'Là người Tày phải biết chữ Tày'

'Là người Tày phải biết chữ Tày'
3 ngày trướcBài gốc
Đó là tâm niệm đồng thời cũng là hoài bão của anh Sa Văn Cam - người con dân tộc Tày huyện Đà Bắc có tình yêu tha thiết với văn hóa dân tộc. Anh đã dành nhiều tâm huyết cho việc tìm hiểu, khôi phục và truyền dạy chữ Tày cổ. Từ năm 2010 đến nay, anh tổ chức được 7 lớp học chữ Tày cổ, thu hút trên 200 học viên là người dân xã Mường Chiềng và các xã lân cận. Với mô hình "Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa chữ Tày cổ”, năm 2024, anh Sa Văn Cam được UBND tỉnh công nhận là điển hình tiên tiến cấp tỉnh trong lĩnh vực văn hóa.
Trong gian nhà sàn mang đậm bản sắc văn hóa, anh Sa Văn Cam (thứ 2 từ phải sang) say sưa hướng dẫn các bậc cao niên trong xã Mường Chiềng cách đọc chữ Tày cổ được viết trong những cuốn sách đã có tuổi đời hàng trăm năm.
Nhiều năm nay, anh dày công sưu tầm, nghiên cứu những tài liệu quý viết bằng chữ Tày cổ. Đây là hồn cốt văn hóa, là "vật báu, hồn thiêng” của dân tộc Tày.
Những dòng chữ cổ và ký tự độc đáo được ghi lại trong những cuốn sách có tuổi đời hàng trăm năm, phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan của dân tộc Tày huyện Đà Bắc.
Cộng đồng dân tộc Tày hiện chiếm khoảng 41,57% dân số ở Đà Bắc. Các cụ cao tuổi nhất ở đây cũng không còn nhớ nguồn gốc của chữ Tày cổ, nhưng chắc chắn một điều: Muốn hiểu văn hóa dân tộc Tày thì phải biết chữ Tày.
Anh Sa Văn Cam dành nhiều tâm huyết thực hiện mô hình "Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa chữ Tày cổ” với mong muốn tạo sợi dây gắn kết cộng đồng, góp phần gìn giữ và lan tỏa tình yêu với chữ Tày cổ - tinh hoa văn hóa của dân tộc Tày huyện Đà Bắc.
Nhóm ảnh của Khánh An
Nguồn Hòa Bình : http://www.baohoabinh.com.vn/256/199689/la-nguoi-tay-phai-biet-chu-tay.htm