Khí thế ra trận
Sinh ra ở miền quê nghèo thuộc huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, sau theo gia đình lên chiến khu ở thị xã vùng cao Yên Bái, lớn lên giữa thời chiến, chứng kiến những đau thương mất mát do chiến tranh gây ra và cũng được hun đúc lòng yêu nước từ khi còn rất nhỏ, cô gái Nguyễn Thị Kim Quy quyết định viết đơn xin đi học ở Trường Y sĩ tỉnh Phú Thọ khi vừa chớm bước sang tuổi 18. Khi ấy, bà là chị cả của 2 đứa em còn rất nhỏ, bố lại mất sớm, chỉ còn lại mẹ làm lụng nuôi cả gia đình. Dù vậy, khi hay tin con gái quyết tâm đi học để phục vụ đất nước, mẹ bà đã đồng ý ngay.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc CATP Hà Nội bày tỏ xúc động khi được gặp mặt các đồng chí là cán bộ Công an Hà Nội chi viện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Tháng 7-1965, bà Kim Quy tạm biệt mẹ và các em để lên đường nhập học Trường Y sĩ Phú Thọ, hệ dân y khóa đầu tiên, tức là đào tạo chuyên môn y tế cho những người không thuộc lực lượng vũ trang. Chỉ còn khoảng nửa năm trước khi ra trường, cả lớp Y16 mà bà theo học với sĩ số trên 80 học sinh đều hăng hái làm đơn xin nhập ngũ. Ngày tốt nghiệp, 60 nữ và 20 nam sinh của lớp được xe của Quân y viện 109 đón lên đường đi “B”. Nhớ lại ngày ấy, bà Kim Quy bảo, cảm xúc của những chàng trai, cô gái trẻ năm ấy không có chỗ cho sự nao núng mà cùng chung nhịp đập của khí thế ra trận. Chỉ có tiếng hát át đi tiếng đạn bom, át đi nỗi nhớ quê nhà. Khi xe qua khu vực Cửa Bắc (Hà Nội), cả đoàn được lệnh xuống trạm bưu điện gần đó gửi lại hết tiền bạc về cho gia đình (khi ấy miền Bắc lưu hành loại tiền riêng nên không thể cầm theo). Khoảnh khắc này ai nấy đều rạo rực như thể vào chiến trường đến nơi rồi.
Xe băng rừng vượt núi qua Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Vào đến Quảng Bình, cả đoàn nghỉ ngơi một hôm rồi vượt Trường Sơn sang Lào bằng những chiếc thang do công binh thiết kế, bắt đầu chặng hành quân kéo dài khoảng nửa tháng trên đất bạn để tới ngã ba đường 9 Nam Lào. Nhiều chặng trong cuộc hành quân lịch sử năm ấy, bà Kim Quy và các nữ đồng đội băng băng lội suối, vượt dốc không kém gì nam giới. Nhiều hôm hành quân xuyên đêm, chị em chẳng ai bảo ai, tự nhủ vượt qua nỗi “sợ ma” bằng cách nhìn theo ánh lân tinh lờ mờ trên mũ của đồng đội đi trước. Có lúc lại ngước lên bầu trời đầy sao trên cao rồi kiêu hãnh nở nụ cười: “Mình đã được ra chiến trường rồi!”.
Cứ thế, lúc thì mắc võng ngủ trên mặt nước, lúc lại rải lá ra nằm trên mặt đất gồ ghề, gặp chỗ nào có núi đá vôi thì vào trong hang nằm nghỉ. Rồi những hôm hành quân bị mưa, nhìn xuống dưới chân toàn vắt rừng ngoe nguẩy, nhưng đội mưa, kệ vắt, các cô gái lại xốc ba lô tiến về phía trước. “Thi thoảng chúng tôi gặp các đơn vị đi ngược từ trong Nam ra, các anh bộ đội lanh lảnh trêu: “Các em gái ơi, hòa bình đến nơi rồi mà bây giờ mới vào. Giờ này vào thì nhặt ống bơ rỉ thôi” - bà Quy vui vẻ nhớ lại.
Trung tá Nguyễn Thị Kim Quy và người bạn đời, cựu chiến binh Lê Văn Xuân
Hạnh phúc là cống hiến
Tháng 5-1968, đoàn đến được khu vực đóng quân của Bộ Tư lệnh 559. Tại đây, cả lớp chia tay nhau để về làm nhiệm vụ tại các đơn vị theo sự phân công của cấp trên. Bà Kim Quy và một nữ y sĩ được phân công về đội điều trị Binh trạm 36 đóng ở Nam Lào, giáp bien giới Campuchia. Trên đường hành quân về binh trạm, đến khu vực rừng thông thuộc địa bàn tỉnh Xavanakhet, xe chở bà bị địch phục kích, 2 nữ y sĩ chỉ kịp nghe theo hiệu lệnh “nhảy xuống” là lập tức lao xuống đường và thoát chết trong gang tấc. Vượt qua lằn ranh sinh tử, 2 nữ y sĩ trẻ tiếp tục lên đường với suy nghĩ: “Mình là 2 người lính nữ đầu tiên của một binh trạm”.
Đến điểm đóng quân, các y sĩ lao ngay vào công việc. Dù mới tốt nghiệp, chưa có dịp thực tập, nhưng với kiến thức, kinh nghiệm của các y bác sĩ từng công tác trước đó ở Binh trạm truyền lại, bà tự tin khi cứu chữa cho các thương bệnh binh được chuyển vào, cẩn thận từng mũi tiêm, bón từng miếng cháo, động viên tinh thần của các chiến sĩ đang điều trị. Có đồng chí bị sốt rét ác tính thể thần kinh, bà phải túc trực bên cạnh để an ủi, vỗ về không quản thời gian, xem nỗi đau của đồng đội như nỗi đau của chính mình. Có đồng chí sau khi khỏi bệnh tiếp tục quay lại mặt trận chiến đấu đã làm thơ để lại tặng bà. Cũng có người tặng bà chiếc chăn khâu tay bằng vải dù pháo sáng rồi sau đó mãi mãi nằm lại chiến trường. Sau này, khi hay tin, bà cùng chồng đã mang chiếc chăn về tận nhà của người lính năm xưa trao lại cho gia đình làm kỷ vật.
Năm 1972, trong một trận bị máy bay Mỹ oanh tạc, binh trạm nơi bà công tác bị trúng bom, bản thân bà cũng bị thương dẫn đến khó khăn trong đi lại và vận động nên được chuyển ra miền Bắc điều trị. Cũng tại khu điều trị, bà gặp anh bộ đội Lê Văn Xuân và cả hai nên duyên vợ chồng. Thời điểm ra Hà Nội, bà được tuyển dụng vào lực lượng Công an nhân dân và tiếp tục có nhiều cống hiến, đóng góp vào nhiệm vụ chung trong vai trò một chiến sĩ, y bác sĩ.
Trung tá Nguyễn Thị Kim Quy tâm sự, bà cảm thấy mãn nguyện về sự nghiệp của mình, luôn muốn được cống hiến sức lực, trí tuệ trong lực lượng vũ trang và may mắn khi được phục vụ cho cả lực lượng Công an và Quân đội. Hơn 4 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ tại vùng đất Hạ Lào, với bà, đó là những ký ức vô cùng thiêng liêng, được sống và chiến đầu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, độc lập, tự do của Tổ quốc.
An Vy