Kỳ vọng những bước phát triển mới về nhà ở xã hội tại Hà Nội

Kỳ vọng những bước phát triển mới về nhà ở xã hội tại Hà Nội
6 giờ trướcBài gốc
Chưa như kỳ vọng
Trong Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2023 (tại Quyết định 338/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), Hà Nội cùng với Thành phố Hồ Chí Minh là một trong hai địa bàn được giao nhiệm vụ triển khai trọng điểm. Cụ thể, trong giai đoạn này Hà Nội phải hoàn thành 56.200 căn (18.700 căn giai đoạn 2021 - 2025 và 37.500 căn giai đoạn 2026 - 2030).
Trong báo cáo về phát triển, quản lý nhà ở xã hội mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết thành phố có 69 dự án đã và đang triển khai. Trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, có 8 dự án đã hoàn thành toàn bộ với 10.270 căn và 3 dự án hoàn thành một phần.
Sở cho biết từ nay đến hết năm sau, 11 dự án dự kiến hoàn thành với gần 6.000 căn, tương đương 345.000m2 sàn. Với tổng 19 căn dự kiến hoàn thành trong giai đoạn năm 2021 - 2025, thành phố sẽ đạt hơn 78% chỉ tiêu tại kế hoạch phát triển nhà xã hội với khoảng 15.440 căn, tương ứng 952.000m2 sàn.
Luật Thủ đô 2023 được kỳ vọng sẽ mang đến những bước phát triển mới về nhà ở xã hội tại Hà Nội.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án, giai đoạn 2026 - 2030, trên địa bàn thành phố Hà Nội dự kiến sẽ có 50 dự án đang triển khai với khoảng 3,21 triệu mét vuông sàn, khoảng 57.170 căn, trong đó thành phố đang tổ chức thẩm định chủ trương đầu tư phục vụ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với 4/5 khu nhà ở xã hội tập trung trên địa bàn huyện Đông Anh, Gia Lâm với tổng quy mô sử dụng đất trên 200ha, tổng diện tích sàn nhà ở gần 1 triệu mét vuông sàn nhà ở, hơn 12.000 căn hộ.
Tuy nhiên, Sở Xây dựng cũng nhìn nhận, công tác phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn Thủ đô còn nhiều hạn chế. Cụ thể, từ năm 2015 đến nay, chưa có dự án nhà ở xã hội nào được đầu tư bằng vốn ngân sách. Các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang triển khai đều chậm so với tiến độ được duyệt.
Công tác phát triển nhà ở xã hội thời gian qua gặp nhiều khó khăn vướng mắc, có thể kể đến như: trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua, bán nhà ở xã hội còn kéo dài, thậm chí phức tạp hơn các dự án nhà ở thương mại; việc xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua đối với nhà ở xã hội đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan nhà nước cấp tỉnh thẩm định cũng kéo dài thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp.
Đồng thời, cơ chế, chính sách ưu đãi đối với dự án nhà ở xã hội chưa thực sự hấp dẫn, chưa thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư. Việc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư “ách tắc”; nhà nước thiếu nguồn “vốn mồi” để thực hiện chính sách ưu đãi nhà ở xã hội.
Tháo gỡ các điểm nghẽn
Để tạo điều kiện và hiện thực hóa tầm nhìn, khát vọng phát triển của Thủ đô trong thời gian tới, mới đây, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với 7 Chương và 54 Điều. Trong đó, Luật đã dành riêng Điều 30 để quy định về vấn đề phát triển nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng. Đặc biệt cũng đã có quy định chi tiết về việc phân cấp, ủy quyền cho HĐND và UBND thành phố trong việc điều chỉnh quy hoạch tạo quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội.
Rice City - khu nhà ở xã hội tại bán đảo Linh Đàm.
Cùng với đó là việc chủ động bố trí kinh phí ngân sách lập quy hoạch, lựa chọn chủ đầu tư; bố trí thay thế quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tương đương vào trong các khu nhà ở xã hội trên địa bàn đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2ha đến dưới 10ha khi Doanh nghiệp nộp số tiền tương ứng với quỹ đất 20% vào Quỹ đầu tư phát triển thành phố để phát triển nhà ở xã hội.
Ngoài ra, tại Khoản 2 Điều 29 Luật Thủ đô năm 2024, đã cho phép HĐND Thành phố quyết định sử dụng ngân sách thành phố để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội thiết yếu trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập. Việc phân quyền này sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư giảm chi phí đầu tư xây dựng, tăng lợi nhuận để giảm giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội.
Luật Thủ đô (sửa đổi) đang nhận được rất nhiều kỳ vọng không chỉ của hệ thống chính trị mà còn của Nhân dân Thủ đô và cả nước, góp phần khơi thông các nguồn lực của Thủ đô, tạo sự lan tỏa, dẫn dắt cho toàn Vùng Thủ đô và cả nước. Những quy định của Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có sự phân quyền mạnh mẽ, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, việc cần làm bây hiện tại là cụ thể hóa được các “ưu đãi” trên vào thực tế cuộc sống nhằm tạo ra những cơ chế vượt trội, tạo sức hút trong quá trình thu hút đầu tư phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Hiện đang có khoảng 170.000 công nhân, người lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố Hà Nội, 80% số đó là người lao động ngoại tỉnh, hầu hết đều có nhu cầu về nhà ở. Tuy nhiên, thành phố Hà Nội mới có ba khu công nghiệp (Thạch Thất, Thăng Long và Phú Nghĩa) có dự án nhà ở xã hội cho công nhân lao động, cung cấp được 1.532 phòng (khoảng 11.520 chỗ ở), đáp ứng được khoảng 6,8% nhu cầu.
Anh Tuấn
Nguồn LĐTĐ : https://laodongthudo.vn/ky-vong-nhung-buoc-phat-trien-moi-ve-nha-o-xa-hoi-tai-ha-noi-181018.html