Ông Đàm Quang Bẩy luôn tự hào đã cùng đồng đội đóng góp vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Hành quân thần tốc 10 ngày đêm
Ngày 18/3/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Quân đoàn 1 tại trụ sở đóng ở Tam Điệp (Ninh Bình). Tại đây, Đại tướng lệnh cho Quân đoàn 1 sẵn sàng lên đường hành quân vào miền Nam tham gia chiến đấu trong trận cuối cùng.
Ngoại trừ Sư đoàn 308 ở lại miền Bắc làm dự bị chiến lược, đề phòng Mỹ phản ứng quân sự, còn lại 2 sư đoàn bộ binh (320B và 312) và toàn bộ các lực lượng lên đường. Đội hình hành quân của Quân đoàn 1 đi theo đường Trường Sơn từ miền Bắc vào thẳng khu vực Tây Bắc Sài Gòn.
Trước đây, mỗi đoàn quân hành quân trên đường Trường Sơn phải đi mất từ 3 đến 6 tháng mới vào đến Đông Nam Bộ. Trong cuộc hành quân này, Sư đoàn 312 là đơn vị đi xa nhất. Lúc nhận lệnh, toàn Sư đoàn đang đóng ở Hà Trung, Thạch Thành, Thanh Hóa. Tuy nhiên, với khí thế thần tốc, chỉ mất 10 ngày, đêm cả Sư đoàn đã vào đến vị trí tập kết ở Đồng Xoài, vượt gần 2.000km. Tuy lúc này đi trên Trường Sơn không còn bị bom pháo của địch cản đường, nhưng hành quân cũng rất vất vả.
Nhắc đến cuộc hành quân thần tốc, ký ức ùa về trong tâm trí ông Bùi Viết Từng (sinh năm 1946), chiến sĩ thông tin liên lạc, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1, hiện trú tại phường Chùa Hang (TP. Thái Nguyên). Giọng ông Từng đầy khí thế: Đầu tiên, đơn vị nhận lệnh hành quân “thần tốc, táo bạo, quyết thắng”. Trên đường đi lại nhận được mật lệnh của Đại tướng Võ Nguyên với nội dung “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Chúng tôi hành quân xuyên ngày, đêm tập kết ở sở chỉ huy hậu phương, chọn đồ gọn nhẹ nhất để tham gia đánh khu vực Lai Khê, Bến Cát, Thủ Dầu Một (Tây Bắc Sài Gòn).
Là bộ đội thông tin, ông Từng và một số đồng đội làm nhiệm vụ tiếp nhận điện, dịch mật mã và chuyển tin đến chỉ huy đơn vị, đảm bảo thông tin liên lạc từ Bộ Tổng tham mưu đến Quân đoàn 1, Sư đoàn 312. Bảo đảm thông tin đến các lực lượng chiến đấu đánh vào những mục tiêu theo thời gian và kế hoạch thống nhất. Ông cũng chính là một trong những người lính thông tin đầu tiên tiếp nhận tin chiến thắng, khi Cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng.
Nhớ lại khoảnh khắc đó, mắt ông Từng ánh lên niềm vui: Cảm xúc như vỡ òa, chúng tôi chạy khắp đơn vị hô vang toàn thắng rồi, toàn thắng rồi. Nghe tiếng hô, có chiến sĩ còn nhảy từ công sự lên bắn 1 băn đạn lên trời trong tiếng hò reo của toàn thể anh em. Xúc động nữa là sáng 15/5/1975, các khối duyệt binh và diễu hành, suốt dọc hai bên đường phố, bà con nhân dân nô nức trên tay cầm cờ Tổ quốc và Cờ giải phóng chen chân vui sướng, chúng tôi đồng thanh đọc bài thơ “Nước non ngàn dặm” của nhà thơ Tố Hữu:
“Lá cờ nửa đỏ nửa xanh
Màu đỏ của đất, màu xanh của trời
Ngôi sao, chân lý của đời
Việt Nam, vàng của lòng người hôm nay".
Trong cuộc sống đời thường, ông Bùi Viết Từng và gia đình luôn là tấm gương để nhân dân noi theo.
Những trận đánh khó quên
Đã 50 năm trôi qua nhưng ông Đàm Quang Bẩy (83 tuổi, ở tổ dân phố Tân Thành 1, phường Đồng Bẩm, TP. Thái Nguyên) vẫn nhớ như in ngày đầu nhập ngũ với những trận đánh ác liệt, ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc, nhưng ông cũng như các đồng đội đều không mảy may nghĩ tới.
Vừa tròn đôi mươi, ngày 10/4/1966, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Bẩy lên đường nhập ngũ, biên chế vào Đại đội 7, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312. Sau khóa huấn luyện tại Trường hạ sĩ quan, ông được phong làm Tiểu đội trưởng nhận lệnh vào chiến trường miền Nam chiến đấu ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Với thành tích trong bắn súng, đã từng tham gia đội tuyển của Bộ Quốc phòng tham dự thi đấu 3 môn quân sự - quốc phòng của 12 nước xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc, ông được biên chế vào lực lượng trực tiếp chiến đấu của Trung đoàn 165, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1.
Ông kể cho chúng tôi nghe về trận đánh ngày 24/2/1967. Trận này, đại đội của ông với 40 chiến sĩ đã tiêu diệt gọn 96 lính dù, làm chủ chiến trường, riêng ông đã tiêu diệt 35 lính Mỹ. Trận đánh thứ hai, Đại đội được giao tập kích cụm xe tăng chi viện cho hỏa lực Mỹ. Với vai trò là Đại đội trưởng, ông đã chỉ huy trong đêm, tận dụng ánh trăng sáng nhìn rõ từng tên địch, đến 11 giờ đêm 16/10/1967 bắt đầu nổ súng. Loạt đầu tiên, Đại đội bắn cháy mỗi cụm 1 xe khiến địch không kịp trở tay, sau đó tiêu diệt toàn bộ 11 xe. Sau trận đánh, ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Một trong những trận đánh mà ông Bẩy nhớ mãi là vào cuối tháng 4-1975, lúc đó ông là cán bộ quân huấn của Bộ Chỉ huy miền được điều động tác chiến cho Sư đoàn 312. Nhiệm vụ tác chiến của Sư đoàn 312 là bao vây địch ở căn cứ Phú Lợi, Trung đoàn 209 chốt chặn đường 13, 14, tiêu diệt địch rút chạy từ căn cứ Lai Khê, Bến Cát về Bình Dương, không cho địch co cụm về Sài Gòn và giải phóng thị xã Bình Dương.
Ngày 28-4, các trung đoàn của Sư đoàn 312 vào vị trí chiến đấu. Đến 8 giờ tối 29-4, quân ta áp sát địch, các loại pháo của địch bắn về phía Sư đoàn liên tiếp. Được pháo của Quân đoàn, Sư đoàn chi viện, ta nổ súng áp đảo, địch chống trả quyết liệt. Các đơn vị tranh thủ thời cơ, áp sát mục tiêu theo các hướng đã được phân công.
10 giờ 30 phút ngày 30-4, ta làm chủ hoàn toàn thế trận, toàn bộ Sư đoàn 5 Ngụy tan rã. Đến 11 giờ, nghe tin tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, quân ta nhảy lên chiến hào, sung sướng hô vang: “Thắng lợi rồi! Hòa bình rồi!”.
Với nhiều chiến công, ông Bẩy đã được Đảng, Nhà nước tặng 8 Huân chương Giải phóng, Huân chương Chiến công, Huân chương Quyết thắng và các danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú, Dũng sĩ diệt xe cơ giới... cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Các cựu chiến binh như ông Bảy, ông Từng đã góp phần làm rạng danh lịch sử Sư đoàn 312. Lịch sử Sư đoàn 312 ghi rõ: Trong đội hình Quân đoàn 1 tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trong tác chiến, Sư đoàn đã thực hiện tiến công bằng sức mạnh binh chủng hợp thành, đập tan lực lượng quan trọng và chủ yếu của địch trên tuyến “tử thủ” bắc Sài Gòn; tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ Sư đoàn 5 ngụy, diệt 279 tên, bắt 7.740 tên, gọi hàng 3.500 tên, thu 327 xe các loại, giải phóng thị xã và toàn tỉnh Bình Dương, góp phần vào chiến thắng chung của Chiến dịch Hồ Chí Minh.
75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Sư đoàn luôn phát huy truyền thống “Đoàn kết - Anh dũng - Chiến thắng”. Với những đóng góp lớn lao của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ngày 15/1/1976, Sư đoàn được nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Hằng Nga