Là giáo viên, tôi ủng hộ cấm điện thoại ở trường học

Là giáo viên, tôi ủng hộ cấm điện thoại ở trường học
14 giờ trướcBài gốc
Từ tháng 11/2020, quy định mới liên quan đến việc sử dụng điện thoại trong trường học có hiệu lực. Theo đó, một trong các hành vi học sinh không được làm là "sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép". Đây là điểm mới trong Thông tư 32 ban hành điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và phổ thông nhiều cấp học.
Ngay sau đó, nhiều trường học trên cả nước đã cập nhật nội quy, cho phép học sinh mang theo điện thoại đến trường. Ban đầu, mục đích là hỗ trợ học tập, dùng để tra cứu bài, học online, truy cập tài liệu nhanh chóng… Thế nhưng, giữa kỳ vọng và thực tế luôn tồn tại một khoảng cách.
Ảnh minh họa.
Trên bục giảng, không ít thầy cô chia sẻ rằng: “Thực tế không hề đơn giản như văn bản quy định.” Lớp đông, tiết học dồn dập, giáo viên vừa giảng bài vừa phải để mắt xem có em nào đang “lén lút online” dưới gầm bàn.
Nhiều em lợi dụng điện thoại để chơi game, nhắn tin, lướt mạng xã hội, thậm chí… quay lén bạn bè, thầy cô rồi đăng lên TikTok.
Nhiều học sinh dán mắt vào điện thoại vào giờ ra chơi
“Một buổi tối, bạn tôi, cô giáo dạy Văn lớp 9 gọi cho tôi. Giọng cô uể oải, xen lẫn chút bất lực: ‘Tớ dạy hơn 20 năm rồi, nhưng chưa bao giờ thấy học trò rời xa mình đến thế. Ra chơi là điện thoại. Vào lớp vẫn là điện thoại.
Nhiều đứa mắt cúi xuống, đeo tai nghe, người rung lắc như đang nghe bản nhạc hít nào đó. Cảm giác như mình đang giảng cho những cái bóng.”
Bạn tôi kể, có hôm vừa bước vào lớp, em này đang cày youtube, em kia mải nhắn tin. Gọi tên, các em giật mình như vừa bị đánh thức từ một thế giới khác.
Giờ ra chơi, lớp học yên lặng một cách bất thường. Không tiếng cười đùa, không tiếng nói chuyện, không ai chạy nhảy. Tất cả... đang "chơi" nhưng là chơi trong cô độc.
Có học sinh cả học kỳ không trò chuyện với bạn cùng bàn. Có em đến mức bài kiểm tra cũng chờ tra google. Có em xin đi vệ sinh, nhưng thực chất là... tranh thủ "lướt vài dòng tin nhắn mới".
Một thầy giáo dạy Toán bậc trung học phổ thông chia sẻ: “Trong mỗi tiết dạy, tôi không chỉ đứng lớp, mà còn phải... xem có học trò nào lén dùng điện thoại không. Lớp học 45 học sinh, ngồi chật như nêm. Tôi cố quan sát thật kỹ từng em, nhưng vẫn có học sinh giấu chiếc điện thoại khéo léo dưới bàn để nhắn tin qua lại.
Có lần, tôi phát hiện vài học sinh nam đang hẹn nhau ngay trong giờ học để ra về thì cùng ‘tỉ thí’ với một nhóm bạn ở lớp bên cạnh.
Không phải là chuyện học hành gì, mà là... chuẩn bị cho một trận "solo" sau giờ tan trường.
Khi công nghệ bị dùng sai, lớp học không chỉ mất đi sự tập trung, mà còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy khó lường.”
Đúng là điện thoại thông minh có thể hỗ trợ học tập nếu biết cách sử dụng. Nhưng trong thực tế lớp học, đa số học sinh chưa đủ bản lĩnh để làm chủ công cụ này.
Cái gọi là “tra cứu bài học” thường chỉ là cái cớ để vào Facebook, Zalo, TikTok. Lâu dần, học sinh hình thành thói quen lười suy nghĩ, lười ghi nhớ, lười trao đổi, chỉ chờ gõ từ khóa rồi chép lại như một cỗ máy.
Nên cấm điện thoại trong trường học hay không?
Từ năm 2025–2026, Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường, kể cả trong giờ ra chơi, trừ khi được giáo viên cho phép. Một số địa phương khác cũng đang nghiên cứu áp dụng theo. Và tôi cho rằng, đây không phải là bước lùi, mà là bước lui cần thiết để tiến lên.
Bởi muốn dạy học sinh sử dụng công nghệ có trách nhiệm, trước hết cần tạo một môi trường học tập lành mạnh, rèn luyện kỷ luật và thói quen tốt. Chúng ta không thể dạy trẻ tập bơi ngay giữa dòng sông xiết.
Điện thoại không có lỗi. Nhưng khi đặt sai chỗ nó có thể lấy đi nhiều hơn cả thời gian, kỹ năng sống, tinh thần học tập và cả những niềm vui của lứa tuổi học trò.
Nếu trường học không lên tiếng, nếu thầy cô bỏ qua, nếu phụ huynh không đồng hành, thì chính chúng ta đang “đẩy” các em vào thế giới gắn chặt với điện thoại.
Là người đang dạy tiểu học nơi điện thoại chưa len lỏi vào lớp, tôi chỉ mong sao con trẻ được sống đúng với tuổi thơ của mình. Tuổi thơ đó phải có trò chơi, có bạn bè, có những buổi ra chơi lấm lem đất cát và những ánh mắt trong veo chứ không phải ánh sáng xanh của màn hình.
Tôi ủng hộ việc cấm điện thoại trong nhà trường. Điều này không phải vì tôi bài xích công nghệ mà bởi tôi hiểu rõ, trong môi trường học đường nơi các em đang hình thành nhân cách, thói quen và ước mơ thì mỗi phút giây sống thật, học thật, chơi thật mới là điều đáng quý.
Hãy để giờ ra chơi là khoảng thời gian chạm mặt, chạm tay, chạm tiếng cười chứ không phải "chạm cảm ứng". Hãy để lớp học là nơi gieo hạt niềm tin, chứ không phải nơi kết nối mạng wifi
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Phan Tuyết
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/la-giao-vien-toi-ung-ho-cam-dien-thoai-o-truong-hoc-post253033.gd