Cứ mỗi dịp cận kề ngày 30-4, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (83 tuổi, ngụ phường Tân Thành, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), lại đưa những kỷ vật nhuốm màu thời gian ra lau chùi rồi đặt vào một chỗ trang trọng trong nhà. Với bà, mỗi kỷ vật là một câu chuyện hào hùng của một thời đã qua.
Thắp đèn dầu may cờ Tổ quốc
Bà Lan chính là thợ may đã cùng đồng đội thắp đèn dầu, may hàng trăm lá cờ Tổ quốc để tiếp thêm khí thế cho quân ta trong ngày giải phóng Buôn Ma Thuột.
Dù tuổi cao, sức khỏe yếu nhưng bà Lan vẫn nhớ như in những ký ức về lần nhận nhiệm vụ may cờ Tổ quốc cách đây 50 năm.
Bà Lan vừa xếp lại chiếc võng kỷ vật vừa kể chuyện. Ảnh: T.H
Theo bà Lan, bà đã tham gia cách mạng lúc tuổi mới đôi mươi. Hồi năm 1966, nhờ khéo tay, bà được phân công về tổ may mặc, Ban Kinh tài vùng H4 (tỉnh Đắk Lắk).
Ban đầu, tổ may của bà Lan chỉ may quần áo, mũ tai bèo, túi đựng gạo… cho bộ đội. Từ năm 1967 trở đi, tổ may của bà Lan bắt đầu nhận thêm nhiệm vụ may cờ Tổ quốc.
Đặc biệt, đầu tháng 2-1975, tổ may của bà Lan nhận lệnh của cấp trên về việc gấp rút may cờ Tổ quốc, không xác định số lượng.
Nhận lệnh, bà Lan cùng hai thành viên khác trong tổ may lập tức bắt tay vào việc. Trong một “xưởng” may đơn sơ giữa núi rừng, tổ may của bà Lan đã chạy đua với thời gian để hoàn thành nhiệm vụ mà cách mạng giao phó.
“Chúng tôi chia nhau từng công đoạn. Người phụ trách cắt vải đỏ, người làm nhiệm vụ cắt sao vàng năm cánh rồi ráp vào may. Cờ may xong, có người của ta đến lấy, mang đi” - bà Lan nhớ lại.
Vẫn lời bà Lan, vì tiến độ gấp rút, tổ may của bà nhiều đêm thắp đèn dầu để may cờ Tổ quốc. Có đợt cao điểm, một ngày đêm tổ may của bà hoàn thành hơn 100 lá cờ để giao cho tiền tuyến.
Không ngủ được vì trách nhiệm
Bà Lan nói thêm, thời gian nhận nhiệm vụ may cờ Tổ quốc, nhóm của bà ai nấy đều ngủ rất ít.
Bà Lan bên là cờ Tổ quốc. Ảnh: T.H
“Thực tế, chúng tôi không ngủ được vì trách nhiệm, vì trong lòng luôn thôi thúc phải cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ của cách mạng giao phó, phải may thật nhiều cờ Tổ quốc. Dù gấp rút nhưng chúng tôi luôn tỉ mỉ, chỉn chu trong từng đường kim mũi chỉ khi may cờ Tổ quốc” - bà Lan kể.
Suốt gần hai tháng liền cần mẫn dưới ánh đèn dầu, tổ may của bà Lan đã may được hàng trăm lá cờ Tổ quốc để giao cho tiền tuyến.
Đêm 10-3-1975, các thành viên trong tổ may của bà Lan ôm nhau khóc vì hạnh phúc khi nghe tin về chiến thắng Buôn Ma Thuột. Đặc biệt hơn, những lá cờ Tổ quốc mà tổ may của bà Lan thực hiện đang kiêu hãnh tung bay trong ngày chiến thắng.
Sau ngày giải phóng Buôn Ma Thuột, tổ may của bà Lan được tiếp quản một số cơ sở may tư nhân. Từ đó, bà cùng đồng đội hướng dẫn các cơ sở tiếp tục may cờ Tổ quốc. Đến cuối tháng 3-1975, bà Lan nhận được lệnh tạm dừng may cờ vì đã đủ theo yêu cầu.
“Thời gian may cờ Tổ quốc là thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời của tôi. Tôi vui, hạnh phúc vì đã được góp chút sức lực nhỏ bé của mình cho đất nước” - bà Lan nói.
Bà Lan cho hay thực tế tổ may của bà đã nhận nhiệm vụ may cờ Tổ quốc từ năm 1968. Hồi đó, bà chọn kích thước cờ Tổ quốc có kích thước 80x120cm để may.
Theo bà Lan, hồi trước nguyên liệu để may cờ Tổ quốc rất khó kiếm. Để có được tấm vải đỏ, vải vàng may cờ đỏ sao vàng, bà và đồng đội phải tìm cách liên hệ với các cơ sở của ta ở nhiều nơi. Đồng thời, bà Lan cùng các thành viên phải thường xuyên xuống địa bàn, để vận chuyển nguyên liệu về “xưởng” may.
Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, bà Lan luôn gìn giữ cẩn thận một lá cờ Tổ quốc do chính tay bà may hồi năm 1975. Đến năm 2019, bà đã quyết định trao tặng lá cờ trên cho Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ để bảo quản lâu dài và lan tỏa giá trị lịch sử.
Bà Trần Thị Dinh, Phó chủ tịch UBND phường Tân Thành, TP Buôn Ma Thuột, cho biết bà Lan là cựu chiến binh có nhiều đóng góp cho cách mạng, hiện đang sinh sống trên địa bàn phường.
Theo bà Dinh, thời gian qua, bà Lan luôn tích cực tham gia các hoạt động do địa phương phát động. Ngoài ra, cựu chiến binh Nguyễn Thị Ngọc Lan luôn gương mẫu, tiên phong trong công tác tuyên truyền các chính sách, đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước, luôn khơi dậy tinh thần yêu nước đến với thế hệ trẻ trên địa bàn.
TIẾN THOẠI