Đông Nam Á được kỳ vọng sẽ vững vàng vượt “cơn gió ngược” để đạt thành công trong năm 2025
Đối mặt với những thách thức
Thế giới vừa bước sang năm mới 2025 với không ít âu lo khi bên cạnh những khó khăn cũ có nguy cơ lại nảy sinh những thách thức mới, nhất là nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại diện rộng khi chính quyền sắp tới tại Mỹ có khơi mào cho một cuộc chiến thuế quan với cường quốc và trung tâm kinh tế lớn. Trong đó thách thức lớn nhất vẫn là các cuộc xung đột quân sự, điểm nóng trên thế giới tiếp diễn, gây ra những hệ lụy, ảnh hưởng tiêu cực với toàn cầu, từ an ninh, chính trị cho tới kinh tế, thương mại, đầu tư…
Cuộc xung đột quy mô lớn và khốc liệt giữa Nga và Ukraine cuốn theo sự tham gia ở mức độ khác nhau của các cường quốc hàng đầu toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Dù có những tuyên bố mạnh của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về việc sẽ giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine “trong 24 giờ”, tuy nhiên thực tế ai cũng thấy rằng không dễ dàng, nếu không muốn nói rằng là vô cùng khó khăn để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến khốc liệt và ảnh hưởng nghiêm trọng tới thế giới này.
Trong khi đó, nhiều “điểm nóng” khác cũng có thể bộc phát bất cứ lúc nào như các bước đi tiếp theo của Nga ở vùng Baltic, sự chia rẽ ngày càng tăng ở khu vực Balkan ở châu Âu, hay xung đột của Ethiopia với các nước láng giềng tại châu Phi, việc Venezuela mâu thuẫn với nước láng giềng nhỏ hơn Guyana tại châu Mỹ… Việc Israel tấn công làm suy yếu năng lực quân sự của Iran và lực lượng Hezbollah đã tạo ra khoảng trống ở Trung Đông, dẫn tới tình hình phức tạp hiện nay tại Syria bùng nổ. Ở châu Á, cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng tại Hàn Quốc chưa tìm thấy lối ra, có nguy cơ dẫn tới những mâu thuẫn, bất ổn trong xã hội…
Các cuộc xung đột, điểm nóng trên thế giới hiện giống như những mồi lửa trên cánh rừng mùa khô, chỉ cần một tia lửa bùng lên là có thể gây ra hỏa hoạn lớn tại các quốc gia và khu vực. Những điểm nóng địa chính trị đó có thể tạo ra những bước ngoặt quan trọng, khó lường với thế giới trong năm 2025 này.
Việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng từ ngày 20-1 tới làm dấy lên những âu lo về nguy cơ bùng phát căng thẳng thương mại trên khắp thế giới. Những thông tin tới giờ cho thấy nhiều khả năng ông Donald Trump sẽ bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống bằng việc áp các mức thuế quan mới đối với Trung Quốc và các đối tác thương mại lớn như Canada, Mexico và châu Âu. Một cuộc chiến tranh thương mại mới giữa các cường quốc và trung tâm kinh tế lớn và có ảnh hưởng sâu rộng trên thế giới có khả năng xảy ra bất cứ lúc nào.
Lúc này, cũng còn đó những nguy cơ trên thị trường tài chính toàn cầu. Nợ công tăng trên toàn cầu và lãi suất toàn cầu đã tăng mạnh kể từ năm 2022 và sẽ bắt đầu gây tổn hại cho các công ty đi vay khi họ bước vào thị trường tín dụng để tái cấp vốn cho khoản nợ của mình. Các kế hoạch cắt giảm thuế của ông Donald Trump có khả năng dẫn đến thâm hụt tài chính cao hơn, vì chi tiêu sẽ bị cắt giảm có thể không đủ để trả cho các khoản cắt giảm thuế. Điều đó có thể dẫn đến sự gia tăng đột biến về lãi suất dài hạn có khả năng gây tổn hại cho thị trường tài chính Mỹ cũng như toàn cầu.
Ngoài các thách thức trên, việc chính quyền Tổng thống Donald Trump có cách tiếp cận hoàn toàn khác với biến đổi khí hậu và việc sắp rút nước Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu sẽ cản trở các nỗ lực giải quyết vấn đề này. Biến đổi khí hậu toàn cầu có thể gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, tác động lớn tới không chỉ môi trường mà cả kinh tế cũng như cuộc sống.
Nhanh nhạy và linh hoạt để vượt khó
Năm 2025 vì thế được dự báo là năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với các quốc gia Đông Nam Á. Song khu vực với nhiều điểm sáng tích cực trên thế giới này được cho vẫn có sức chống chọi và khả năng vượt khó hơn nhiều nơi khác.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) gần đây nhất đã nâng dự báo tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á từ mức 4,5% lên 4,7% nhờ xuất khẩu mạnh mẽ và chi tiêu vốn công ở các nền kinh tế lớn. Tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia thành viên ASEAN, trong đó có Malaysia, Thái Lan, Singapore và Việt Nam, được hỗ trợ bởi nhu cầu trong nước dồi dào, lạm phát thấp và đầu tư công bền vững. Việt Nam ghi nhận sự gia tăng đầu tư nước ngoài, trong khi các nền kinh tế như Indonesia và Philippines tiếp tục đạt mức tăng trưởng theo dự báo trước đó.
Trước nguy cơ xảy ra cuộc chiến thuế quan mới, các nhà kinh tế cho rằng, các quốc gia Đông Nam Á cần đa dạng hóa thị trường của mình. Tuy nhiên, điều này sẽ không dễ dàng, khi một số nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang đối mặt bất ổn chính trị và suy thoái kinh tế, trong khi các cường quốc Đông Á như Trung Quốc và Nhật Bản vẫn đang vật lộn với tình trạng giảm phát. Bên cạnh đó, những thay đổi trong chính sách thương mại, tài chính và nhập cư của Mỹ có thể làm giảm tăng trưởng và làm tăng lạm phát tại các quốc gia châu Á đang phát triển.
Một trong những động lực giúp Đông Nam Á có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung của thế giới là khu vực này gia tăng mạnh mẽ về các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà còn tăng tỷ lệ tiếp nhận FDI toàn cầu, đặc biệt là trong các lĩnh vực quan trọng như điện tử, ô tô và năng lượng tái tạo, nơi các công ty đang tìm kiếm các giải pháp thay thế hiệu quả về chi phí và có khả năng chống chịu cho các cơ sở sản xuất của Trung Quốc. Hơn thế, các quốc gia Đông Nam Á còn tiếp tục tăng cường đầu tư trong nước, cũng như tăng chi tiêu Chính phủ cho cơ sở hạ tầng, cho quá trình chuyển đổi xanh.
Một trong những nguyên nhân quan trọng để tạo dựng lên một Đông Nam Á thành công là khu vực này đã nỗ lực thúc đẩy hội nhập khu vực, hỗ trợ khả năng chống đỡ trước một thế giới bảo hộ hơn. Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã giúp cải thiện thương mại và sẽ có những nỗ lực mở rộng, tăng cường một số điều khoản của thỏa thuận. Các sáng kiến hội nhập khu vực như Đặc khu kinh tế Johor (Malaysia) - Singapore cũng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thời gian qua, các nước Đông Nam Á cũng đã tăng cường khả năng chống chịu trước các cú sốc bên ngoài thông qua việc các ngân hàng trung ương đã xây dựng được uy tín trên thị trường tài chính, vị thế tài chính vững chắc, giám sát tốt hơn đối với khu vực tài chính, nền kinh tế đa dạng hơn và các biện pháp đệm bên ngoài tốt hơn như dự trữ ngoại hối lớn. Những yếu tố này khiến khu vực tương đối an toàn và ổn định hơn so với các đối thủ cạnh tranh trên một thị trường tài chính toàn cầu đầy biến động.
Một nhân tố quan trọng được nhắc tới là một số quốc gia Đông Nam Á đã cải thiện chất lượng tăng trưởng thông qua đổi mới, sáng tạo và vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này cho thấy trong thị phần hàng sản xuất công nghệ cao, kinh tế của 6 nước Đông Nam Á, gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines và Việt Nam.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với sự nhanh nhạy, linh hoạt và khả năng thích ứng cao, khu vực Đông Nam Á bước vào năm 2025 với nhiều cơ hội vượt khó để hướng tới thành công dù phải đối mặt không ít thách thức.
Hoàng Tuấn