Ký ức ngày giải phóng Nha Trang - Khánh Hòa

Ký ức ngày giải phóng Nha Trang - Khánh Hòa
một ngày trướcBài gốc
Những ngày cuối tháng 3, chúng tôi tìm gặp những nhân chứng lịch sử từng tham gia giải phóng Nha Trang - Khánh Hòa tháng 4-1975. 50 năm đã qua kể từ thời khắc lịch sử ấy, ký ức về trận chiến ở đèo Phượng Hoàng, giây phút đoàn quân giải phóng tiến vào thành phố biển vẫn vẹn nguyên như mới hôm qua. Chỉ cần một gợi mở, những dòng ký ức lại tuôn trào trong nỗi xúc động khôn nguôi…
Đập tan “lá chắn thép” trên đèo Phượng Hoàng
Mùa xuân năm 1975, sau khi bị thất thủ ở mặt trận Tây Nguyên, địch đã điều Lữ đoàn dù số 3 cùng với lực lượng đã có từ trước lập phòng tuyến chốt giữ ở đèo M'Drắk - Phượng Hoàng (dài gần 20km, nằm giữa Đắk Lắk - Khánh Hòa) nhằm ngăn chặn quân ta tiến xuống miền duyên hải đánh chiếm Nha Trang, Cam Ranh - nơi có những căn cứ quân sự chiến lược của địch. Ngày 18-3, Sư đoàn 10 nhận lệnh bằng mọi giá phải đập tan “lá chắn thép” của địch ở M'Drắk - Phượng Hoàng để tiến xuống giải phóng tỉnh Khánh Hòa. Theo ông Hoàng Giới - nguyên Trưởng ban cán bộ Trung đoàn 24, Sư đoàn 10 (hiện sống ở phường Vạn Thạnh, Nha Trang), để hoàn thành nhiệm vụ đó, Sư đoàn 10 đã được tăng cường thêm Trung đoàn pháo cao xạ 234, 1 đại đội xe tăng thiết giáp... Sau khi đánh chiếm quận lỵ Khánh Dương, quân ta áp sát đèo M'Drắk - Phượng Hoàng. Phương án tác chiến được vạch ra là tấn công hợp đồng binh chủng, vây chặt và tiêu diệt từng bộ phận của địch tiến đến tiêu diệt toàn bộ Lữ đoàn dù số 3.
Quân giải phóng tiến vào Khánh Hòa tháng 4-1975. Ảnh tư liệu
Rạng sáng 29-3, pháo của quân ta bắt đầu nổ súng khai chiến. Những khẩu pháo quân ta vừa thu được ở Buôn Ma Thuột được chuyển đến đã giáng những đòn sấm sét xuống đội hình Lữ đoàn dù số 3 của địch. Sư đoàn 10 sử dụng lực lượng Trung đoàn 28, Trung đoàn 66 thay nhau đột phá hướng chính diện theo đường 2. “Tôi phụ trách pháo cối 82mm có nhiệm vụ tiêu diệt các trận địa pháo của địch. Hai bên chiến đấu rất ác liệt, dưới mặt đất, pháo 105mm và 155mm của địch liên tục nã vào trận địa của quân ta, trên trời địch huy động cả máy bay ném bom nhưng bị pháo cao xạ của quân ta đánh trả ác liệt. Vào buổi tối, khắp các trận địa pháo 2 bên bắn nhau như đan lưới lửa giữa lưng đèo”, ông Lê Thuận Kha - nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội hỏa lực thuộc Trung đoàn 66, Sư đoàn 10 nhớ lại.
Sau một ngày giao chiến, Lữ đoàn dù số 3 đã bị loại khỏi vòng chiến đấu 2 tiểu đoàn bộ binh, 1/3 trọng pháo và xe thiết giáp. Đêm 30-3, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn dù số 3 xin cấp trên được rút chạy để tránh bị tiêu diệt hoàn toàn. Thế nhưng, địch tiếp tục rơi vào các ổ phục kích mà quân ta đã giăng sẵn. Trước đó, cấp trên đã lệnh cho Trung đoàn 24 bí mật đi xuyên rừng về ém quân phía sau đội hình địch (dưới chân đèo Phượng Hoàng) nhằm đón lõng địch tháo chạy, đồng thời chặn đường chi viện của địch từ quân trường Lam Sơn - Dục Mỹ lên ứng cứu. Ông Lương Văn Nhân - nguyên Chính trị viên Đại đội 11, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10 nhớ lại: “Chúng tôi lập trận địa ngay phía dưới cầu Suối Chình (Ninh Tây, Ninh Hòa), cách trận địa pháo 105mm của địch không xa. Chiều 31-3-1975, khi địch tháo chạy, đơn vị chúng tôi đã xông thẳng vào đội hình địch đánh cho địch tan tác. Tiểu đoàn 5 của Trung đoàn 24 đã cận chiến với địch rất ác liệt… Rạng sáng 1-4-1975, Sư đoàn 10 chia thành nhiều mũi tiến công vào toàn bộ các cụm quân còn lại. Mọi sự kháng cự của địch nhanh chóng bị đè bẹp, chúng tôi hoàn toàn làm chủ trận địa”.
Tiến về Nha Trang
Sau 3 ngày (từ 29-3-1975 đến sáng 1-4-1975), Sư đoàn 10 và các đơn vị phối hợp đã đập tan tuyến phòng thủ của địch ở đèo Phượng Hoàng, mở thông cánh cửa xuống vùng đồng bằng ven biển. Nghe tin đèo Phượng Hoàng thất thủ và Lữ đoàn dù số 3 bị tiêu diệt, bất chấp lệnh giới nghiêm của chỉ huy, quân lính và công chức ngụy quyền ở Nha Trang đã tự động tháo chạy.
Trưa 2-4-1975, từ Ninh Hòa, lực lượng của Sư đoàn 10 bắt đầu di chuyển theo quốc lộ hướng vào Nha Trang mà không gặp phải sự kháng cự nào. “Đại đội 11 của Trung đoàn 24 đi với Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 28. Tôi đi tốp đầu tiên, ngồi trên xe tăng hướng vào Nha Trang. Không có người dẫn đường, chúng tôi vừa đi vừa thăm dò nên tốc độ hành quân khá chậm, những đoạn gặp khúc cua ở đèo Rọ Tượng, đèo Rù Rì xe dừng lại cho anh em bộ binh kiểm tra hai bên đường, bắn điểm xạ vào các lô cốt đề phòng bị địch phục kích. Đến chiều 2-4, chúng tôi tiến sát đến cầu Xóm Bóng. Nghe người dân kể sáng hôm đó, địch cho máy bay ném bom phá cầu Xóm Bóng nhưng may mắn bom không rơi trúng cầu nên xe vẫn qua cầu bình thường…", ông Lương Văn Nhân hồi tưởng.
Được sự chỉ đường của người dân, đoàn quân giải phóng tiến vào chiếm các cơ quan đầu não của địch như trụ sở Quân đoàn 2, dinh tỉnh trưởng (vị trí trụ sở UBND tỉnh hiện nay). Xe tăng của quân ta chạy các đường lớn để thị uy. Trong đêm hôm đó, lực lượng của Sư đoàn 10 tiếp tục tiến vào Nha Trang. Sau đó, ngày 3-4-1975, lực lượng Sư đoàn 10 giải phóng thị xã Cam Ranh và khu liên hợp quân sự Cam Ranh.
Ngay sau ngày 2-4-1975, nhân dân Khánh Hòa đã rất phấn khởi khi quê hương được giải phóng. Khí thế nhân dân bừng bừng, tự may cờ Mặt trận treo khắp các đường phố chào đón quân giải phóng và cùng với lực lượng cơ sở nội thành canh gác bảo vệ các cơ quan, kho tàng. Ông Võ Đình Thu (phường Vĩnh Hòa, Nha Trang) nhớ lại: “Thời điểm giải phóng Nha Trang, tôi đang công tác ở Ban Tổ chức Tỉnh ủy Khánh Hòa. Ngay sau khi giải phóng, chúng tôi tiến về tiếp quản Nha Trang. Cờ giải phóng hai màu xanh - đỏ treo đầy phố. Khi ngang qua Ty Thông tin (khu vực tượng đài 2-4 ngày nay), chúng tôi thấy súng đạn, trang phục của quân địch vứt bỏ ở đó rất nhiều… Đêm 3-4-1975, tổ công tác chúng tôi ở lại trong dinh tỉnh trưởng. Sau biết bao gian khổ hy sinh, bao nhiêu năm mong chờ, cuối cùng quê hương cũng được giải phóng, chúng tôi vui mừng đến nỗi không ngủ được…”.
Ông Lương Văn Nhân (bìa trái) cùng ông Lê Thuận Kha trong buổi ghi hình kể chuyện giải phóng tỉnh Khánh Hòa năm 1975 của Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa.
Những ngày không thể quên
Ngay sau đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thành lập Ủy ban Quân chính tỉnh, do đồng chí Lê Tụng làm Chủ tịch; đồng thời đề ra một số nhiệm vụ trước mắt là nhanh chóng tiếp quản các cơ sở vật chất, kỹ thuật của địch; tăng cường an ninh trật tự ổn định tình hình xã hội, ổn định đời sống nhân dân; từng bước củng cố bộ máy chính quyền các cấp và các đoàn thể quần chúng cách mạng làm chỗ dựa vững chắc cho việc phát động các phong trào tiếp theo. Sau khi Ủy ban Quân quản tỉnh được thành lập, ông Thu được phân công làm Chủ tịch Ủy ban Quân quản phường Tân Lập. “Phường Tân Lập khi ấy rất rộng. Khi chúng tôi vào sân bay thấy địch bỏ lại rất nhiều súng đạn, xe mô tô, máy bay nhiều chiếc còn chưa kịp di tản. Địch bỏ chạy còn để lại cả kho gạo dự trữ khu vực miền Trung ở công viên bờ biển (đoạn Khu nghỉ dưỡng Ana Mandara trước đây). Ngay khi về phường, tôi lựa chọn anh em có tinh thần ủng hộ cách mạng để thành lập đại đội tự vệ phường thực hiện ổn định trật tự, tuyên truyền chính sách của cách mạng, truy bắt những phần tử lưu manh, chống đối. Khi đó người dân rất hồ hởi, tiểu thương các chợ góp gạo, nhu yếu phẩm nấu cơm phục vụ đội tự vệ phường suốt cả tháng trời. Vừa công tác, chúng tôi vừa theo dõi tin tức đoàn quân giải phóng tiến về Sài Gòn”, ông Thu kể lại.
Cũng có mặt ở Nha Trang trong những ngày lịch sử tháng 4-1975, bà Nguyễn Thị Hạnh (phường Tân Tiến, Nha Trang) vẫn nhớ như in về ngày giải phóng, bởi đó là ngày bà thoát khỏi lao tù của quân địch. “Tháng 3-1975, tôi bị địch bắt lần thứ 2. Ngày 1-4-1975, tôi đang ở trại giam 24 Nguyễn Công Trứ thì biết tin quân ta đánh xuống đèo Phượng Hoàng. Quản lý trại giam bỏ chạy mang theo cả chìa khóa trại giam. Chúng tôi hội ý cùng bạn tù, kêu gọi lính canh phá cổng trại giam phóng thích tù nhân. Khi thoát ra khỏi trại giam, tôi đưa một số bạn tù về nhà ở Diên An, sau đó thoát lên núi. Đến ngày 3-4-1975, khi biết Nha Trang được giải phóng, tôi mới quay về rồi ra công tác. Những ngày sau đó, thành phố vui như hội, chúng tôi tham gia tuyên truyền các chính sách của chính quyền cách mạng. Nhân dân trong tỉnh đã góp sức người, sức của phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Người dân dồn ra hai bên đường mang quà, bánh cho bộ đội hành quân vào Nam".
50 năm đã qua kể từ ngày lịch sử ấy. Từ Nha Trang, Sư đoàn 10 đã tiến về Sài Gòn trong ngày 30-4 lịch sử. Sau này, nhiều người lính Sư đoàn 10 đã chọn Nha Trang làm nơi sinh sống. Họ cùng với những cán bộ tham gia tiếp quản Nha Trang - Khánh Hòa năm xưa trở thành những nhân chứng lịch sử ngày giải phóng Khánh Hòa, chứng kiến sự đổi thay của xứ Trầm biển yến. Và cứ mỗi độ tháng 4 về, trang sử hào hùng lại sống dậy trong lòng mỗi người.
XUÂN THÀNH
Nguồn Khánh Hòa : http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202504/ky-uc-ngay-giai-phong-nha-trang-khanh-hoa-73170b5/