Thị trường phục hồi tích cực, đang tiếp cận vùng 1.300 điểm và nhiều dự báo xác suất vượt mốc kháng cự này đang tăng lên.
Trong quá trình hồi phục tăng điểm, diễn biến giá từng phân lớp cổ phiếu từ bluechips đến midcap và penny có sự xoay vòng tăng giá để hỗ trợ thị trường duy trì trạng thái tăng dần trong thời gian qua, thanh khoản chung có sự cải thiện dần, đặc biệt sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, giá trị giao dịch thị trường tăng khá so với trung bình trước Tết.
Thực tế này cho thấy thị trường có sự gia tăng cả về điểm số và thanh khoản, các phân lớp cổ phiếu có diễn biến xoay vòng tăng giá cho thấy hoạt động tích cực hơn của dòng tiền trên thị trường chứng khoán, đây là điểm tích cực đã ghi nhận của thị trường thời gian qua trong điều kiện khối ngoại vẫn duy trì bán ròng hơn 13.000 tỷ đồng từ đầu năm 2025 cho tới nay.
Ông Nguyễn Minh Hạnh, Giám đốc Trung tâm phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho biết, dòng tiền tham gia vào thị trường chứng khoán bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại thời gian gần đây. Thanh khoản một vài phiên gần đây đã tăng đáng kể so với các phiên đầu năm 2025, nhưng vẫn chưa thật sự rõ nét. Sự tăng giá của thị trường tập trung nhiều vào một số nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng có cơ bản tốt và một số các công ty có lương cổ phiếu lưu hành nhỏ.
Đã có một số đợt bán diễn ra khá mạnh mẽ, nhưng thị trường hấp thụ hết lượng cung bán ra và không giảm quá sâu. Sau đó thị trường đã nhanh chóng phục hồi trở lại và hiện tại VN-Index tiếp cận ngưỡng tâm lý 1.300 điểm, ngưỡng mà suốt 2 năm qua chưa thể vượt qua. Năm 2025, SHS tin rằng, VN-Index sẽ vượt qua được ngưỡng tâm lý này trong giai đoạn quý II sau quá trình tiếp tục tính lũy trong quý I.
Thêm một chỉ số được thị trường quan tâm là lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ngân hàng tăng mạnh, một cơ sở để kỳ vọng dòng tiền đang chờ đợi cú huých để bùng nổ. Tại thời điểm ngày 31/12/2024, tổng lượng tiền gửi khách hàng tại 27 ngân hàng là gần 11,14 triệu tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm, trong đó, CASA là hơn 2,42 triệu tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm.
Lượng CASA khổng lồ cho thấy khả năng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng tích cực, nhưng cũng cho thấy dòng tiền này đang có sự phòng thủ, chưa chảy vào các kênh đầu tư. Nhiều ngân hàng đã tung ra các chính sách ưu đãi hấp dẫn cho tiền gửi không kỳ hạn, tạo động lực giữ chân dòng tiền CASA ở trạng thái chờ.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, với quyết tâm tăng trưởng kinh tế trên 8%, tháo gỡ dần các vướng mắc các dự án bất động sản, cộng thêm với triển vọng mạnh mẽ từ nâng hạng thị trường mới nổi sẽ tạo ra sức hấp dẫn hơn đối với kênh bất động sản và chứng khoán, qua đó kích hoạt dòng tiền luân chuyển.
Ngoài ra, ghi nhận thảo luận của các nhà đầu tư cũng đang cho thấy sự kỳ vọng có thêm dòng tiền mới nhập cuộc, chính là dòng tiền chính sách dự kiến 130.000 tỷ đồng để thực hiện chế độ, chính sách của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Chia sẻ góc nhìn với Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, ông Hạnh có phần đồng quan điểm. Cụ thể, theo ông Hạnh, thời gian tới, động lực chính thúc đẩy dòng tiền tham gia là dòng tiền từ việc các cán bộ nhà nước được nhận tiền từ chính sách tinh giảm biên chế có thể áp dụng mạnh trong thời gian tới đây. Dòng tiền này được ví như chính sách “helicopter money”, chính sách bơm tiền mạnh mẽ mà ông Ben Bernanke - khi đó là Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) từng thực hiện ở Mỹ giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008 - 2009.
Với dòng tiền được “bơm ra” lớn trong một thời gian ngắn này hứa hẹn sẽ làm nhiều loại tài sản tài chính bùng nổ như bất động sản, chứng khoán, tiền ảo và nhiều loại tài sản khác… nhằm tìm kiếm nguồn thu nhập, ổn định tài chính sau khi họ không còn làm việc trong một khoảng thời gian chờ việc làm mới và sự thiếu ổn định của thu nhập trong tương lai.
“Theo tôi, các lĩnh vực chính thu hút dược dòng tiền này là tiền gửi ngân hàng, vàng vật chất, bất động sản (đặc biệt các khu vực ngoài Hà Nội - nơi mà giá bất động sản giai đoạn vừa rồi chưa tăng mạnh), sau đó là các tài sản tài chính như cổ phiếu và có thể cả tiền điện tử”, ông Hạnh chia sẻ.
Dòng tiền thứ hai, theo chuyên gia SHS có thể ảnh hưởng tới thị trường là dòng tiền từ việc kích thích đầu tư công. Dòng tiền này được bơm ra cho các công ty triển khai dự án, công ty thi công dự án và tạo nhiều công ăn việc làm và lợi nhuận cho các công ty. Các công ty này rất thường xuyên sử dụng lợi nhuận thu được tái đầu tư vào lĩnh vực bất động sản và sẽ kích thích thị trường đi lên trong thời gian tới, đặc biệt lĩnh vực bất động sản dân cứ rất có tiềm năng thu hút mạnh dòng tiền này.
Thêm một lý do tích cực cho dòng tiền là có thể vào tháng 9/2025, Việt Nam có thể được nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 của FTSE. Điều này cũng có thể giúp ngăn chặn đà bán mạnh của nhà đầu tư nước ngoài suốt hơn một năm qua và đảo ngược được xu hướng từ bán dòng sang mua dòng vào nửa cuối năm 2025 với kỳ vọng dòng tiền tham gia vào thị trường Việt Nam có thể đạt từ 1-5 tỷ USD trong quá trình và sau khi nâng hạng xảy ra, ông Hạnh ước tính.
Với vai trò nhà tư vấn đầu tư, chuyên gia SHS đánh giá rằng, hiệu ứng dòng tiền này sẽ rất mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2025 và đầu năm 2026. Một phần vì sản phẩm trái phiếu chưa lấy lại niềm tin, nên chưa thể thu hút nhà đầu tư tham gia trở lại nhiều, tiền gửi tiết kiệm thì lãi suất đang ở vùng thấp cũng thiếu hấp dẫn.
Trong khi bất động sản ở Hà Nội đã có cú tăng giá gần 100% trong năm 2024 cũng trở nên rất khó cho nhà đầu tư ra quyết định mua quyết liệt. Kênh đầu tư cổ phiếu, vàng vật chất đang nổi lên là 2 kênh rất tốt với nhà đầu tư có lượng tiền mặt ở mức trung bình và thấp. Trong khi những người có lượng tiền mặt lớn cho hoạt động đầu tư sẽ có thể ưa thích việc mua bất động sản ở các khu vực giá chưa tăng nhiều.
“Việc phân bổ đầu tư chúng tôi đánh giá rất cao việc phân bổ tiền với tỷ trọng lớn vào cổ phiếu trong năm 2025 và tới nửa đầu năm 2026 tới đây”, ông Hạnh nói.
Các động lực cho thị trường chứng khoán có sự đồng thuận cao trong giới chuyên gia. Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc CTCK Kiến Thiết Việt Nam đánh giá những yếu tố hỗ trợ thị trường có sự hồi phục thời gian quan gồm:
(1) Thị trường đã có đợt sụt giảm lớn trong 2 tuần đầu tháng 1/2025 đưa mức định giá về vùng hấp dẫn dòng tiền trung dài hạn.
(2) Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2024 cho thấy những tín hiệu khởi sắc chung của nền kinh tế và nhiều nhóm ngành đã trải qua khó khăn.
(3) Bước vào năm 2025, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đặt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cao với quyết tâm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công qua chính sách tài khoản, hỗ trợ tăng trưởng tín dụng cao hơn thông qua chính sách tiền tệ để thúc đẩy sự hồi phục chung của nhiều ngành nghề, điều này phần nào thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng khả quan hơn của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2025.
(4) Ngoài ra, triển vọng nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2025 cũng được giới đầu tư kỳ vọng khả quan và việc vận có thể sớm vận hành hệ thống giao dịch mới KRX cũng có thể tạo tiền đề ứng dụng nhiều sản phẩm mới trên thị trường tạo thêm kỳ vọng cho nhà đầu tư.
Các yếu tố trên sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng trong trung và dài hạn. Trước triển vọng tích cực trung trung và dài hạn, ông Ngọc cho rằng những đợt điều chỉnh lớn của thị trường trong thời gian tới đều tạo ra cơ hội tích lũy cổ phiếu tốt với giá hợp lý trong quý I/2025.
Ngắn hạn, VN-Index đã tiệm cận vùng kháng cự mạnh của năm 2024 là 1.300 điểm, vì vậy, áp lực cung có thể gia tăng và chỉ số thị trường hoàn toàn có thể điều chỉnh trở lại, khi đó vùng hỗ trợ mạnh của VN-Index để nhà đầu tư có thể giải ngân hợp lý là vùng 1.230 - 1.250 điểm trong năm 2025.
Phan Hằng