Ký ức ngày về tiếp quản Thủ đô

Ký ức ngày về tiếp quản Thủ đô
6 giờ trướcBài gốc
Nhiệm vụ đặc biệt ngày trở về
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã đến thăm và trò chuyện với Đại tá Dương Niết - nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca (Trung đoàn Thủ đô, Sư đoàn 308) - đơn vị tiên phong về tiếp quản Thủ đô cách đây 70 năm.
Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đến thăm, tặng quà ông Nguyễn Ngọc Ky (phường Thượng Thanh, quận Long Biên). Ảnh: Hồng Thái
Sự kiện Tiểu đoàn Bình Ca vinh dự là đơn vị bộ đội đầu tiên vào tiếp quản Thủ đô là sự trùng hợp lịch sử hiếm thấy, vì đó chính là đơn vị đầu tiên được lệnh rút khỏi Thủ đô hồi đầu kháng chiến toàn quốc (năm 1947). Các cựu chiến binh Tiểu đoàn Bình Ca rất tự hào về đơn vị mình là nhân chứng lịch sử của hai đầu sự kiện: Ra đi và Trở về. Tiểu đoàn Bình Ca là đơn vị đầu tiên thực hiện lời thề của các chiến sĩ Thủ đô: “Ra đi, hẹn một ngày về”.
Dù đã hơn 90 tuổi nhưng ký ức về mùa Thu lịch sử năm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí Đại tá Dương Niết khi trò chuyện với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị trong ngôi nhà ở phố Nguyễn Viết Xuân (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân). 70 năm trước, ông là một trong 214 cán bộ, chiến sĩ đầu tiên về tiếp quản Thủ đô. “Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, đơn vị chúng tôi chuẩn bị về giải phóng Bắc Giang thì có lệnh đình chiến. Đơn vị về tập kết tại Phùng. Ngày 6/9/1954, có một cán bộ tham mưu của ta ở trong nội thành ra phổ biến nhiệm vụ với tôi. Lúc đó, tôi mới biết mình được vinh dự vào tiếp quản Thủ đô” - Đại tá Dương Niết hồi tưởng lại.
Đại tá Dương Niết kể, ngày 19/9/1954, tại Đền Hùng, Bác Hồ giao nhiệm vụ cho Đại đoàn 308 về tiếp quản Thủ đô. Đây là nhiệm vụ rất vinh quang nhưng cũng rất nặng nề. Đại đoàn 308 là đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, được thành lập ngày 28/8/1949, đã trải qua hầu hết các chiến dịch và các trận chiến đấu, giành thắng lợi oanh liệt, được Bác tin tưởng giao cho nhiệm vụ này.
Chúng tôi được tuyển chọn vào Đội Thanh niên xung phong tiếp quản Hà Nội, gần 400 người, về Hà Nội trước, từ khoảng ngày 3 - 6/10/1954. Nhiệm vụ là tiền trạm, tiếp xúc với Nhân dân Hà Nội trước khi đoàn quân tiến về tiếp quản. Lúc bấy giờ, do thông tin xuyên tạc, lôi kéo của địch, người dân vùng tạm chiếm và quân kháng chiến có những điều không hiểu nhau nên nhiệm vụ của chúng tôi là làm công tác vận động, tuyên truyền, tiếp xúc với người dân để mọi người hiểu rõ các chính sách của Chính phủ ta. Ngoài việc giải thích chính sách của Nhà nước, chúng tôi còn có nhiệm vụ dạy thanh niên, thiếu nhi hát, cùng đồng bào chuẩn bị khẩu hiệu, cổng chào để đón bộ đội trở về vào ngày 10/10/1954.
Ông Nguyễn Văn Khang - Trưởng ban liên lạc của đội thanh niên công tác tiếp quản Thủ đô
Đây là một nhiệm vụ mới đối với đại đoàn nên Bác căn dặn rất kỹ, những việc cần làm và những việc cần tránh để hoàn thành tốt nhiêm vụ. Những điều Bác dạy sau này là bài học cho cán bộ, chiến sĩ trước khi vào tiếp quản Thủ đô.
Hành quân về Phù Lỗ, tại đây, các chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca được học kỹ 10 điều khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. “Vì chúng ta với Pháp trao đổi với nhau tại Hội nghị Trung Giã, trước khi Pháp rút, ta phải vào tiếp quản, nhưng Pháp yêu cầu ta không cho bộ đội chủ lực vào, không mang súng trường, không đeo huy hiệu chiến sĩ Điện Biên vì 2 tiếng Điện Biên lúc đó là ác mộng đối với sĩ quan và binh lính của Pháp. Đêm 7/10, chúng tôi về ngay làng Vân ở đầu cầu Đuống. Nhân dân vui mừng, phấn khởi ra đón chúng tôi” - Đại tá Dương Niết hồi tưởng.
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, chiều 26/9/2024, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã đến thăm, tặng quà, trò chuyện cùng các chiến sĩ trực tiếp tham gia giải phóng Thủ đô, hiện đang thường trú tại quận Long Biên. Nhớ về nhiệm vụ, thời khắc lịch sử ấy, ông Nguyễn Ngọc Ky (sinh năm 1936, ở phường Thượng Thanh, quận Long Biên) - nguyên chiến sĩ Đại đoàn 308 không khỏi xúc động.
Trước ngày về tiếp quản Thủ đô, ông Nguyễn Ngọc Ky vinh dự là một trong gần 100 chiến sĩ được gặp Bác Hồ. Dù thời gian trôi qua đã lâu, nhưng những lời Bác dạy hôm đó luôn được ông khắc cốt, ghi tâm: “Trước đây các chú ra trận chiến đấu với phi cơ, đại bác, xe tăng thì bất khuất nhưng bây giờ trước những viên đạn không thấy, các chú có thể bị quỵ ngã nếu không nêu cao kỷ luật”.
Bác cũng nói rất kỹ về việc phải giữ phẩm chất đạo đức cách mạng, giữ gìn nền nếp, tác phong, kỷ luật của quân đội, đồng thời căn dặn các cán bộ, chiến sĩ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước/Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Với cựu chiến binh Lê Văn Tính (90 tuổi, sống ở phường Khương Mai, quận Thanh Xuân) – nguyên là chiến sĩ liên lạc của Đại đội 283 (Trung đoàn Thủ đô) - một trong những người được về Đền Hùng gặp Bác Hồ giao nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô, những lời căn dặn của Bác vẫn luôn được ông khắc cốt, ghi tâm. “Chấp hành chỉ thị của Bác về công tác đặc biệt này, chúng tôi có thời gian ngắn để chuẩn bị khẩn trương, nghiêm túc và rất cụ thể.
Các buổi truyền đạt về phẩm chất đạo đức của bộ đội, những nội dung quy định thực hiện trong vùng mới giải phóng, pháp lệnh quân quản, cả việc hướng dẫn bộ đội những điều cụ thể trong sinh hoạt ở TP... Chúng tôi được phát trang phục mới, đợt giáo dục tiến hành chu đáo, chan hòa tình đồng chí, mọi người phấn khởi háo hức mong nhanh đến ngày vào tiếp quản Thủ đô” - cựu chiến binh Lê Văn Tính hồi tưởng.
Giây phút lịch sử
Đến 5 giờ sáng 10/10/1954, cả Hà Nội tưng bừng nhộn nhịp cờ hoa đón mừng ngày hội lớn. Từ 5 cửa ô, đoàn quân trùng trùng tiến về. Trung đoàn Thủ đô cùng các đơn vị trong Đại đoàn 308 với tư thế của người chiến thắng, đội ngũ chỉnh tề hùng dũng tiến vào giải phóng Thủ đô trong sự chào đón nồng nhiệt của người dân Hà Nội.
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo thăm, tặng quà ông Cung Bình Trung, cựu chiến binh tham gia tiếp quản Thủ đô. Ảnh: Hương Ly
Nhớ về thời khắc lịch sử ấy, cán bộ lão thành cách mạng Nguyễn Văn Tước, năm nay gần 100 tuổi cũng không khỏi xúc động: “Sau khi tiếp quản, Đại đội 263 (Tiểu đoàn 18, Trung đoàn Thủ đô) chúng tôi được giao nhiệm vụ bảo vệ cầu Long Biên. Khi ấy, chúng tôi được lệnh tổ chức chốt ở 2 đầu cầu, tuần tra kiểm soát. Trong ngày 10/10/1954, nhận tiếp quản cầu Long Biên, chúng tôi trực tiếp treo cờ Tổ quốc lên cầu, trong lòng trào dâng niềm tự hào. Đứng trước lá cờ, chúng tôi đã thề, dù khó khăn đến đâu, vẫn luôn giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”.
Lúc trở về tiếp quản Thủ đô, tôi có quá nhiều cảm xúc. Từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, không khí khác hoàn toàn. Trong kháng chiến, quân đội hành quân ban đêm, ở sâu trong rừng, giữ bí mật... Nay bước sang hòa bình, cảm xúc đầu tiên của chúng tôi là vui mừng khôn xiết khi cả miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, Thủ đô được tiếp quản nguyên vẹn. Cảm nhận thứ hai là chúng tôi nhớ đến các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô năm xưa đã chiến đấu dũng cảm 60 ngày đêm để bảo vệ Thành Hà Nội và cuộc rút lui đầy mưu trí qua sông Hồng về chiến khu Việt Bắc.
Chúng tôi rất muốn nhanh chóng về Hà Nội. Gần như tất cả chúng tôi là thanh niên nông thôn, nhiều người chưa ra khỏi lũy tre làng nên không biết TP trông như thế nào. Khi đó, chúng tôi háo hức về để xem TP. Đi qua đường phố, tất cả chúng tôi ngắm nhìn mọi thứ với tâm trạng háo hức, lạ lẫm. Bên cạnh đó là cảm xúc mong mỏi được về thăm quê hương. Suốt những năm kháng chiến, chúng tôi đã không có một lá thư về cho gia đình.
Đại tá Nguyễn Thụ - nguyên Trung đội trưởng Bộ binh thuộc
Đại đội 269, Tiểu đoàn 54, Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308
Trong hồi tưởng của Đại tá Dương Niết, trải qua cả 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, khoảnh khắc đáng nhớ nhất đối với ông chính là những ngày cùng đồng đội trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội năm 1954. “Sáng 8/10, chúng tôi ra đến cầu Đuống. Theo thỏa thuận ở Hội nghị Trung Giã, Pháp sẽ đón đoàn ở cầu Đuống.
Sau đó, chúng dẫn đoàn lên xe về thẳng trụ sở Ban Liên hiệp đình chiến, đóng ở Nhà thương Bến Thủy (nay là Bệnh viện T.Ư Quân đội 108). Tại đây, đoàn được chia làm 35 tổ, mỗi tổ từ 3 - 5 người di chuyển về 35 vị trí có quân Pháp đóng. Đây là những vị trí quan trọng do Pháp đã chiếm giữ ngay từ khi chúng đặt chân đến Hà Nội như: Phủ toàn quyền, Tòa thị chính, Tòa án tối cao, Sở Cảnh sát Bắc Việt, Nhà máy điện, Nhà máy nước, Nhà máy đèn Bờ Hồ, Ga Hàng Cỏ, Nhà tù Hỏa Lò, Bệnh viện Bạch Mai...”.
Trong ký ức, hồi tưởng của cựu chiến binh Lê Văn Tính: “5 giờ sáng 10/10/1954, rời làng Phùng, chúng tôi đội ngũ chỉnh tề theo đường 32 tiến về Hà Nội. Qua Cầu Diễn hiện ra trước mặt một rừng cờ hoa, biểu ngữ, khẩu hiệu, nhiều nhất là “Hồ Chí Minh muôn năm”. Nhân dân đông đảo đứng hai bên đường vẫy cờ hoa đón chào hàng quân chỉnh tề đi qua, những ánh mắt ướt lệ, những cánh tay giơ ra như muốn ôm chặt lấy người thân xa lâu ngày gặp lại, khó nén khỏi xúc động dâng trào, nhất là những đồng chí đã chiến đấu 60 ngày đêm trong đội quân “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” giữ Hà Nội, ra đi từ ngày đầu kháng chiến nay mới trở về.
Đi qua các đường phố đến Hồ Gươm, về chợ Đồng Xuân, phố phường đang có lệnh giới nghiêm nhưng nhà nào cũng mở cửa, mọi người vui mừng, phấn khởi vẫy tay chào bộ đội đi qua, chúng tôi vào thành lối Cửa Đông. Buổi chiều, chúng tôi tập trung ở sân Cột cờ, 15 giờ chiều, còi Nhà hát TP nổi lên một hồi dài, Quốc ca vang lên, cờ Tổ quốc phấp phới bay trên đỉnh Cột cờ Hà Nội. Sư đoàn trưởng Vương Thừa Vũ đọc thư Bác Hồ gửi đồng bào Thủ đô khiến chúng tôi vô cùng xúc động”.
Dõi theo nhịp bước phát triển của Thủ đô
Đại tá Dương Niết bày tỏ niềm tự hào: “Việc không phải đánh vào
Hà Nội mà vẫn giải phóng Hà Nội, đó là kết quả của sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Bác Hồ, tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sự hy sinh chiến đấu của toàn dân suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã đưa đến kết quả giải phóng miền Bắc và giải phóng Thủ đô”.
70 năm sau ngày về lịch sử, các chiến sĩ trực tiếp tham gia giải phóng Thủ đô năm xưa vẫn không khỏi bồi hồi mỗi khi Hà Nội bước vào những ngày Thu.
Với Đại tá Dương Niết, sau tiếp quản Thủ đô, ông tiếp tục công tác trong quân đội; sau đó làm Hiệu phó Trường Trung cao Không quân (nay là Học viện Phòng không - Không quân), năm 1991 về nghỉ hưu với quân hàm Đại tá. “Chúng ta đã sống trong không khí hào hùng của mùa Thu lịch sử. Thế hệ trước đã chiến đấu, ghi dấu ấn và để lại cơ đồ cho lớp trẻ hôm nay.
Chúng tôi tự hào là một phần của lịch sử. Tôi mong sao, các bạn trẻ hôm nay tiếp nối truyền thống, nuôi dưỡng niềm tự hào, biết ơn, từ đó cống hiến trí tuệ, góp phần xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại” - Đại tá Dương Niết bày tỏ.
Xúc động khi nhắc về những người đồng đội, Đại tá Dương Niết chia sẻ: “trong số 214 chiến sĩ Bình Ca vào tiếp quản Hà Nội năm 1954, đến năm 2019, ở Hà Nội còn 5 người, nhưng đến nay 4 người đã ra đi, chỉ còn lại mình tôi. Các anh ấy ra đi đều ở tuổi 90 và trên 90”.
Với riêng Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10, Đại tá Dương Niết khẳng định: “Âm hưởng của bản hùng ca Hà Nội chiến đấu và chiến thắng vẫn luôn vang vọng tới mọi thế hệ, nhất là những thế hệ trẻ. Qua đó, thế hệ trẻ sẽ tiếp nối truyền thống đầy tự hào của cha ông, thực hiện các Nghị quyết của T.Ư, Thành ủy để xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại”.
Với cựu chiến binh Lê Văn Tính, hàng ngày, ông vẫn luôn cập nhật, dõi theo từng bước phát triển của Thủ đô cũng như cả nước. Ông muốn nhắn nhủ tới thế hệ trẻ, hãy noi gương các bậc cha ông đã cống hiến, hy sinh, luôn tu dưỡng, rèn luyện xứng đáng là công dân tốt, có nhiệt huyết xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.
Với ông Nguyễn Ngọc Ky, sau khi trải qua cuộc đời binh nghiệp, nghỉ hưu vào năm 1991, ông trở về tham gia làm Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận ở địa phương trong 10 năm. Tâm niệm "Sống vui, sống khỏe, sống có ích cho đời" nên dù tuổi cao, ông luôn mẫu mực, động viên con cháu, gia đình, cộng đồng xóm làng chấp hành mọi đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước; cống hiến, góp sức cho địa phương.
Thái Hồng
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/ky-uc-ngay-ve-tiep-quan-thu-do-801457.html