầm giúp đỡ chúng tôi với tấm bản đồ quý giá và những chỉ dẫn chiến lược, góp phần giúp Trung đoàn 27 tiến nhanh vào Sài Gòn. Khi đoàn xe quay lại, bà con đứng ken kín hai bên đường, vẫy cờ hoa mừng rỡ, trao tặng chúng tôi những giỏ đầy chôm chôm, xoài, sầu riêng, măng cụt".
Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (giữa) cùng đồng đội. Ảnh: HỒNG THẮM
“Chúng tôi đã góp phần cùng toàn dân tộc thực hiện lời dạy của Bác: "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào, Bắc – Nam sum họp, xuân nào vui hơn". Chiến thắng 30-4 là minh chứng cho sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc và nghệ thuật chiến tranh nhân dân – đó là yếu tố quyết định làm nên thắng lợi lịch sử. Đó là công lao của cả dân tộc Việt Nam, bằng trí tuệ, sức lực, lòng dũng cảm và khát vọng thống nhất đất nước" - Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu tự hào.
Sau 50 năm, mỗi lần trở lại TP.HCM, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, cho biết đều cảm nhận rõ sự phát triển vượt bậc của thành phố – không chỉ về kinh tế, chính trị, văn hóa, mà còn ở vai trò đầu tàu, không chỉ với khu vực phía Nam mà còn đối với cả nước và khu vực.
HỒNG THẮM
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/ky-uc-huy-hoang-mua-xuan-dai-thang-qua-loi-ke-cua-nhung-nhan-chung-lich-su-post844724.html