Sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng xác định để xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Các quan điểm này được Đảng thể hiện rõ trong nhiều văn kiện, nghị quyết quan trọng qua các thời kỳ.
TS Nguyễn Đình Thái, chuyên gia quản lý công, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, khẳng định tinh gọn bộ máy là cơ hội, nền tảng để hiện thực hóa các mục tiêu lớn lao, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, với vị thế và tầm vóc mới trên trường quốc tế.
Tổng Bí thư Tô Lâm trao Quyết định thành lập Đảng bộ, tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ và chỉ định bí thư, các phó bí thư Đảng ủy các cơ quan Đảng Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: TTXVN
Chuyển biến bước đầu
. Phóng viên: Việc tinh gọn bộ máy đã được Đảng và Nhà nước đề ra từ lâu, cụ thể ra sao, thưa ông?
+ TS Nguyễn Đình Thái: Từ Đại hội VI của Đảng năm 1986, Đảng đã thẳng thắn chỉ ra những yếu kém của hệ thống chính trị, như bộ máy cồng kềnh, hiệu quả thấp, tình trạng quan liêu, tham nhũng. Đồng thời, yêu cầu cải cách tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu quả, giảm bớt khâu trung gian. Đại hội VI khẳng định công cuộc đổi mới không chỉ dừng lại ở kinh tế mà phải đổi mới toàn diện, bao gồm cả chính trị, văn hóa, xã hội.
Trong thời kỳ đổi mới, từ Đại hội VI đến Đại hội XIII, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương đổi mới hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Trong đó nhấn mạnh đến việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết 18/2017 về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây là nghị quyết có tư duy, quan điểm lãnh đạo quan trọng, sâu sắc, toàn diện về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nước ta tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Qua hơn bảy năm thực hiện, chúng ta đã đạt được một số kết quả quan trọng, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức từ Trung ương đến cơ sở.
Mạnh mẽ chịu đau để bộ máy “khỏe” hơn
. Dù rất nỗ lực, song việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy dường như vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra?
+ Mặc dù cả hệ thống chính trị, Chính phủ đã nỗ thực hiện nhưng cho đến nay, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian. Các cơ quan, tổ chức còn chồng chéo nhau về chức năng, nhiệm vụ. Một số cơ quan hoạt động hình thức; còn tình trạng cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”…
Nhìn tổng thể, các giai đoạn trước đây mặc dù đã nỗ lực đổi mới, sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhưng chưa đồng bộ, tổng thể, chưa có tính cách mạng, đột phá để tạo bước chuyển mình.
TS Nguyễn Đình Thái, chuyên gia quản lý công, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM.
. Vậy đây là lúc cần phải quyết liệt đối với cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy để bước vào kỷ nguyên vươn mình?
+ Toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị phải quyết liệt trong công cuộc tinh gọn tổ chức bộ máy, bởi xuất phát từ thực tiễn phát triển đất nước hiện nay là cần mạnh mẽ “chịu đau” để giúp cơ thể khỏe hơn trong vận động và phát triển, tiến kịp, thậm chí vượt trước khu vực, thế giới.
Có thể thấy đất nước ta kể từ khi có Đảng lãnh đạo cách mạng, đã giành được độc lập dân tộc, xây dựng Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Để lãnh đạo cách mạng trong thời kỳ kháng chiến, tổ chức Đảng ngày càng lớn mạnh từ Trung ương đến cơ sở, còn Nhà nước được tổ chức phù hợp với bối cảnh cách mạng. Các hội, tổ chức quần chúng và đoàn thể nhân dân cũng được thành lập để thực hiện nhiệm vụ cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Nay trải qua gần 40 năm đổi mới, bối cảnh mới, nhiệm vụ mới, chúng ta phải tự nhận thức rằng cần xác định lại vị trí, vai trò, nhiệm vụ và sự cần thiết của mỗi cơ quan trong hệ thống chính trị hiện nay. Từ đó, để chúng ta có quyết tâm, thống nhất ra quyết định kết thúc hay tiếp tục hoặc làm mới đối với sứ mệnh lịch sử của các tổ chức đó.
Bên cạnh thực trạng bộ máy hiện nay như đã phân tích ở trên thì chất lượng dịch vụ công, đội ngũ công chức cũng chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế. Đây là những tồn tại, thách thức, lực cản lớn trên con đường phát triển của đất nước.
Chưa kể, trong thời đại ngày nay, xu hướng quản trị hiện đại “nhà nước nhỏ”, “xã hội lớn”, “doanh nghiệp lớn” và “thị trường lớn” là tất yếu khách quan, bởi quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng buộc các quốc gia phải thay đổi trong phương thức quản trị nhà nước.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển như vũ bão cũng đặt ra những yêu cầu phải thay đổi quy mô tổ chức, phương thức vận hành, thu gọn đầu mối, chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Thực tế phát triển của Việt Nam hiện nay cũng không nằm ngoài xu thế chung đó và chúng ta đang nỗ lực tiếp thu những thành tựu khoa học tiên tiến, hiện đại nhất, sắp xếp, tinh gọn bộ máy tốt nhất để phát triển.
Khi đội ngũ cán bộ, công chức năng động, chuyên nghiệp, có trách nhiệm cao cũng sẽ giúp tăng cường niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với Nhà nước. Ảnh: HOÀNG GIANG
Không nhất thiết “Trung ương có gì, địa phương có đó”
. Còn cách làm thì sao, thưa ông?
+ Để tinh gọn tổ chức bộ máy, chúng ta không được nóng vội, chủ quan nhưng cũng không thể chậm trễ mà “vừa chạy vừa xếp hàng”, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để đảm bảo tính khoa học, thực tiễn, tránh tình trạng “khắc nhập, khắc xuất” một cách cơ học.
Tôi cho rằng tổ chức bộ máy mới cần được sắp xếp, tinh gọn theo mô hình tổ chức tinh, gọn, mạnh; giảm đầu mối trung gian; hợp nhất các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng để tránh lãng phí nguồn lực. Đồng thời, có cơ cấu phù hợp với thực tiễn quản lý từng ngành, lĩnh vực, địa phương.
Tổ chức Đảng từ Trung ương đến địa phương cần được tổ chức khoa học, hiệu quả, không nhất thiết Trung ương có cơ quan gì thì địa phương có cơ quan ấy hoặc Nhà nước có tổ chức gì thì Đảng có tổ chức song trùng.
Thay vào đó, cần căn cứ vào mục tiêu đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng trong tổ chức và số lượng, địa bàn, khu vực, đơn vị để có đảng viên phù hợp.
Tương tự, tổ chức nhà nước cũng cần được tổ chức trên quy mô đơn vị hành chính hợp lý (theo hướng sáp nhập đơn vị hành chính đảm bảo không gian phát triển). Đồng thời, phải kết thúc hoạt động của các cơ quan hoạt động hình thức, tượng trưng, đại diện trên danh nghĩa, cơ quan trung gian. Còn cơ quan quản lý chuyên ngành, đơn vị sự nghiệp công lập cần được tổ chức theo hiệu quả đầu ra, theo khối lượng công việc, theo khu vực quản lý.
MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân thuộc Mặt trận nên được tổ chức theo hướng kết thúc hoạt động, sáp nhập vào tổ chức Đảng cùng mục tiêu, nhiệm vụ hoặc theo khu vực và đặc điểm địa bàn dân cư, thay vì được tổ chức theo cơ cấu song trùng với bộ máy Đảng, Nhà nước như hiện nay.
Thậm chí, để mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa, MTTQ và đoàn thể nhân dân nên được tổ chức theo luật riêng, kinh phí hoạt động không từ nguồn ngân sách nhà nước.
Người dân đánh giá cao và rất kỳ vọng công cuộc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Đảng và Nhà nước đang được thực hiện. Ảnh: HOÀNG GIANG
Kỳ vọng sẽ có những kết quả mang tính cách mạng, đột phá
. Quan trọng nhất của cách mạng tinh gọn bộ máy vẫn là đội ngũ cán bộ, công chức.
+ Đúng vậy. Cán bộ, công chức là “cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Trong cuộc cách mạng tinh gọn, câu chuyện ai đi, ai ở cần được tính toán kỹ lưỡng, có tiêu chí rõ ràng, minh bạch để đảm bảo những người ở lại là người xứng đáng, đủ phẩm chất, năng lực, góp phần xây dựng nền công vụ năng động, chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả.
Tinh giản không đơn thuần là cắt giảm số lượng, mà là cải thiện chất lượng nhân sự, bảo đảm đội ngũ cán bộ, công chức là những người có chuyên môn, có trình độ, phẩm chất, tinh thần phục vụ cao nhất và đặc biệt có năng lực giải quyết các vấn đề thực tế.
Để làm được điều này, cần xây dựng một cơ chế sàng lọc và đánh giá minh bạch, khoa học, dựa trên kết quả công việc cụ thể, tránh tình trạng đánh giá hình thức hoặc nể nang.
Và quan trọng là xác định cho được vị trí việc làm, rõ người, rõ việc, rõ thẩm quyền. Từ đó, xây dựng được tiêu chí quyết định và quan trọng nhất là lấy hiệu quả thực thi công vụ để đánh giá công chức; lấy hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ngành, đất nước để đánh giá năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của cán bộ. Đồng thời, sử dụng các phương pháp cần thiết để kiểm soát quyền lực, phẩm chất của cán bộ, công chức.
. Khi đã có bộ máy mới, con người mới, đất nước được kỳ vọng sẽ phát triển ra sao?
+ Với quyết tâm rất cao của Tổng Bí thư, Bộ Chính trị và Trung ương cũng như toàn bộ hệ thống chính trị, tôi kỳ vọng công cuộc tinh gọn bộ máy sẽ đạt được những kết quả có tính cách mạng, đột phá.
Khi tinh gọn bộ máy thành công, đất nước sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới với nhiều triển vọng. Bộ máy tinh gọn sẽ giảm chi phí vận hành, tăng năng suất lao động. Quy trình xử lý công việc nhanh chóng, giảm chi phí, thời gian cho người dân và doanh nghiệp. Còn đội ngũ cán bộ, công chức thì năng động, chuyên nghiệp, có trách nhiệm cao; tăng cường niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với Nhà nước.
Đặc biệt, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tất yếu sẽ có nhiều bước tiến vượt bậc khi bộ máy không còn tình trạng cồng kềnh và có cơ chế kiểm soát hiệu quả nhất.
. Xin cảm ơn ông.
Theo báo cáo, kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy đối với tổ chức hành chính, giai đoạn 2017-2021, cả nước giảm 11 vụ và tương đương thuộc bộ, giảm bảy cục thuộc tổng cục, giảm 492 chi cục thuộc cục, tổng cục. Giai đoạn 2021-2023, giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục, giảm 10 cục thuộc tổng cục và bộ, giảm 144 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ, giảm 108 phòng (không tính Bộ Quốc phòng và Bộ Công an).
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, năm 2015 cả nước có 55.891 đơn vị, đến năm 2023 có 47.596 đơn vị, giảm 8.295 đơn vị.
Trong giai đoạn 2019-2025, cả nước cũng đã sắp xếp 59 đơn vị hành chính cấp huyện (giảm 17 đơn vị hành chính cấp huyện), sắp xếp 2.234 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 1.124 đơn vị hành chính cấp xã)…
*****
Nghị quyết 18: Quyết tâm cao, hành động quyết liệt
Có thể thấy rõ Bộ Chính trị xác định việc tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động, thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, “Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở”.
Với tinh thần đó mà Trung ương đã lập Ban Chỉ đạo và ban hành các kế hoạch về tổng kết Nghị quyết 18, tạo căn cứ quan trọng để các bộ, ban ngành Trung ương và địa phương triển khai thực hiện.
TS NGUYỄN ĐÌNH THÁI
******
Ý KIẾN
Cử tri NGUYỄN HỮU NGỮ, quận Bình Tân, TP.HCM:
Bộ máy mạnh thì đất nước mới phát triển
Tôi cũng như nhiều người dân đánh giá cao và rất mong đợi công cuộc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Đảng và Nhà nước đang được thực hiện. Bởi bộ máy của chúng ta từ Trung ương đến địa phương đang rất cồng kềnh, dẫn đến tình trạng quan liêu, bao cấp, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Chúng tôi đang rất kỳ vọng vào cuộc cách mạng này, thậm chí là phấn khởi. Nếu cắt giảm đi một phần bộ máy dôi dư thì sẽ có thêm tiền để chi cho đầu tư phát triển đất nước, giúp hạ tầng được hoàn thiện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân cũng được nâng lên rõ rệt.
Chưa kể, qua đó sẽ lựa chọn được những cán bộ thực sự có tài, có năng lực, đặt họ vào đúng chỗ để phát huy hết thế mạnh, khả năng nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp cũng như công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Tôi nghĩ dù là cơ quan nhà nước hay công ty tư nhân, nếu không chọn được những nhân sự tốt thì chắc chắn cũng không thể hoạt động hiệu quả.
Vừa qua, theo dõi trên báo chí, tôi biết Tổng Bí thư Tô Lâm và Trung ương, địa phương rất quyết liệt thực hiện việc này và trước mắt đã đạt được một số kết quả đáng mừng. Tôi tin khi bộ máy đã tinh gọn lại và có những nhân sự tài giỏi thì chắc chắn sẽ vận hành trơn tru, hiệu quả.
Có một số lo lắng rằng việc này liệu có ảnh hưởng đến các hoạt động của người dân, doanh nghiệp hay không? Thiết nghĩ nếu chúng ta cắt giảm đúng những vị trí làm việc không hiệu quả thì sẽ nhẹ gánh hơn. Khi cán bộ thực sự làm việc hết sức, tận tâm thì người dân cũng yên tâm hơn.
Với những nơi dân số đông, áp lực đặc thù, tôi cho rằng có thể linh động tinh gọn sao cho hợp lý, tránh cào bằng. Việc này nằm ở vấn đề quản trị.
Điều tôi băn khoăn lúc này là những tiêu chí để tinh giản cán bộ khi tinh gọn bộ máy. Theo tôi, tiêu chí hàng đầu là nhân phẩm, đạo đức, kế đến là năng lực và đặc biệt các mối quan hệ phải tuyệt đối được loại bỏ ra khỏi bộ máy công quyền.
Lúc này đây chúng ta phải làm quyết liệt việc này, không thể chần chừ. Dù chúng ta sẽ rất đau nhưng cuộc sống vốn là như vậy, nếu anh không phù hợp với môi trường này thì có thể tìm những công việc khác phù hợp hơn, đó là sự phân công tự nhiên của xã hội.
Còn ai đã ngồi vào những vị trí đó thì phải làm việc cho hiệu quả, có trách nhiệm, như chủ tịch UBND TP.HCM từng nói: “Lẽ sống là phục vụ người dân thì mới chọn làm công chức và công chức chỉ có duy nhất một lẽ sống là phục vụ người dân”.
Cử tri chúng tôi mong bộ máy sẽ có chuyển biến mạnh vì bộ máy mạnh thì đất nước mới phát triển, kinh tế vững vàng thì đời sống người dân mới được nâng cao.
-----
Cử tri NGUYỄN HỮU CHÂU, quận 3, TP.HCM:
Cán bộ phải luôn rèn luyện
Việc tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18 là điều hết sức đúng đắn. Vừa qua, việc này càng được thực hiện quyết liệt và đi vào thực tế.
Như đã biết, trong một thời gian dài chúng ta dùng 70% ngân sách để trả lương cho cán bộ nhà nước, chỉ có 30% dùng cho phát triển đất nước. Rõ ràng điều này là hoàn toàn không hợp lý, nếu không thay đổi, không tinh gọn bộ máy, không giảm bớt cán bộ dôi dư… thì làm sao đất nước phát triển, vươn mình, tiến vào kỷ nguyên mới.
Tôi cho rằng việc tinh gọn bộ máy là gãi đúng chỗ ngứa với sự quyết tâm, quyết liệt từ các bộ, ngành, địa phương, với tinh thần “Trung ương đã đi đầu làm gương, địa phương hưởng ứng”. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã khẳng định nếu việc này mà làm chậm là có lỗi với người dân. Quả thực như vậy, với một bộ máy ì ạch, chồng chéo, nhiều tầng nấc trung gian như vậy thì sao có thể phát triển được.
Thực tế việc xây dựng đội ngũ cán bộ không hề đơn giản. Do vậy, sau khi thanh lọc những cán bộ chưa tốt, chưa giỏi thì những cán bộ còn ở lại phải tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện, trở thành những người vừa hồng vừa chuyên để thực hiện sứ mạng của mình.
Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc mà chúng ta đang hướng tới là phải xây dựng thành công nước Việt Nam XHCN. Để làm được điều này, cán bộ phải là những người thực lòng yêu nước, là những đảng viên chân chính, không sa ngã trước tiền tài danh vọng.
Nhiều cán bộ khi phấn đấu lên được những vị trí cao thì lại sa vào tiêu cực, tham nhũng. Đó là do không rèn luyện nên dễ sa ngã. Cán bộ phải tự phê bình, rèn luyện như rửa mặt hằng ngày mới làm chủ được mình, không nên tự thỏa mãn quá sớm. Cán bộ còn xúc động trước nỗi khổ của người dân mới là cán bộ tốt, chỉ có yêu nước thương dân thực sự mới có đủ sức mạnh vượt qua mọi cám dỗ.
Bên cạnh các chủ trương, định hướng, quyết định của Trung ương về tinh gọn bộ máy thì điều quan trọng hơn nữa là cách làm như thế nào, làm sao cho hiệu quả, cho quyết liệt và có sản phẩm cụ thể. Chúng ta phải mạnh mẽ dẹp bỏ những cồng kềnh, những trở ngại thì đất nước mới vững bước tiến lên.
Bởi giai đoạn này rất có ý nghĩa, là thời cơ quyết định để cải tổ bộ máy nhằm tiến tới các sự kiện quan trọng như Đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội XIV của Đảng, kỷ niệm 100 ngày thành lập Đảng…
LÊ THOA ghi
LÊ THOA thực hiện