Con đi sinh hoạt Gia đình Phật tử và con cũng được mẹ chở đi chùa nhiều, con nghĩ đó là may mắn rất lớn của con so với các bạn khác. Con có các anh chị huynh trưởng, có sư ông, có sư phụ và sư cô dễ thương. Mọi người, nhất là các anh chị thương yêu con, khi gặp mặt thường hỏi con rằng: “em có gì vui không”, có khi hỏi: “Lạc ơi, em có gì buồn không sao xị mặt vậy”. Đặc biệt là ông ngoại, sư ông và sư phụ luôn quan tâm hỏi con “mẹ dữ không”, con mà “méc” xong thì mẹ con có sự thay đổi ngay. Nên khi có dịp, con luôn muốn trình bày câu chuyện của tụi con cho người lớn biết, để quan tâm đến chúng con hơn.
Chăm chú học giáo lý
Mẹ con là người rất “dữ” nhưng đổi lại, mẹ rất quan tâm con. Mặc dù rất bận rộn, nhưng không ngày nào mẹ quên hỏi thăm con là: “Hôm nay ở trường học vui không, Lạc?”. Lúc trước con chán, con quạu khi nghe mẹ hỏi, vì cứ hỏi câu đó hoài. Nhưng sau những ngày vui rồi có ngày buồn, có nhiều câu chuyện khác nhau để kể cho mẹ nghe thì con thấy mẹ hỏi đúng.
Có ngày con kể mẹ nghe, nay con buồn vì điểm kém, mẹ nhỏ nhẹ hỏi con “tại sao điểm kém thế Lạc ha”. Con nói tại không học bài, thế là mẹ nói “trả giá thôi chứ buồn gì”, vậy là con biết lỗi ở con, con phải thay đổi, chăm chỉ học bài. Thú thật khi mẹ con nói chuyện nhỏ nhẹ, con sợ hơn khi mẹ lớn tiếng. Có một điều con hạnh phúc khi làm con của mẹ đó là mẹ cho con quyền tự quyết. Mẹ không chịu trách nhiệm thay con nếu đó là vấn đề từ con. Con phải tự giải quyết nếu con muốn được hạnh phúc hơn, thoải mái hơn và không phải buồn do lỗi của chính mình.
Nhưng có những chuyện siêu buồn mà con không thay đổi được, đó là những câu chuyện đáng thương của bạn con. Bạn con rất buồn vì ba mẹ không sống với nhau hoặc đã giận nhau và không muốn gặp nhau. Các bạn muốn ba mẹ hòa đồng, không giận nhau nữa và muốn sống cuộc sống đầy hạnh phúc. Con có an ủi bạn con rằng, gia đình mình cũng có lúc ba mẹ cãi nhau, giận nhau và tớ luôn nói với ba mẹ rằng ba mẹ cãi nhau thì con rất buồn, thì ba mẹ liền làm hòa với nhau. Lúc đó, bạn con bảo “nhưng ba mẹ tớ đâu ở chung một nhà nữa, ba mẹ tớ đã chia tay rồi”.
Mùa Phật đản năm 2024, em Tắm Phật và nguyện cầu hạnh phúc cho người thân và các bạn
Sự thật là có những chuyện khó mà xảy ra và những đứa trẻ tụi con chỉ biết ước. Nhiều bạn con ước được ăn cơm cùng ba mẹ, ngủ cùng ba mẹ, được đi chơi cùng ba mẹ nhưng đó chỉ là ước mơ. Chúng con nói với nhau, không biết ba mẹ yêu nhau kiểu gì, lại thường nói là yêu thương con nhất nhưng rõ ràng ba mẹ không hòa thuận thì tụi con đâu có vui. Như vậy là thương con nhiều chưa?
Mẹ hay hỏi con là: “Lạc ơi, con thích có em không?”. Con luôn trả lời không thích vì con biết có em chẳng có gì vui cả. Con rất nhiều lần nghe các bạn con kể trong buồn rầu, rằng từ ngày có em bạn chẳng được ba mẹ yêu thương nữa, cái gì cũng dành cho em thôi.
Có lần bạn kể con nghe, mẹ bạn mua một cái bánh bao có hai trứng cút, mẹ đã bẻ đôi cái bánh và hai trứng cút cho em, trong khi bạn rất thèm trứng cút thì không được cái nào. Em của bạn còn nhỏ, không ăn hết nửa cái bánh bao và hai trứng cút, em chỉ cắn chút chút thôi, còn rất nhiều. Nhưng đến chiều thì phần bánh bị hư, thế là con Luxi (con chó trong nhà) được hưởng bánh và trứng cút đó. Bạn con nói, khi thấy con Luxi ăn bánh, bạn đã buồn rất nhiều.
Em nuôi dưỡng yêu thương nơi cửa thiền
Con đến chùa Xá Lợi vào cuối tuần để sinh hoạt Gia đình Phật tử. Khi vào chùa con đều nguyện “con nguyện những hạnh phúc và may mắn sẽ đến với con, đến gia đình con và các bạn”. Mẹ thường hỏi con cầu nguyện gì, có khi con kể cho mẹ nghe, có khi con xin giữ bí mật vì con có cầu nguyện cho bạn mình. Khi cầu nguyện con luôn tin rằng lời nguyện sẽ thành hiện thực nếu con thành tâm và con mong lời cầu nguyện của con ít có bị như những đóa hoa sen tàn.
Con cũng muốn lời cầu nguyện của con được ba mẹ các bạn nghe thấy.
Cùng quý độc giả:
Chuyện “Lá thư người áo lam” là tiểu mục trên trang Bạn trẻ, mỗi tháng một kỳ, bắt đầu khởi đăng từ số báo 1282.
Đây là chuyên mục dành riêng cho các Phật tử trẻ (dưới 35 tuổi) trên con đường học hỏi và thực hành Phật pháp. Tại đây, các bạn có thể chia sẻ những trăn trở hoặc trải nghiệm thú vị với thầy, cô, bạn đồng tu, cũng như những câu chuyện thực tế về hành trình tìm hiểu và ứng dụng giáo lý Phật-đà trong cuộc sống hàng ngày, góp phần nuôi dưỡng một cộng đồng Phật tử trẻ đầy năng lượng và tâm huyết.
Bài viết không quá 1.200 chữ, gửi về Giác Ngộ (85 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM) bằng thư tay hoặc qua địa chỉ e-mail: onlinegiacngo@gmail.com.
Bài được chọn đăng sẽ có nhuận bút, và cứ sau 6 tháng Ban Biên tập sẽ chọn ra một bài hay, ấn tượng nhất để trao thưởng, giải thưởng gồm 500.000 đồng và quà tặng trị giá 500.000 đồng. Mong nhận được sự hưởng ứng của quý độc giả báo Giác Ngộ.
Ý Lạc/Báo Giác Ngộ