Nga tung đòn chiến lược bằng bão UAV và tên lửa
Telegraph đưa tin, Moscow đã phóng 537 vũ khí trên không vào Ukraine trong hai ngày 5 và 6/7, trong đó có 477 máy bay không người lái, chủ yếu là UAV Shahed do Iran sản xuất và 60 tên lửa. Trận mưa tên lửa và UAV dữ dội diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định dừng chuyển giao nhiều loại vũ khí quan trọng cho Ukraine. Trong đó, lô hàng 100 tên lửa cho hệ thống phòng không Patriot tại Ba Lan, dự kiến bàn giao cho Ukraine, đã không được gửi đi vào thời điểm Kiev gần như cạn kiệt kho tên lửa này.
Hệ thống tên lửa S-400 của Nga. Ảnh: TASS
Theo IntelliNews, xung đột đã một lần nữa thay đổi khi cuộc chiến máy bay không người lái ngày càng nhường chỗ cho cuộc chiến tên lửa, khía cạnh mà Nga có lợi thế áp đảo. Quy mô của cuộc tấn công đánh dấu sự mở rộng chiến lược của Nga là triển khai một loạt máy bay không người lái để áp đảo các hệ thống radar trước khi tiến hành tập kích bằng tên lửa chính xác.
Các chuyên gia quân sự suy đoán, ngành công nghiệp quốc phòng đang phát triển mạnh mẽ của Nga, được hỗ trợ nhờ nhà máy tên lửa mở rộng ở Votkinsk và chuỗi cung ứng mở rộng nhanh chóng, có thể sớm cho phép Moscow phóng 1.000 tên lửa và máy bay không người lái vào các thành phố của Ukraine chỉ trong một đêm.
Moscow cho rằng, với việc duy trì các cuộc tấn công liên tục họ có thể làm suy yếu tinh thần chiến đấu của binh sỹ Ukraine, làm cạn kiệt khả năng phòng thủ của Kiev và khiến phương Tây thất vọng khi tiếp tục duy trì sự ủng hộ.
Ông Michael Kofman, nhà phân tích hàng đầu về các hoạt động quân sự của Nga và Ukraine cho rằng: “Nga nhắm vào các thành phố lớn vì họ đang cố gắng làm cạn kiệt hệ thống phòng không của Ukraine. Moscow biết rằng hệ thống phòng không của Ukraine sẽ ưu tiên bảo vệ các thành phố và cơ sở hạ tầng quan trọng”.
Một số nhà phân tích đánh giá, ngành công nghiệp quốc phòng của Nga hiện đang tích trữ đủ vũ khí để quân đội nước này có thể duy trì hoạt động khi xung đột kéo dài ít nhất hai năm nữa, với sản lượng máy bay không người lái tăng 17% chỉ riêng trong tháng 5/2025.
Quyết định của Mỹ về việc tạm dừng viện trợ vũ khí quan trọng cho Ukraine làm trầm trọng thêm tình trạng khó khăn mà Kiev đang đối mặt. Một nguồn tin tình báo Ukraine nói với Telegraph rằng việc thiếu tên lửa phòng không Patriot nói riêng có thể khiến các thành phố lớn như Kiev dễ bị tấn công.
Ukraine đối phó Nga
Nhà phân tích Michael Kofman lưu ý: “Có một số loại vũ khí chỉ có Mỹ mới có thể cung cấp. Việc Washington ngừng cung cấp những tên lửa đánh chặn như PAC-3 chống tên lửa đạn đạo sẽ khiến các thành phố trước đây được cho là khá an toàn như Kiev liên tục nằm trong tầm ngắm của Nga”.
Ông Serhii Kuzan, Chủ tịch Trung tâm An ninh và Hợp tác Ukraine lưu ý, trong khi hệ thống phòng không tiền tuyến của Ukraine vẫn vững mạnh, thì cơ sở hạ tầng dân sự của nước này lại dễ bị tấn công hơn.“Quyết định của Mỹ đặt ra thách thức lớn với Ukraine, không chỉ trên tiền tuyến mà còn ở cả hậu phương”.
Fabian Hoffmann, nghiên cứu viên tại Dự án Hạt nhân Oslo nhận định, mặc dù sản lượng tên lửa đánh chặn Patriot trên toàn cầu đang gia tăng nhưng chỉ có một nửa trong số này được chuyển đến châu Âu. Điều đó đồng nghĩa với việc Ukraine có thể nhận được ít tên lửa hơn trong những năm tới.
Tuy vậy, không có dấu hiệu cho thấy Ukraine trong tình trạng sắp cạn kiệt hoàn toàn hệ thống phòng không. Một nguồn tin thân cận với quân đội Ukraine cho biết: “Ukraine luôn hối thúc phương Tây cung cấp nhiều hệ thống phòng không hơn vì họ phải lập kế hoạch dự phòng cho tương lai. Kiev luôn tìm kiếm những đối tác sẵn sàng đảm bảo nguồn cung cho họ, nhưng trên thực tế, số lượng hệ thống phòng không hiện có vẫn đảm bảo cho họ có thể chiến đấu trong nửa cuối năm nay”.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov cho rằng: “Nga đang tìm cách làm kiệt quệ hệ thống phòng không của chúng tôi và gây áp lực tâm lý lên binh sỹ Ukraine thông qua các cuộc tấn công liên tục bằng máy bay không người lái”.
Về phần mình, Ukraine tuyên bố, tỷ lệ đánh chặn UAV và tên lửa của lực lượng phòng không nước này vẫn rất cao. Không quân nước này đã bắn hạ 270 trong số 550 mục tiêu vào hôm 4/7, trong đó có 2 tên lửa hành trình, 208 mục tiêu khác đã biến mất khỏi màn hình radar và được cho là bị gây nhiễu. Tuy nhiên vẫn có những UAV lọt qua mạng lưới phòng không và tấn công trúng đích. Khi các hệ thống phòng không trên mặt đất trở nên quá tải, Ukraine đã chuyển sang sử dụng máy bay chiến đấu để bắn hạ máy bay không người lái đang bay tới.
Bên cạnh đó, Kiev cũng có sự thay đổi chiến thuật đáng chú ý là tích cực tìm kiếm và bắn hạ binh sỹ vận hành máy bay không người lái của Nga để thiết lập ưu thế trên chiến trường bão hòa máy bay không người lái. Chiến thuật mới này do ông Robert Brovdi (biệt danh "Madyar") - người đứng đầu Lực lượng Hệ thống Không người lái của Ukraine chỉ đạo.
Cách tiếp cận này bao gồm việc triển khai các đội máy bay không người lái FPV cố định của Ukraine dọc theo toàn bộ tuyến đầu để vô hiệu hóa máy bay không người lái Nga trước, sau đó đơn vị chiến đấu sử dụng tất cả các khí tài có sẵn, chẳng hạn như tên lửa HIMARS, để bắn hạ những người điều khiển UAV của đối phương. Chiến dịch nhằm mục đích làm tê liệt khả năng trinh sát và tấn công quan trọng của Nga bằng cách nhắm vào những nhân sự giàu kỹ năng và kinh nghiệm trong các đơn vị UAV.
Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo Telrgraph