Dưới ánh nắng của buổi sáng sớm, ông Đoàn Hữu Bốn, Phó Chủ nhiệm Làng hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ (TP Cần Thơ), di chuyển nhẹ nhàng giữa những chậu hoa xanh mơn mởn. Còn khoảng 1 tháng nữa thì hoa sẽ nở rực rỡ để cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán năm 2025.
Trồng ít nhưng đa dạng
"Năm nay, số lượng hoa Tết mà làng nghề cung ứng ra thị trường giảm nhiều so với 2 năm trước. Có nhà vườn nhiều năm trước trồng 10.000 chậu nhưng năm nay chỉ còn 2.000 chậu. Tết Nguyên đán năm rồi, các loại hoa ít tiền được nhiều người chọn mua, còn hoa từ 100.000 đồng/chậu trở lên rất khó bán. Năm nay, hầu hết nhà vườn chuyển sang trồng các mặt hàng tầm trung và đa dạng mẫu mã" - ông Bốn cho hay.
Hộ ông Bốn chỉ trồng 2.000 chậu, trong đó có cát tường, vạn thọ, đặc biệt giống mới là cúc mâm xôi Hàn Quốc có màu đỏ, tím… được thị trường ưa chuộng. Tuy trồng với số lượng ít hơn mọi năm nhưng ông cho biết thời điểm này vẫn chưa có thương lái đến đặt hàng.
Ông Đoàn Hữu Bốn ở Làng hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ tất bật chăm sóc hoa bán dịp Tết. Ảnh: CA LINH
Theo ông Trần Văn Sê (ngụ quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), năm nay mưa kéo dài, cây ngộp nước nên bệnh nhiều, suy dinh dưỡng nên phải dùng nhiều phân bón hơn. Ông Sê nổi tiếng ở làng hoa này bởi là người làm ra sản phẩm "cúc chân dài" được thị trường Tết ưa chuộng.
"Tôi trồng 200 chậu cúc này nhưng do ảnh hưởng thời tiết nên chắc chỉ thành công được 100 chậu, hoa nở không đẹp bằng năm rồi" - ông Sê lo ngại.
Theo Phòng Kinh tế TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, dịp Tết âm lịch năm nay, dự kiến các nhà vườn tại địa phương cung ứng ra thị trường khoảng 75.000 giỏ cúc mâm xôi; 100.000 giỏ cúc Đài Loan; 100.000 giỏ cúc mâm xôi màu (cúc Hàn Quốc)... Ngoài hoa, Sa Đéc còn cung ứng các loại cây cảnh, như tắc (quất), cây cảnh ăn trái, nho cảnh... Tổng diện tích trồng hoa, cây cảnh của Sa Đéc tiếp tục giữ khoảng 100 ha. Năm nay, thời tiết không thuận lợi nhưng nhà vườn có nhiều kinh nghiệm nên không ảnh hưởng lớn đến sản xuất.
Tới thời điểm này, tại Sa Đéc giá hoa cảnh đã bắt đầu tăng so với những tháng trước. Theo ông Tạ Văn Cảnh - ngụ xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc - hiện 1.400 giỏ hoa cúc đồng tiền kép của gia đình ông phát triển tốt. Từ nay tới Tết, gia đình tập trung chăm sóc, chong đèn cho cây để bảo đảm hoa đạt chất lượng.
Tránh để dư thừa
Trạm Khuyến nông quận Bình Thủy, TP Cần Thơ thông tin để hoa kiểng thành phẩm đạt chất lượng và thu hút khách hàng, trạm ra sức hỗ trợ nhà vườn trong suốt quá trình xuống giống, chăm sóc và tiêu thụ. Trạm thường xuyên theo dõi và dự báo tình hình tiêu thụ đến nhà vườn để cân đối sản lượng xuống giống hợp lý, tránh tình trạng thừa hàng hóa.
Theo ông Đặng Thanh Hải - Phó Giám đốc HTX Hoa, kiểng Tân Quy Đông, TP Sa Đéc - khoảng 80% thành viên của đơn vị đã xuống giống hoa, kiểng chuẩn bị cho vụ Tết với các chủng loại như hồng, cúc đồng tiền, cúc Tiger... Giá nguyên liệu đầu vào tăng nên HTX chủ động kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học nhằm nâng cao sức đề kháng cho cây và giảm chi phí sản xuất; đồng thời chủ động tìm hiểu, ứng dụng mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá hoa, kiểng.
Trong khi đó, ông Trần Hữu Nghị, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), cho hay dự kiến địa phương sẽ cung ứng từ 8-10 triệu sản phẩm cho thị trường hoa Tết, tăng 10%-15% so với Tết năm 2024. Đến nay, 50%-60% số lượng hoa được đặt hàng. Vừa qua, tại Chợ Lách có tình trạng hàng chục ngàn chậu cúc mâm xôi không ra búp nên nhà vườn nhổ bỏ và chuyển sang trồng các loại hoa ngắn ngày khác để kịp bán Tết.
Xuống giống 2 lần
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, ước tính diện tích hoa gieo trồng phục vụ thị trường Tết trên địa bàn vào khoảng 3.800 ha hoa các loại, chủ yếu ở TP Đà Lạt và các huyện: Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương, Lâm Hà. Trong đó, hoa chậu phục vụ Tết khoảng 7 triệu chậu; hoa cắt cành khoảng 1,5 tỉ cành.
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là Tết nên khoảng 10 ngày qua, các nhà vườn ở Lâm Đồng khẩn trương xuống giống hoa. Đây là địa phương trồng hoa lay ơn nhiều nhất trên địa bàn tỉnh, với khoảng 195 ha, đủ sản lượng phục vụ Tết.
Theo Phòng Kinh tế TP Đà Lạt, toàn thành phố có khoảng 859 ha các loại hoa phục vụ Tết. Dự kiến nhu cầu mua hoa phục vụ Tết sẽ tăng 10%-15% so với cùng kỳ năm 2024, với thị trường chủ lực vẫn là TP HCM và các tỉnh lân cận.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 12 đến nay, Đà Lạt và các địa phương khác có mưa nhiều. Thay vì xuống giống một lần hết diện tích phục vụ Tết thì nhiều nhà vườn chia đôi diện tích và xuống giống 2 lần. Hoa thu hoạch từ việc xuống giống đợt 1 sẽ bán Tết, còn hoa thu hoạch đợt sau sẽ trùng dịp rằm tháng giêng.
"Đến giờ mà vẫn còn mưa nên nhiều người lo, phải dành hết công sức vào chăm sóc và chia ra 2 đợt. Nếu hoa đợt 1 không được năng suất cao thì đợt rằm tháng giêng hy vọng bù đắp lại được" - nông dân Nguyễn Văn Thắng (phường 5, TP Đà Lạt) chia sẻ.
Tại huyện Lâm Hà, gia đình ông Nguyễn Văn Nhường (xã Tân Hà) dự kiến tung ra thị trường Tết trên 1.000 gốc đào Nhật Tân với giá từ 500.000 đồng đến 6 triệu đồng/gốc. "Thời tiết hiện tại khá bất lợi, tôi đang tập trung tỉa cành, cắt lá, điều chỉnh lượng phân bón và nước tưới để giữ cây nở hoa đúng dịp Tết" - ông Nhường cho biết.
Hiệp hội Hoa Đà Lạt nhận định diện tích hoa Tết năm nay không biến động nhiều so với mọi năm. Để đa dạng sản phẩm cho thị trường, các công ty hoặc nhà vườn cũng nhập một số giống hoa chậu mini, giống hoa mới như calla lily nhiều màu, lan hồ điệp đột biến về bán dịp Tết sắp tới.
Phát triển làng hoa kết hợp du lịch
Bà Nguyễn Thị Ngọc, Trưởng Phòng Kinh tế TP Sa Đéc, cho biết thời gian tới, địa phương sẽ phát triển làng hoa kết hợp du lịch để giúp nhà vườn nâng cao thu nhập.
Theo bà Ngọc, địa phương vận động người dân không phát triển thêm diện tích hoa Tết, chủ yếu phát triển các loại hoa cảnh thường niên, cây thế, nâng cao chất lượng hoa cảnh, nhất là giá thể trồng để có thể xuất khẩu trong thời gian tới. Đặc biệt, nâng cao chất lượng cây giống, giống mới, tăng giá trị sản xuất cho ngành hàng hoa cảnh cũng như thu nhập cho nhà vườn.
Tâm Minh - Ca Linh - Trường Nguyên