Kỳ vọng gì ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới?

Kỳ vọng gì ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới?
5 giờ trướcBài gốc
Mức giảm tiền gửi kỳ hạn 1 năm của ICBC hay CCB có thể là 0,2% trở lên. Các kỳ hạn dài hơn giảm ít nhất 0,25%. Tháng 9 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) Pan Gongsheng thông báo về kế hoạch giảm lãi suất tiết kiệm thêm 0,2%-0,25%. Nếu được thực hiện, đây là lần giảm quy mô lớn thứ hai của Trung Quốc trong năm nay, sau đợt giảm hồi tháng 7. Hãng Reuters nhận định, việc giảm lãi suất tiền gửi là động thái xoa dịu sức ép lợi nhuận cho các ngân hàng, do Trung Quốc trước đó đã hạ lãi suất cho vay như một phần của gói kích thích kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trong tình trạng giảm phát.
ICBC là một trong những ngân hàng có thể cắt giảm lãi suất tiền gửi trong tuần này
Các ngân hàng Trung Quốc đang chật vật với nhu cầu vay yếu và nợ xấu tăng cao do hầu hết lĩnh vực trong nền kinh tế giảm tốc và khủng hoảng bất động sản kéo dài. Từ cuối tháng 9, PBOC giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng, hạ lãi vay mua nhà và lãi suất tham chiếu. Tuần trước, Ủy ban Cải cách và phát triển kinh tế Trung Quốc cũng cho biết chi 28 tỷ USD cho các dự án đầu tư của địa phương năm nay, sớm 1 năm so với kế hoạch. Trong khi đó, Bộ Tài chính Trung Quốc cam kết tăng hỗ trợ tài khóa. Trước đó, trong chưa đầy 3 tuần (từ ngày 24-9 đến ngày 12-10), Trung Quốc đã bơm thêm gần 500 tỷ USD để hỗ trợ thị trường tài chính, bất động sản và kích cầu.
Theo chuyên gia Isabelle Feng của Đại học Tự Do Brussels (Bỉ), Trung Quốc đang huy động các nguồn lực để giữ được mục tiêu tăng trưởng và đem lại một làn sinh khí mới cho kinh tế. Tiếp sức cho các thị trường chứng khoán, vực dậy ngành địa ốc, giảm gánh nặng nợ nần cho các chính quyền địa phương, tăng vốn hòng nới lỏng khả năng cấp tín dụng của các ngân hàng nhà nước... là các mục tiêu đã được từ PBOC đến Bộ Tài chính Trung Quốc lặp đi lặp lại trong các cuộc họp báo.
Tuy nhiên, bà Feng cảnh báo, các “mũi tên” được Bắc Kinh phóng đi với kỳ vọng đem lại tăng trưởng trị giá gần 500 tỷ USD, có nguy cơ đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào cảnh nợ nần chồng chất, bởi người dân hiện không đủ niềm tin để tiếp tục mua sắm, nhất là để đầu tư trở lại vào địa ốc. “Vấn đề của Trung Quốc là người dân như con chim phải đạn, họ không dám tiêu thụ nữa. Người dân Trung Quốc nổi tiếng là lo xa nên gửi tiền tiết kiệm rất nhiều. Hiện tại, khoảng 40.000 tỷ USD đang được gửi trong các ngân hàng. Nếu không giải phóng được số tiền đó hoặc một phần trong số đó để khuyến khích tiêu thụ thì Trung Quốc khó khởi động lại được cỗ máy kinh tế”, bà Feng nói.
Thống kê của Trung Quốc năm 2023 cho thấy, khối lượng tiền ủy thác vào quỹ tiết kiệm tại các ngân hàng tăng hơn 15%. Chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc năm ngoái thu vào hơn 25.000 tỷ nhân dân tệ (3.500 tỷ USD), lớn gấp 10 lần gói “kích cầu thứ hai” mà Bộ Tài chính công bố hôm 12-10. Chính vì vậy, dù Trung Quốc đã tung ra rất nhiều công cụ tiền tệ, giới quan sát nhận định như vậy là chưa đủ. Điều này giải thích vì sao trong những ngày đầu tuần, chỉ số Hang Seng Index (HSI) ở Hồng Công (Trung Quốc) giảm 3%.
MINH CHÂU
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/ky-vong-gi-o-nen-kinh-te-lon-thu-hai-the-gioi-post764147.html