Ký ức về một trung đoàn

Ký ức về một trung đoàn
6 giờ trướcBài gốc
BẮC GIANG - Tôi sinh ra và lớn lên trong một ngôi làng miền Trung, nằm bên nhánh rẽ của con đường dẫn vào mặt trận Trị Thiên những năm kháng chiến cứu nước. Sát làng tôi về phía thượng nguồn sông Gianh là làng Còi, nơi ra đời Chi đội vũ trang Lê Trực, là đơn vị bộ đội chủ lực đầu tiên của tỉnh Quảng Bình sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Chi đội Lê Trực phát triển thành Trung đoàn 18 thuộc Đoàn Bình Trị Thiên, nay là Sư đoàn 325 (Quân đoàn 12). Trong chập chờn ký ức tuổi thơ tôi, có hình ảnh của những chú bộ đội Trung đoàn 18 đóng quân trong làng...
Trong lịch sử gần 80 năm xây dựng, chiến đấu và phát triển, Trung đoàn 18 đã cơ động chiến đấu trên chiến trường cả ba nước Đông Dương. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trung đoàn phối hợp với các đơn vị bạn lập nên nhiều chiến công vang dội. Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975, Trung đoàn đã cùng với Quân đoàn 2 (nay là Quân đoàn 12) đập tan tuyến phòng ngự của địch ở Huế, Đà Nẵng, Phan Rang, Phan Thiết, Bình Tuy, Thủ Đức... và nằm trong đội hình thọc sâu của Binh đoàn đánh chiếm Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn; góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thời kỳ 1979 - 1989, trong đội hình của Quân khu 9, Trung đoàn đã trực tiếp chiến đấu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế trên chiến trường Campuchia. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Trung đoàn vinh dự được Đảng và Nhà nước 2 lần tuyên dương đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào các năm 1976 và 1979.
Chiến sĩ Trung đoàn 18, Sư đoàn 325 thực hành kiểm tra bắn đạn thật. Ảnh: HỮU TRÌNH.
Lại nhớ, năm 1965, tôi vào lớp một thì Trung đoàn 18 được lệnh “đi Bê”, doanh trại và doanh cụ giao lại cho địa phương quản lý. Bố tôi lúc đó là cán bộ văn hóa xã, nên nhà tôi được giao nhận Thư viện của Trung đoàn. Một đêm, trung đội dân quân khuân mấy chục bao tải sách báo về xếp chật gian giữa nhà tôi. Vài hôm sau họ làm một nhà kho nửa nổi, nửa chìm ngoài góc vườn để kê sách báo. Công việc thời chiến bận rộn, có khi cả tuần bố tôi chẳng có thời gian lục soát kiểm tra mối mọt, ẩm mốc, thế là tôi được “đặc cách” giúp bố việc ấy. Từ đó cho đến khi tốt nghiệp phổ thông, tôi đã đọc gần hết số sách, báo trong kho. Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ đã thấm vào tôi từ bé, giúp một đứa trẻ nhà quê phấn đấu trở thành người viết văn, làm báo...
Hơn mười năm sau cái đêm chứng kiến các chú dân quân vận chuyển Thư viện Trung đoàn 18 về nhà, tôi nhập ngũ, tình nguyện phục vụ lâu dài trong quân đội. Bấy giờ đất nước đã thống nhất được vài năm, nhưng cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc lại nổ ra. Nhiều đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam vẫn đang phải dầm mình trong những cánh rừng nước bạn để truy đuổi đám tàn quân Pôn-pốt, cứu dân tộc Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Và ngoài kia Biển Đông, chủ quyền quốc gia cũng đang bị lăm le nhòm ngó. Đất nước vẫn chưa yên, giặc giã vẫn chưa hết. Đồng đội tôi nhiều người vẫn ngã xuống vì độc lập, tự do và vẹn toàn lãnh thổ...
Thời gian này, Trung đoàn 18 đã hành quân lên phía Bắc, trong đội hình Sư đoàn 325. Tiếp tục phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng, những năm gần đây Trung đoàn 18 vẫn là đơn vị điển hình vững mạnh toàn diện của Sư đoàn 325. Trong công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Trung đoàn luôn trong tốp đầu của Sư đoàn và Quân đoàn, nhiều năm liên tục được Bộ Quốc phòng tặng cờ thi đua “Đơn vị huấn luyện giỏi”. Nét nổi bật ở Trung đoàn 18 là nền nếp và chất lượng các cuộc hội thao, diễn tập và rèn luyện cơ động dã ngoại.
Hằng năm, Trung đoàn duy trì nghiêm chế độ diễn tập vòng tổng hợp 6 tháng đầu năm và diễn tập thực binh kết thúc năm huấn luyện. Hằng tuần tổ chức hành quân dã ngoại ban đêm cấp tiểu đoàn và khối đại đội trực thuộc, cuối tháng báo động hành quân dã ngoại ban đêm cả trung đoàn... Đặc biệt, đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương nơi đóng quân, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn còn là lực lượng đi đầu làm công tác dân vận, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn...
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 18 thực hiện công tác dân vận giúp nhân dân xã Tuấn Đạo (Sơn Động) trồng trọt. Ảnh: HT.
Cách nay hai năm, tôi may mắn được tham gia cuộc hành quân dã ngoại của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 18 về làm công tác dân vận tại huyện Lục Ngạn và Sơn Động. Tại đây, các phân đội đã tiến hành các hoạt động thiết thực, như: Giúp địa phương tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, làm đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương; giúp đỡ các gia đình chính sách, hộ nghèo, người có công; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách, vệ sinh môi trường…
Tại huyện Sơn Động, gần 200 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 18 đã cơ động đến thôn Tuấn Sơn và thôn Linh Phú của xã Tuấn Đạo tu sửa đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương và cấy lúa giúp dân. Còn tại huyện Lục Ngạn, các phân đội đã tham gia dọn vệ sinh, đào rãnh thoát nước, cắt tỉa cây xanh tại các trường học; vệ sinh khu vực chợ Phì Điền và hai thôn Mai Tô, cầu Chét thuộc xã Phì Điền.
Trên thế giới, chưa có quân đội của một quốc gia nào được nhân dân gọi theo tên của vị lãnh tụ dân tộc, người sáng lập, dìu dắt và rèn luyện đội quân ấy. Tròn 80 năm qua, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ đã đi vào lịch sử, lan tỏa một cách tự nhiên trong đời sống cộng đồng, trở thành một giá trị văn hóa tiêu biểu. Đó là một nét son độc đáo, một di sản văn hóa đặc sắc, hàm chứa giá trị nhân văn cao cả của dân tộc Việt Nam, trong đó có đóng góp của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 18 Anh hùng...
Trước đó không lâu, một phân đội của Trung đoàn đang huấn luyện dã ngoại trên địa bàn xã Kim Sơn (Lục Ngạn) đã nhanh chóng cơ động giúp sơ tán 15 hộ dân và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm khi gặp lũ. Thiếu tá Trương Ngọc Danh, Phó Trung đoàn trưởng, trực tiếp chỉ huy thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp này. Gần 100 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm dầm mình trong dòng nước lũ để vận chuyển người, tài sản, vật nuôi... của các hộ gia đình đến nơi tập kết an toàn. Nhờ đó đã không xảy ra thiệt hại về người, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của bà con.
Gần bốn chục năm gắn bó với cuộc đời người chiến sĩ, do điều kiện công tác, tôi đã được đến nhiều đơn vị đang làm nhiệm vụ khắp mọi miền đất nước; tiếp xúc với nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ thuộc nhiều quân chủng, binh chủng; chứng kiến sự trưởng thành, lớn mạnh không ngừng của quân đội ta trên bước đường “Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Thế hệ của những anh Giải phóng quân “như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi” đã khác xa thế hệ Vệ quốc quân “Áo trấn thủ, mũ nan, dép lốp...”. Những chiến sĩ thuộc “thế hệ a-còng” hôm nay càng khác xa thế hệ “gác bút nghiên lên đường cứu nước” của chúng tôi. Nhưng bản chất của Quân đội nhân dân Việt Nam thì không hề thay đổi.
Trên thế giới, chưa có quân đội của một quốc gia nào được nhân dân gọi theo tên của vị lãnh tụ dân tộc, người sáng lập, dìu dắt và rèn luyện đội quân ấy. Tròn 80 năm qua, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ đã đi vào lịch sử, lan tỏa một cách tự nhiên trong đời sống cộng đồng, trở thành một giá trị văn hóa tiêu biểu. Đó là một nét son độc đáo, một di sản văn hóa đặc sắc, hàm chứa giá trị nhân văn cao cả của dân tộc Việt Nam. Trong đó có đóng góp của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 18 Anh hùng, một đơn vị bộ đội chủ lực đã in đậm trong tâm trí tôi từ những ngày thơ bé...
Bút ký của Mai Nam Thắng
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/ky-uc-ve-mot-trung-doan-postid409559.bbg