Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Mỹ (NOAA) đã xác nhận sự xuất hiện của La Nina trong tháng 2/2025. Tuy nhiên, hiện tượng này dự kiến chỉ kéo dài đến tháng 3/2025 trước khi chuyển sang trạng thái trung tính.
Trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4/2025, nhiệt độ bề mặt nước biển sẽ giảm xuống dưới mức trung bình nhiều năm, thấp hơn khoảng -0,5 độ C. Điều này đồng nghĩa với việc ENSO (dao động phương Nam) đang trong điều kiện La Nina nhưng thời gian duy trì quá ngắn để có thể xác định một chu kỳ La Nina hoàn chỉnh.
Sự xuất hiện của La Nina vào thời điểm đầu năm với thời gian ngắn như vậy là khá hiếm gặp, bởi hiện tượng này thường xảy ra vào mùa Thu Đông và kéo dài từ 9 đến 12 tháng. Dù vậy, trong điều kiện La Nina hiện tại, khu vực Nam Bộ có khả năng xuất hiện mưa trái mùa cục bộ trong giai đoạn đầu năm.
La Nina hoạt động bất thường, tháng 2 miền Bắc đón nhiều đợt không khí lạnh, rét hơn mọi năm. (Ảnh minh họa từ Internet)
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhiệt độ trung bình trong tháng 2/2025 trên cả nước sẽ phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng kỳ. Tuy nhiên, riêng Bắc Bộ và Trung Trung Bộ có xu hướng thấp hơn từ 0,5 đến 1 độ C. Lượng mưa trên cả nước nhìn chung ở mức trung bình nhiều năm, nhưng khu vực Trung Trung Bộ có thể ghi nhận lượng mưa cao hơn từ 10 đến 20mm.
Đặc biệt, không khí lạnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng mạnh đến thời tiết nước ta, nhất là trong nửa cuối tháng 2, với nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài. Tại khu vực Hà Nội, nhiệt độ trong 10 ngày tới có xu hướng giảm sâu, đặc biệt vào cuối tuần được dự báo là đợt rét đậm cao điểm. Ngoài ra, Trung Bộ có khả năng xuất hiện các trận mưa rào rải rác, kèm theo dông ở một số khu vực.
Nhiệt độ khu vực Hà Nội trong 10 ngày tới, cuối tuần này là đợt rét đậm cao điểm.
Dự báo trong thời gian tới, nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan có thể xuất hiện trên phạm vi cả nước. Tại các tỉnh miền Bắc, không khí lạnh tăng cường có thể gây ra băng giá, sương muối ở vùng núi, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, vật nuôi cũng như sức khỏe của người dân.
Trong khi đó, sương mù dày đặc có thể làm giảm tầm nhìn, tăng nguy cơ va chạm khi tham gia giao thông. Người dân, đặc biệt tại các khu vực chịu ảnh hưởng mạnh của không khí lạnh và thời tiết cực đoan, cần có biện pháp bảo vệ sức khỏe, đảm bảo an toàn cho cây trồng, vật nuôi và đề phòng những rủi ro do điều kiện thời tiết bất lợi gây ra.
Trung tâm dự báo KTTV Trung ương