Lá chắn tên lửa Vòm Vàng: Từ 'Chiến tranh giữa các vì sao' đến siêu dự án của Tổng thống Trump

Lá chắn tên lửa Vòm Vàng: Từ 'Chiến tranh giữa các vì sao' đến siêu dự án của Tổng thống Trump
6 giờ trướcBài gốc
Dự án Lá chắn tên lửa Vòm Vàng của Mỹ có tổng chi phí dự kiến lên tới 175 tỷ USD. (Nguồn: Firstpost)
Dự án phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược Vòm Vàng kêu gọi khoản đầu tư khởi đầu trị giá 25 tỷ USD trong tổng chi phí dự kiến lên tới 175 tỷ USD. Theo Tổng thống Trump, dự án sẽ hoàn thành vào cuối nhiệm kỳ của ông năm 2029.
Vòm Vàng là gì?
Vòm Vàng là hệ thống phòng thủ nhiều lớp mà theo lời ông Trump khi phát biểu tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng cùng Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth ngày 21/5, sẽ triển khai "các công nghệ thế hệ tiếp theo trên khắp đất liền, trên biển và không gian, bao gồm các cảm biến và máy bay đánh chặn không gian".
Theo Reuters, mục tiêu chính của Vòm Vàng là tận dụng mạng lưới hàng trăm vệ tinh quay quanh Trái đất với các cảm biến và máy bay đánh chặn tinh vi để vô hiệu hóa các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), tên lửa siêu vượt âm và tên lửa hành trình tiên tiến - những loại vũ khí mà Mỹ cho là đang được Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên phát triển với tốc độ đáng lo ngại.
CBS News đưa tin, lá chắn Vòm Vàng chống lại tên lửa bằng các cách phát hiện và phá hủy chúng trước khi phóng, đánh chặn ngay khi đang bay, dừng chúng giữa chừng và ngăn chặn trong những khoảnh khắc cuối cùng khi tên lửa tiếp cận mục tiêu.
Cụ thể, Vòm Vàng sẽ dựa vào một mạng lưới vệ tinh được trang bị cảm biến và thiết bị đánh chặn để tiêu diệt tên lửa ngay sau khi chúng rời bệ phóng (giai đoạn boost-phase); Các lớp đánh chặn tiếp theo khi chúng đang bay dựa trên nền tảng hiện có - bao gồm các trạm đánh chặn ở Alaska và California; Một lớp phòng thủ cuối cùng được triển khai tại hoặc xung quanh lãnh thổ Mỹ, nhằm ngăn chặn tên lửa trước khi chạm tới mục tiêu.
Tổng thống Trump nhấn mạnh, hệ thống này “sẽ có khả năng đánh chặn tên lửa, ngay cả khi chúng được phóng từ không gian” và là một phần thiết yếu để bảo vệ sự sống còn của nước Mỹ.
Theo ông chủ Nhà Trắng, sáng kiến mới này, bao gồm nhiều chương trình, sẽ được xây dựng tại các tiểu bang như Florida, Georgia, Indiana và Alaska, đồng thời có sự tham gia của nhiều công ty công nghệ và quốc phòng của Mỹ mà hiện vẫn chưa được lựa chọn. Canada cũng bày tỏ mong muốn tham gia vào chương trình.
Hồi sinh giấc mộng không gian
Tổng thống Trump cho biết, ý tưởng Vòm Vàng được truyền cảm hứng từ hệ thống Vòm Sắt (Iron Dome) của Israel - hệ thống đã được Mỹ hỗ trợ phát triển từ năm 2011. Theo Israel, Vòm Sắt đã đánh chặn được hàng nghìn tên lửa và có tỷ lệ thành công lên tới 90%.
Tuy nhiên, nếu như Vòm Sắt chỉ có khả năng đánh chặn tên lửa tầm ngắn, thì Vòm Vàng được thiết kế để bảo vệ toàn bộ lãnh thổ Mỹ khỏi các cuộc tấn công tầm xa và phức tạp hơn nhiều.
“Chúng ta đã giúp Israel xây dựng hệ thống phòng thủ rất hiệu quả. Giờ đây, công nghệ của chúng ta còn tiến xa hơn thế nữa”, ông Trump khẳng định.
Theo Reuters, ý tưởng về lá chắn tên lửa thực ra không hề mới ở Mỹ. Vào năm 1983, Tổng thống Mỹ khi đó là Ronald Reagan (1911-2004) đã khởi xướng Sáng kiến phòng thủ chiến lược (SDI) hay còn được biết với biệt danh "Chiến tranh giữa các vì sao (Star Wars).
Tổng thống Mỹ Ronald Reagan công bố Sáng kiến phòng thủ chiến lược SDI năm 1983. (Nguồn: Nhà Trắng)
Trọng tâm của chương trình SDI là kế hoạch phát triển một chương trình phòng thủ tên lửa trên không gian có thể bảo vệ Mỹ khỏi một cuộc tấn công hạt nhân quy mô lớn. Đề xuất này liên quan nhiều lớp công nghệ cho phép Mỹ xác định và tự động phá hủy một số lượng lớn tên lửa đạn đạo đang bay tới khi chúng được phóng, khi bay và khi chúng tiếp cận mục tiêu.
Theo Reuters, SDI đã thất bại vì quá tốn kém, quá tham vọng về mặt công nghệ, không thể dễ dàng thử nghiệm và dường như vi phạm một hiệp ước chống tên lửa đạn đạo hiện có.
Dự án Vòm Vàng được coi là sự tiếp nối sáng kiến này của ông Reagan. Trong buổi công bố về thiết kế của Vòm Vàng, ông Trump nói rõ: "Chúng tôi sẽ thực sự hoàn thành công việc mà Tổng thống Reagan đã bắt đầu cách đây 40 năm, chấm dứt mãi mãi mối đe dọa tên lửa đối với nước Mỹ", đưa cường quốc số một thế giới này tiến vào kỷ nguyên phòng thủ tên lửa hiện đại mới.
Liệu có khả thi?
Hãng tin Reuters cho hay, theo truyền thông Mỹ, SpaceX của Elon Musk nổi lên là một trong những nhà thầu tiềm năng cho dự án lá chắn tên lửa Vòm Vàng, bên cạnh Palantir, Anduril, Lockheed Martin, L3Harris Technologies và RTX Corp.
Một số linh kiện ban đầu sẽ được lấy từ dây chuyền sản xuất hiện có. Ví dụ, L3Harris đã đầu tư 150 triệu USD vào cơ sở mới tại Indiana để sản xuất vệ tinh cảm biến theo dõi tên lửa siêu thanh và các thiết bị này có thể được điều chỉnh cho Vòm Vàng.
Tuy nhiên, dù có kế hoạch cụ thể và tham vọng, vẫn có những nghi ngại về tính khả thi của dự án. Ngay tại Mỹ, 42 nghị sĩ đảng Dân chủ đã gửi thư bày tỏ lo ngại về khả năng tỷ phú Elon Musk can thiệp không phù hợp vào chương trình, nhấn mạnh nguy cơ xung đột lợi ích và kêu gọi giám sát chặt chẽ.
Ngoài ra, các chuyên gia quốc phòng bày tỏ nghi ngờ về khả năng đáp ứng công nghệ và ngân sách. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính riêng thành phần không gian đã có thể ngốn tới 542 tỷ USD - vượt xa con số 175 tỷ USD mà ông Trump đưa ra. Hiện dự án vẫn chưa được Quốc hội phê chuẩn kinh phí và vẫn “ở giai đoạn khái niệm”, theo lời Thứ trưởng Không quân Mỹ Troy Meink.
Các chuyên gia trong ngành cũng đặt dấu hỏi về tiến độ triển khai và ngân sách của kế hoạch này khi cho đến nay, kinh phí cho dự án Vòm Vàng vẫn chưa được bảo đảm. Trong cuộc họp báo hôm thứ 21/5, Tổng thống Trump xác nhận ông đang đề xuất khoản đầu tư ban đầu 25 tỷ USD, nằm trong một dự luật cắt giảm thuế đang được Quốc hội xem xét. Tuy nhiên, con số này có thể bị điều chỉnh giảm trong quá trình đàm phán.
Ngoài ra, tổng chi phí của dự án có thể thay đổi tùy theo quy mô. Theo hãng tin AP, một quan chức chính phủ giấu tên cho biết ông, Trump đã được trình bày ba phương án khác nhau của dự án, được mô tả là “trung bình”, “cao” và “rất cao”, tương ứng với số lượng vệ tinh, cảm biến và thiết bị đánh chặn được triển khai trong không gian. Theo AP, Tổng thống Trump đã chọn phương án “cao”, với mức chi phí khởi điểm ước tính từ 30-100 tỷ USD.
“Thông tin mới là con số 175 tỷ USD, nhưng vấn đề đặt ra là kéo dài trong bao lâu - có lẽ là trong vòng 10 năm”, ông Tom Karako, chuyên gia cao cấp thuộc Ban Quốc phòng và An ninh tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), phát biểu với hãng tin Reuters.
Ngoài ra, dự án còn vấp phải sự phản đối từ bên ngoài, khi Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích Vòm Vàng là mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu, cáo buộc Mỹ theo đuổi “an ninh tuyệt đối” và kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang trong không gian.
Hôm 21/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh, tuyên bố: “Kế hoạch này làm gia tăng nguy cơ biến không gian thành chiến trường và phá hoại ổn định chiến lược quốc tế.”
Nga tỏ ra thận trọng hơn, gọi đây là “vấn đề chủ quyền của Mỹ”, song nhấn mạnh “diễn biến này sẽ yêu cầu các bên nối lại đối thoại để phục hồi cân bằng chiến lược”.
Lá chắn tên lửa Vòm Vàng là một trong những nỗ lực lớn nhất của chính quyền Trump nhằm định hình lại năng lực phòng thủ chiến lược của Mỹ trong kỷ nguyên vũ khí siêu vượt âm và không gian. Dù được truyền cảm hứng từ những chương trình trong quá khứ, tham vọng lần này lớn hơn, công nghệ phức tạp hơn và bối cảnh địa chính trị cũng nhạy cảm hơn nhiều.
Liệu Vòm Vàng sẽ trở thành “lá chắn bất khả xâm phạm” hay chỉ là biểu tượng cho một cuộc chạy đua vũ trang mới trong không gian? Câu trả lời là chờ đợi.
Hoàng Hà
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/la-chan-ten-lua-vom-vang-tu-chien-tranh-giua-cac-vi-sao-den-sieu-du-an-cua-tong-thong-trump-315105.html