Dịp ấy là đầu thu năm 1965, sau khi thăm anh trai tôi là Nguyễn Minh Ngọc, lúc đó là Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên huấn tỉnh Sơn Tây, tôi ra bến xe khách thị xã Sơn Tây mua vé về Hà Nội. Tình cờ tôi gặp anh vào một chiều thu có ánh nắng hanh vàng ấm áp. Lúc đó tôi là một cô gái trẻ trung, ngoan hiền và ưa nhìn, sinh ra trong một gia đình gia giáo được ăn học đàng hoàng như các bạn cùng trang lứa.
Còn anh, một giáo viên Toán ở Trường trung học phổ thông Sơn Tây, nay thuộc Hà Nội. Biết tôi về Hà Nội, anh đã mua vé xe cho tôi đi cùng chuyến với anh, lúc ấy tôi cứ thắc mắc không hiểu sao một người mới quen lại nhiệt tình với mình như vậy. Sau này khi đã yêu anh rồi, anh mới nói đã yêu tôi từ cái nhìn đầu tiên. Trên xe anh hỏi tôi rất nhiều về gia đình, công việc, sở thích…
Qua nói chuyện với anh tôi được biết anh đã từng nghe anh Minh Ngọc - anh trai tôi nói chuyện về thời sự cho cán bộ trong tỉnh. Chúng tôi nói chuyện rôm rả suốt cả chặng đường dài. Về tới Hà Nội anh cho tôi địa chỉ nhà và mời tôi chủ nhật đến nhà anh chơi. Phần vì mới quen anh trên bến xe, phần vì ấn tượng về anh lúc đó chưa có gì đặc biệt lắm nên tôi đã bỏ qua lời mời mà không hề biết anh đã mong ngóng tôi suốt cả ngày chủ nhật ấy.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an (nay là Tổng Bí thư) tặng hoa chúc mừng Thiếu tướng Phạm Văn Dần tại lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, tháng 11/2019.
Thời gian trôi qua tôi tập trung vào học tập, công việc và cũng quên câu chuyện trên chuyến xe năm đó. Tết năm ấy, như sự sắp đặt của định mệnh tôi lại gặp anh ở chợ hoa Hàng Lược, Hà Nội, một cuộc gặp không có lời hẹn trước. Thấy tôi, anh vui mừng chào đón tôi và lời đầu tiên anh không quên trách tôi đã lỡ hẹn để anh phải hồi hộp, mong chờ tôi cả ngày chủ nhật. Tôi không biết nói gì hơn ngoài lời xin lỗi anh.
Tôi nhớ hôm ấy chợ hoa rất đông người, hàng hóa phong phú và tràn ngập không khí Tết, nhà nhà đi mua hoa về trang trí nhà đón tết theo tục lệ cổ truyền của Việt Nam. Chợ đông người anh sợ lạc tôi, anh mạnh dạn cầm tay tôi len lỏi qua dòng người đông đúc ấy. Không hiểu sao tôi đã để yên tay mình trong tay anh, tôi cảm thấy được che chở an toàn và cứ thế chúng tôi đi xem hết hàng hoa này sang hàng hoa khác để cảm nhận được vẻ đẹp và nét văn hóa độc đáo của chợ hoa Tết Hà Nội.
Hôm ấy anh mua tặng tôi cành đào Nhật Tân và một bó hoa Violet tím đúng loại hoa tôi thích. Lúc đó trong tôi có cảm giác khó tả về sự chu đáo và rất tâm lý của anh. Sau đó anh đến nhà tôi chơi vào những ngày nghỉ trong tuần và cũng từ đó chúng tôi thường đến thăm gia đình hai bên. Qua đó tôi càng hiểu thêm về anh, và về gia đình anh.
Tôi ngưỡng mộ về gia đình anh là một gia đình có truyền thống nhà giáo. Ông cụ thân sinh ra anh là nhà giáo Phạm Văn Nghi, Hiệu trưởng trường C500, Bộ Nội vụ, nay là Học viện An ninh nhân dân, Bộ Công an. Em trai anh là Phạm Văn Ty, giáo sư, tiến sĩ, giảng viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Hai chị gái anh đều là giáo viên phổ thông trung học ở Hà Nội.
Nhà giáo Phạm Văn Dần sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức, được nuôi dưỡng và giáo dục một cách chu đáo, nề nếp nên con người anh mang đậm nét nhân văn trong ứng xử và hiểu biết sâu rộng về văn hóa. Mỗi lần tôi đến nhà thăm gia đình anh và anh đến thăm gia đình tôi, anh thường mang đàn guitar hoặc đàn violin, đàn và hát cho tôi nghe những bài tôi thích như: "Bến Xuân", "Đàn Chim Việt"… của cố nhạc sĩ Văn Cao hay những bản tình ca lãng mạng như: "Lá thư duyên kiếp", "Gửi người em gái miền Nam"… của cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn - Từ Linh.
Những dịp bận công việc giảng dạy anh không đến thăm tôi, anh lại gửi cho tôi những bài thơ, những bức thư tình chứa chan tình yêu đầy cảm động và những bức tranh anh vẽ về mùa thu có nắng hanh, có lá vàng rơi… Tôi, một cô gái yêu thơ văn thường nghĩ không hiểu sao một người thầy dạy toán như anh lại đa tài và am hiểu về văn học, thơ ca và nhạc họa đến vậy? Năm 12 tuổi anh được Đảng và Nhà nước cử đi học tại Trung Quốc, ở đó anh và các bạn được học toàn diện các môn văn hóa cùng các môn văn thể, nhạc họa… nên anh có kiến thức cơ bản về các lĩnh vực này.
Quả thật ngoài học tốt các môn tự nhiên như toán, lý … anh còn có năng khiếu về nhạc, họa. Điều đó giúp cho thầy giáo dạy toán lúc nào cũng tươi trẻ, yêu đời và lạc quan để truyền cảm hứng học tập cho các thế hệ học trò. Tôi ngưỡng mộ tài năng của anh, cách nói chuyện nhẹ nhàng, hài hước, và cảm nhận được sự chân thành, chững chạc ở anh. Anh nói anh rất yêu tôi, muốn che chở, chăm sóc, yêu thương tôi suốt cả cuộc đời. Anh chủ động nói lời cầu hôn tôi vào một ngày đẹp trời mùa thu năm 1966.
Thiếu tướng Phạm Văn Dần và vợ nhân dịp kỷ niệm ngày cưới.
Thời gian, sự thử thách và sự chiêm nghiệm đã chín mùi của cả hai nên tôi đã đón nhận lời cầu hôn đó của anh trong Công viên Thống nhất. Anh thật sự vui mừng và niềm hạnh phúc đã lan tỏa đến cùng lúc với hai chúng tôi trong nắng vàng chiều thu dịu ngọt, cùng với nhiều bồn hoa đủ sắc màu tỏa hương thơm ngát. Cuối thu năm 1966 chúng tôi nên duyên vợ chồng trước sự chứng kiến và chúc phúc của họ hàng hai bên gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.
Kết hôn chưa được bao lâu thầy giáo Phạm Văn Dần chồng tôi được cử đi học thêm ở Đại học Sư phạm, khoa Pháp văn. Sau khi tốt nghiệp, anh được phân công sang châu Phi công tác. Tôi được cơ quan cử đi học ở Hungary về truyền hình. Vợ chồng chúng tôi tạm xa nhau một thời gian, trong thời gian đó anh thường viết thư động viên tôi học tốt và giữ gìn sức khỏe nhất là vào mùa đông. Với anh, tôi như một học trò nhỏ của anh vậy.
Thời gian qua nhanh hai vợ chồng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Tôi kết thúc chuyến tu nghiệp ở Hungary, về công tác ở Đài Truyền hình Việt Nam, được làm đúng nghề nghiệp mà tôi yêu thích cho đến khi nghỉ hưu. Còn anh, người chồng yêu quý của tôi sau chuyến công tác ở châu Phi, anh chuyển về Trường C500 nay là Học viện An ninh nhân dân.
Thiếu tướng, nhà giáo Phạm Văn Dần trong buổi gặp mặt kỷ niệm 40 năm ngày thành lập khoa Ngoại ngữ - Toán tin (15/10/1968 - 15/10/2008) tại Học viện An ninh nhân dân.
Anh là thầy giáo, Trưởng phòng Giáo vụ C500 kiêm nhiệm dạy môn Toán và môn Pháp văn khi thiếu giáo viên môn Pháp văn. Đến với Học viện An ninh nhân dân thầy giáo Phạm Văn Dần được các học trò bảo thầy có một nghề, hai nghiệp? Đó là nghề thầy giáo, hai nghiệp là nghiệp làm thầy và nghiệp chiến sĩ Công an. Chính bằng tình yêu và phấn đấu hết lòng cho hai nghiệp đó, anh đã được cấp trên tín nhiệm và đồng nghiệp tin yêu nên anh được cấp trên đề bạt chức vụ Phó hiệu trưởng Trường Đại học An ninh nhân dân, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND kiêm Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an, sau đó là Thiếu tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND.
Khi còn đương chức, anh công việc khá bận và nhiều áp lực nhưng vẫn bố trí thời gian về chăm sóc gia đình, quan tâm tới tôi từ việc lớn đến việc nhỏ. Nghề phóng viên rất bận, tôi vẫn tranh thủ thời gian chăm sóc anh, nấu những món ăn mà anh ưa thích. Vào những ngày sinh nhật của tôi, ngày cưới của chúng tôi anh đều tặng hoa, quà cho tôi… Anh luôn quan tâm đến nghề nghiệp và công việc của tôi. Những bài phóng sự của tôi về đề tài văn hóa, xã hội … phát trên sóng truyền hình VTV anh đều xem kỹ và góp ý cẩn thận chi tiết từng câu từ đến hình ảnh.
Những ngày chủ nhật được nghỉ, anh đưa tôi trở lại những nơi in dấu kỷ niệm của ngày yêu nhau như: Bến xe thị xã Sơn Tây, chợ hoa Tết Hàng Lược Hà Nội mỗi độ xuân về, Công viên Thống nhất… Khi anh về hưu có nhiều thời gian, anh đưa tôi đi du lịch trong và ngoài nước. Tôi nhớ lại cũng vào một chiều thu trên cao nguyên Đà Lạt, chúng tôi vào một quán cà phê hát cho nhau nghe, anh hát tặng tôi bài hát “Thơ tình cuối mùa thu” của nhà thơ Xuân Quỳnh, phổ nhạc nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Tình yêu của thầy giáo, Thiếu tướng Phạm Văn Dần dành cho vợ cứ đong đầy theo năm tháng, chúng tôi không những yêu mà còn thương nhau nhiều hơn khi tuổi đã xế chiều.
Tôi thực sự xúc động và tự hào về anh khi vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, nhiều học sinh cấp 3 những năm 60 của thế kỷ trước và những thế hệ học sinh trong lực lượng Công an ra trường, công tác ở nhiều lĩnh vực, nhiều người tóc đã bạc ôm hoa đến chúc mừng thầy Phạm Văn Dần, tôi mới hiểu ra câu nói một đời người, một đời nghề và hai đời nghiệp là vậy.
Thiếu tướng Phạm Văn Dần trong một dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Tình đời dành cho anh là tôn quý, tình yêu tôi dành cho anh là mãi mãi, tình anh dành cho vợ là muôn vàn yêu thương. Trong một lần hai vợ chồng đi an dưỡng ở Nha Trang theo lời mời của Ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cùng một số gia đình trong ngành Công an, đang đón sóng trên bờ, khi sóng đã vỗ bờ bỗng dưng anh đọc cho tôi nghe một đoạn thơ của nhà thơ Xuân Hoàng:
Anh yêu em như biển mở chân trời
Như lượn sóng đưa ta về với đất
Đời rất mộng bên nền đời rất thực
Biển và Bờ thành tiếng hát song đôi
Tôi thực sự xúc động và cảm kích khi anh mượn đoạn thơ trên để khẳng định tình yêu anh dành cho tôi trong suốt gần cả cuộc đời bên nhau. Ngoài sự nghiệp thì yêu và thương mãi là điều quý giá nhất của vợ chồng tôi trên cuộc đời này. Nhưng ông trời đã không cho chúng tôi đồng hành cùng nhau đến suốt đời.
Thế rồi một buổi trưa anh đã ra đi, tôi không tin đó là sự thật nhưng đau đớn thay đó là sự thật, vẫn biết sinh lão bệnh tử là quy luật của đời người nhưng sự ra đi đột ngột của anh vẫn là cú sốc không chỉ riêng tôi mà còn cả của họ hàng, bạn bè, đồng đội và biết bao thế hệ học sinh nay đã trưởng thành, trở thành lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an đều bùi ngùi thương tiếc anh. Một nhà báo trong ngành đã viết về anh: “Tiếc thương vị tướng nhân văn, người trí thức Công an lịch lãm”. Tôi mất đi một chỗ dựa tinh thần, mất một người chồng đã cùng tôi đi một chặng đường dài hạnh phúc. Tôi nén đau thương để cùng gia đình, đồng đội lo cho anh vẹn toàn.
Mới đó mà tôi đã xa anh hơn một năm rồi. Tôi có cảm giác như ngày hôm qua tôi đưa tiễn anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi luôn thấy anh ở bên tôi, anh thường về trong giấc mơ của tôi, theo dõi tôi, lo lắng cho tôi, trong giấc ngủ của tôi luôn có hình bóng anh. Những ký ức hạnh phúc mấy chục năm qua bên nhau như hiện ra trước mắt tôi, anh giống như đang đi một chuyến nghỉ dưỡng dài ngày vậy.
Thương anh cả đời giản dị, thanh đạm, tôi đã mua cho anh một “ngôi nhà” rất đẹp trên ngọn đồi cao, ở đó có những hàng bách xanh vi vu trong gió và những cây hoa mẫu đơn, dạ hương, những cây đại hương thơm ngát tỏa bóng che mưa, che nắng cho anh. Kỷ niệm ngày cưới năm nay không có anh tặng hoa, tôi mang hoa lên thăm anh, tôi cẩn thận cắm từng bông cúc vàng trên mộ anh, loài hoa mà lúc sinh thời anh thích, anh cũng thường nói mùa thu - mùa hoa cúc. Tôi ngồi bên mộ anh thì thầm kể với anh những việc tôi đã làm trong thời gian anh đi xa, nỗi nhớ thương anh và mong anh yên lòng về tôi, sớm được siêu thoát về miền cực lạc.
Qua làn khói hương mờ ảo, tôi thấy bóng hình anh ẩn hiện đang nhìn mình với ánh mắt, nụ cười yêu thương, trìu mến. Tôi lặng nhìn những cánh hoa rơi theo làn gió nhẹ đang dần phủ đầy trên mộ anh và những khóm hoa đua nhau khoe sắc đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng dưới ánh nắng hanh vàng trong khuôn viên nghĩa trang gia đình. Tôi cảm thấy như mùa xuân luôn ở lại trên mộ anh, thầy giáo, Thiếu tướng Phạm Văn Dần. Yêu thương và nhớ anh nhiều!
Hà Nội, tháng 11 năm 2024
Bích Thu