Lâm Đồng sẽ huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại
NHIỀU “ÔNG LỚN” ĐĂNG KÝ ĐẦU TƯ VÀO LÂM ĐỒNG
Những ngày này, Công ty Cổ phần Đua ngựa Thiên Mã - Madagui đang khẩn trương điều chỉnh và hoàn thiện quy hoạch 1/500 của Dự án Trường đua ngựa, đua chó Thiên Mã Madagui - Câu lạc bộ Polo và ngựa biểu diễn để trình lên các cấp có thẩm quyền phê duyệt, qua đó sớm đưa dự án vào triển khai thực hiện. Dự án được triển khai tại huyện Đạ Huoai với tổng vốn thực hiện là 1.548 tỷ đồng. Đây cũng là 1 trong 12 dự án trọng điểm được UBND tỉnh trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vừa mới được UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức.
Ông Nguyễn Ngọc Mỹ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đua ngựa Thiên Mã - Madagui chia sẻ, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp với Công ty để rà soát các vấn đề tồn đọng tại dự án, báo cáo UBND tỉnh trả lời Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đến nay, được sự hướng dẫn, hỗ trợ của các sở, ngành, chính quyền địa phương, Công ty đã hoàn thành toàn bộ các nội dung cần rà soát như điều chỉnh mục tiêu đầu tư, tiến độ đầu tư; chuyển mục đích sử dụng đất; nộp tiền sử dụng đất, hoàn thành nghĩa vụ tài chính; xin phép xây dựng; khắc phục các tồn đọng về xây dựng…
Theo ông Nguyễn Ngọc Mỹ, khi hoàn thành và đưa vào hoạt động, dự kiến sẽ cần lượng nhân sự làm việc tại 3 dự án rất lớn; trong đó, Dự án Sân golf thu hút 420 lao động, Dự án Trung tâm nuôi - huấn luyện ngựa thu hút 660 lao động và Dự án Trường đua ngựa thu hút khoảng 3.000 lao động (bao gồm cả làm việc trong và ngoài trường đua). Dự kiến, tổng thu nhập doanh nghiệp trong 32 năm sẽ đạt hơn 1.766 tỷ đồng, thuế VAT dự kiến sẽ hơn 4.668 tỷ đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt là hơn 10.459 tỷ đồng. Mặt khác, dự án đi vào hoạt động sẽ đa dạng các sản phẩm, dịch vụ du lịch, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, tăng nguồn thu ngoại tệ, thu ngân sách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trong khi đó, được triển khai tại xã Trạm Hành, TP Đà Lạt, sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, Công ty TNHH Sợi Đà Lạt DWS hiện đã sản xuất cả sợi tự nhiên và sợi tổng hợp thuần len hoặc pha len được sử dụng cho cả dệt thoi, dệt kim tròn, dệt kim phẳng, dệt vớ và sợi kỹ thuật với sản lượng đạt 3.000 tấn/năm. Qua đó, đưa sản phẩm sợi lông cừu “made in” Lâm Đồng xuất khẩu trên thị trường quốc tế.
Ông Karol Sieradzki - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sợi Đà Lạt DWS cho biết: "Công ty TNHH Sợi Đà Lạt DWS đang sở hữu nhà máy kéo sợi lông cừu theo tiêu chuẩn châu Âu được Tập đoàn Sudwolle Group đầu tư với 2 cơ sở tại Đà Lạt quy mô trên 60.000 m2. Dự án có tổng mức đầu tư 50 triệu USD, công suất thiết kế đạt khoảng 5.000 tấn sợi/năm. Cho đến nay, chúng tôi đã sản xuất được 8.211 tấn với tổng doanh thu gần 20.000 tỷ đồng; trong đó, doanh thu nội địa đạt 1.590 tỉ đồng và doanh thu xuất khẩu đạt 18.410 tỉ đồng. Chúng tôi đã nộp ngân sách nhà nước hơn 246 tỉ đồng. Hiện, Công ty Sợi Đà Lạt đang sử dụng gần 300 lao động địa phương và dự kiến sẽ có thêm 200 lao động nữa khi nhà máy thứ 2 đi vào hoạt động".
Theo ông Karol Sieradzki, các chính sách ưu đãi trong việc thu hút đầu tư của tỉnh Lâm Đồng dành cho doanh nghiệp đã đưa đến sự lựa chọn đặt nhà máy tại Đà Lạt. Khi triển khai dự án này, công ty luôn hướng đến những giải pháp bền vững và minh bạch trong ngành nghề của mình. Công ty đáp ứng những tiêu chuẩn sinh thái bao gồm ZDHC, bluesign, OEKO-TEX, và các chứng nhận truy xuất như GOTS, IVN Best, GRS, RWS… Đồng thời, Công ty đã hướng tới sản xuất sạch hơn, với việc ứng dụng mọi kỹ thuật, máy móc để giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải nước, rác, điện, khí nhà kính cũng như tăng việc sử dụng các nguồn năng lượng bền vững.
Dự án Trường đua ngựa, đua chó Thiên Mã Madagui đi vào hoạt động sẽ thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế
CAM KẾT ĐỒNG HÀNH, HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP
Phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư do UBND tỉnh tổ chức, đồng chí Võ Ngọc Hiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, để thực hiện thành công các mục tiêu Quy hoạch tỉnh, trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng sẽ huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhà nước, tư nhân và xã hội để đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tiếp tục tập trung thu hút đầu tư, trọng tâm là phát triển hướng tới năm 2030: Là tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước; lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá.
Lâm Đồng đang kêu gọi thu hút ưu tiên đầu tư gồm 227 dự án, bao gồm các lĩnh vực: Giao thông vận tải (36 dự án); công nghiệp (11 dự án); văn hóa, thể thao và du lịch (34 dự án); y tế (36 dự án), giáo dục và đào tạo (6 dự án); thương mại, dịch vụ (20 dự án); khu dân cư, khu đô thị (62 dự án); phát triển nông nghiệp (12 dự án); bảo vệ môi trường (3 dự án); khai thác khoáng sản (4 dự án); khối hành chính (3 dự án).
Một số dự án trọng tâm, trọng điểm được UBND tỉnh kêu gọi các nhà đầu tư như: Khu du lịch Quốc gia Đankia - Suối Vàng; cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc; cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương; cao tốc Nha Trang - Liên Khương (CT.25); nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Liên Khương từ cấp 4D thành cấp 4E; tổ hợp nhà máy tuyến bauxite và chế biến alumin, nhôm và các sản phẩm từ nhôm; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đà Lạt; khu đô thị Liên Khương Prenn; khu đô thị phía Đông Đà Lạt; khu đô thị phía Tây Đà Lạt; Khu công nghiệp Phú Bình; cảng cạn tại huyện Đức Trọng và TP Bảo Lộc…
Mặt khác, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và biên bản ghi nhớ đầu tư cho 12 nhà đầu tư là các tập đoàn, công ty. Theo đó, tổng vốn các doanh nghiệp công bố sẽ đầu tư vào Lâm Đồng là khoảng hơn 125.000 tỷ đồng. Nguồn vốn dự kiến sẽ rót vào hạ tầng cơ bản, du lịch, nông nghiệp và bất động sản. Những doanh nghiệp công bố mức đầu tư lớn như: Tập đoàn Bắc Á, Tập đoàn Phương Trang, Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam…
“Để đồng hành cùng doanh nghiệp, trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng sẽ cải thiện môi trường kinh doanh, luôn mở rộng cửa để chào đón các nhà đầu tư và cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong khuôn khổ pháp luật cho phép để các doanh nghiệp thực hiện thành công các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh và phát triển thịnh vượng” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Hiệp khẳng định.
H.SA - C.THÀNH