Nhiều tiềm năng
Việt Nam có nhiều danh lam thắng cảnh, trải dài từ Bắc vào Nam với đầy đủ yếu tố điện ảnh. Vùng núi rừng hùng vĩ của Tây Bắc, Tây Nguyên với những thửa ruộng bậc thang, bản làng mờ sương hay rừng thông bạt ngàn. Các vịnh biển như Hạ Long, Nha Trang lại mang đến khung cảnh trữ tình, hoang sơ, phù hợp với những thước phim lãng mạn hoặc phiêu lưu kỳ thú. Quần thể hang động kỳ ảo của Phong Nha – Kẻ Bàng như mở ra một thế giới giả tưởng, hấp dẫn các nhà làm phim quốc tế.
Một cảnh quay trong bộ phim “Yêu nhầm bạn thân” được thực hiện tại địa danh nổi tiếng Sapa. Ảnh: ĐPCC
Ngoài ra, Việt Nam còn có sự đan xen độc đáo giữa các đô thị hiện đại sôi động và những làng quê truyền thống yên bình, tạo nên bối cảnh đa tầng, đa dạng thể loại, từ cổ trang đến hiện đại, từ phim độc lập đến bom tấn điện ảnh...Trong đó, nhiều vùng cảnh quan thiên nhiên ở Việt Nam vẫn còn giữ được vẻ nguyên bản – điều đang được các đạo diễn quốc tế đặc biệt chú ý.
Ghi nhận tại Box Ofice Vietnam – trang phân tích dữ liệu doanh thu phòng vé, năm 2024, doanh thu phòng vé nội địa đạt hơn 5.000 tỷ đồng. Nhiều phim Việt đầu tư từ 50–100 tỷ đồng không còn là chuyện hiếm. Cùng với đó, các nền tảng OTT như Netflix, VieON, Galaxy Play, FPT Play... cũng đang đẩy mạnh sản xuất nội dung gốc.
Theo đạo diễn Ngô Quang Hải, so với Thái Lan, Hàn Quốc hay Singapore – những quốc gia đã có phim trường hiện đại, Việt Nam có lợi thế lớn về chi phí, từ thuê đất, nhân công, hậu cần đến dịch vụ lưu trú. Điều này đặc biệt quan trọng với các đoàn phim quốc tế cần tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo chất lượng sản xuất. Thêm vào đó, nguồn nhân lực trẻ trong lĩnh vực kỹ thuật – sáng tạo tại Việt Nam đang phát triển nhanh, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu sản xuất hiện đại nếu được đào tạo đúng hướng.
Tuy nhiên, theo đạo diễn Ngô Quang Hải, đi kèm với sự phát triển đó là áp lực lớn lên hệ thống hạ tầng sản xuất. Hiện Việt Nam mới có một số ít cơ sở “phim trường”, nhưng phần lớn là quy mô nhỏ và chưa đạt các tiêu chuẩn quốc tế về kỹ thuật: từ diện tích trường quay, hệ thống âm thanh – ánh sáng, cách âm cho đến thiết bị hậu kỳ và không gian phục vụ đoàn phim.
“Điều này buộc các nhà làm phim trong nước phải phụ thuộc vào bối cảnh thật hoặc tự dựng phim trường dã chiến, dẫn đến chi phí đội lên, thời gian sản xuất kéo dài và làm hạn chế đáng kể không gian sáng tạo”, đạo diễn chia sẻ.
Đạo diễn Ngô Quang Hải cho rằng, kỳ vọng về một phim trường quốc tế tại Việt Nam không phải là điều quá xa xôi, nhưng để biến thành hiện thực, cần một chiến lược bài bản. Trong đó Nhà nước giữ vai trò định hướng, tạo khung pháp lý và chính sách ưu đãi, khu vực tư nhân là động lực đầu tư và vận hành. Các cơ chế hỗ trợ như ưu đãi đất đai, giảm thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho dự án phim, cần được cụ thể hóa hơn nữa để thu hút nhà đầu tư...
Để hiện thực hóa phim trường quốc tế
Việt Nam đang có cơ hội lớn để trở thành trung tâm sản xuất phim trong khu vực, nhất là khi thị trường nội địa đang tăng trưởng mạnh, chi phí cạnh tranh và nhiều tiềm năng khai thác. Theo nhận định từ giới chuyên gia, để hiện thực hóa giấc mơ này, cần sự vào cuộc đồng bộ, chiến lược lâu dài. Một phim trường đạt chuẩn quốc tế không chỉ là động lực phát triển ngành điện ảnh, mà còn mở ra hướng đi mới cho du lịch, công nghiệp văn hóa và hội nhập quốc tế.
PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng, để ngành điện ảnh Việt Nam phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hội nhập quốc tế, việc xây dựng phim trường đạt chuẩn quốc tế là yêu cầu cấp thiết, đóng vai trò nền tảng trong chuỗi sản xuất và quảng bá phim ảnh.
“Để hiện thực hóa “giấc mơ” về một phim trường quốc tế tại Việt Nam, điều đầu tiên cần có là chính sách ưu đãi rõ ràng và hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư và hãng phim lớn trên thế giới. Những chính sách này có thể bao gồm miễn, giảm thuế; hỗ trợ về hạ tầng kỹ thuật; đơn giản hóa thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp phép quay phim.” – ông Tú nói.
Bên cạnh hạ tầng kỹ thuật, ông Tú nhấn mạnh đến yếu tố con người. Việc đầu tư bài bản vào đào tạo nhân lực – từ đạo diễn, kỹ thuật viên hậu kỳ đến đội ngũ vận hành phim trường là điều kiện tiên quyết để vận hành hiệu quả một phim trường quốc tế, đảm bảo chất lượng sản xuất và duy trì tiêu chuẩn chuyên môn lâu dài.
Một bộ phim mang tầm quốc tế chính là công cụ quảng bá hiệu quả hình ảnh đất nước và trở thành điểm đến du lịch. Ông Nguyễn Châu Á - Tổng Giám đốc Công ty Oxalis Adventure cho rằng, các địa phương cần có thêm các chính sách ưu đãi với các đoàn làm phim. Về phía các doanh nghiệp, cần đẩy mạnh truyền thông và marketing tiếp cận các nhà làm phim thông qua các chương trình hội nghị, hội thảo, liên hoan phim, tổ chức các đoàn famtrip cho các nhà làm phim đến những địa phương tiềm năng để giới thiệu bối cảnh và hạ tầng dịch vụ.
Theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam đứng thứ 26 về tài nguyên thiên nhiên và thứ 28/117 về tài nguyên văn hóa – đây là những lợi thế lớn để phát triển du lịch kết hợp với điện ảnh. Nếu được đầu tư bài bản, các chuyên gia cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm sản xuất điện ảnh tầm khu vực, đồng thời phát huy hiệu quả vai trò quảng bá văn hóa – du lịch thông qua điện ảnh.
Dự án "Love in Vietnam" có kinh phí 4 triệu USD, được khởi quay từ tháng 9/2024 tại một số tỉnh, thành ở Việt Nam. Dự án đã được công bố tại Liên hoan phim Cannes 2024, trình chiếu tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ 3 (DANAFF 2025) và dự kiến ra mắt tại cả Việt Nam cũng như Ấn Độ trong mùa hè năm nay.
Hoàng Vân