Lá vối đun nước uống có tác dụng gì?

Lá vối đun nước uống có tác dụng gì?
2 giờ trướcBài gốc
Đặc điểm của cây vối
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, cây vối còn được gọi là cây trâm nắp, họ Sim Myrtaceae, tên khoa học là Cleistocalyx Operculatus, nguồn gốc từ vùng nhiệt đới Châu Á.
Ở nước ta phân bố nhiều ở một số vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh Tây Nguyên, Đồng Nai. Cây vối thường mọc hoang ở ven bờ hồ, suối, một số vùng có trồng để lấy lá, nụ làm trà hoặc hãm nước uống.
Cây vối có những đặc điểm nhận diện như sau:
Cây vối có 2 loại là vối nếp (lá nhỏ, màu vàng xanh) và vối tẻ (lá to hơn, hình thoi, màu xanh sẫm).
Cây thân gỗ, chiều cao trung bình khoảng 5 - 6m, đường kính thân tầm 50cm, cây màu nâu đen, cành tròn, nhắn, thường có những khe nứt dọc.
Lá vối có hình bầu dục, nhọn ở phần đầu, phiến dày, cứng. Khi già, mặt dưới lá nhiều chấm đen, mùi thơm dễ chịu, vị hơi đắng và chát.
Hoa vối mọc thành chùm ở nách lá, mỗi chùm khoảng 3 - 5 hoa, màu trắng đục. Tháng 5 - 7 là thời điểm cây ra hoa.
Lá vối đun nước uống có tác dụng gì?
Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời BS Vũ Duy Thành cho biết, theo Đông y, lá vối vị đắng nhẹ, hơi chát, tính hàn, quy kinh phế, can, bàng quang; tác dụng thanh nhiệt, kháng khuẩn, giảm đau, tiêu viêm, điều hòa chức năng phổi, gan, bàng quang.
Không chỉ là thức uống giải khát, thanh nhiệt, mát gan mà nước vối còn cung cấp một lượng nước, khoáng chất hàng ngày, tác dụng lợi tiểu, loại bỏ các độc tố trong cơ thể; cải thiện tình trạng tiêu hóa, bảo vệ niêm mạc ruột, chống lại vi khuẩn gây hại trong đường ruột; hỗ trợ điều trị đái tháo đường do lá vối chứa polyphenol, hoạt chất có khả năng kiểm soát lượng đường trong máu.
Lá vối đun nước uống có tác dụng gì là băn khoăn của nhiều người
Duy trì thường xuyên một lượng nước vối phù hợp sẽ giúp hỗ trợ hạ mỡ máu, bảo vệ tế bào B tuyến tụy, hỗ trợ tim mạch.
Lưu ý khi sử dụng nước lá vối
- Không uống nước vối khi đói, vì lá vối có tác dụng kích thích tiêu hóa, làm tăng nhu động ruột do đó, uống khi đói sẽ khiến bụng cồn cào khó chịu.
- Sử dụng lá vối khô sẽ tốt hơn vì trong lá vối tươi thường chứa lượng chất kháng khuẩn nhiều hơn. Hơn nữa, nếu sử dụng kéo dài lá vối tươi có thể ảnh hưởng đến lượng vi khuẩn có lợi trong cơ thể, hao huyết.
- Nên chia ra nhiều lần uống trong ngày, không uống nhiều nước vối một lúc.
- Không uống sau ăn vì có thể ảnh hưởng quá trình tiêu hóa, hấp thụ thức ăn.
- Không dùng cho người có thể trạng gầy yếu suy nhược.
- Không nên dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi do hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu, phụ nữ có thai không nên dùng nước vối quá nhiều, quá đặc ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, bài tiết.
- Chọn lá vối có chất lượng tốt, sạch sẽ, không bị phun thuốc trừ sâu, có chứa thành phần chất bảo quản có hại cho cơ thể.
- Những người đang điều trị bệnh, sử dụng thuốc tây y, thuốc nam không nên uống nước lá vối, vì có thể làm giảm tác dụng của thuốc đang sử dụng. Nếu muốn sử dụng lá vối làm nước uống, cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
Thanh Thanh (Tổng hợp)
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/la-voi-dun-nuoc-uong-co-tac-dung-gi-ar902417.html