Kỳ vọng của đại biểu trẻ nhất người dân tộc S'Tiêng

Kỳ vọng của đại biểu trẻ nhất người dân tộc S'Tiêng
2 giờ trướcBài gốc
Đại biểu Thị Hà, dân tộc S'Tiêng, Bí thư Chi đoàn thôn Bù Gia Phúc 2 (Phú Nghĩa, Bù Gia Mập, Bình Phước).
Bên cạnh vai trò là Bí thư Chi đoàn thôn Bù Gia Phúc 2, Thị Hà hiện là nhân viên y tế học đường kiêm cán bộ thư viện tại trường tiểu học Hoàng Diệu (Phú Nghĩa, Bù Gia Mập, Bình Phước).
Cô cho biết, công việc thường xuyên tiếp xúc với học sinh nên cô nắm bắt được nhiều hoàn cảnh học sinh, kịp thời định hướng cho các em về ước mơ nghề nghiệp trong tương lai. Với phụ huynh, cô luôn mong muốn truyền tải thông điệp về tầm quan trọng của việc học, để phụ huynh quan tâm cho con em đến trường. Bởi lẽ, cô hiểu được rằng, xã Phú Nghĩa là một xã thuộc huyện biên giới và đặc thù của trường có hơn 86% học sinh là người dân tộc S'tiêng. Địa phương nơi cô sinh sống còn nhiều gia đình chưa quan tâm đến việc học tập của con.
Cô Thị Hà bên các học sinh thân yêu.
Không chỉ dừng lại ở việc truyền cảm hứng cho học sinh trong trường, Thị Hà còn tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương. Cô nhận thấy nhiều bạn trẻ dân tộc S'tiêng thường chỉ học đến lớp 9 là nghỉ. Vì vậy, Hà đã nỗ lực vận động các bạn tiếp tục con đường học vấn, hướng các em đến các trường cấp 3, cao đẳng, đại học hoặc các trung tâm dạy nghề để có cơ hội tìm được công việc ổn định. Ngoài ra, cô còn tham gia tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật để thanh niên địa phương nắm bắt, không bị dụ dỗ, lừa gạt bởi thế lực xấu.
Thị Hà cho biết thêm, từ khi còn nhỏ đến lúc tham gia phong trào đoàn ở địa phương, bản thân cô thấy rõ Mặt trận Tổ quốc các cấp thực sự là nơi tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, tạo điều kiện tốt nhất để đồng bào dân tộc thiểu số phát triển, là nơi gửi gắm, đề đạt tâm tư nguyện vọng...
"Tôi cảm nhận rất rõ sự quan tâm của chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các ban ngành đoàn thể đối với đời sống của bà con. Các cán bộ luôn gần gũi, nắm bắt từng hoàn cảnh khó khăn để kịp thời hỗ trợ. Nhờ đó, bà con quê tôi có nhiều cơ hội việc làm, được tiếp cận các chính sách tốt, nâng cao đời sống. Đặc biệt, với những hộ dân sống bằng nghề cao su và điều, Mặt trận Tổ quốc đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, mở lớp dạy cạo mủ cao su cho thanh niên, giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất. Bản thân tôi, sau khi đi học từ TPHCM về, tôi được tạo điều kiện để cống hiến cho quê hương, từ đó tự tin hơn trong cuộc sống", Hà chia sẻ.
Việc trở thành đại biểu trẻ nhất ra Hà Nội tham dự Đại hội Đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với cô là một niềm vinh dự, hạnh phúc và là "mốc son" quan trọng của cuộc đời. "Được đại diện cho đồng bào dân tộc S'Tiêng Bình Phước tham dự Đại hội Đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một vinh dự lớn lao đối với tôi. Đây không chỉ là một mốc son trong cuộc đời mà còn là động lực để tôi tiếp tục cống hiến cho quê hương, giúp tuổi trẻ của mình trở nên ý nghĩa hơn", Thị Hà phấn khởi cho hay.
Tham dự Đại hội Đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, cô mong muốn được gửi gắm một số nguyện vọng như sau: Thứ nhất, mong các cơ quan ban ngành đoàn thể quan tâm sâu sắc hơn nữa để thanh niên dân tộc thiểu số có thêm nhiều cơ hội phát triển kinh tế. Thứ 2, mong muốn có thêm chính sách hỗ trợ việc học cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương nơi cô sinh sống, để các em không bị nghỉ học giữa chừng. Thứ 3, mong muốn có chính sách hỗ trợ học ngoại ngữ - tiếng Anh cho học sinh dân tộc thiểu số người S'tiêng Bình Phước, giúp các em có thêm bước đi vững chắc hơn trên "con đường" tri thức.
Đại biểu Thị Hà, dân tộc S'Tiêng (Phú Nghĩa, Bù Gia Mập, Bình Phước) là đại biểu trẻ nhất tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X.
Thị Hà lý giải: "Một số học sinh bảo rằng "con ước mơ lớn lên được giống cô Hà, không cần phải đi cạo mủ, hái điều". Bản thân tôi cũng chỉ là hạt cát nhỏ bé giữa cuộc đời vậy mà trở thành hình tượng của nhiều học sinh quê tôi. Điều này, khiến tôi cảm thấy vừa vinh dự vừa trăn trở. Các em, những đứa trẻ ở vùng cao, đã phải đối mặt với nhiều khó khăn để đến trường. Nhiều bạn nữ rất muốn được đi học nghề nhưng gia đình không đủ điều kiện về tài chính nên gác lại những ước mơ, khiến tôi cảm thấy xót xa. Ở một góc nhìn cá nhân khác, tôi thấy học sinh dân tộc S'tiêng có cách phát âm tiếng Anh khá chuẩn, nhấn nhá rất hay, các em hoàn toàn có thể thành công hơn nữa nếu được tiếp cận với môi trường giáo dục tốt. Chính vì vậy, tôi mong muốn có thêm nhiều chính sách hỗ trợ giáo dục cho học sinh nơi tôi sinh sống, để các em có cơ hội thực hiện ước mơ của mình".
Thị Hà cho biết thêm, sau Đại hội, cô sẽ tích cực tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với bà con bằng nhiều hình thức, từ các cuộc họp thôn đến các kênh truyền thông xã hội. Cô mong muốn giúp thanh niên và người dân hiểu rõ hơn về những nội dung quan trọng của Đại hội, từ đó cùng nhau đóng góp vào sự phát triển của địa phương. Bên cạnh đó, cô sẽ phấn đấu để trở thành Đảng viên và học thêm chuyên môn tiếng Anh, hướng tới ước mơ trở thành giáo viên.
Phạm Thương
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/ky-vong-cua-dai-bieu-tre-nhat-nguoi-dan-toc-stieng-20241017102417094.htm