Kỳ vọng cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai ông Trump và Putin sẽ tạo bước đột phá?

Kỳ vọng cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai ông Trump và Putin sẽ tạo bước đột phá?
4 giờ trướcBài gốc
Ngày 10/1 vừa qua, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho biết, phía Nga sẽ không yêu cầu “bất kỳ điều kiện nào” cho cuộc gặp giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, chỉ cần mong muốn và sự tôn trọng lợi ích của mỗi bên là đủ.
“Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần tuyên bố cởi mở trong việc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo quốc tế, bao gồm cả Tổng thống Mỹ và cá nhân ông Trump. Bản thân Tổng thống đã nhiều lần nói về vấn đề này… và không cần bất kỳ điều kiện nào, điều cần thiết là mong muốn chung và ý chí chính trị để tiến hành đối thoại và giải quyết các vấn đề hiện tại thông qua đối thoại”, ông Peskov nói.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga gặp nhau tại cuộc họp thượng đỉnh ở Helsinki, Phần Lan, vào ngày 16 tháng 7 năm 2018. Ảnh: Điện Kremlin
Cùng thời điểm, trong một cuộc họp với các thống đốc của Đảng Cộng hòa, Tổng thống sắp nhậm chức Donald Trump cho biết đang tổ chức một cuộc gặp với nhà lãnh đạo Nga, nhưng không nói rõ thời gian và địa điểm diễn ra cuộc gặp. Trước đó, trong một cuộc họp báo vào ngày 7/1, ông Trump khẳng định sẽ hội đàm với Tổng thống Nga Putin trong vòng 6 tháng sau khi nhậm chức.
Tổng thống sắp nhậm chức Donald Trump và vấn đề Ukraine
Tin tức về một cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nga xuất hiện sau khi Financial Times (FT) đưa tin vào ngày 9/1 rằng các quan chức châu Âu tin rằng Chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ukraine. “Toàn bộ ê-kíp của tổng thống tương lại muốn thể hiện sự mạnh mẽ, và sẽ duy trì cách tiếp cận cứng rắn trong vấn đề Ukraine”, nguồn tin của FT cho biết.
Theo FT, một trong những lý do dẫn đến lập trường này là sự miễn cưỡng của Tổng thống Trump và các cố vấn thân tín về việc bị đánh giá là yếu kém, giống như trường hợp của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan vào tháng 8 năm 2021.
FT trích dẫn lời của Thủ tướng Ý Giorgio Meloni cho rằng, Tổng thống Trump trước đây đã chứng minh được khả năng kết hợp ngoại giao và kiềm chế, ám chỉ rằng theo bà, ông sẽ không từ bỏ sự ủng hộ dành cho Kiev. Thực tế, bà Meloni đã gặp Tổng thống Trump và các thành viên chủ chốt tiềm năng trong nhóm chính sách đối ngoại tương lai của ông vào ngày 5 tháng 1 tại dinh thự Mar-a-Lago ở Florida.
Ngày 8/1, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Fox News, Keith Kellogg, người được cho sẽ là đặc phái viên Nhà Trắng về Nga và Ukraine cho biết, Tổng thống Donald Trump muốn nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột. “Tôi nghĩ rằng, các nhà lãnh đạo Nga, Mỹ và Ukraine sẽ đi đến một giải pháp có thể chấp nhận được trong tương lai gần. Có lẽ là trong 100 ngày đầu tiên của chính quyền Trump”, Vedomosti dẫn lời của Keith Kellogg.
Đồng thời, Keith Kellogg nhấn mạnh sự ủng hộ Ukraine của Tổng thống Donald Trump trước cuộc gặp thượng đỉnh có thể xảy ra với người đồng cấp Nga Putin. “Tổng thống Trump không cố gắng trao tặng bất cứ thứ gì cho Tổng thống Putin hay người Nga, mà thực ra ông ấy đang cố gắng cứu Ukraine và chủ quyền của nước này. Ông Trump sẽ bảo đảm rằng, sẽ có một thỏa thuận chấp nhận được và công bằng để chấm dứt cuộc khủng hoảng”.
Theo Reuters, vào cuối tháng 6 năm 2024, Keith Kellogg và một số thành viên chủ chốt trong ê-kíp tương lai đã xây dựng và đệ trình lên Tổng thống Donald Trump cái gọi là “kế hoạch Ukraine”. Theo kế hoạch này, Kiev chỉ có thể tiếp tục nhận được viện trợ từ Mỹ nếu đồng ý tham gia vào tiến trình đàm phán. Các điều kiện ngừng bắn sẽ được thỏa thuận dựa trên cục diện chiến sự tại thời điểm đàm phán.
Ngày 11/9/2024, xuất hiện trên podcast Shawn Ryan Show, Phó Tổng thống Mỹ sắp nhậm chức James Vance đã chia sẻ quan điểm trong giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. “Tôi nghĩ rằng Tổng thống Donald Trump sẽ nói với người Ukraine, người Nga và người châu Âu rằng, các bạn cần phải tìm hiểu xem giải pháp hòa bình sẽ trông như thế nào”.
Theo James Vance, điều kiện đi đến giải pháp hòa bình bao gồm đường phân định giữa Ukraine và Nga giống như một khu phi quân sự; Ukraine sẽ giữ được chủ quyền với điều kiện Nga nhận được sự bảo đảm trung lập từ Ukraine, nghĩa là Ukraine sẽ không gia nhập NATO.
Chưa thể tạo ra bước ngoặt
Theo Ilya Kravchenko, Cố vấn của Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược Nga (RISS) cho rằng, việc Tổng thống Donald Trump đưa đàm phán thành một công cụ trong chính sách của Mỹ đối với Nga là một tín hiệu tích cực.
Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ để bảo đảm những thay đổi tích cực trong mối quan hệ giữa hai nước. Nguyên nhân là do bất kể lập trường cá nhân của Tổng thống Mỹ, các lệnh trừng phạt và bộ máy quân sự của Mỹ vẫn hoạt động theo các quy tắc riêng và được hướng dẫn bởi cơ quan hoạch định chính sách đối ngoại.
Thực tế, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đều không coi Nga là đối tác, mà là đối thủ cạnh tranh hàng đầu. “Phần lớn những người Cộng hòa chỉ trích viện trợ cho Ukraine không phải vì lý do địa chính trị, mà vì lợi ích tài chính của Mỹ”, chuyên gia Ilya Kravchenko nhấn mạnh.
Ảnh minh họa: GI
Thực tế là đến nay ông Trump vẫn chưa đưa ra bất cứ điều gì ngoài lời nói, mà ngay cả khi được thực hiện từng bước, bản chất của những cam kết cũng có thể bị hạn chế do nhiều yếu tố chính sách đối nội và đối ngoại của nước Mỹ.
Không giống như Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden, ông Trump sẵn sàng đối thoại trực tiếp với Nga và đây là điểm khác biệt duy nhất trong cách tiếp cận ngoại giao của ông cho đến nay.
Dmitry Suslov, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế, Trường Đại học kinh tế cao cấp (HSE) nhận định, mong muốn chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine của ông Trump gắn liền với tối đa hóa lợi ích của Mỹ.
Ông Trump sẽ nhấn mạnh vào một thỏa thuận ngừng bắn và sau đó mới có kế hoạch bắt đầu một quá trình đàm phán mở rộng. Mỹ có thể sẽ từ chối việc Ukraine gia nhập NATO, nhưng có lẽ Tổng thống Trump vẫn muốn giữa nước này làm tiền đồn của liên minh, tiếp tục tăng cường quan hệ kỹ thuật-quân sự với Kiev. Vì những khác biệt đó, mà theo Dmitry Suslov, nếu các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin có diễn ra, cũng không nên mong đợi một kết quả đột phá từ hai nhà lãnh đạo để có thể nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine.
Theo Dmitry Suslov, không loại trừ khả năng ông Trump sẽ tiếp tục gây sức ép lên Nga bằng các lệnh trừng phạt mới và mở rộng hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Trong trường hợp đầu tiên, nó có thể là những hạn chế bổ sung đối với ngành năng lượng của Nga.
Đối với trường hợp thứ hai, ông Trump có thể sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tăng cường viện trợ cho Kiev; bởi lẽ, sự gia tăng về chất sẽ đe dọa đến sự leo thang căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Nga, điều mà ông Trump chắc chắn sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng.
Hùng Anh
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/ky-vong-cuoc-gap-thuong-dinh-giua-hai-ong-trump-va-putin-se-tao-buoc-dot-pha-post330440.html