Ký ức về một thời hào hùng của người lính An ninh

Ký ức về một thời hào hùng của người lính An ninh
8 giờ trướcBài gốc
Những người đồng đội nằm lại nơi chiến trường, những đêm hành quân lặng lẽ giữa rừng sâu, những cái bắt tay vội vã trước giờ nổ súng, tất cả vẫn hiện lên như mới hôm qua, như một phần máu thịt gắn bó với cuộc đời binh nghiệp của ông…
“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước…”
Trung tá Võ Xuân Thành (sinh năm 1948), quê quán tại xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, nguyên Phó Trưởng Công an huyện Diễn Châu. Vị Trung tá ấy - người từng lăn lộn nơi chiến trường miền Nam - giờ đây mái tóc đã bạc trắng, nhưng ánh mắt vẫn sáng rực niềm tin và ký ức. Năm 18 tuổi, ông tham gia Công an xã. Sau đó một năm, ông được cử đi học trường Công an Trung ương (nay là Học viện An ninh nhân dân).
Nay sức khỏe đã yếu, những ký ức về chiến trường miền Nam vẫn được Trung tá Võ Xuân Thành nhớ như in.
2 năm sau, ông trở về và được phân công công tác tại Công an huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, bên cạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân và dân tỉnh nhà còn phải đối mặt với thách thức không kém phần nguy hiểm: bọn phỉ hoạt động manh động, tàn bạo, gây rối trật tự, an ninh và đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi biên ải.
Cuối những năm 1969, đầu năm 1970, lợi dụng tình hình quân tình nguyện Việt Nam phối hợp quân dân nước bạn Lào đang giải phóng cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (Lào), đánh vào sào huyệt phỉ Vàng Pao, nhân dân tỉnh Xiêng Khoảng sơ tán sang Việt Nam, các nhóm phỉ đã tung các toán gián điệp, biệt kích vào huyện biên giới Kỳ Sơn để chống phá. Những đối tượng phỉ - dưới nhiều hình thức - là tàn dư của các lực lượng phản động, tay sai nước ngoài, lợi dụng địa hình hiểm trở của địa bàn biên giới để lẩn trốn, tổ chức các hoạt động chống phá chính quyền cách mạng, bắt cóc, cướp bóc, sát hại cán bộ và nhân dân.
Trước tình hình trên, ông cùng đồng đội Công an huyện Kỳ Sơn phối hợp chặt chẽ với Công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), quân đội cùng dân quân, nhân dân các địa phương mở các các đợt truy quét, tiêu diệt nhiều nhóm phỉ. Ông còn “3 cùng” với nhân dân để xây dựng phong trào quần chúng, củng cố thế trận lòng dân. Nhờ đó, nhiều cơ sở phỉ bị triệt phá, nhiều người lầm đường lạc lối quay về với chính quyền cách mạng.
Năm 1971, khi vừa tròn 23 tuổi, ông được lệnh điều động của Bộ Công an chi viện cho Cục An ninh miền Nam. Sau một thời gian ngắn tập luyện ở Vĩnh Phúc, ông cùng 105 đồng đội Công an các đơn vị lên đường vào Nam chiến đấu. Để đi vào B2 - miền Đông Nam bộ, ông cùng đồng đội được phát quân trang gồm 2 bộ quần áo bà ba đen, khăn rằn, một mũ tai bèo đi đường và súng K59. Dọc đường hành quân vô cùng gian khổ, Đoàn phải vượt qua dãy Trường Sơn hùng vĩ - nơi địa hình hiểm trở, rừng sâu núi cao, nhiều thác ghềnh. Trường Sơn nắng bỏng rát, mùa mưa thì mưa trắng trời đất. Những cơn mưa rừng như trút nước, bùn đất trơn trượt, lầy lội bám chặt từng bước chân. Rồi những con vắt rừng, ruồi vàng âm thầm bâu bám vào từng gấu quần, len vào trong cổ áo, thậm chí luồn qua cả giày hút máu khiến anh em trong đoàn lúc nào cũng trong tình trạng tứa máu, ngứa ngáy.
Bên cạnh phải chống chọi với sự ác liệt của bom đạn, của thiên nhiên…, Đoàn còn phải đối diện với việc thiếu lương thực, sốt rét. Do khẩu phần ăn ngày càng vơi dần, nên anh em trong Đoàn ăn thêm rau dớn, măng non, lá tàu bay, quả dại qua ngày. Có hôm hơn nửa anh em trong Đoàn say măng người lảo đảo, nôn mật xanh mật vàng, người lê lết. Những cơn mưa dài ngày và cái ẩm thấp của núi rừng Trường Sơn khiến cho người bị sốt rét trong đoàn ngày càng tăng. Những trận sốt rét bắt đầu bằng cảm giác gai người, rồi những cơn sốt rét ập đến liên tục.
Người lính An ninh từng lăn lộn trong chiến trường ác liệt miền Nam bồi hồi nhớ lại: “Dù được đắp chăn và nhờ đồng đồi nằm đè lên người để giữ ấm nhưng vẫn giật tung. Da bắt đầu chuyển sang màu vàng tái, khô ráp, đôi mắt trũng sâu, thâm quầng như những hốc đá âm u. Khó thở, tóc rụng lẫn vào tấm áo đã sờn cũ. Người lúc sảng, lúc mê. Chia nhau từng viên ký ninh, uống bát nước lá rừng được đồng đội sắc, ai nấy đều quyết tâm giữ vững đội hình, không để hành trình dừng lại”.
Khi Đoàn hành quân sâu vào phía Nam thì nhận được lệnh của Bộ Công an quay trở ra để tăng cường cho Ban An ninh khu Trị Thiên - Huế. Thời điểm này, địch tăng cường quân, đánh phá ác liệt hòng ngăn chặn mọi hoạt động chi viện của miền Bắc vào chiến trường miền Nam, vì vậy, Đoàn phải vượt qua sông Sê - băng - hiêng để hành quân vòng qua đất bạn Lào. Để tránh sự phát hiện của địch, những người lính An ninh gùi trên vai vũ khí, lương thực, đạn dược, bơi trong màn đêm tĩnh lặng. Sau gần 2 tháng hành quân đầy gian khổ, Đoàn đã đến nơi tập kết của Ban An ninh khu Trị Thiên - Huế. Tại đây, ông được phân công công tác tại Ban An ninh Hương Thủy (thành phố Huế).
Trung tá Võ Xuân Thành (thứ 2 bên phải) cùng các đồng đội từng tham gia chiến đấu, giải phóng thành phố Huế tại buổi gặp mặt nhân Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam.
Xây dựng cơ sở Cách mạng vững chắc
Trước âm mưu mới của Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa, Đảng và nhân dân ta khẳng định đường lối kháng chiến của ta chính là “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh” với thế trận chiến tranh nhân dân, thực hiện phong trào toàn dân đánh giặc, dùng bạo lực cách mạng để chống bạo lực phản cách mạng. Phương châm đánh giặc bằng “hai chân, ba mũi” giáp công trên ba vùng chiến lược. Đó là phương pháp cách mạng dựa trên việc đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, trên cả ba vùng thành thị, nông thôn và miền núi, kết hợp chặt chẽ công kích địch bằng ba mũi giáp công: Chính trị, quân sự và binh vận, mở rộng vùng giải phóng, tạo căn cứ “lõm” nhận vũ khí, chi viện từ miền Bắc vào…
Công tác binh vận là công tác vận động quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng, gây xáo trộn hàng ngũ, tổn thất nặng nề, sụt giảm nghiêm trọng về mặt tâm lý, tinh thần của địch. Đối tượng của binh vận là quần chúng, đặc biệt bao gồm những người tham gia lực lượng phía bên kia và gia đình họ. Đại bộ phận họ và gia đình họ là người lao động, bị đế quốc và tay sai lôi kéo, dụ dỗ nhưng họ có ý thức dân tộc, vận động giác ngộ họ là yêu cầu khách quan của cuộc cách mạng nhằm tập hợp đoàn kết mọi người Việt Nam yêu nước, tiến bộ vào mặt trận đấu tranh chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ xâm lược, bọn tay sai bán nước. Ngoài những đối tượng trên, Đảng ta còn chú ý vận động thực hiện tốt chính sách đối với binh lính địch thuộc đồng bào dân tộc thiểu số, binh lính theo tôn giáo và cả binh sĩ Mỹ.
Với đặc thù hoạt động của lực lượng Công an lúc bấy giờ, ông phối hợp với bộ đội địa phương, dân quân du kích và quần chúng nhân dân, linh hoạt vận dụng vào công tác nghiệp vụ. Đồng thời, tăng cường diệt ác, trừ gian, xây dựng cơ sở cách mạng vững chắc, tạo thế hợp pháp cho quần chúng vùng lên đấu tranh chính trị và binh vận, góp phần làm lay chuyển thế trận của địch. Ông bám trụ, xây dựng cơ sở nằm sâu trong lòng địch ở khu “H” Hải Thủy, Hương Thủy sát căn cứ quân sự sân bay Phú Bài, căn cứ Sư đoàn I của ngụy quyền để nắm tình hình địch. Nhờ vậy, cơ sở đã cung cấp nhiều nguồn tin quan trọng, làm căn cứ để ông cùng đồng đội chủ động xây dựng các kế hoạch, triển khai phương án phối hợp với bộ đội, dân quân, nhân dân đánh vào sào huyệt của địch, khiến chúng điên cuồng phản ứng, buộc phải rút quân từ các mặt trận khác để tăng cường bảo vệ.
Sự náo loạn trong hàng ngũ địch chính là lợi thế để quân ta tiếp tục gài bẫy, phân tán lực lượng chúng, tạo thời cơ cho các mũi tấn công khác đánh vào chỗ yếu, làm rối loạn thế trận tổng thể. Vì vậy, mặc dù tình hình ngày càng khó khăn, khốc liệt hơn, song để đánh trọng điểm, hiểm sâu vào sào huyệt quân sự của địch, vào khoảng tháng 7/1972, ông tiếp tục xây được 2 cơ sở - là người lính phía bên kia đóng quân ở sân bay Phú Bài, đã cung cấp cho ông và tổ công tác nhiều thông tin quan trọng. Từ đó, phối hợp với lực lượng đặc công lên kế hoạch đánh khu hầm máy bay, kho đạn, làm cháy nổ mấy ngày đêm...
“Bằng sự chân thành, tôi đã tuyên truyền, thuyết phục được nhiều trường hợp là vợ/con/ anh em của binh lính phía bên kia. Từ đó, có nhiều nguồn tin quan trọng để diệt ác, trừ gian và đánh vào sào huyệt của địch như bắt tên ác ôn khét tiếng Võ Đại Tờn - xã trưởng xã Lộc Bổn (huyện Phú Lộc, thành phố Huế), tên Ngô Hành - Trung đội trưởng ác ôn”, Trung tá Võ Xuân Thành nhớ lại.
Mở màn chiến dịch mùa Xuân 1975, ông và tổ công tác đi cùng Trung đoàn 6 (Trung đoàn Phú Xuân - Huế) đánh sâu vào quận Phú Thứ (nay là huyện Phú Vang, thành phố Huế). Hơn 10 ngày chiến đấu, 2 bên giao tranh ác liệt, quân ta đẩy lùi từng đợt tấn công của địch, tiêu diệt nhiều xe tăng, binh lính địch. Lực lượng Công an cũng tổn thất, nhiều đồng chí đã bị thương và anh dũng hi sinh… Khí thế cách mạng hừng hực, giải phóng đến đâu, lực lượng Công an tổ chức truy kích bọn ác ôn ngoan cố, không để chúng kịp ẩn náu, lẩn trốn. Đồng thời, lực lượng Công an tiến hành tổ chức cho các đối tượng trình diện, thực hiện quản lý chặt chẽ, phân loại rõ từng nhóm đối tượng.
Trung tá Võ Xuân Thành và vợ tại nhà riêng.
Ngày 26/3/1975, tỉnh Thừa Thiên - Huế được giải phóng, cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên những nóc nhà của người dân nơi đây. Ngày 30/4/1975, sau hơn 20 năm trường kỳ kháng chiến gian khổ, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, Bắc - Nam nối liền một dải, giang sơn thu về một mối, đất nước chính thức bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Ông được phân công ở lại huyện Hương Thủy (nay là thị xã Hương Thủy, thành phố Huế) nhận nhiệm vụ Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện. Năm 1977, ông trở về Công an Nghệ An công tác trên các cương vị khác nhau như Đội trưởng, Phó Trưởng Công an huyện Diễn Châu cho đến khi nghỉ hưu.
Ông bảo: “Thế hệ chúng tôi và cha anh đi trước đã đi qua chiến tranh, từng đánh đổi tuổi xuân cho đất nước thanh bình. Những ngày đó gian khổ lắm, nhưng cũng là những tháng năm đẹp nhất, vì chúng tôi chiến đấu vì lý tưởng, vì hòa bình hôm nay”. Với ông, ký ức không chỉ để nhớ, mà còn là điều thiêng liêng để nhắc nhở thế hệ sau rằng hòa bình hôm nay không tự nhiên mà có, mà được đánh đổi bằng máu, nước mắt và cả tuổi xuân của bao người con đất Việt. Thế hệ trẻ cần tiếp tục viết tiếp trang sử hòa bình, độc lập bằng những việc làm ý nghĩa mỗi ngày…
Phạm Thủy
Nguồn ANTG : https://antg.cand.com.vn/tu-lieu-antg/ky-uc-ve-mot-thoi-hao-hung-cua-nguoi-linh-an-ninh-i769228/