Theo đó, trong thời gian từ 5 giờ30' đến 11 giờ ngày 14/1, tại cửa cảng La Gi xảy ra 3 vụ việc tàu cá bị sóng đánh chìm. Đó là trường hợp tàu cá BTh 88311 TS, dài 11,5m, công suất 45CV, gồm 4 lao động, hành nghề lồng bẫy do bà Đỗ Thị Khương (SN 1992, KP8, Bình Tân) làm chủ thuyền, ông Nguyễn Hoàng Duy (SN 1975 cùng địa chỉ) làm thuyền trưởng. Tàu cá BTh 88311 TS xuất bến lúc 6 giờ ngày 13/1, hoạt động đánh bắt hải sản. Đến khoảng 5 giờ 30 phút ngày 14/1 tàu cá này về đến cửa Cảng La Gi thì bị sóng lớn đánh chìm. 4 lao động trên tàu đã bơi vào bờ an toàn, sức khỏe bình thường. Hiện tàu cá đang chờ thuê phương tiện trục vớt; ước thiệt hại khoảng 100 triệu đồng.
Cửa biển La Gi.
Riêng tàu cá BTh 80643 TS, dài 7,8m, công suất 24CV, gồm 3 lao động, hành nghề lồng bẫy do ông Huỳnh Minh Sơn (SN 1989, KP11, Bình Tân) làm chủ kiêm thuyền trưởng. Tàu cá xuất bến lúc 13 giờ ngày 13/1, hoạt động đánh bắt hải sản. Đến khoảng 6 giờ 30 phút ngày 14/1, khi trở về đến cửa Cảng La Gi thì tàu bị sóng lớn đánh chìm. 3 lao động trên tàu đã bơi vào bờ an toàn, sức khỏe bình thường. Hiện tàu cá đang chờ thuê phương tiện trục vớt, ước thiệt hại khoảng 70 triệu đồng.
Ngoài ra, tàu cá BTh 88924 TS, dài 10,2m, công suất 33CV, gồm 5 lao động, hành nghề lưới rê do ông Trần Hòa Châu (SN 1968; KP10, Bình Tân) làm chủ kiêm thuyền trưởng. Tàu cá xuất bến lúc 1 giờ ngày 14/1, hoạt động đánh bắt hải sản. Đến khoảng 11 giờ cùng ngày, khi trở về đến cửa Cảng La Gi thì tàu bị sa cồn, sóng lớn đánh chìm. 5 lao động trên tàu đã được cứu vớt an toàn, sức khỏe bình thường. Hiện tàu cá được chủ tàu thuê xuồng kéo vào trong cảng, tiến hành trục vớt; ước thiệt hại khoảng 100 triệu đồng.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN thị xã La Gi cho biết, do cửa biển bị bồi lấp luồng lạch, rất khó khăn cho tàu thuyền ra vào, nhất là khi có bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra. Do đó, các tàu cá ra vào hàng ngày tại cửa biển La Gi rất dễ bị sóng lớn đánh dạt vào cồn cát, gây vỡ, chìm tàu. Tại thời điểm tàu chìm, gió mạnh, sóng lớn bất ngờ nên thuyền trưởng không kịp đánh lái để ứng phó. Tổng giá trị thiệt hại của 3 tàu cá bị chìm khoảng 270 triệu đồng.
Ngay sau khi xảy ra tình hình chìm tàu cá, phòng Kinh tế thị xã cùng Đồn Biên phòng Phước Lộc, UBND phường Bình Tân đã động viên, thăm hỏi kịp thời đến gia đình các chủ tàu. Đồng thời, xem xét, hỗ trợ chủ tàu cá tìm kiếm, trục vớt tàu cá.
Một tàu cá bị đâm va trên biển
Cũng liên quan đến tình hình tàu cá tại thị xã La Gi, ngày 14/1, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh cho biết, trước đó 2 ngày, 1 tàu cá của thị xã bị một tàu cá đâm va nhưng không dừng lại hỗ trợ. Cụ thể, khoảng 21h45' ngày 12/1, tàu BTh 98590 TS, công suất 450 CV, gồm 5 lao động, hành nghề lồng bẫy. Tàu do bà Phạm Thị Nghĩa (SN 1953; trú tại KP 7, phường Phước Hội) làm chủ, ông Nguyễn Duy Long (SN 1980, cùng địa chỉ) làm thuyền trưởng. Khi tàu đang neo đậu tại khu vực biển cách Nam Đông Nam cửa biển La Gi khoảng 25 hải lý, thuộc vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì bị tàu vận tải SEASPAN TANGTZE (quốc tịch Hồng Kông/Trung Quốc) hành trình từ cảng Phú Mỹ- Bà Rịa - Vũng Tàu đến cảng YANTIAN/Trung Quốc) đâm va vào mạn phải mũi tàu cá BTh 98590 TS. Sau khi đâm va, tàu SEASPAN TANGTZE không dừng lại hỗ trợ tàu cá bị nạn, mà tiếp tục hành trình. Đến khoảng 20 giờ ngày 13/1, tàu cá BTh 98590 TS về đến cảng La Gi để sửa chữa. Tàu cá BTh 98590 TS bị bể, nứt sỏ mũi, bể kiềng bo lái, mất 1 mỏ neo và mất khoảng 5.000 vỏ ốc (chưa xác định giá trị thiệt hại). Hiện các lao động trên tàu cá sức khỏe bình thường.
Ngay sau khi nắm bắt thông tin vụ việc, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh đề nghị Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục theo dõi, chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận, Cảng vụ Hàng hải Bà Rịa - Vũng Tàu xác minh, điều tra, làm rõ vụ việc theo quy định.
K. HẰNG