Trong tuần vừa qua, sau 3 phiên giao dịch giằng co ở biên độ hẹp, phiên ngày 19-12, chỉ số VN-Index giảm hơn 11 điểm trong bối cảnh thị trường quốc tế đi xuống sau thông điệp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về lãi suất. Tuy nhiên, lực cầu cũng luôn trực chờ ở các vùng hỗ trợ, chỉ số cho thấy phản ứng mạnh tại ngưỡng 1.250 điểm và tiếp tục quán tính hồi phục trong phiên cuối tuần. Đóng cửa tuần giao dịch 16/12-20/12, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.257,5 điểm, giảm 5,07 điểm (-0,4%).
Phiên ngày 20-12, chỉ số VN-Index tăng trở lại. Ảnh chụp qua màn hình
Thanh khoản thị trường sụt giảm. Lũy kế đến cuối tuần giao dịch, thanh khoản giao dịch bình quân trên sàn thành phố Hồ Chí Minh đạt 13.784 tỷ đồng (-3,38%). Khối ngoại bán ròng hơn 1.300 tỷ đồng trên sàn thành phố Hồ Chí Minh.
Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect Đinh Quang Hinh nhìn nhận, chỉ số VN-Index chỉ ghi nhận mức sụt giảm nhẹ 0,4% trong tuần giao dịch vừa qua, song áp lực trong thực tế mà giới đầu tư chứng khoán phải trải qua lớn hơn nhiều. Việc Fed đưa ra lộ trình giảm lãi suất “thận trọng hơn” trong năm tới đã khiến thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh, đẩy chỉ số đo lường mức độ sợ hãi (VIX) tăng vọt trong phiên ngày 18-12 lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 11. Thị trường chứng khoán Mỹ, do đó, điều chỉnh mạnh và việc dòng tiền tìm nơi trú ẩn khiến chỉ số sức mạnh đồng USD tăng.
Những yếu tố này đã gây sức ép lên tỷ giá trong nước, khiến tâm lý của giới đầu tư chứng khoán trong nước chịu nhiều áp lực và chỉ số VN-Index lùi về sát vùng hỗ trợ 1.250 điểm.
Tuy nhiên, có thể nhận thấy điểm tích cực là áp lực bán không quá mạnh và việc dòng tiền bắt đáy nhập cuộc đã giúp VN-Index giữ vững vùng hỗ trợ trên.
Bước sang tuần giao dịch tới, vị chuyên gia này dự báo, thị trường tài chính quốc tế có thể diễn biến tích cực hơn khi những thông tin tiêu cực đã được phản ánh phần lớn vào giá, đặc biệt là việc Fed thận trọng hơn về lộ trình cắt giảm lãi suất trong năm 2025 do những bất định trong chính sách thương mại của Tổng thống đắc cử Trump.
Đáng chú ý, thị trường cũng đón nhận một vài thông tin tích cực hơn trong ngày cuối tuần, bao gồm việc thước đo lạm phát ưa chuộng của Fed là chỉ số PCE (chi tiêu tiêu dùng cá nhân) chỉ tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, đều thấp hơn 0,1 điểm % so với dự báo, cho thấy xu hướng lạm phát vẫn đang hạ nhiệt. Đồng thời, việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật ngân sách mới nhằm ngăn Chính phủ Mỹ đóng cửa vào phút cuối cũng giúp giảm thiểu rủi ro bất ổn, kéo chỉ số VIX giảm mạnh trong phiên cuối tuần.
“Tôi kỳ vọng thị trường tài chính toàn cầu bình ổn hơn sẽ giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư trong nước và thúc đẩy các chỉ số chứng khoán phục hồi. Chỉ số VN-Index có thể tăng lên vùng quanh 1.270 điểm. Nhà đầu tư nên tận dụng nhịp phục hồi để tái cơ cấu danh mục đầu tư, hạ bớt tỷ trọng đòn bẩy nếu đang ở mức cao, đồng thời xây dựng danh mục đầu tư xoay quanh các nhóm ngành có thông tin hỗ trợ và triển vọng kinh doanh cải thiện, bao gồm nhóm vận tải biển, logistic, xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản) và ngân hàng”, ông Đinh Quang Hinh khuyến nghị.
Còn chuyên gia Công ty cổ phần chứng khoán Kiến thiết Việt Nam cho rằng, điểm đáng chú ý trong tuần qua là VN-Index đã xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ mạnh 1.260 điểm cho thấy xu hướng tiêu cực áp đảo hơn. Tuy nhiên, phiên giảm này có phần bị ảnh hưởng bởi tâm lý tiêu cực từ thị trường quốc tế, hơn nữa cuối phiên VN-Index đã có sự hồi phục thu hẹp đáng kể đà giảm, nên sự đảo chiều xu hướng tăng trước đó là chưa đủ động lượng xác nhận.
Vì vậy, “chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm nắm giữ danh mục và hạn chế việc tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu đã mua tại ngưỡng hỗ trợ 1.260 điểm trước đó hoặc mở thêm vị thế mua mới; cần chờ đợi để vị thế mua thăm dò trước đó có lợi thế thì mới gia tăng thêm tỷ trọng”, chuyên gia doanh nghiệp này nhấn mạnh.
Hương Thủy