Ký ức thanh xuân ngõ nhỏ bên bà chủ trọ

Ký ức thanh xuân ngõ nhỏ bên bà chủ trọ
3 giờ trướcBài gốc
Ngày đó, những cô cậu học sinh nơi miền quê chỉ quanh quẩn với đồng ruộng luôn khát khao học tập để đỗ vào một trường đại học nhằm thoát khỏi sự o ép, bó hẹp sau lũy tre làng. Bởi lẽ khi đỗ trường đại học, mà lại ở Hà Nội, thì cha mẹ nở mày nở mặt với hàng xóm, họ hàng biết bao. Đó luôn là động lực hối thúc những cánh chim chở đầy khát vọng cập bến đỗ Hà thành.
Nỗ lực cũng được đền đáp. Ngày nhận giấy báo trúng tuyển đại học từ bác bưu tá, lòng tôi đã vui sướng xiết bao. Rời xa miền quê, cậu thanh niên chân ướt chân ráo lên Thủ đô nhập học. Phút đầu bỡ ngỡ để rồi lưu luyến mãi về sau. Hà Nội - hai tiếng thân thương mà tôi hằng ao ước, yêu mến tự bao giờ. Nay đến lúc được học tập, sinh sống tại Thủ đô.
Loay hoay cùng đứa bạn thân trên đường Đê La Thành tìm nhà trọ, bỗng “uỳnh”, bà cụ đi bộ phía trước bị nam thanh niên phóng xe máy lao phải ngã xuống đường, còn nam thanh niên sau vài giây ngoái đầu quay lại đã vụt đi giữa đường phố xe cộ ngày một đông đúc. Tôi vội chạy lại đỡ bà cụ. May mắn là bà chỉ chấn thương phần mềm, nhưng bắp chân đã bầm tím. Không chút ngần ngại, tôi và cậu bạn đỡ bà lên chiếc xe đạp để đưa bà về nhà.
Cuộc sống luôn ẩn chứa nhiều hữu duyên mà ta khó nắm định. Khoảnh khắc đó lại là cơ hội để hai đứa tôi tìm được chỗ trọ giữa đất Hà thành tấp nập dòng người xuôi ngược. Nhà bà cụ nép sâu trong hẻm đường Đê La Thành, lại gần ngay trường đại học mà hai đứa theo học. Biết tụi tôi là sinh viên tỉnh lẻ nhập học nên bà ngỏ ý để hai đứa trọ ở chung với bà. Tôi chột dạ: Hà Nội thiên thời, địa lợi, nhân hòa đến thế! Bối rối để rồi gắn bó bên bà suốt 4 năm đại học...
Ảnh minh họa.
Bà vốn là người phụ nữ Hà Nội xưa. Giọng bà ấm nồng, ngọt ngào chuẩn như cô phát thanh viên Kim Tiến mà tôi vẫn thường nghe trên đài. Tôi luôn tâm niệm người Hà Nội có giọng nói với âm vực trầm ấm mà lại thanh tao. Bà tên Mộc – cái tên toát lên ngay từ chính vẻ ngoài của bà, mộc mạc giản dị nhưng cốt cách thanh lịch của người Tràng An. Ngôi nhà 2 tầng nước sơn ngả màu tọa lạc trên mảnh đất rộng, phía trước có khoảng sân để sinh hoạt, nấu ăn. Giữa ngổn ngang ngõ nhỏ, phố nhỏ Hà Nội nhưng nhà bà rộng biết chừng nào. Tầng trên bà cho các anh chị khóa trước thuê trọ, còn hai đứa tôi được bà cho ở cùng tầng dưới. Con cái bà đều thành đạt nhưng bà lại sống một mình, không muốn phụ thuộc vào ai. Chỉ khi giỗ chạp hay lễ Tết các cô chú mới về. Mái tóc bà trắng phau, nếp da đồi mồi nhưng còn hồng hào, căng mịn.
Những ngày đầu sinh hoạt tại Thủ đô, bà hướng dẫn tỉ mỉ, nào là cách đi chợ Thành Công sao để mua đồ ăn tươi ngon nhất, hàng cá, hàng thịt nào mối quen xởi lởi. Để khi chúng tôi ra chợ, đọc "password" cháu bà Mộc là được mua đồ tươi ngon với giá sinh viên nhất. Bà cũng một thời buôn thúng bán bưng ngoài chợ, dành dụm nuôi các cô chú ăn học thành tài, hiện tuổi đã xế chiều nên bà quanh quẩn ở nhà cho sinh viên thuê trọ vui cửa vui nhà, lúc đau ốm có mấy đứa quan tâm. Bà còn dạy cách ăn mặc theo mùa chuẩn gu Hà Nội mùa nào thức ấy. Bà vẫn nói với chúng tôi: "Sống ở Hà Nội đủ lâu, yêu Hà Nội đủ sâu, thương mưa ngâu rả rích mà không ưu sầu thì Hà Nội luôn hiển hiện trong ta".
Có những đêm, dưới ngọn đèn leo lét, ngõ nhỏ chỉ còn vang vọng thanh âm tiếng rao của cô bán bánh mì, chúng tôi chơi khuya mới lóc cóc đạp xe về phòng. Nhẹ nhàng mở cửa, lên giường nằm, thở phào tưởng bà đã ngủ. Nhưng vọng từ trong nhà tiếng bà răn dạy: "Lên đây ăn học đàng hoàng, bố mẹ ở quê vất vả, sống sao cho thành người. Không giữ mình thì hỏng cả một đời đó con à". Chút tâm tình không biết vô tình hay hữu ý tưởng chừng sẽ bài xích khiến sinh viên tỉnh lẻ chúng tôi chạnh lòng, nước mắt lưng tròng, nhưng tôi lại thương bà nhiều hơn.
Niềm vui tuổi già của bà cũng đơn giản lắm, chẳng cần gọi điện, đúng giờ Mùi, ba người bạn già đầu ngõ vào nhà đánh bài tam cúc. Hôm nào đi học về thấy bà tươi cười là biết nay bà đánh thắng, còn bà lặng lẽ âm thầm là mấy đứa biết thân biết phận, đun nấu cho sớm ngày kẻo bị mắng oan.
Những ngày chớm đông, khi làn gió rít từng cơn trong tiết trời mưa dùng dằng bay lất phất, bà luôn ủ sẵn bếp than tổ ong đỏ lửa để chúng tôi có bếp nấu ăn, sinh hoạt. Bà la mắng vậy thôi nhưng vẫn quan tâm, yêu thương mấy đứa từ những điều nhỏ nhặt nhất. Đĩa cá kho thơm lừng bà cho trong những ngày cuối tháng sinh viên mới đượm nồng biết bao. Tình người Hà Nội không dữ dội, sáng bừng, phô trương như ngọn lửa bùng cháy, mà là bếp than hồng âm ỉ, ấm áp, lắng sâu.
Hà Nội đâu chỉ có 36 phố phường. Ẩn trong từng con phố còn có những ngõ nhỏ, hẻm nhỏ với chỉ đủ một người đi lọt, muốn tránh nhau phải chịu khó lách người mới qua. Ấy vậy nhưng, tình người Hà Nội luôn bao dung, ôm ấp những mảnh đời còn đang chênh vênh trên đường đời tấp nập. Để rồi một mai những mảnh đời đó lại hội tụ, xây đắp thêm nhiều giá trị cho chính mảnh đất nghìn năm văn hiến, in dấu thổn thức trong mỗi trái tim.
Hà Nội có hồ Gươm trầm mặc, Lăng Bác tôn kính, hồ Tây nên thơ... Đôi khi ta thèm thuồng, ta thương nhớ hương vị Hà Nội chẳng phải bởi lắng hồn sông núi ngàn năm, những danh thắng đi vào lịch sử, món ngon tròn vị, cảnh sắc bốn mùa mà bởi những điều giản dị đời thường nhưng thú vị hấp dẫn nơi con ngõ nhỏ với tên gọi lạ lẫm mà thân thuộc, ngồ ngộ mà ẩn chứa nhiều giai thoại ly kỳ: phố Đường Thành, ngõ Huyện, ngõ Tạm Thương...
Tình cảm chân thành của bà Mộc nơi ngõ nhỏ bồi đắp một phần thanh xuân tươi đẹp của tôi. Trong khoảnh khắc bồi hồi, tâm hồn ta được đánh thức cảm xúc thân thương, gần gũi, làm ta xao xuyến cả một đời. Hà Nội thương một đời đâu phải tạm thương, như lời thơ của nhà thơ Chế Lan Viên khi lạc bước vào ngõ nhỏ Hà Nội: "Sương giăng mờ trên ngõ Tạm Thương/Ngõ rất cụt mà lòng xa thẳm/ Ngõ bảy thước mà lòng muôn dặm/ Thương một đời đâu phải Tạm thương"...
Lưu Hường
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/ky-uc-thanh-xuan-ngo-nho-ben-ba-chu-tro-271262.htm