Kỳ vọng từ chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Kỳ vọng từ chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
một ngày trướcBài gốc
Điểm đặc biệt về chuyến thăm
Hôm nay (14/4), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Xinhua).
Chia sẻ với Báo Xây dựng về chuyến thăm và quan hệ hai nước Việt Nam - Trung Quốc, ông Nguyễn Vinh Quang, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc cho biết: "Tất cả các chuyến thăm của lãnh đạo cao nhất Trung Quốc đều có ý nghĩa quan trọng.
Đặc biệt năm nay hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, lãnh đạo hai bên đã xác định là năm giao lưu nhân văn Việt - Trung, chuyến thăm của Tổng Bí thư Chủ tịch nước Tập Cận Bình càng có ý nghĩa, mở đầu cho hàng loạt giao lưu sắp tới".
Đây cũng là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên trong năm 2025 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, cho thấy Trung Quốc hết sức coi trọng sự kiện này.
Ông Nguyễn Vinh Quang, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Trung.
Nhìn lại quan hệ Việt Nam - Trung Quốc sau hơn một năm hai nước xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc - Việt Nam đã được lãnh đạo Đảng Trung Quốc - Việt Nam thống nhất trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam lần thứ ba của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (12/2023), chuyên gia Nguyễn Vinh Quang đánh giá, thỏa thuận trên có tác động mạnh mẽ trong nhận thức của lãnh đạo và nhân dân hai nước, tạo thành một động lực tích cực thúc đẩy phát triển quan hệ.
"Điều nhìn thấy rõ nhất là các doanh nghiệp hai bên tỏ ra tin tưởng nhau hơn, hợp tác kinh tế thương mại năm qua phát triển rất ấn tượng", ông Vinh nhấn mạnh.
Trong năm 2024, kim ngạch thương mại đã vượt mức 200 tỉ USD theo thống kê của Việt Nam và 260 tỉ USD theo số liệu của Trung Quốc.
Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới. Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất, mang lại lợi ích thiết thực cho hàng triệu nông dân của Việt Nam.
Kỳ vọng hợp tác đường sắt, khoa học công nghệ
Nói về kỳ vọng qua chuyến thăm thứ tư của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam lần này, nhà ngoại giao Nguyễn Vinh Quang kỳ vọng, lãnh đạo hai nước sẽ trao đổi và đạt được thêm những nhận thức chung đưa quan hệ hai nước tiến thêm một bước mới.
Việt Nam - Trung Quốc dự kiến ký kết khoảng 40 văn kiện hợp tácĐỌC NGAY
Cụ thể hai bên sẽ đạt được một số thỏa thuận về hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư, cụ thể hơn là tạo thuận lợi hơn nữa cho lưu thông hàng hóa, giúp rút ngắn sự chênh lệch cán cân thương mại giữa hai nước…
Đặc biệt, ông Nguyễn Vinh Quang hy vọng kết nối cơ sở hạ tầng giữa hai nước, trước hết là đường sắt sẽ là một trong những chủ đề được bàn thảo và đạt được thỏa thuận, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam, nhất là nông, lâm, thủy, hải sản đi sang thị trường Trung Quốc.
Ngoài ra, ông Vinh cho biết một trong những lĩnh vực được quan tâm gần đây là những tiến bộ về khoa học công nghệ (KHCN) của Trung Quốc.
Ông hy vọng trong thời gian tới Việt Nam có thể hợp tác về KHCN cao với Trung Quốc như lĩnh vực chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo…
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ trước thềm chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trước đó, trong chia sẻ trước thềm chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng dành nhiều thời gian để nói về kỳ vọng hợp tác KHCN giữa hai nước.
Theo Phó thủ tướng, sau hơn 45 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã đạt được những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, từ chỗ là một nước đi sau, đến nay đã trở thành một cường quốc khoa học công nghệ, với vị trí thứ 3 thế giới về đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D) và dẫn đầu thế giới về số lượng bằng phát minh sáng chế.
Đặc biệt gần đây, Trung Quốc đã liên tiếp công bố nhiều thành tựu công nghệ nổi bật trong các lĩnh vực then chốt như trí tuệ nhân tạo (AI), mạng 5G, robot tự động, chip bán dẫn, công nghệ vũ trụ... khiến thế giới phải thán phục.
"Có thể nói, chỉ trong hơn 40 năm, Trung Quốc đã đi được chặng đường nhiều quốc gia khác phải mất hơn 2 thế kỷ", ông Sơn cho hay.
Với Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn đề cao và đặc biệt coi trọng vai trò mang tính quyết định của khoa học công nghệ đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Những năm gần đây, đã có nhiều văn kiện chính trị quan trọng được ban hành thể hiện tinh thần này, đặc biệt gần đây là Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Trong đó, Đảng và Nhà nước nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo "Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới".
Trung Quốc là một trong những quốc gia đi đầu trong phát triển về xe tự lái (Ảnh: Baidu).
Để góp phần thực hiện các mục tiêu, tầm nhìn phát triển chiến lược đã đề ra, theo Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn, Việt Nam mong muốn phát huy những lợi thế hiện có về nguồn lao động dồi dào với chất lượng ngày càng nâng cao, cơ chế chính sách thu hút đầu tư ngày càng hoàn thiện, thị trường giàu tiềm năng về đầu tư nghiên cứu phát triển (R&D) để tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, tham gia sâu rộng vào chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghệ cao, công nghệ then chốt.
Thành công của Trung Quốc đã tạo nguồn động lực mạnh mẽ cho các lực lượng tiến bộ thế giới, mang lại cơ hội phát triển mới cho quá trình hiện đại hóa của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
"Tiềm năng, không gian hợp tác khoa học công nghệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là hết sức to lớn.
Việt Nam sẵn sàng làm sâu sắc hơn nữa hợp tác khoa học công nghệ với Trung Quốc, trong đó mong muốn Trung Quốc tăng cường hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ về vốn trong lĩnh vực này để tạo nền tảng vững chắc khi Việt Nam và Trung Quốc đều bước vào kỷ nguyên mới, thời đại mới phát triển phồn vinh, thịnh vượng của hai dân tộc", Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhận định.
Dự kiến trong thời gian chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình sẽ có các cuộc hội đàm cấp cao với Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường, lần lượt có các cuộc hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn để trao đổi về các biện pháp, phương hướng, định hướng lớn nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước trên các lĩnh vực; ngoài ra ông Tập Cận Bình cũng sẽ tham gia một số hoạt động đối ngoại quan trọng khác.
Trang Trần
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/ky-vong-tu-chuyen-tham-viet-nam-cua-tong-bi-thu-chu-tich-trung-quoc-tap-can-binh-192250413225242515.htm