Nhiều lao động trẻ vẫn chưa biết đến các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người lao động.
Anh Trịnh Văn Hùng, công nhân điện tại một công ty ở Khu Công nghiệp Lễ Môn từng gặp tai nạn trong khi đang kiểm tra hệ thống điện. Trước đây, tai nạn như vậy có thể bị quy thành “tự sơ suất” rồi cho nghỉ việc. Nhưng hiện nay, nhờ hệ thống pháp luật bảo vệ rõ ràng, công ty đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo, phối hợp với ngành chức năng để anh Hùng được khám giám định thương tật, hưởng trợ cấp tai nạn lao động và 3 tháng nghỉ có lương để phục hồi sức khỏe.
Một câu chuyện khác đến từ chị Nguyễn Thị Nga, lao động ngành may tại xã Yên Định. Sau khi công ty giảm biên chế đầu năm nay, chị đã thất nghiệp 2 tháng. Thay vì loay hoay tìm việc trong vô vọng, chị được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh hỗ trợ nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), nhanh chóng nhận trợ cấp hơn 2 triệu đồng/tháng, đồng thời đăng ký học lớp đào tạo nghề may nâng cao miễn phí, giúp chị sớm tìm được việc làm mới với mức thu nhập ổn định hơn.
Như vậy, càng ngày người lao động (NLĐ) càng nhận ra rằng họ không còn bị thiệt thòi. Khi hiểu luật và hành động đúng luật, họ có quyền yêu cầu sự công bằng và nhận được sự bảo vệ xứng đáng từ các cơ quan chức năng và chính sách hiện hành.
Nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NLĐ, ngay từ những tháng đầu năm, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều quy định hướng đến mục tiêu đảm bảo an sinh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho NLĐ. Trong 6 tháng đầu năm, cơ quan chức năng của tỉnh đã tiếp nhận và thẩm định 90 nội quy lao động, 33 thỏa ước lao động tập thể, kiểm tra an toàn lao động tại 112 doanh nghiệp, tiếp nhận 78 thông báo làm thêm từ 200 đến 300 giờ của doanh nghiệp. Đồng thời, các cơ quan chức năng tăng cường hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức đối thoại định kỳ với người lao động, tập huấn cán bộ phụ trách công tác an toàn, tổ chức kiểm tra định kỳ nhằm phòng ngừa rủi ro thay vì xử lý hậu quả.
Trong lĩnh vực BHTN, các chính sách hỗ trợ đã thể hiện rõ vai trò “bệ đỡ” cho NLĐ. Tính đến cuối tháng 6, toàn tỉnh đã giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho 5.668 người, đảm bảo đúng thời hạn, đúng đối tượng. Nhiều người trong số đó không chỉ nhận trợ cấp mà còn được giới thiệu học nghề, tư vấn việc làm, tạo nền tảng để tái hòa nhập thị trường lao động một cách chủ động.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải NLĐ nào cũng tiếp cận được những “lá chắn” pháp luật ấy. Nhiều rào cản vẫn đang tồn tại, nhiều NLĐ vẫn đi làm với thỏa thuận miệng, không hợp đồng, không sổ bảo hiểm. Khi bị cho nghỉ việc đột ngột, họ cũng không biết kêu ai. Việc tuyên truyền pháp luật đến các nhóm dễ bị tổn thương vẫn còn hạn chế về hình thức, độ phủ.
Bên cạnh đó là sự chần chừ hoặc cố tình né tránh nghĩa vụ của doanh nghiệp. Theo thống kê, đến tháng 6/2025, số doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN từ 3 tháng trở lên là 2.929 doanh nghiệp với số tiền chậm đóng là 525,583 tỷ đồng; trong đó có 641 doanh nghiệp chậm đóng, khó thu do giải thể, phá sản, dừng hoạt động, chủ bỏ trốn... đã dừng tính lãi với số tiền chậm đóng 148,348 tỷ đồng. Những khoản nợ này không chỉ gây áp lực lên hệ thống bảo hiểm mà còn tước đi quyền lợi chính đáng của hàng nghìn NLĐ. Một khó khăn khác là lực lượng thanh tra còn mỏng so với yêu cầu thực tiễn. Trong khi đó, thị trường lao động ngày càng phân tán, xuất hiện nhiều mô hình việc làm phi chính thức, làm việc từ xa, khiến công tác giám sát, kiểm tra càng trở nên khó khăn.
Trước thực tế ấy, tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ để tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật lao động. Trước tiên, đẩy mạnh truyền thông pháp luật lao động theo hướng gần dân, thực chất và dễ hiểu. Nhiều mô hình tuyên truyền mới như sân khấu hóa pháp luật, đối thoại trực tiếp tại doanh nghiệp, truyền thông qua mạng xã hội, zalo, facebook... đang được triển khai tại các địa phương có đông lao động nhập cư. Mặt khác, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, thanh tra định kỳ, kết hợp hậu kiểm và xử lý nghiêm các doanh nghiệp chây ỳ, cố tình vi phạm nghĩa vụ pháp lý với NLĐ.
Song song với đó, công tác hỗ trợ doanh nghiệp cũng được chú trọng. Các tổ công tác liên ngành sẽ tiếp cận trực tiếp doanh nghiệp nợ bảo hiểm, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn tài chính, phân kỳ nợ hoặc hướng dẫn xử lý chế độ cho người lao động tạm nghỉ việc. Qua đó, bảo vệ được quyền lợi công nhân mà vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi. Ngoài ra, các ngành chức năng cũng đang nghiên cứu và triển khai hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát hoạt động thực thi pháp luật lao động theo thời gian thực, giảm phụ thuộc vào các cuộc thanh tra thủ công, tăng tính minh bạch và hiệu quả quản lý. Cuối cùng, nâng cao vai trò công đoàn cơ sở trong bảo vệ quyền lợi NLĐ là một trong những ưu tiên quan trọng.
Pháp luật lao động đang ngày càng khẳng định vị thế là “tấm khiên” bảo vệ người làm thuê, những người trực tiếp tạo ra giá trị nhưng luôn ở thế yếu trong quan hệ lao động. Để “lá chắn” ấy phát huy trọn vẹn hiệu lực, cần sự vào cuộc đồng bộ từ chính quyền, doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể và chính NLĐ. Khi mỗi người làm thuê biết luật, tin luật và hành động bằng luật, thì công bằng sẽ không còn là đặc quyền, mà trở thành quyền lợi phổ quát.
Bài và ảnh: Trần Hằng